Con chữ “nở hoa”

24/07/2023 13:06

Tốt nghiệp Luật kinh tế Đại học Đà Nẵng năm 2018, A Át (thôn Khúc Na, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) nhận thấy việc xin việc làm gặp khó khăn vì Nhà nước đang tinh giản biên chế nên tự tìm cho mình lối đi riêng. Với kiến thức cùng với sự nhanh nhạy trong phát triển kinh tế, anh bám đồng đất quê nhà thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chịu khó học hỏi kỹ thuật thâm canh các loại cây trồng để vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.

Vượt khó lập nghiệp ở quê

Khi tôi đến thăm, A Át còn lúi húi bên căn biệt thự của gia đình đang xây dựng dang dở gần căn nhà cũ đang ở. Gạt vội giọt mồ hôi trên khuôn mặt rắn rỏi, từ ngoài bước vào, anh cười tươi, rồi cầm lấy tách pha trà mời khách.

Không đợi tôi lên tiếng chào hỏi, A Át từ tốn bắt chuyện: Biết anh đến, nhưng do lỡ tay với công việc làm để các anh phải đợi! Tôi xoa tay cười hì hì: Đợi tí mà kể chi. A Át giỏi quá, còn trẻ mà xây dựng căn biệt thự to, đẹp.

“Tằn tiện thôi anh, xây hết khoảng 700 triệu đồng. Còn nhiều việc phải hoàn thiện lắm. Mỗi lần xây nhà là lần khó, em đang cố gắng đó!”- A Át ôn tồn.

A Át thu hoạch cao su. Ảnh: V.N

 

Đó là A Át khiêm tốn nói thế, tôi biết nếu để hoàn thiện căn biệt thự này phải tốn tiền tỷ. Và từ ý định tìm hiểu Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, tôi liền đổi ý sang việc tìm hiểu về A Át - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Khúc Na trẻ tuổi, năng động này.

 Vốn chân chất, A Át thật lòng cho biết anh sinh năm 1990 (người Hà Lăng – một nhánh của dân tộc Xơ Đăng). Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, năm 2010 anh thi đỗ vào Trường Đại học Tây Nguyên. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế gia đình lúc đó khó khăn, thương bố mẹ vất vả, anh không đi học mà ở nhà phụ giúp bố mẹ. Khi điều kiện kinh tế gia đình ổn định hơn, năm 2012, anh xin phép bố mẹ và tự mình lên Huyện đội Sa Thầy đăng ký đi nghĩa vụ quân sự với nguyện vọng trở thành Bộ đội Cụ Hồ, phục vụ lâu dài trong quân đội.

Và nguyện ước của A Át trở thành hiện thực. Sau khi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, hết thời gian huấn luyện, A Át được cấp trên phân về công tác tại Đồn Biên phòng Hồ Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (nay là xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai). Với ý thức phấn đấu rèn luyện, chỉ sau một thời gian ngắn tham gia đội công tác vận động quần chúng, A Át được kết nạp vào Đảng. Tuy nhiên, cuộc sống khắc nghiệt ở biên giới khiến anh bị bạo bệnh, không đảm bảo sức khỏe phục vụ lâu dài trong môi trường quân đội, năm 2013 anh được đơn vị cho xuất ngũ.

Nhận tiền trợ cấp xuất ngũ trở về địa phương và sau khi sức khỏe ổn định trở lại, A Át suy nghĩ phải quyết tâm học đại học. Trời không phụ người có chí, A Át thi và đỗ ngành Luật kinh tế Đại học Đà Nẵng. Lúc này, A Át lập gia đình với một cô giáo làng. Được sự động viên của vợ, A Át dùi mài con chữ, tiếp thu tri thức và năm 2018 thì tốt nghiệp đại học.

Ra trường gặp thời điểm Nhà nước tinh giản biên chế, việc xin việc làm khó khăn, A Át không than vãn mà quyết tâm lập nghiệp bằng đôi bàn tay và tri thức của mình thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thâm canh các loại cây trồng trên đồng đất ở địa phương.

Làm giàu và giúp dân làm giàu

Có tri thức lại chịu khó tìm hiểu trên Internet về kỹ thuật trồng và thâm canh các loại cây trồng như mì cao sản KM140 (người dân ở địa phương thường gọi là mì cán bộ), cao su, cà phê, làm chuồng chăn nuôi gia súc (bò, heo) và tham gia các lớp tập huấn nông nghiệp ở địa phương, A Át ứng dụng vào sản xuất. Cuộc sống của gia đình A Át dần dần thay đổi.

“Thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, em mua phân bón đầu tư thâm canh mì cao sản; rồi làm chuồng nhốt gia súc, lấy phân gia súc ủ hoai mục bón cho mì và cây trồng các loại. Cây mì được đầu tư thâm canh đúng kỹ thuật, phát triển tốt, cho nhiều củ. Hằng năm, việc thu củ mì và bán hom giống mì cao sản đem lại cho gia đình một nguồn thu nhập khá cao và ổn định”- A Át chia sẻ.

Mì KM140 góp phần giúp người dân nâng cao đời sống. Ảnh: V.N

 

Có tiền tích lũy từ sản xuất và chăn nuôi, A Át từng bước chuyển đổi đất trồng mì bạc màu sang trồng cà phê, cao su và cây ăn quả. Trong sản xuất, cây giống được anh lựa chọn từ các cơ sở cung cấp uy tín, đảm bảo chất lượng và được đầu tư phân bón chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên sinh trưởng tốt và đưa vào kinh doanh đúng theo kế hoạch, sớm phát huy hiệu quả kinh tế.

Trầm ngâm một lúc, rồi A Át chậm rãi kể: Tính đến thời điểm này, gia đình em phát triển 1ha cà phê (đã cho thu hoạch từ mấy năm nay), 1ha cao su, 0,5ha sầu riêng và 2ha mì cao sản KM140. Đồng thời, từ nhiều năm nay, em còn nhận chăm sóc và cạo thuê 1,2ha cao su trên địa bàn. Năm vừa qua, gia đình thu nhập từ nông nghiệp (cà phê, cao su, mì, bò, heo sọc dưa giống) trên 400 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, còn lãi ròng trên 350 triệu đồng.

Với mức thu nhập này từ mấy năm trở lại đây, tôi nghĩ việc A Át xây biệt thự ở làng Khúc Na không có gì là khó hiểu. Và trong những năm tới, khi một số diện tích cao su, cây ăn quả đi vào kinh doanh, lợi nhuận thu được từ nông nghiệp của gia đình anh sẽ còn cao hơn nhiều.

Không chỉ sản xuất giỏi, A Át còn là người biết chia sẻ, sống có trách nhiệm với người dân trong thôn. Khi người dân trong thôn đến học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất cây trồng, vật nuôi, anh tận tình chia sẻ và hướng dẫn kỹ thuật. Đồng thời, anh cũng tích cực vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, người dân trong thôn thi đua ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và làm giàu; nhiều hộ gia đình như A Lẽo, A Thiểu, A Đang, A Thoai có thu nhập cao không kém A Át.

Năm 2020, Chi bộ thôn Khúc Na tin tưởng bầu A Át làm bí thư chi bộ. Sau đó, A Át tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn.

“Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn A Át là cán bộ thôn gương mẫu, luôn đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi nếp nghĩ, cách làm hiệu quả và nhiệt tình hướng dẫn, vận động người dân làm theo. Làm theo A Át, đời sống của nhiều người Hà Lăng ở thôn có những chuyển biến tích cực” -A Ber, người có uy tín trong thôn Khúc Na thổ lộ.

Ông Trần Văn Hữu - Phó Chủ tịch UBND xã Sa Bình tỏ bày: A Át là cán bộ thôn trẻ, có trình độ, có năng lực, có uy tín, nhanh nhạy trong việc tiếp thu kiến thức, ứng dụng vào sản xuất, làm kinh tế giỏi, đi đầu trong việc triển khai các mô hình kinh tế và giúp người dân học tập, làm theo nên được người dân trong thôn tin yêu. 

Trước khi chia tay A Át, tôi có dịp nhìn bao quát thôn Khúc Na và nhận thấy nhà cửa người dân ở đây xây dựng kiên cố, sạch đẹp và thôn trù phú. Từ  những gì ghi nhận được, tôi cảm nhận “mạch sống” đang lên của người Hà Lăng trong thôn. Và trong nguồn “mạch” đang chuyển dịch đó, có công đóng không nhỏ của người cán bộ trẻ có tri thức đang góp phần xây dựng cuộc sống trong thôn ngày một tốt đẹp hơn.

Nói như một người dân: “A Át là người có học, có tri thức, con chữ đang “nở hoa”! Lời nhận xét mộc mạc, nhưng cũng thật giàu hình ảnh và đúng về anh.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác