Dặm dài miền biên giới

15/07/2015 07:52

Từ một vùng đất xa xôi, khó khăn bậc nhất của tỉnh, Nam Sa Thầy đang từng bước trở thành miền biên giới kiểu mẫu về an ninh quốc phòng, gắn với phát triển kinh tế…

Nam Sa Thầy đang khoác lên mình chiếc áo mới với cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, kinh tế, văn hoá, xã hội ngày càng phát triển. Có được kết quả như ngày hôm nay, không thể không nhắc tới những gian khổ, hy sinh, cống hiến của những cán bộ, giáo viên, công nhân đã vượt mọi khó khăn, thử thách đi xây dựng vùng đất mới…

Vượt bao gian khó

Hơn 4 tiếng đồng hồ chạy xe máy dưới cái nắng chang chang vượt quãng đường khoảng 150 cây số từ thành phố Kon Tum, trong đó có nhiều đoạn còn gồ ghề, lầy lội, vắng vẻ, quanh co, chúng tôi mới tới được UBND xã Ia Dom (Nam Sa Thầy).

Mời khách vào trụ sở UBND xã trong ngôi nhà tôn chừng 100m2 tiếp quản lại của Nông trường Cao su Suối Cát, anh Nguyễn Văn Cường - Bí thư Chi bộ xã Ia Dom chào khách bằng câu hỏi đầy quan tâm, nhưng cũng là một cách để anh trải lòng: Vất vả lắm phải không các nhà báo, nhưng so với mấy năm về trước thì đó là cả một mơ ước của những cán bộ, giáo viên và người dân vùng đất này đấy.

Anh Cường là một trong những cán bộ đầu tiên của Ban chỉ đạo Nam Sa Thầy từ ngày mới thành lập. Đến tháng 1/2014, khi thành lập 3 xã Nam Sa Thầy, anh được phân công về làm bí thư chi bộ xã. Thấm thoát đã 5 năm công tác tại vùng đất này, công việc, cuộc sống của anh trải qua không ít những khó khăn. Nhưng gác tất cả những vất vả về công việc sang một bên, anh kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của những ngày đầu trên vùng đất mới với bao kỷ niệm còn nguyên vẹn như ngày hôm qua.

Ngày đó, Ban chỉ đạo Nam Sa Thầy có 13 cán bộ, hai ngôi nhà gỗ nằm giữa rừng vừa là nơi làm việc, vừa là chỗ ở cho cả Ban. Chưa có điện lưới nên mỗi ngày anh em chỉ được phát máy nổ 4 tiếng đồng hồ để làm việc, buổi tối tranh thủ vài tiếng bơm nước, ăn uống. Nhưng cực nhất là việc đi lại, từ Ban chỉ đạo ra đến cầu Sê San chỉ vài chục cây số, thế nhưng, mùa nắng thì còn có đường đi dù bụi bặm, gập ghềnh, nhưng mùa mưa thì phải đi vòng đường tuần tra biên giới xa gấp 2-3 lần. Nắng ráo thì vài tuần anh em còn thay phiên nhau về nhà, chứ mưa gió thì có khi cả tháng trời cũng không được về. Trứng, cá khô, mì tôm... tất cả những loại thực phẩm có thể để dành được là món ăn thường xuyên của những cán bộ ở đây.

Nam Sa Thầy đã xanh ngút ngàn những cánh rừng cao su hút tầm mắt. Ảnh: TH

 

Trong hành trình của những người đi xây dựng quê hương mới, những công nhân chính là những người đi tiên phong, họ đã khai phá và kiến thiết để có một vùng đất biên cương xanh tươi hôm nay. Trong những năm tháng ấy, họ đã phải vượt qua bao khó khăn, đối mặt với muôn vàn thử thách.

Ông Lê Văn Cao (thôn 2, xã Ia Dom) là một trong những công nhân đầu tiên đến với vùng đất này làm công nhân cho Công ty Cao su Sa Thầy.

Nhớ lại những ngày mới đặt chân đến đây, ông vẫn còn bồi hồi xúc động: Nói sao cho hết những gian nan nhỉ, chỉ nguyên cái nắng như thiêu đốt ở đây đã đủ làm nản lòng không ít người. Lúc đó, cả đội chỉ vài chục anh em sống giữa rừng không điện, không thông tin; ngày ngày gánh cây lên đồi trồng, chiều về xuống suối tắm, lấy nắm rau tàu bay về nấu canh, cơm với cá khô, đậu phụng rang muối suốt tháng này qua tháng khác. Vậy mà nhiều khi mưa lớn, đường tắc, công ty không kịp tiếp tế, anh em phải lội bộ qua những quãng đường lầy lội đến nhờ các anh bộ đội cho gạo. Nhưng những điều đó vẫn chưa đáng sợ bằng những trận sốt rét ác tính luôn hoành hành, mỗi lần ra được ngoài hoặc có người vào toàn nhờ mua thuốc để dành. Ăn uống thiếu thốn, sốt rét liên miên nên ai cũng gầy gòm, ốm yếu, có không ít người đã phải bỏ về vì không chịu nổi gian khó...

Quyết tâm bám đất

Gian khó, vất vả là vậy, nhưng đa phần mọi người đều quyết tâm bám đất vì họ xác định “đến đây phải ở lại đây, bao giờ bén rễ xanh cây mới về”. Và thực sự nếu không có những người quyết tâm vượt mọi khó khăn ở lại xây dựng quê hương mới, thì hôm nay chúng tôi cũng không có dịp được nghe những câu chuyện đầy xúc động của lớp người đi tiên phong hồi ấy.

Trong số những người đi khai phá vùng đất mới, không thể không nhắc tới những giáo viên - họ đã khắc phục tất cả những gian nan về đường xá đi lại, thiếu thốn về vật chất, tinh thần, để “cõng chữ” đến với những học trò miền biên ải, giúp cho các gia đình công nhân yên tâm gắn bó với vùng đất mới.

Cô Đinh Thị Thu – Giáo viên Trường Mầm non Măng Non xã Ia Dal (Nam Sa Thầy) giãi bày: Từ lúc còn là cô trông trẻ của Công ty Cao su Chư Mom Ray đến hôm nay là giáo viên tại xã Ia Dal đã 5 năm rồi, cả nơi dạy học và chỗ ở của em vẫn chưa có điện lưới. Hồi mới đến đây, nhìn ra chỉ thấy rừng và những vạt đồi đất đỏ đang được lấp đầy bằng cây cao su, dân cư ở thưa thớt; ngày hai buổi ở lớp, tối về đến nhà lại lủi thủi một mình, không tivi, không internet, sóng điện thoại thì chập chờn, đường xá đi lại thì khó khăn... Thanh niên mà ở một nơi như thế này, không cần nói chắc mọi người cũng biết nó bức bối, lạc hậu đến thế nào, nếu không thực sự xem bọn trẻ như con, không quyết tâm gắn bó thì có lẽ em cũng đã về quê rồi.

Còn với thầy giáo Nguyễn Đức Thảo - Giáo viên Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (xã Ia Dal) thì kể rằng: Ngày 2 buổi lên lớp, giáo viên ở đây còn phải đảm nhận nhiều việc không tên như chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, sức khoẻ cho các em suốt tuần, dạy các em từ nếp ăn, nếp ở bởi đa số các em đều ở nội trú, xa gia đình. Nhưng có lẽ vì vậy mà tình thầy trò nơi miền đất biên giới cũng sâu đậm, gắn bó hơn đấy nhà báo ạ, nó đã níu chân được những người trẻ như bọn em, chứ thực sự nhìn vào những thiếu thốn, khó khăn ngay hiện tại như chưa có điện, nhà ở tạm bợ, mùa nắng thì toàn tắm suối... không ít người cũng thấy nản.

“Không chỉ em mà cả vợ em cũng là giáo viên ở đây, lúc mới vào thì nói “đến đây thì ở lại đây, bao giờ bén rễ xanh cây mới về”, nhưng giờ thì rễ đã bén, cây đã xanh rồi mà vẫn chưa về” - Thầy giáo Thảo cười tiết lộ thêm.

Trở lại với chuyện của ông Lê Văn Cao, tôi nhớ mãi câu chuyện ông kể mà nhiều người khi nghe sẽ không khỏi thán phục về quyết tâm bám đất của ông: Sau nhiều đấu tranh tư tưởng ở lại hay về quê vì khó khăn, khắc nghiệt quá, tôi lại nghĩ tốt nhất nên đưa vợ con vào để mình yên tâm không nhấp nhổm nữa. Thế là tôi đón vợ vào, nhưng bà ấy không làm công nhân mà ở nhà buôn bán thêm, lấy mấy mặt hàng tiêu dùng hằng ngày để bán cho những gia đình công nhân trong đội. Để ra được xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) lấy hàng, dù chỉ 30 cây số nhưng tôi phải đi từ 4h sáng, đến tối mới về đến nhà, có lần mua 200 quả trứng về đến nhà đếm lại còn được hơn 50 quả vì đường khó đi, ngã lên ngã xuống, trứng bị dập bể.

Gian nan, cơ cực, thiếu thốn nhường đó, nhưng chúng tôi tự hỏi vì sao họ vẫn vượt qua và gắn bó với vùng đất này? Đi tìm lời giải cho thắc mắc của bản thân, chúng tôi không khỏi xúc động khi đều nhận được những lời giải thích rất mộc mạc, nhưng đầy lạc quan: Khó khăn nào rồi cũng qua thôi; nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, ở nơi sung sướng thì gian khổ biết dành phần ai; lớp người đi trước vất vả để cho con cháu mình được hạnh phúc...

Thời gian thấm thoát thoi đưa, đất không phụ công người, những cố gắng, nhọc nhằn năm nào của họ, giờ đã thu hái thành quả. Lứa cao su mà lớp công nhân đầu tiên vào trồng giờ cũng đã cho khai thác mủ, góp phần nâng cao thu nhập cho các gia đình công nhân. Những người buôn bán giờ không còn phải vất vả đi lấy hàng vì đường giao thông đi lại đã thuận tiện hơn, xe chở hàng mang tới tận nơi bỏ sỉ. Thế nhưng, ngẫm lại những ngày đó, nhiều người vẫn không khỏi ớn lạnh, đúng là mưu sinh trên vùng đất khó không hề dễ dàng chút nào…

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác