Coắt là nếp nhà, hồn làng của người Giẻ Triêng

28/01/2020 15:05

Coắt là loại bánh truyền thống của người Giẻ Triêng có hình thon dài với một đầu nhọn, một đầu tròn. Nguyên liệu làm coắt là nếp thơm, được người dân tinh chọn đầu tiên sau mùa thu hoạch lúa chín vàng trên đồng ruộng, rồi gói vào chiếc lá dong. Vào dịp lễ hội hay ngày vui ở làng, bà con đều làm Coắt. Bởi vậy, Coắt luôn hiện hữu trong cuộc sống ở làng như nếp nhà, hồn làng.
Ở làng Nú Vai, xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei), bà con vẫn giữ truyền thống làm Coắt. Đặc biệt vào dịp đón Xuân Canh Tý 2020, người làng đã chăm chút làm Coắt để đãi khách đến xông nhà mừng năm mới.

 

Để làm được những chiếc bánh Coắt đẹp, đều và ngon, đậm hương thơm của làng, chị Y Am là phụ nữ khéo tay được chọn thu hoạch và cất giữ nhiều hạt nếp no tròn từ những cánh đồng lúa chín vàng của làng Nú Vai (về cất giữ ở kho), nay mang ra sàn sẩy cho sạch lớp bụi… chuẩn bị cho việc làm Coắt.

 

 

Giúp sức làm Coắt đãi khách, có bà Y Ung - chị họ của chị Y Am được đảm nhiệm hái lá dong và cây nứa non trên rừng về, chuẩn bị gói bánh. Mỗi chiếc lá dong được người phụ nữ gấp khéo léo thành hình xoắn ốc với chiều dài 15-20 cm và chiều ngang 4-5 cm. 

 

Chị Y Am cho biết: Để làm được 1 chiếc Coắt, người phụ nữ phải gấp chiếc lá dong thật khéo, rồi cho từng nắm nếp vào, kế đó bẻ gập đầu đoạn lá dư lại. Sau cùng lấy cọng lạt buột tròn dọc theo thân hình dài của chiếc bánh với 2 đầu nhọn, cho đến lúc kết thúc tạo thành 1 chiếc Coắt đẹp, có độ chặt vừa phải. 

 

Chị Y Ung còn kể chuyện xưa: “Coắt là bánh truyền thống đồng bào Giẻ Triêng. Từ xưa đến nay, con gái ở làng phải biết làm coắt, như biết chẻ củi, làm rượu ghè. Khi đến nhà bạn trai, người con gái tặng bố mẹ của bạn vài chiếc Coắt tự mình làm đẹp mà ngon, thì được thiện cảm và may mắn có người yêu thương như ý”.

 

 

Chị Y Am cũng tâm tình, bố từng kể, những ngày kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, mẹ cũng lén gói và luộc chín 20-30 Coắt, tặng các bác ruột và bố, đến người yêu đi rừng ăn trọn tháng, để làm giao liên cho cách mạng, đến phục vụ bộ đội kéo pháo, cõng đạn, góp sức đánh thắng quân thù, giải phóng đất nước.

 

 

Coắt gắn liền với nhiều kỷ niệm sâu sắc của chuyện làng, chuyện nhà ở Nú Vai, nên khách cũng háo hức muốn tự tay gói chiếc bánh này. Chiều lòng khách, chị Y Am đã hướng dẫn cho cô gái trẻ cách uốn xếp lá dong, đong từng nắm nếp đổ vào chiếc lá cuộn hình xoắn ốc, rồi lấy dây lạt cột lại từng vòng tạo nên chiếc Coắt như ý…

 

 

Sau một giờ vừa làm vừa trò chuyện, các chị em đã hoàn thành việc gói gần 100 chiếc Coắt. Tiếp đó, chị Y Am xếp từng chiếc Coắt vào nồi và đổ ngập nước, rồi đưa lên bếp nấu khoảng 1 giờ và vớt bánh ra để ráo ở rổ.

 

 

Cuối cùng, những chiếc Coắt nóng hôi hổi thơm mùi cơm nếp mới cũng đã được chủ nhà xếp ngay ngắn vào chiếc đĩa, chuẩn bị cho bữa tiệc đãi khách ghé thăm nhà ngày Tết.

 

Bên mâm cơm đãi khách đón Xuân Canh Tý, Bí thư làng Nú Vai - A Ngựi khề khà bên ché rượu ghè: Người Kinh có bánh Chưng, bánh Tét đón năm mới, thì người Giẻ Triêng có Coắt. Coắt gắn bó trong sinh hoạt hàng ngày của bà con. Coắt còn là nếp nhà, hồn làng và là nét đẹp truyền thống không thể thiếu của đồng bào dân tộc nơi đây.

 

MAI  TRÂM

Chuyên mục khác