Chùm ảnh: Độc đáo nghề rèn của người Xơ Đăng - Tơ Đrá

06/01/2025 13:14

Nghề rèn truyền thống của người Xơ Đăng-Tơ Đrá tại xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà đã nổi tiếng từ bao đời nay như một di sản văn hóa, đồng thời là nghề thủ công của đồng bào nơi đây.
Từ xa xưa, người Xơ Đăng-Tơ Đrá đã biết khai thác quặng sắt từ lò nung để rèn nên các sản phẩm như dao, rựa, cuốc hay chỉa sử dụng trong sinh hoạt và lao động sản xuất.

 

Theo truyền thống, mỗi làng thường có 7 - 15 lò rèn. Lò nung được đào thấp hơn mặt đất và đắp bằng đất sét bền chắc. Đây là nơi để than và đặt quặng sắt vào nung.

 

Một trong những bộ phận quan trọng của lò rèn là cối bễ. Cối bễ được làm từ hai cửa có hình ống tròn bầu. Đây chính là nơi hai miếng da mang, hoặc da dê được nối vào thật chắc bằng đất sét để giữ hơi.

 

Để “vận hành” lò rèn, cần ít nhất 3 người thợ. Trong đó, một người ngồi trên bễ lò, hai tay cầm hai bọc da mang thụt lên thụt xuống nhằm tạo hơi thổi bùng lò than để nung quặng sắt nguyên liệu.

 

Hai người ngồi hai bên lò nung thì một người theo dõi, lật trở mảnh quặng sắt trong lò; một người dùng đe, búa đập miếng sắt để làm thành dụng cụ.

 

Cách rèn công cụ được thực hiện rất công phu. Ngoài việc đập, sửa, mài, tôi, người thợ còn dùng sừng trâu sử dụng trong quá trình “trui” sản phẩm để có độ cứng và bền, đẹp hơn.

 

Sản phẩm sau khi mài thô và định hình lưỡi sẽ được nung lần cuối, nhúng nước tôi rồi mài mịn bằng tay. Các nguyên liệu sừng trâu được sử dụng để gia tăng độ chắc chắn và bền đẹp cho sản phẩm.

 

 
Sản phẩm nghề rèn không chỉ đáp ứng nhu cầu của người trong làng mà còn được trao đổi với bà con các làng lân cận.

 

Hiện nay, nhờ sự nỗ lực đóng góp của những người uy tín trong làng và sự quan tâm của các cơ quan chức năng, nghề rèn của người Xơ Đăng-Tơ Đrá ở xã Đăk Ui đang được bảo tồn.

 

NGỌC MẠNH

Chuyên mục khác