Cổ tích những người thầy

20/11/2017 06:58

​Đâu chỉ gieo chữ, ở Mường Hoong (huyện Đăk Glei), các thầy còn gieo tình thương, dạy nhân cách, chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn với các em học sinh nghèo. Tình thương, trách nhiệm, sự tận tụy của các thầy đã dệt nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Cả trường khóc chia tay thầy

Trong tiết học, các em thẫn thờ, không tập trung. Trống hết giờ, cả lớp lặng im, không em nào rời bàn về khu bán trú. Một vài em thút thít, mắt đỏ hoe. Rồi lớp này đến lớp kia, em nào cũng gục đầu xuống bàn òa khóc nức nở. Đó là những ngày các em nghe tin thầy Nguyễn Hữu Chính nhận quyết định chuyển công tác.

“Thầy ở lại với chúng em đi”, những đôi mắt đỏ hoe như níu lấy thầy. Thầy Chính bịn rịn, gắng gượng lắm nhưng nghẹn ứ giọng, nước mắt chực trào: “Thầy luôn nhớ các em! Cố gắng học giỏi, có dịp thầy trò mình gặp nhé!”.

Học sinh khóc đẫm nước mắt khi chia tay thầy Chính về nơi công tác mới. Ảnh: H.T

 

8 năm gắn bó với Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Hoong, thầy Chính dành cho các em những tình cảm tốt đẹp nhất. Thầy vượt từng con dốc, đi bộ cả ngày trời đến từng nhà, ra đến rẫy vận động các em đến lớp. Rồi đâu chỉ ngày một ngày hai, khi cái lạnh hay những cơn mưa rừng ùa về, cùng với các thầy cô, thầy Chính đều có mặt động viên, chia sẻ để các em níu lấy vai thầy, gắng bám con chữ.

Dạy tiếng Việt cho các em đã khó khăn, dạy tiếng Anh còn khó hơn gấp bội. Phương pháp dạy này không được, thầy lại nghĩ ra cách khác để các em dễ hiểu hơn. “Mới đầu về trường, có vài lúc mình cáu gắt với học sinh nhưng rồi hối hận, thấy thương các em lắm. Tự bản thân kiểm điểm lại, trong tim tự nhủ phải cố gắng nhẫn nại truyền dạy, không làm các em buồn” – thầy Chính tâm tình.

Tôi nhớ mãi Trung thu năm 2015. Khoảng trung tuần tháng 8 âm lịch, thầy Chính gọi chúng tôi: Ở Kon Tum có chỗ nào bỏ sỉ lồng đèn không em? Trường anh sẽ tổ chức Trung thu cho các em, muốn tặng lồng đèn để các em phấn khởi.

Nói rồi, trong chiều đó, vừa tan tiết dạy, thầy chạy gần 100km từ Mường Hoong xuống thành phố Kon Tum, kiếm chỗ mua lồng đèn. Hôm sau, vừa thồ bằng xe máy, vừa thuê xe chở lồng đèn lên đến trường.

Trung thu, thầy Chính và các thầy cô khác luôn suy nghĩ tạo ra các chương trình mới lạ, tự hóa thân thành chú Cuội, chị Hằng để đem niềm vui đến trò nghèo. Trung thu vùng sâu đạm bạc nhưng luôn ấm áp tình cảm thầy trò, chứa chan những nụ cười.

Đâu chỉ có ngày lễ, mỗi ngày, sau những tiết học, thầy Chính lại cùng với các em chơi đá banh, đánh bóng. Cột gôn được đánh dấu bằng những chiếc cọc tạm bợ, thầy và trò cứ thế mải mê tranh tài qua quả bóng nhựa. Gắn bó từ lớp học đến cả sinh hoạt hằng ngày, đối xử với các em bằng tất cả tình yêu thương nên thầy Chính nhận lại cho mình món quà tình cảm vô giá.

Về nơi công tác mới, thầy bịn rịn lắm. Làm sao quên được ánh mắt thơ ngây tràn yêu thương của các em học sinh nơi rẻo cao. Cầm những lá thư tay đã nhòe nước mắt của trò, thầy vừa tự hào, vừa vui, vừa rưng rưng nước mắt: Vậy đấy, học trò nghèo nhưng giàu tình cảm lắm! Dù sau này có dạy ở đâu, như thế nào thì tôi cũng không quên được các em…

Hãy giúp A Vang đi học!

“Học sinh của anh đậu đại học rồi nhưng gia đình khó khăn quá, em có cách nào giúp A Vang, Y Hồng được đi học đại học với” - tin nhắn lúc nửa đêm của thầy Trần Nhật Lam – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Hoong làm tôi tỉnh giấc.

Thầy Linh đến với học trò bằng cả tình thương và trách nhiệm. Ảnh: H.T

 

Từ lúc nhận tin A Vang và Y Hồng – 2 học trò cũ từ ngày học cấp II đậu đại học, thầy Trần Nhật Lam và thầy Lê Văn Linh (cũng là thầy giáo trong trường - PV) vừa mừng vừa lo lắng, trằn trọc cả đêm không ngủ được.

Khi nắm thông tin về một chương trình học bổng dành cho học sinh nghèo vượt khó, 2 thầy liền thu xếp việc dạy, gọi điện hỏi thủ tục, giấy tờ, giúp các em làm hồ sơ. Cầm từng lá đơn xin học bổng, thầy Lam, thầy Linh đọc đi đọc lại, trong tim luôn khẩn cầu may mắn đến với học trò nghèo. 

“Không biết có kết quả chưa, anh nóng ruột quá!” - trong suốt thời gian chờ đợi xét đơn, thầy Lam, thầy Linh như ngồi trên đống lửa. Hiểu được tâm lý, nỗi buồn của học trò, 2 thầy giấu nỗi lo, động viên 2 em cố gắng, có niềm tin vào cuộc sống.

Tin 2 em được nhận học bổng, trong đó, A Vang được học bổng trong suốt 4 năm học (nếu học lực khá trở lên - PV) khiến thầy Linh và thầy Lam mừng rớt nước mắt. Trước ngày các em nhập học, như người anh cả, 2 thầy vừa lo giúp A Vang, Y Hồng làm hồ sơ, vừa gọi xe đò, dặn dò học trò đủ điều.

Rồi không ai bảo ai, các thầy, mỗi người góp ít tiền cho các em đi đường. “Trò đi học mà anh lo lắm! Hai đứa nó ở vùng sâu nên lóng ngóng, xuống phố anh sợ quá! Cầu mong cho nó bình an, học tốt” – thầy Lam thủ thỉ.

Lúc học trò lên xe máy cùng chúng tôi ra huyện bắt xe đi Quy Nhơn, thầy Linh chạy theo, ánh mắt vừa lo vừa hi vọng, gởi gắm: “Nhờ cô giúp các em với!”, rồi thầy đứng đó, dõi theo đến lúc chỉ còn lại vài vệt khói xe lảng bảng.

Khi A Vang, Y Hồng đi học, 2 thầy vẫn thường xuyên gọi điện, hỏi thăm, động viên trò cố gắng. Mỗi lần trò đi học về, 2 thầy vui mừng khôn xiết. Dưới mái trường, thầy, trò chia sẻ, tâm tình với nhau bao chuyện buồn vui.

“Ngày ba em mất, các thầy băng bộ lên tận nhà động viên. Thầy Lam, thầy Linh tốt bụng lắm! Khi em tuyệt vọng nhất, mất niềm tin vào cuộc sống, chính 2 thầy đã thắp lên niềm tin cho em. Suốt đời này, em sẽ luôn nhớ về thầy” – A Vang nhắc về 2 thầy với tất cả tình cảm yêu mến nhất.

Câu chuyện đã cách đây 2 năm nhưng làm chúng tôi nhớ mãi. Ở mảnh đất khó khăn đủ bề này, chẳng màng học trò tặng quà hay biết ơn, các thầy luôn thắp sáng ngọn lửa nghề, vẫn luôn tận tâm, nhiệt huyết, thương yêu học trò như thế. Bằng tình thương và trách nhiệm, những người thầy đã thắp lửa niềm tin, giúp trò nghèo vững bước đến tương lai.

Hoài Tiến 

Chuyên mục khác