Chuyện những người hồi sinh rừng vùng đệm ở Vườn Quốc gia Chư Mom Ray

08/04/2019 06:28

Làm xanh lại những cánh rừng đã từng là đất rẫy của bà con đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng đệm, để muôn thú tụ về, hoa rừng khoe sắc, đưa hương… Đó là kết quả của 20 năm âm thầm, lặng lẽ phục hồi và gìn giữ từng cánh rừng của đội ngũ cán bộ, nhân viên Vườn quốc gia Chư Mom Ray.

Ngược thời gian, cách đây hơn 20 năm, khi UBND tỉnh quyết định thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Chư Mom Ray (nay là Vườn quốc gia Chư Mom Ray) thì các cấp chính quyền địa phương huyện Sa Thầy cùng với Ban quản lý Vườn quốc gia vận động người dân làng Ba Rgốc, xã Sa Sơn di chuyển ra ngoài để định cư, toàn bộ khu vực hơn 100ha đất rẫy của bà con trước đây đã sản xuất được giao lại Vườn quốc gia phục hồi và bảo vệ.

Anh Đào Xuân Thủy - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray cho biết, rừng phục hồi sau rẫy không khó, nhưng cái cần nhất ở đây là thời gian, sau đó là các hoạt động chăm sóc, bảo vệ, không được để rừng bị cháy, chặt phá mà gìn giữ để tự nhiên tái tạo, rừng sẽ phục hồi lại như ban đầu.

Quay lại ký ức cách đây hơn 20 năm, anh Thủy cho biết: Ngày đó, 69 hộ dân quần cư nơi bìa rừng, sống dựa vào rừng lại mang nặng tập tục canh tác cũ nên tình trạng phá rừng làm rẫy luôn diễn ra. Công tác bảo vệ, phát triển rừng càng khó khăn bội phần. Vì vậy, để bảo vệ, phát triển rừng, tỉnh đề ra chủ trương di dời dân làng ra khỏi bìa rừng, nhường lại diện tích sản xuất rẫy của bà con để bảo vệ và hồi sinh lại vùng đệm quan trọng của Vườn quốc gia Chư Mom Ray.

Khi ấy bà con dời đi, cán bộ, nhân viên của Vườn quốc gia Chư Mom Ray bắt tay vào công cuộc khôi phục rừng trên diện tích mà dân làng giao lại.

Lẽ dĩ nhiên, việc phục hồi rừng trên đất rẫy trở thành rừng tự nhiên là sự kỳ công và gian nan. Biết vậy, nhưng những cán bộ trẻ Vườn quốc gia Chư Mom Ray khi ấy thể hiện quyết tâm cao là phải phục hồi cho được những cánh rừng vùng đệm đã bị tàn phá trước đây.

Cây rừng không còn, đội ngũ cán bộ của Vườn quốc gia Chư Mom Ray phải đi tìm những hạt giống, mua từng cây giống đi rải, trồng khắp nơi trong khu đất trống trải cả trăm héc ta. Đồng thời, cử cán bộ, nhân viên ngày đêm làm tốt công tác bảo vệ canh gác, không để ai xâm hại, tạo điều kiện tốt nhất cho cây rừng phát triển một cách tự nhiên.

Ban đầu, họ tìm những giống cây đã từng sinh trưởng và phát triển tốt ở ngay chính khu vực này để trồng lại. Các loại cây ấy gồm giống cây thuộc họ dầu, họ dẻ, bằng lăng, pơ lang, sao đen… Cứ vậy, họ cần mẫn mang những cây giống, hạt giống rải khắp trong khu rẫy, giúp chúng sinh trưởng một cách tự nhiên.

Theo anh Đào Xuân Thủy, trạng thái rừng phục hồi sau rẫy ở đây rất thuận lợi. Bởi, theo hệ sinh thái rừng tự nhiên, những cây phục hồi nhanh là những loại cây ưa ánh sáng - mà thường được gọi là cây tiên phong; chúng phát triển khá nhanh dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của cán bộ Vườn quốc gia Chư Mom Ray.

Sau khi những loại cây ưa ánh sáng sinh trưởng, phát triển, những khu đất trống, tán rừng còn trống, đội ngũ cán bộ của Vườn quốc gia Chư Mom Ray đem trồng các loại cây rừng khác như hương, sao xanh, sao đen, cẩm lai… nhằm tạo sự phong phú và làm giàu nguồn tài nguyên rừng. Đây là hoạt động làm giàu rừng.

Khu rừng được phục hồi

 

Cứ vậy, ròng rã hơn 20 năm trồng, chăm sóc, bảo vệ, cán bộ Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã góp phần tạo ra những khu rừng vùng đệm với thảm thực vật phong phú đa dạng như tự nhiên. Đất sản xuất nông nghiệp của bà con trước đây canh tác, đến nay sau hơn 20 năm phục hồi, được thay thế bằng những cây rừng với đủ các loại cây gỗ quý khác nhau như sao đen, cẩm lai, trắc, những loại cây thuộc dòng họ dầu, họ dẻ, họ bằng lăng… đang sinh trưởng và phát triển tốt. Sự phục hồi cánh rừng hơn 100ha này cũng tạo điều kiện cho muông thú có nơi sinh sống, cư ngụ và góp phần tăng độ che phủ rừng trên địa bàn. 

Từ Trung tâm Cứu hộ và bảo tồn, phát triển sinh vật (thuộc Vườn quốc gia Chư Mom Ray) qua khu rừng phục hồi, đi vào sâu vài trăm mét là khu rừng bạt ngàn hàng trăm héc ta, đủ các loại cây rừng mà chúng ta không thể biết hết được tên. Đưa mắt nhìn, chúng tôi thấy có khá nhiều cây pơ lang rộ lên màu đỏ rực xen giữa màu xanh bạt ngàn của rừng, tạo nên “điểm nhấn mộng mơ” trông thật đẹp.

Con đường mòn dẫn lối giữa rừng bạt ngàn sâu hun hút. Đi giữa cánh rừng ấy, nhìn những cây rừng đang vươn mình vút cao, phía dưới là thảm thực vật đa dạng, phong phú, đủ loại đan xen dày đặc. Một không gian xanh mát mở ra giữa mùa hè, khi ta đi vào nơi này, thật là dễ chịu, tôi căng lồng ngực ra hít thở, phút chốc mọi mệt nhọc, lo âu của cuộc sống đời thường như tan biến...

Vừa đi vừa ngắm, tôi tấm tắc đúng là rừng tự nhiên có khác. Bất chợt, anh Đào Xuân Thủy nói: Đấy là rừng mới phục hồi từ rẫy của bà con ấy. Cả khu rừng mà chúng ta đang đi trước đây là đất rẫy sản xuất của bà con làng Ba Rgốc. Họ dời đi xong chúng tôi tiến hành phục hồi theo nguyên trạng tự nhiên.

"Theo đánh giá của chúng tôi, mức độ sinh trưởng cũng như phát triển ở rừng này đúng như trạng thái tự nhiên ngày trước, không có bàn tay con người tác động. Cây rừng hiện nay đã đạt đường kính trung bình từ 20-30cm, thậm chí có cây có đường kính đến 40cm. Nhiều loại cây rừng như sao đen, bằng lăng, dẻ trắng, pơ lang…hiện nay đã phục hồi" - anh Đào Xuân Thủy cho biết.

Đi trong khu rừng phục hồi, dưới tán lá rừng, tác dụng mà tôi cảm nhận rõ nét nhất của những cánh rừng này là không khí trong lành. Cái cảm giác oi bức của cái nắng như đổ lửa mùa khô Tây Nguyên như biến mất. Những cánh rừng như chiếc máy điều hòa tỏa khí mát trong lành, thật khoan khoái, dễ chịu.

Nếu anh Đào Xuân Thủy không kể về chuyện phục hồi đất trống, núi trọc thành rừng như hiện nay thì khi đi vào khu rừng này - dẫu có giàu trí tưởng tượng đến mấy, khó ai có thể nghĩ khu vực này từng là rẫy sản xuất của bà con làng Ba Rgốc.

Ngay lối dẫn vào khu tham quan Vườn quốc gia Chư Mom Ray là tấm biển lớn đề dòng chữ “Không lấy gì ngoài những bức ảnh đẹp”. Mặt sau, nhắc nhở du khách đi ra “không để lại gì ngoài dấu chân”.

Những cây cổ thụ to nằm sâu trong vùng lõi Vườn Quốc gia Chư Mom Ray

 

Hiện Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray đang quy hoạch, sắp đến sẽ phục vụ công tác du lịch sinh thái. Cách khu rừng phục hồi khoảng 1km đi sâu vào khu rừng già, huyện Sa Thầy xây dựng tuyến du lịch vào khu rừng nguyên sinh hoàn toàn chưa bị tác động, trong đó có nhiều cây cổ thụ có đường kính nhiều người ôm không xuể. Đây là tuyến du lịch hấp dẫn giúp du khách có dịp được trải nghiệm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Chư Mom Ray.

Sự cần mẫn, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã biến cả trăm héc ta đất rẫy thành những cánh rừng tự nhiên, góp phần bảo vệ, làm phong phú đa dạng thêm nguồn tài nguyên rừng...

Bài và ảnh: VĂN PHƯƠNG

Chuyên mục khác