Con trâu là đầu cơ nghiệp

11/01/2021 06:03

Những ngày cuối đông, bầu trời xã Hiếu (huyện Kon Plông) sương mù trắng xóa. Thấp thoáng trong màn sương mù dày đặc là những đàn trâu về chuồng. Bao đời nay, người Mơ Nâm ở xã Hiếu gắn bó với con trâu, coi con trâu là cơ nghiệp để giúp mình vượt khó vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Vùng đất lý tưởng nuôi trâu    

Xã Hiếu ngày cuối năm, trời giá lạnh. Nghe chúng tôi xuýt xoa vì rét, anh Hoàng Văn Đạo - Phó Chủ tịch UBND xã liền pha một ấm trà để uống cho ấm bụng.   

Nhấp vài ly trà nóng thơm phức, người tôi tỉnh táo hẳn ra. Để giúp tôi tìm hiểu thế mạnh của địa phương, anh Đạo đưa đến gặp A Lanh (43 tuổi) - Phó bí thư chi bộ thôn Tu Cần. A Lanh cho biết: Từ năm 2010, tôi gom góp số tiền tích lũy từ nhiều năm trước mua 2 con trâu cái để nuôi. Sau 10 năm chăm sóc, đàn trâu của gia đình phát triển thành 10 con. Để giải quyết nhu cầu của cuộc sống, gia đình đã bán 3 con và hiện còn 7 con.

“Toàn thôn Tu Cần hiện có 80 hộ, nhưng có đến 72 hộ nuôi trâu. Nhóm hộ của tôi có 3 hộ nuôi chung 25 con trâu. Các hộ gia đình chung nhau làm chuồng trại kiên cố, nền xi măng, mái lợp tôn và tiêm phòng đầy đủ nên trâu khỏe mạnh. Trước đây, nuôi trâu là để giậm ruộng, nhưng nay có máy cày thay trâu rồi, bà con nuôi trâu chỉ để bán thôi”- A Lanh bộc bạch. 

Rời làng Tu Cần, chúng tôi đến làng Đăk Lom - nơi có suối Đăk Tờ Rốc nước ấm, trong vắt. Dòng suối là nơi đàn trâu thường kéo nhau đến uống nước và ngâm mình, kể cả giữa mùa đông rét buốt. Tại đây, tôi gặp ông A Dũi (65 tuổi) - nguyên cán bộ Công an huyện Kon Plông. Ông A Dũi tâm sự: Sau khi nghỉ hưu, tôi trở về làng. Thấy được thế mạnh của địa phương có đồng cỏ rộng và những quả đồi trọc có cỏ tranh, cỏ chỉ, lau lách… tươi tốt, tôi mua 3 con trâu cái về nuôi. Sau hơn 10 năm, đàn trâu phát triển thành 16 con. Gia đình đã bán 4 con để xây dựng nhà cửa và hiện đàn trâu còn 12 con. Nếu tính giá bán bình quân hiện nay 17 triệu đồng/con, thì đàn trâu còn lại trị giá trên 200 triệu đồng. 

Bà con DTTS xã Hiếu, huyện Kon Plông chăn nuôi trâu theo từng nhóm hộ. Ảnh: N.H

 

“Toàn thôn Đăk Lom hiện có 9 nhóm hộ gia đình nuôi trâu, bình quân từ 15-25 con/1 nhóm hộ. Phần lớn các nhóm hộ nuôi trâu đều là họ hàng với nhau. Trong quá trình nuôi, bà con đổi công chăm sóc trâu theo số trâu góp trong nhóm nên công sức bỏ ra rất ít, nhưng lợi nhuận cao. Trước năm 1977, làng Đăk Lom và một số làng lân cận trong xã vẫn còn tục đâm trâu cúng lễ, nhưng kể từ khi cán bộ huyện về hướng dẫn, giải thích lợi ích của con trâu trong đời sống hàng ngày và tác hại của việc tổ chức lễ hội đâm trâu là tốn kém và không có tính nhân văn, nên người dân bỏ hẳn cho đến hôm nay”- ông A Dũi phân tích.

Ở các làng thuộc xã Hiếu, chúng tôi nhận thấy nhiều đồng cỏ mênh mông bao bọc  quanh những cánh rừng già. Ở đây, tiết trời thường lạnh, mưa nhiều, không khí ẩm ướt, đồng cỏ lại thường xuyên tươi tốt. Được rừng già che chắn nên đồng cỏ thường kín gió, thuận lợi chăn nuôi trâu.

Qua kinh nghiệm và thực tiễn cho thấy, con trâu có bộ lông thưa và da dày, khi gió nhẹ thổi qua chỉ làm lạnh làn da, còn khi mưa thì nước mưa chảy qua da và bộ lông không dày nên con trâu không bị ngâm nước, và như thế không bị cảm lạnh. Còn con bò thì ngược lại, nó có bộ lông dày và da mỏng hơn nên khi mưa, nước mưa sẽ ngấm ướt rất lâu, trong khi đó ở vùng này, quanh năm là mùa mưa (chỉ có khoảng từ 3-5 tháng nắng), bò dễ bị chết rét do lạnh ướt. Nếu xét cả ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì xã Hiếu là vùng đất lý tưởng để nuôi trâu.

Đầu cơ nghiệp

Qua trao đổi, anh Hoàng Văn Đạo cho biết: Trong những năm qua, UBND xã đã triển khai nhiều chương trình, dự án và lồng ghép nhiều nguồn lực để hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo phát triển kinh tế, nhất là hỗ trợ phát triển chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi trâu; phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn và vận động nhân dân vay vốn tạo việc làm để phát triển đàn trâu nhằm vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 331 hộ (năm 2019) xuống còn 227 hộ (năm 2020), chiếm 25,22% tổng số hộ của xã. Đây là dấu hiệu đáng mừng vì bà con nhận thức được con trâu là cơ nghiệp, là hàng hóa quan trọng để nâng cao thu nhập cho  gia đình. 

Hơn nữa trên thực tế, từ xưa đến nay, bà con xã Hiếu rất quý con trâu. Cứ vào khoảng tháng 3-4 hàng năm, sau khi gieo cấy lúa vụ mùa xong, người nuôi trâu ở xã Hiếu đều tổ chức cúng chuồng trâu với mong ước cho năm tới đàn trâu được mạnh khỏe, sinh sôi nảy nở nhiều hơn. Trước khi cúng, người nuôi trâu dọn dẹp chuồng sạch sẽ, sửa sang lại nền xi măng, các cây gỗ ngáng xung quanh chuồng và mái chuồng. Lễ cúng có xôi, gà, rượu ghè, các sản vật của núi rừng sẵn có.

“Ngày trước, khi máy móc công nghiệp chưa phát triển, người dân ở xã Hiếu nói riêng, các DTTS tại chỗ phía Đông Trường Sơn nói chung, coi “con trâu là đầu cơ nghiệp”, bởi nó giúp người dân kéo gỗ, giậm ruộng, lấy phân bón cây trồng; bán cho thương lái, làm thịt ăn, cúng tế… Con trâu luôn là một tài sản lớn của mỗi gia đình. Từ quan niệm đó, mỗi khi con cái lập gia đình, cha mẹ đều để của hồi môn cho con bằng một con trâu cái, với mong muốn con mình sau này có cơ nghiệp để phát triển kinh tế gia đình”- anh Đạo kể.

Bà Võ Thị Mỹ Thu - Bí thư Đảng ủy xã Hiếu cho biết thêm: Phát triển chăn nuôi các loại gia súc (trâu, heo), gia cầm phù hợp với khí hậu lạnh vùng Đông dãy Trường Sơn là thế mạnh ở địa phương được Đảng ủy, HĐND, UBND xã và các ban, ngành, đoàn thể trong xã đặc biệt quan tâm; trong đó, bà con tập trung phát triển nuôi trâu, heo đen và gà làng. Nhờ đó, đến nay, toàn xã có 5.080 con gia súc (2.050 con trâu, 180 con bò và 2.850 con heo).

“Vì giá trị kinh tế của con trâu lớn, nên trong nhiều năm qua, nhân dân trong xã rất có ý thức trong việc phát triển nuôi trâu. Ngoài việc chăn thả trên sườn đồi, ven suối, bà con còn làm chuồng trại, chăn dắt, làm cây rơm, trồng cỏ sữa dự trữ thức ăn cho trâu và đã chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, đến nay, trên địa bàn xã hầu hết các hộ gia đình đều có nuôi gia súc, trong đó có trên 90% số hộ chăn nuôi có chuồng trại và có 5 thôn làm cây rơm dự trữ thức ăn cho trâu, bò”- bà Võ Thị Mỹ Thu phấn khởi kể.

Nhìn đàn trâu no cỏ trên những quả đồi xanh tốt và bên những đồng ruộng bậc thang rộng lớn, chúng tôi tin việc lựa chọn con trâu làm đầu cơ nghiệp tiếp tục giúp người dân xã Hiếu vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no hơn.  

Nguyên Hà

Chuyên mục khác