Chuyện người cán bộ “hai vai”

27/01/2023 06:35

Là quân nhân chuyên nghiệp được người dân thôn 8, xã Ia Đal (huyện Ia H’Drai) bầu làm phó thôn vào năm 2016, rồi trưởng thôn vào năm 2020, dù ở cương vị nào, Thiếu tá Kiều Bá Oanh (Chi nhánh 716, Binh đoàn 15) vẫn luôn làm tốt vai trò của mình, vận động nhân dân trong thôn từng bước phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Điều chỉnh tập tục lạc hậu

Thiếu tá Kiều Bá Oanh- Trưởng thôn 8 hài lòng trở về đơn vị sau khi dự lễ “cầm vía” của nhà bà Vi Thị Phương (45 tuổi, dân tộc Thái) bởi quy mô tổ chức lễ chỉ gói gọn trong mâm cơm gia đình, không “hoành tráng” như trước đây.

Theo Thiếu tá Kiều Bá Oanh, cách đó không lâu, con trai bà Phương bị tai nạn xe máy tại tuyến đường nội thôn gần nhà. Sau khi đưa đến Trung tâm Y tế huyện khám, các bác sĩ thông báo chỉ bị trầy xước bên ngoài, nghỉ ngơi vài hôm là có thể phục hồi. Nghe vậy, bà Phương thở phào rồi đưa con mình trở về nhà và làm lễ “cầm vía” cho con.

Đây không phải lần đầu tiên bà Phương tổ chức lễ cầm vía, bởi đây là tập tục lâu đời của người dân tộc Thái, ăn sâu vào tiềm thức của bà con nơi đây. Với người Thái, tục “cầm vía” như bày tỏ sự biết ơn với tổ tiên, mong nhận được phù hộ, giúp đỡ của ông bà để con cháu, gia đình luôn bình an.

“Nhưng chính tập tục này là một phần nguyên nhân khiến cái nghèo cứ bu bám với bà con. Hễ ngoài đời, người dân tộc Thái gặp chuyện vui, hay rủi ro, xui xẻo hoặc trong giấc mơ, họ thấy những điều kém may mắn là hôm sau phải mời ngay thầy cúng để tổ chức lễ cầm vía” -  Thiếu tá Kiều Bá Oanh cho hay.

Trưởng thôn 8 Kiều Bá Oanh luôn tận tụy, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế. Ảnh: V.T

 

Trước đây, lễ “cầm vía” được tổ chức rất lớn, gia chủ sẽ mổ heo, bò mời tất cả hàng xóm, họ hàng đến ăn uống. “Tôi từng đi dự lễ “cầm vía” của hết hộ này, sang hộ khác mà thấy đuối sức. Nhiều đêm tôi trăn trở, nếu để tình trạng tổ chức như vậy cũng không ổn, vì ảnh hưởng lớn kinh tế của bà con. Nhưng nếu khuyên họ bỏ hẳn, chắc chắn không ai đồng ý nên tôi cùng chính quyền địa phương chọn sống chung với tập tục này” - Thiếu tá Oanh bộc bạch.

Kể từ khi có Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, để tục “cầm vía” không ảnh hưởng đến đời sống kinh tế bà con, Thiếu tá Kiều Bá Oanh đã lồng ghép trong các buổi họp thôn vận động bà con không tổ chức lễ “cầm vía” lớn, mời nhiều người gây lãng phí tiền của và thời gian. Đồng thời tích cực phân tích những mặt ưu và nhược mỗi khi bà con tổ chức lễ “cầm vía” để bà con hiểu rõ lợi, hại. Việc vận động và phân tích thấu tình đạt lý, bà con dần dần vỡ lẽ, không tổ chức lớn như trước, chỉ làm gói gọn trong quy mô gia đình và lựa chọn những sự việc đáng được “cầm vía” để tổ chức.

“Nói một lần không nghe thì nói nhiều lần, nếu họ mời mình đến dự mình sẽ vận động bà con ngay tại buổi lễ. “Mưa dầm thấm lâu”, đến nay tất cả bà con người Thái trong thôn không còn tổ chức lễ “cầm vía” quy mô như trước, mâm cúng chỉ đơn giản là con gà, đĩa xôi, cùng vài người thân” - Thiếu tá Kiều Bá Oanh cho hay.

Tục “cầm vía” được tổ chức gói gọn, không còn quy mô, tốn kém như trước là bước đầu thành công trong hành trình xây dựng nông thôn mới ở thôn 8.

Nỗ lực cán đích nông thôn mới đúng hẹn

Theo Nghị quyết của Đảng ủy xã Ia Đal, cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân trong thôn phải nỗ lực phấn đấu đưa thôn 8 về đích nông thôn mới vào cuối năm 2021. Và Thiếu tá Kiều Bá Oanh đóng vai trò đầu tàu trong việc góp phần đưa thôn 8 về đích nông thôn mới.

Thiếu tá Kiều Bá Oanh đến thăm mô hình bò sinh sản của chị Lương Thị Hiền. Ảnh: VT

 

“Để về đích nông thôn mới đúng hẹn, tôi xác định thu nhập là tiêu chí quan trọng, vì liên quan trực tiếp đến tiêu chí còn lại là hộ nghèo, nhà ở. Chính vì thế, thôn phải chọn được một mô hình phù hợp với khí hậu nơi đây để vận động bà con thay đổi” – Thiếu tá Oanh tâm sự.

Ở vùng đất biên cương đầy nắng gió này, có những thứ gọi là “lộc” trời ban mà quanh năm suốt tháng ai cũng thấy, đó là chuối rừng, tre nứa và cỏ xanh mướt vào mùa mưa, rất thích hợp với chăn nuôi bò. Mô hình “nuôi bò sinh sản” được thôn triển khai tại buổi họp thôn vào năm 2017, hàng chục người hào hứng nhưng có duy nhất một hộ Lương Thị Hiền (38 tuổi) là mạnh dạn vay vốn tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tham gia.

Thiếu tá Oanh vui mừng, có một hộ là có niềm hy vọng, bởi nếu hộ này làm tốt sẽ tuyên truyền đến nhiều hộ khác làm theo. Năm đấy, gia đình chị Lương Thị Hiền thuộc diện nghèo, vay 45 triệu để mua hai con bò giống. Nhà chị Hiền cách nơi Thiếu tá Oanh ở không xa, thi thoảng buổi chiều anh lại sang hỏi thăm, hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc.

Nhờ sự chung sức đồng lòng giữa người dân và chính quyền, thôn 8 ngày càng khởi sắc. Ảnh: V.T

 

Một thời gian sau, bò bắt đầu sinh sản trong niềm phấn khởi của chị Hiền và Thiếu tá Oanh. Cứ mỗi năm qua đi, số lượng bò lại tăng lên, từ 2 con bò ban đầu, đến nay đàn bò của chị đã phát triển lên 9 con. Hiện tại, cả thu nhập từ lương công nhân cao su cùng từ việc bán bò, mỗi năm gia đình chị Hiền tiết kiệm hơn 150 triệu đồng. Nhờ vậy, cuối năm 2021, gia đình chị Hiền đã thoát nghèo.

Thiếu tá Oanh cho biết: Đàn bò của chị Hiền như mô hình điểm của thôn, thấy hiệu quả nên nhiều hộ khác đã tham gia. Đến nay, toàn thôn đã có 19 hộ tham gia mô hình “bò sinh sản” với tổng số hơn 200 con bò, nâng thu nhập bình quân đầu người trên 32,5 triệu đồng/người/năm. Trong thôn có 77 hộ, nhưng chỉ còn 5 hộ nghèo. Năm 2021, từ nguồn hỗ trợ 5 triệu đồng của xã cùng sự đóng góp tiền của, công sức của người dân, 26 trụ đèn thắp sáng gần 2km đường đã được dựng lên, phục vụ cho người dân đi lại về đêm.

Chị Nguyễn Thị Thuận- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Đal cho biết: Với sự chung sức, đồng lòng của người dân và sự sâu sát của các cấp chính quyền, trong đó  Thiếu tá kiêm Trưởng thôn Kiều Bá Oanh đóng vai trò nòng cốt đã đưa thôn 8 về đích nông thôn mới đúng hẹn. Và hơn hết, hình ảnh Trưởng thôn Oanh gần dân, sát dân, đồng hành với nhân dân tạo được niềm tin yêu của cộng đồng.

Văn Tùng

Chuyên mục khác