Chuyện của những người quản trang

12/07/2017 07:24

Tháng 7 về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ngọc Hồi và Đăk Hà, chúng tôi cùng những người cán bộ quản trang thắp nén hương cho các phần mộ liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến, thống nhất đất nước. Lặng yên giữa không gian trang nghiêm nơi đây, chúng tôi đã được nghe các cán bộ quản trang kể nhiều câu chuyện cảm động .

Những câu chuyện xúc động

“Tôi sẽ kể cho cô nghe những câu chuyện về người thân đi tìm danh tính  mộ liệt sĩ chưa có tên đang yên nghỉ ở đây. Nhiều câu chuyện tưởng chừng như vô lý đến không thể giải thích được, nhưng về mặt văn hóa tâm linh của người Việt Nam, tôi nghĩ việc tìm thấy và đọc đích danh mộ liệt sĩ, là chiếc cầu nối đưa người thân tìm đến các anh, các chị - những người lính đã hy sinh vì Tổ quốc về với quê nhà sau bao năm chiến đấu xa nhà…” - bác Ma Văn Ninh - quản trang có 17 năm quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đăk Hà đã nói như thế khi bắt đầu kể về hành trình tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Lực đã hy sinh tại xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà trước năm 1970 và  năm 2003 được quy tập về đây nhưng vẫn chưa xác định quê quán, họ tên.

Theo lời kể của ông Ninh, giữa năm 2015, có chiếc xe ô tô đưa một gia đình 5 người ở tận huyện Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) vào viếng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đăk Hà.

Sau khi lặng lẽ thắp hương các phần mộ liệt sĩ chưa xác định tên, một người tên Nguyễn Văn Lượng đã hỏi thăm cán bộ quản trang về công việc chăm sóc khuôn viên nghĩa trang.

Qua câu chuyện, ông Lượng kể có người em út tên Nguyễn Văn Lực tham gia chiến trường Bắc Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ, quá trình làm nhiệm vụ đã hy sinh trước năm 1975 và nhận được giấy báo tử từ đồng đội. Thế nhưng, sau ngày thống nhất đất nước, gia đình đã tìm ở nhiều nghĩa trang trong tỉnh Kon Tum vẫn chưa thấy phần mộ của em trai. Ông Lượng còn tâm sự: Thi thoảng, các em gái ở quê vẫn thấy chú Lực về báo mộng quanh địa bàn này.

Ông Ninh kể: Nghe câu chuyện trên và chắp vá trí nhớ, tôi đã nhận ra 3 năm trước cả gia đình anh Lượng cũng đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện tìm kiếm mộ em trai nhưng vẫn không có thông tin mới nào. Sau một hồi nói chuyện, mọi người quay ra cổng chính để lên xe ô tô về Bắc Ninh. Thế nhưng, trong nhóm có một phụ nữ vẫn cứ ôm tấm bia của 1 liệt sĩ chưa xác định tên khóc mãi. Chị ấy vừa khóc vừa kể địa điểm hy sinh của người liệt sĩ này sao trùng khớp với em trai Lực đã hy sinh ở xã Ngọc Wang trước năm 1970, do đồng đội báo về gia đình.

Lúc ấy, tia hy vọng của gia đình ông Lượng tiếp tục được thắp lên, họ đã ở lại, nhờ cán bộ quản trang hướng dẫn các thủ tục xin địa phương cho lấy mẫu hài cốt để xác định ADN với các người thân.

Bẵng đi chừng vài tháng, ông Ninh vỡ òa niềm vui và hạnh phúc, khi ông Lượng đích thân điện thoại thông báo, ngôi mộ em gái khóc hôm ấy đúng là em trai Nguyễn Văn Lực.

Ông Ninh và phần mộ Liệt sĩ Nguyễn Văn Lực

 

Cuối năm 2015, trong tiết trời buổi sáng mùa đông, cũng chiếc xe ô tô đấy đưa đại gia đình ông Lượng trở lại nghĩa trang làm các thủ tục, trân trọng tổ chức lễ truy điệu đưa di cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Lực về an táng tại quê nhà Từ Sơn, Bắc Ninh.

Người quản trang già Ma Văn Ninh xúc động: Trường hợp liệt sĩ Lực được người thân tìm thấy thật hy hữu trong gần 450 mộ liệt sĩ chưa xác định tên nơi đây. Hôm mọi người đến thắp hương, cất bốc mộ này, ai cũng nói cuộc tìm kiếm chú Lực trở về như giấc mơ. Ông Lượng còn tâm sự, khi nằm xuống, người mẹ của liệt sĩ vẫn nhắn nhủ các anh chị phải tìm bằng được em trai trở về…

Còn quản trang Trần Mạnh Tường ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ngọc Hồi cũng kể cho chúng tôi về chuyến đi gần 10 năm của cô con gái tên Đào Thu tìm mộ của bố là liệt sĩ Đào Xuân Vang ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương hy sinh tại Lào năm 1970, được Đội K53 tỉnh Kon Tum cất bốc quy tập vào Nghĩa trang Liệt sĩ địa phương năm 1997.

Qua lời kể của ông Tường, từ năm 2015 trở về trước, đều đặn hàng năm, cô Thu cứ về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện thắp hương cho đồng đội của bố đã hy sinh ở chiến trường nước bạn Lào, Campuchia được quy tập về đây. Mỗi nén nhang được thắp cho các liệt sĩ, người con gái cứ cầu khấn, ước mong tìm thấy bia mộ của bố để đưa về quê cho mẹ yên lòng.

Không chỉ ở nghĩa trang khu vực các tỉnh Tây Nguyên, chị Thu còn xin giấy giới thiệu làm các thủ tục để đi cùng các cán bộ chiến sĩ trong Đội K53 tỉnh Kon Tum đến tận Lào với hy vọng thấy được nơi bố Vang đã từng chiến đấu và hy sinh. Có lần đi cùng với các chiến sĩ làm nhiệm vụ thiêng liêng này, chị đã bị lạc, bởi không quen đường rừng sâu, vách núi cao chông chênh…

Rồi may mắn, chị được sự quan tâm của đơn vị làm công tác quy tập mộ liệt sĩ tỉnh Kon Tum thông tin, nhiều trường hợp hy sinh như bố của chị đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ngọc Hồi.  

Một ít manh mối hé mở, năm 2015, chị Thu đã trở lại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ngọc Hồi, tiếp tục nhờ các cấp của tỉnh hướng dẫn, mày mò tìm lại từng sơ đồ, vị trí tọa độ mà các liệt sĩ đã hy sinh ở Lào vào những năm 1970 nhưng chưa xác định nhân thân và được tổ chức truy điệu, chôn cất tại đây năm 1997.

Thật bất ngờ, dọc lối đi đầu tiên của con đường dẫn vào phần mộ của các liệt sĩ chưa xác định tên, mà chị vẫn từng thắp hương mỗi năm có dịp ghé thăm lại là mộ của Liệt sĩ Đào Xuân Vang – người bố của chị (sau này đưa đi thử mẫu ADN trùng khớp với chị). Người con gái đã ôm mộ bố khóc với niềm hạnh phúc dâng trào.         

Sau đó, chị Thu biết thêm thông tin, cùng an nghỉ với bố chung dãy mộ không tên còn có 9 liệt sĩ là đồng đội của bố đều ở Thanh Hóa, cũng hy sinh cùng ngày tháng năm trên đất bạn Lào. Thế là chị đã bật điện thoại liên hệ với các thân nhân liệt sĩ này, đồng thời tự nguyện bỏ ra 500 triệu đồng tổ chức đón gia đình liệt sĩ, cất bốc và đưa tiễn đồng đội của bố về an táng tại nghĩa trang quê nhà của họ.

Lặng thầm quản trang

Trong tiết trời dịu mát của một buổi chiều tháng 7, quanh câu chuyện công việc ở nghĩa trang, các cán bộ quản trang vẫn không nói về mình, họ chỉ âm thầm quét dọn lá rụng quanh khu vực, tưới nước cho những hàng cây dọc các lối đi, làm cỏ, hất nhẹ từng hạt bụi theo gió bám vào mặt trước bia mộ của các liệt sĩ...

“Ngày rằm, mùng một - tôi đều thắp hương điện chính nghĩa trang, cầu mong sự bình an, sức khỏe cho mọi người. Lúc rảnh rỗi, tôi tranh thủ thắp hương, kiểm tra các phần mộ. Xem nơi nghỉ của các bác bị sụt lún, trầy xước, nứt tấm bia để ghi chép, kịp thời báo cáo ra huyện, tỉnh tu sửa kịp thời. Tôi cứ đặt bản thân vào vị trí thân nhân của các liệt sĩ đã hy sinh nhưng chưa xác định tên, cũng mong ngóng được đưa con em mình về quê hương. Do đó, quản trang phải làm việc chăm sóc, khói hương chu toàn bằng cái tâm vô tư, xông xáo khi sức khỏe còn phục vụ cho họ” – ông Ninh nói.

Còn ông Tường ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ngọc Hồi cho biết, yên nghỉ nơi đây có 1.400 liệt sĩ chưa xác định tên (là số lượng mộ nhiều nhất ở cấp địa phương, chỉ sau Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh). Quanh năm, gia đình liệt sĩ, các đoàn trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng, tổ chức các đợt truy điệu đón các anh hùng liệt sĩ ở các tỉnh bạn Lào, Campuchia về nước. Dù công việc rất bận rộn, nhưng ông sẵn sàng huy động cả vợ con cùng nấu cơm, tổ chức ăn ở cho mọi người đến thăm, nghỉ đêm chu đáo.

Ông Tường chăm sóc vườn cây trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ Ngọc Hồi

 

Các quản trang luôn tâm niệm, luôn nối kết sự sống của các anh, các chị từng là người lính cầm súng vì Tổ quốc hôm qua cho độc lập hôm nay. Đó là những buổi trưa đến, đêm tối về không gian tĩnh lặng và rộng lớn xung quanh vẫn nghe tiếng nói chuyện, vui đùa của từng tốp người trẻ từ xa vọng đến. Cũng có người thân các liệt sĩ đi tìm mộ xin ở nhờ nhà nghỉ trong nghĩa trang, đêm khuya giật mình tỉnh giấc một mực đòi ra ngoài thuê chỗ ở khác, bởi trong giấc mơ các cô chú về gửi gắm nhiều chuyện không ngớt…

Các cán bộ quản trang cũng thông tin, hàng năm, có hơn 2 triệu lượt khách trong, ngoài tỉnh và quốc tế đến viếng thăm, thắp hương ở nghĩa trang. Khách đến còn tham quan, bày tỏ lòng tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Trong niềm tự hào công tác quản lý nơi đây, họ đã giúp đỡ, hướng dẫn cho gần 50 gia đình tìm đến, chứng thực trùng khớp mẫu ADN với các phần mộ liệt sĩ để tổ chức các nghi lễ, cất bốc di cốt trao lại người thân, đưa các anh chị về quê nhà yên nghỉ.

“Đây không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ mà là biểu tượng bất khuất, kiên cường của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Chúng tôi luôn cố gắng giữ gìn, chăm sóc khuôn viên, phần mộ các anh các chị để cầu mong cho hòa bình, ấm no và giáo dục các thế hệ mai sau về lòng tự tôn dân tộc, về đạo lý cao đẹp uống nước nhớ nguồn của người Việt” - ông Ninh tâm sự.

Bài và ảnh: Mai Trâm

Chuyên mục khác