Đam mê phát triển dược liệu

10/11/2020 13:01

Từ ông chủ 8ha cà phê xen canh sầu riêng đang có thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm ở huyện Krông Nô (tỉnh Đăk Nông), năm 2017, anh Nguyễn Viết Tiến (36 tuổi) vẫn quyết định rời quê khăn gói đến huyện Kon Plông để sản xuất và kinh doanh cây dược liệu. Sau hơn 3 năm gắn bó ở vùng đất mới, anh Tiến đã gặt hái được những thành công bước đầu và giúp nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS nơi đây có nguồn thu nhập ổn định.

Đón chúng tôi ở thôn Kon Chênh, xã Măng Cành (huyện Kon Plông) trong một buổi chiều trời mưa gió lạnh, anh Tiến vội vã bắt tay rồi dẫn chúng tôi vào trụ sở làm việc, đồng thời cũng là khu nhà sản xuất của Hợp tác xã mà anh đang làm Giám đốc. Hợp tác xã có tên Trường Tiến, chuyên kinh doanh nông nghiệp và dịch vụ thương mại, được thành lập từ đầu năm nay với 7 thành viên.

Dường như đã thành thói quen, hễ có khách đến thăm hay làm việc, anh Tiến đều lấy sản phẩm trà túi lọc do chính hợp tác xã của mình sản xuất ra pha cho khách thưởng thức. Dưới tiết trời Măng Cành mây phủ và mưa lạnh, đón nhận rồi nhâm nhi ly trà nóng từ anh Tiến khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng.

Nhìn đôi bàn tay chai sạn và thô ráp thì không ai nghĩ anh Tiến là giám đốc của HTX. Không cần hỏi chúng tôi cũng biết được, đôi bàn tay ấy của anh Tiến đã phải  lao động vất vả như thế nào.  

Anh Tiến tâm sự, quê gốc của anh ở xã miền núi Tiên Châu (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Sinh ra trong gia đình làm nông nên từ khi còn nhỏ, anh Tiến đã biết phụ cha mẹ làm việc nhà và làm rẫy. Vì hoàn cảnh gia đình nên từ nhỏ anh luôn cần cù lao động, nuôi dưỡng lòng quyết tâm và ý chí vươn lên.

Anh Tiến giới thiệu máy đóng gói trà túi lọc. Ảnh: Đ.T

 

Năm 2011, lúc bấy giờ 27 tuổi, anh bắt đầu rời quê hương lên huyện Krông Nô để lập nghiệp. Với sự giúp đỡ của một người họ hàng cộng với tính chịu khó của mình, sau vài năm lao động sản xuất ở Krông Nô, anh đã xây dựng được cơ nghiệp với 8ha trồng cà phê xen canh sầu riêng.

Dẫu vậy, lòng quyết tâm cùng ý chí vươn lên làm giàu chính đáng của anh Tiến luôn sục sôi không ngừng. Vừa trồng cà phê xen canh sầu riêng, anh vừa tìm hiểu và trồng thử nghiệm cây dược liệu.

“Quãng thời gian đó, tôi trồng vài trăm gốc đinh lăng trên diện tích khoảng vài sào trong khu rẫy của mình. Nhờ được chăm sóc kỹ nên cây đinh lăng sinh trưởng và cho thu nhập tốt. Chính việc trồng thành công cây đinh lăng khiến tôi vững tin và càng quyết tâm hơn đến với nâng cao giá trị cây dược liệu”, anh Tiến chia sẻ.

Sau thời gian tìm hiểu, anh Tiến bắt đầu tìm kiếm đất để trồng cây dược liệu. Nhận thấy đất sản xuất ở Măng Đen còn nhiều và phù hợp để phát triển dược liệu nên năm 2017, anh tiếp tục khăn gói từ Krông Nô đến Măng Đen thuê đất để trồng loại cây này.

Quyết định gắn bó với nơi này, đầu năm 2020, anh Tiến cùng với người thân và bạn bè thành lập Hợp tác xã Trường Tiến để thực hiện ước mơ mà anh nung nấu.

Hợp tác xã hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thu mua (gồm thân, lá, hạt, củ) các loại dược liệu như sâm dây, đương quy, tiêu rừng…do người dân trên địa bàn xã Măng Cành trồng hoặc tìm được trong rừng, sau đó sản xuất thành các sản phẩm để bán ra thị trường.

Anh Tiến cho biết, các sản phẩm mà Hợp tác xã đang sản xuất hiện nay là Trà sâm túi lọc 3 vị (sâm dây, chè dây, đương quy), cao hồng đẳng sâm và tinh dầu tiêu rừng.

Hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất đều được tự động hóa. Ảnh: Đ.T

 

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu nhà sản xuất của Hợp tác xã, anh Tiến giới thiệu, khu nhà sản xuất có quy mô gần 3.000m2, gồm các phòng sấy lạnh, xay, trộn, chiết, cô cao; luộc sâm, chiết xuất tinh dầu; phòng đựng nguyên liệu, sản phẩm và đóng gói bao bì; rửa nguyên liệu thô…Máy móc, thiết bị trong khu nhà có tổng giá trị gần 2,5 tỷ đồng, được nhập khẩu từ Đài Loan.

Anh Tiến cho hay, vì máy móc, thiết bị đều tự động hóa nên khu nhà sản xuất chỉ cần 8 công nhân vận hành và công suất sản xuất sản phẩm tối đa mỗi ngày là 600 hộp trà, 500 hộp tinh dầu và 100 hộp cao...

Để có nguyên liệu gối đầu, đáp ứng cho việc sản xuất kinh doanh liên tục, anh Tiến cùng các thành viên trong Hợp tác xã đã đi vận động người dân trên địa bàn xã Măng Cành tham gia chuỗi liên kết sản xuất với Hợp tác xã. Hợp tác xã đứng ra đảm bảo thu mua đầu ra cho người dân.  

“Hiện nay, mỗi tháng chúng tôi thu mua trung bình 2 tấn sâm dây, 3 tấn tiêu rừng và 1,5 tấn đương quy của người dân với giá cao hơn thị trường. Cụ thể, sâm dây thu mua 80.000 đồng/kg; đương quy 35.000 đồng/kg và tiêu rừng 20.000 đồng/kg” - anh Tiến nói.

Sau khi dẫn chúng tôi tham quan bên trong khu nhà xưởng, anh Tiến còn dẫn chúng tôi đến khu vườn ươm các cây dược liệu ngoài trời của Hợp tác xã. Anh Tiến khoe, các cây dược liệu được ươm ở khu vườn này đều được các anh trồng ở khu vườn mẫu diện tích 5.000m2 trong thôn Kon Chênh. Khu vườn mẫu ấy chính là nơi Hợp tác xã đưa người dân đến tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng cây dược liệu.

“Hợp tác xã Trường Tiến không chỉ bao tiêu sản phẩm mà còn hỗ trợ cây giống và chuyển giao kỹ thuật trồng các loại cây dược liệu cho bà con. Hiện tại, Hợp tác xã đang hỗ trợ cho 216 hộ dân trên địa bàn xã Măng Cành trồng sâm dây và đương quy trên tổng diện tích 13ha” - anh Tiến chia sẻ.

Anh Tiến bộc bạch: “Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mua thêm máy móc, thiết bị để hoàn thiện dây chuyền sản xuất cho 2 sản phẩm làm từ sâm dây là kẹo và nước giải khát đóng chai. Cùng với đó sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu sang các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kon Plông”.

 Tiễn chân chúng tôi ra cổng, anh Tiến không quên giới thiệu: “Nếu các anh có dịp ghé thăm hệ thống siêu thị MM Mega Market ở thành phố Đà Nẵng hay ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thấy các sản phẩm của Hợp tác xã đấy!”.

Chia tay người thanh niên đam mê dược liệu Nguyễn Viết Tiến, chúng tôi tin rằng, với ý chí và quyết tâm, trong tương lai gần, anh sẽ cầm lái “con thuyền” Hợp tác xã Trường Tiến ngày càng phát triển và luôn đồng hành, giúp người dân trên địa bàn thoát nghèo bền vững từ cây dược liệu.

Đức Thành

Chuyên mục khác