Chùm ảnh: Đặc sắc Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên

14/10/2024 06:15

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại từ năm 2005. Cồng chiêng được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên xem là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu giữa con người, thần linh và thế giới siêu nhiên.
Trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ, nghệ thuật cồng chiêng phát triển và trở thành biểu tượng thiêng liêng, đóng vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây.

 

 
Trong các lễ hội như: Mừng cơm mới, lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ đâm trâu đều phải có tiếng cồng chiêng ngân vang

 

Với quan niệm vạn vật hữu linh, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên xem cồng chiêng ẩn chứa trong đó một vị thần - cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao.

 

Mỗi dân tộc đều có những bản giai điệu cồng chiêng riêng để diễn tả vẻ đẹp thiên nhiên, khát vọng của con người.

 

Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có. Xưa kia, mỗi chiếc cồng, chiêng quý có thể đổi được nhiều con trâu, con bò.

 

 
Trong ngày hội, hình ảnh những chàng trai, cô gái nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng dưới mái nhà rông, bên ché rượu cần, trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo nên không gian cồng chiêng thật huyền ảo.

 

Để giữ gìn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, hiện nay, hầu hết các buôn làng Tây Nguyên đều có đội cồng chiêng để phục vụ trong sinh hoạt cộng đồng, trong dịp lễ hội. Do vậy, cồng chiêng góp phần tạo nên những sử thi, nghệ thuật đậm chất văn hóa Tây Nguyên vừa hùng tráng, vô tư và lãng mạn.

 

Ngọc Mạnh

Chuyên mục khác