Chuyện về người thầy bám làng “gieo chữ”

25/02/2020 06:06

Mới 2 năm ở điểm trường Điek Ta Âu nhưng người dân, học sinh ở đây đều đã quen dáng người, giọng nói của thầy giáo Tuyền tận tụy bám làng “gieo chữ”.

Ngọc Tem là một xã vùng khó của huyện Kon Plông. Ngày cuối năm, trời mưa không dứt, chúng tôi vượt núi trong cơn mưa rừng đến thăm điểm trường Điek Ta Âu (xã Ngọk Tem). Nơi có một thầy giáo ngày ngày bám làng “gieo chữ” trên ngọn núi Ngọk Brel quanh năm mây phủ. Đó là thầy Đoàn Văn Tuyền (28 tuổi) phụ trách dạy 11 học sinh lớp ghép 1, 2.

Con đường dẫn lên điểm trường Điek Ta Âu đa phần là dốc cao dựng đứng. Nói là đường nhưng thực ra chỉ là một lối mòn nhỏ. Bên này là chênh vênh sườn núi, bên còn lại là vực sâu. Ngày cuối năm, mưa phùn lất phất, đường lên núi nhớp nháp bùn đất khiến chúng tôi phải bỏ xe máy lại và cuốc bộ. Mất hơn 1 giờ đồng hồ trên con đường trơn trượt chúng tôi mới đặt chân tới Điek Ta Âu. Giữa đỉnh trời Ngọk Brel dăm ba nóc nhà vách gỗ và điểm trường Điek Ta Âu lẩn khuất dưới điệp trùng mây núi. Điểm trường này là nơi duy nhất con em của người Ka Dong ở đây đến tìm cái chữ.

Thầy Lê Văn Thức - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Ngọc Tem vừa đi vừa nói: “Ở đây là vậy, mỗi khi mưa xuống đường đất trơn tuột không thể đi được bằng xe máy. Các thầy cô muốn lên điểm trường chỉ có cách lội bộ hơn 5km. Trên đỉnh núi này có 3 nhóm hộ dân sinh sống với hàng chục đứa trẻ đang ở độ tuổi đến trường; bởi vậy, chính quyền địa phương đã xây dựng 1 điểm trường ở đây để tạo điều kiện cho các em học tập”.

Hằng ngày thầy Tuyền và các em học sinh phải lội bộ trên con đường nhớp nháp bùn đất để đến lớp. Ảnh: PN

 

Càng đến gần điểm trường, tôi nghe tiếng tập đọc của lũ trẻ càng to rõ hơn. Và, trước mắt chúng tôi là ánh mắt trong veo đang chăm chú vào bài giảng. Thấy khách đến, thầy giáo ngừng giảng để đón khách, nhưng chúng tôi ra hiệu cho thầy tiếp tục công việc giảng dạy của mình một cách tự nhiên.

Lớp học là một căn nhà cấp bốn mới được xây dựng vững chắc, thế nhưng bàn ghế đã cũ lắm. Ở hai phía của lớp học có 2 tấm bảng, hai tốp học sinh xoay lưng lại với nhau. Một bên là những con số và phép cộng trừ, nhân chia. Bên còn lại là bài tập đọc. Thấy chúng tôi thắc mắc, thầy Thức liền giải thích, vì số lượng học sinh ít nên các em học sinh lớp 1 và 2 được gộp lại và giao cho thầy Tuyền phụ trách.

11h trưa, lớp học kết thúc bằng những cái khoanh tay chào thầy giáo của lũ trẻ. Chúng tôi theo chân thầy Tuyền về nhà.

Dọc đường đi, thầy Tuyền bảo lâu lắm rồi mới có khách dưới xuôi lên thăm trường. Ở vùng xa xôi hẻo lánh này rất ít có người qua lại, ngoại trừ giáo viên và người dân. Họa hoằn lắm mới có đoàn công tác ghé qua trường kiểm tra rồi đi ngay.

Thầy Đoàn Văn Tuyền cho biết, quê thầy ở Hà Tĩnh, sau khi ra trường, thầy nộp hồ sơ lên huyện nghèo Kon Plông này dạy học. 7 năm nay, thầy chuyển công tác 3 lần. Cuối cùng thầy về “đỉnh trời” Ngọk Brel làm nghề “gõ đầu trẻ”.

Thầy Tuyền bộc bạch: Trước khi chuyển công tác lên Điek Ta Âu, mình đã được đồng nghiệp cảnh báo về những khó khăn ở đây. Thế nhưng, vì niềm đam mê nên mình vẫn quyết cõng ba lô vượt núi. Ngày mình lên nhận công tác, lúc đó trời đang đổ mưa và phải đi bộ. Hành trang mang theo chỉ là giáo án và mấy bộ quần áo. Một mình, cứ thế lầm lũi cuốc bộ tiến về hướng có đỉnh núi, vừa đi vừa hỏi đường, hỏi cả chục lượt mà câu trả lời lúc nào cũng là đi thêm đoạn nữa, gần 2 tiếng đồng hồ sau mình mới đến nơi.

Theo thầy Tuyền, ở vùng sâu này cuộc sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Khó nhất của Điek Ta Âu là không có nguồn nước sạch, giao thông cách trở... Đường sá đi lại không thuận tiện, nhiều cách trở, khiến cho cuộc sống bà con ở đây vẫn còn khó khăn nhưng bà con nơi đây sống chân chất, tình cảm.

“Mình dạy ở đây được 2 năm, cũng chừng ấy thời gian, người dân ở đây góp từng lon gạo, bó rau nuôi mình. Điểm trường không chỉ là nơi thắp sáng ước mơ cho bao đứa trẻ, mà đã là nhà, là gia đình của giáo viên bám làng như mình. Người dân coi mình như người thân trong nhà” - thầy Tuyền cho biết.

Thầy Tuyền kể, thầy và vợ quen nhau từ thời sinh viên, rồi hai vợ chồng rủ nhau lên đây làm nghề “gieo chữ”. Thế nhưng hai vợ chồng lại dạy học cách nhau hơn 50km. Sinh đứa con gái đầu lòng, vợ chồng thầy đành gửi lại cho bà ngoại nuôi.

“Thời gian chúng mình ở trường với học sinh còn nhiều hơn với con cái. Nếu ở trường chính, các giáo viên được gọi là “cán bộ 2-6”, nghĩa là thứ 2 đi làm, thứ 6 về nhà. Còn mình dạy ở điểm trường, thì họa may lắm cả tháng mới về được 1 lần với vợ con. Những hôm về nhà được thì cũng chỉ kịp nằm ngủ với con được 1 đêm rồi lại phải đi” - thầy Tuyền tâm sự.

Ở đây mưa rừng có khi kéo dài cả tháng. Khi màn đêm buông xuống, sương phủ, gió lùa, khiến cho cái lạnh như cắt da cắt thịt. Không có người thân, sóng điện thoại lại chập chờn, nhiều khi thầy Tuyền nhớ nhà nhưng cũng khó liên lạc.

Thầy Tuyền tận tụy với sự nghiệp "gieo chữ". Ảnh: PN 

 

Ban đầu, nhà trường đã xây dựng 1 căn nhà cho thầy Tuyền tá túc. Nói là nhà cho “oai vậy” nhưng thực ra đó chỉ là túp lều mái tranh vách gỗ. Gió núi luồn qua kẽ hở thổi vào nhà buốt lạnh. Thương thầy ở một mình lủi thủi nên già làng A Thao (70 tuổi) mời thầy Tuyền về ăn ở luôn trong nhà mình.

Ông A Thao cho biết: “Dân làng thương thầy Tuyền lắm, con em mình có biết chữ hay không là nhờ thầy. Thầy ở trong nhà mình, ăn uống với gia đình mình nên mình coi như người thân trong nhà”.

Những ngày đầu mới về, việc đầu tiên của thầy Tuyền là dạy các em vệ sinh cá nhân, đánh răng, rửa mặt, dạy cho lũ trẻ thoát khỏi mặc cảm, tự ti. Thời gian đầu, vì đường xa, lũ trẻ quên cả đường lên lớp. Thầy giáo trẻ lại lặn lội đến từng nhà vận động phụ huynh cố gắng đưa con em đi học.

Lớp học của thầy Tuyền tại Điek Ta Âu là lớp ghép 1, 2 với 11 học sinh. Theo thầy Tuyền, cái khó nhất trong việc giảng dạy ở lớp ghép là giảng dạy cho 2 trình độ khác nhau, việc bao quát lớp khó. Thầy Tuyền phải soạn 2 giáo án, phải hoạt động liên tục như phân thân ra làm hai. Để không bị nhầm lẫn, thầy Tuyền sẽ dạy chéo, nếu lớp 1 học toán thì lớp 2 phải học tiếng Việt và ngược lại.

Nhắc đến thầy Tuyền, ông Đinh Hồng Quang - Bí thư Chi bộ thôn Điek Ta Âu vui vẻ nói: Bà con trong thôn này thương thầy giáo lắm. Mỗi lần đi rẫy đi rừng, hái được bó rau hay sản vật gì của rừng, người dân đều đem về cho thầy. Những lúc không thể về xuôi, người trong làng góp lon gạo, chén mắm nuôi thầy giáo. Đáp lại tấm lòng ấy, mỗi khi có dịp về xuôi, thầy lại mua quà lên cho bà con hoặc lũ trẻ.

Thầy Vũ Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Ngọc Tem cho biết: Trường có 9 điểm trường nằm rải rác ở các thôn làng. Riêng điểm trường Điek Ta Âu nằm tốp khó khăn nhất huyện. Ở Điek Ta Âu 100% học sinh là con em đồng bào DTTS tại chỗ. Ngoài ra, người dân ở đây điều kiện kinh tế khó khăn, nên những giáo viên ngoài sứ mệnh dạy học còn giống như một cán bộ bám làng để tuyên truyền cho người dân nắm và bỏ những hủ tục, gìn giữ phát huy những bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

“Rất mừng là không riêng gì Điek Ta Âu, mà toàn trường tỷ lệ học sinh đến lớp gần như đạt 100%. Ở đồng bằng thành tích này không có gì đáng nói, nhưng ở Ngọc Tem thì là cả một sự nỗ lực, kiên trì vận động tuyên truyền của thầy giáo bám làng. Bởi ở đây việc giữ trò đến lớp như một "cuộc chiến" trường kỳ của các thầy cô” - thầy Thành nói trong sự tự hào.

Chia tay điểm trường Điek Ta Âu, tiễn chúng tôi đến con suối đầu làng,  thầy Đoàn Văn Tuyền quay lại điểm trường để tiếp tục công việc bám làng dạy con chữ cho lũ trẻ ở Điek Ta Âu. Sự tận tụy, trách nhiệm, bám làng của người thầy giáo trẻ Tuyền khiến tôi thêm trân trọng, quý mến. Hình ảnh thầy Tuyền theo trên suốt chặng đường trở về thành phố Kon Tum. Và tôi càng thấm thía hơn lời bài hát “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, tôi càng cảm ơn những thầy giáo bám làng gieo chữ như thầy Tuyền. 

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác