Đam mê với sản phẩm OCOP

19/03/2023 06:06

Tận dụng, phát huy hiệu quả nguồn nguyên liệu, giúp người dân nâng cao thu nhập, đồng thời xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương, quyết tâm đầu tư, xây dựng những sản phẩm OCOP từ các loại dược liệu trên địa bàn, đó là việc làm mà chị Cù Thị Hồng Nhung - Quản lý của HTX Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành đã và đang làm ở mảnh đất Tu Mơ Rông.

Duyên nợ với dược liệu

Chiều muộn một ngày cuối tuần đầu tháng 3/2023, sau nhiều lần lỡ hẹn vì công việc của chị quá bận, tôi mới gặp được người phụ nữ năng động, thông minh Cù Thị Hồng Nhung (38 tuổi) -Quản lý của HTX Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành (ở xã Đăk Rơ Ông). Sau cái bắt tay nồng ấm, biết ý định của chúng tôi muốn tìm hiểu về chị với niềm đam mê với sản phẩm của địa phương, chị Nhung liền kể với chúng tôi về duyên nợ với dược liệu để có được thành quả như hôm nay.

Theo chị Nhung, năm 2007, chị được nhận về làm giáo viên trên vùng đất Ngọc Lây. Sau thời gian sống ở mảnh đất này, chị nhận thấy tiềm năng về dược liệu nên chị vừa làm vừa mua bán dược liệu, theo kiểu “lấy công làm lãi” để trang trải cuộc sống. Chị thu mua các sản phẩm dược liệu của bà con tìm được từ rừng về bán kiếm lời. Cứ thế, sau nhiều năm buôn bán dược liệu, cuộc sống gia đình chị dần dần khá hơn. Đến năm 2019, chuyển công tác ra xã Đăk Rơ Ông nhưng chị vẫn duy trì việc buôn bán dược liệu.

Chị Nhung đam mê với sản phẩm OCOP. Ảnh: P.N

 

Thời điểm ấy, tỉnh ta đang đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Xã Đăk Rơ Ông được chọn làm điểm để xây dựng nông thôn mới cũng như xây dựng các sản phẩm OCOP. Lãnh đạo xã khi ấy, nhận thấy chị Nhung có niềm đam mê, gắn bó với dược liệu nên đã tích cực vận động và thuyết phục chị tham gia để xây dựng sản phẩm cho địa phương.

Chị Nhung chia sẻ: Được lãnh đạo xã động viên và tạo mọi điều kiện giúp đỡ nên tôi đã vận động 25 người khác góp vốn để thành lập HTX Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành, chuyên thu mua dược liệu và chế biến sản phẩm của người dân địa phương.

“Sau khi thành lập HTX, chúng tôi xây dựng kế hoạch phát triển thêm vùng nguyên liệu, đồng thời, đầu tư máy móc, xây dựng nhà máy chế biến.  Cũng từ đây, chúng tôi bắt đầu tiến hành sản xuất chế biến sâu cho ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng. Sản phẩm đầu tay chúng tôi tiến hành sản xuất là “Trà nấm Hồng Chi” để tham gia chương trình OCOP” - chị Nhung chia sẻ.

Đóng nhãn mác cho sản phẩm OCOP. Ảnh: PN

 

Cũng theo chị Nhung, sở dĩ chị chọn sản phẩm “Trà nấm Hồng Chi” để sản xuất là bởi vì nguyên liệu nấm này ở địa bàn Đăk Rơ Ông nói riêng và huyện Tu Mơ Rông rất nhiều. Đặc biệt, nguyên liệu này chủ yếu được người dân địa phương đi thu hái từ trong rừng tự nhiên, đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, chị nhận thấy bà con thu hái về bán cho thương lái quá thấp, chỉ với giá 20.000-30.000 đồng/kg mà lại không phát huy giá trị, cũng như công dụng của nấm. Vì vậy, chị quyết định thu mua cho bà con giá cao gấp đôi, rồi tiến hành chế biến sâu từ nguyên liệu này để nâng cao giá trị sản phẩm và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đó cũng là lý do khiến chị gắn bó với dược liệu cho đến bây giờ.

Xây dựng sản phẩm đặc trưng địa phương

Chính bởi duyên nợ với dược liệu và cùng với sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, chị Nhung cùng thành viên hợp tác xã càng được tiếp thêm động lực để đưa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Sau thời gian tích cực nghiên cứu, chế biến và sản xuất ra sản phẩm đảm bảo cả về chất lượng và mẫu mã, năm 2020, sản phẩm đầu tay “Trà nấm Hồng Chi” được chị mang đi tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP và sản phẩm này đã đạt 3 sao. Chính điều đó, đã tiếp thêm động lực cho chị và thành viên  hợp tác xã vững niềm tin và quyết tâm theo đuổi để đầu tư, mở rộng thêm các sản phẩm khác.

Để có nguồn nguyên liệu ổn định cho việc sản xuất, chế biến các sản phẩm, hợp tác xã đã đầu tư xây dựng 1 vườn ươm cây giống sâm dây, sơn tra, ngũ vị tử rộng 1,5ha. Nguồn cây giống này chủ yếu sử dụng vào việc liên kết sản xuất với người DTTS trên địa bàn xã Đăk Rơ Ông và xã lân cận Đăk Tờ Kan. Ngoài ra, hợp tác xã còn thu mua nguồn nguyên liệu nho rừng và các lâm sản phụ khác do người dân ở các xã khác trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông thu hoạch được. Hiện nay, HXT giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động và cho 30 lao động thời vụ với thu nhập của mỗi lao động từ 160.000-300.000 đồng/ngày.

Vườn ươm giống sâm dây của HTX. Ảnh: P.N

 

Cũng theo chị Nhung, thời gian tới, chị tiếp tục liên kết với người dân mở rộng diện tích vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến. Các hộ dân liên kết, HTX sẽ cung ứng giống, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc và cam kết thu mua sản phẩm của người dân với giá bằng và cao hơn thị trường.

Chị Cù Thị Hồng Nhung chia sẻ: Qua nhiều năm sống ở mảnh đất Tu Mơ Rông, nhận thấy ở đây có tiềm năng lớn về dược liệu nên tôi và thành viên hợp tác xã đầu tư máy móc, thiết bị, xây dựng nhà máy chế biến sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu. Qua đó, tôi mong muốn giúp người dân ổn định đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu ở địa phương. Đặc biệt, chúng tôi tập trung chế biến sâu, làm ra các sản phẩm mang đặc trưng riêng góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm của địa phương mình.

Từ sản phẩm đầu tiên, năm 2022, HTX Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành tiếp tục có 4 sản phẩm là trà khổ qua, mứt sâm dây Ngọc Linh, rượu nho rừng và rượu sơn tra tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh. Như vậy, đến nay, HTX đã có 5 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao và là một trong những chủ thể có nhiều sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao nhất trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông.

Chị Nhung chia sẻ, trong năm 2023 này, HTX tiếp tục đầu tư thêm máy móc chế biến thêm các sản phẩm và dự kiến sẽ có 8 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Tất cả các sản phẩm này đều có nguồn gốc từ dược liệu, mang đặc trưng của địa phương Tu Mơ Rông.

Ông Bùi Thế Toàn- Chủ tịch xã Đăk Rơ Ông cho biết: Việc chị Nhung và HTX Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành tích cực đầu tư chế biến sâu các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của địa phương không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, có đầu ra ổn định, nâng cao giá trị của dược liệu mà còn giúp thương hiệu sản phẩm của xã được nhiều người biết đến. Chúng tôi kỳ vọng, với sự đồng hành của HTX, các sản phẩm OCOP của địa phương sẽ vươn xa ra các tỉnh thành trong cả nước, góp phần giúp người dân thoát nghèo bền vững và vươn lên khá giả từ những sản vật của địa phương.  

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác