Chợ thời @

03/01/2017 09:09

Không cần mặt bằng, không phải tốn tiền các loại thuế, phí, không cần nhiều vốn, cũng không cần nhân viên, được thử nghiệm ở lĩnh vực kinh doanh và có thêm thu nhập tương đối là những lợi thế mang lại từ hình thức buôn bán qua mạng cho không ít người kinh doanh ngày nay. Chính từ suy nghĩ đó, những năm gần đây, không ít bạn trẻ Kon Tum đã quyết định tạo dựng con đường kinh doanh của mình thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo…

Mưa không đến mặt, nắng không đến đầu

Các sản phẩm được rao bán trên mạng rất phong phú, đa dạng, từ quả mít, củ khoai lang, chuối sấy, đồ ăn vặt, sâm dây, sâm Ngọc Linh, mật ong, quần áo, giày dép, túi xách, đồ nội thất, gia dụng, hàng điện tử, điện lạnh như ti vi, máy tính, laptop, hàng kỹ thuật số đến ô tô, nhà cửa, đất đai, xe máy; thậm chí cả hàng thực phẩm chức năng hay các loại máy móc, dụng cụ liên quan đến thẩm mỹ, sức khỏe, giới tính...

Chính sự đa dạng này đã biến hình thức kinh doanh trực tuyến qua mạng thành "chợ thời @" như cách gọi quen miệng của nhiều người và cũng thu hút nhiều người tham gia mua bán bởi tính tiện lợi, chỉ cần "một cú nhấp chuột" chọn hàng và trao đổi qua mạng là người mua có ngay món đồ mình thích mà không phải ra chợ.

Việc bán hàng online có thể trao đổi thông tin sản phẩm diễn ra bất kỳ ở thời điểm nào trong ngày. Ảnh: X.B

 

Việc mua bán hàng này được nhiều chị em làm việc tại các cơ quan nhà nước hay các công ty, doanh nghiệp lựa chọn để thỏa mãn thú vui mua sắm của mình mà lại không mất nhiều thời gian.

Bán hàng qua mạng có ưu điểm là không phải mất tiền thuê mặt bằng, nhân viên, thuế… nên giá bán thường “mềm” hơn. Phí giao dịch thấp cũng thu hút được nhiều người tham gia, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên vốn thích tự lập, làm giàu.

Việc bán hàng online có thể trao đổi thông tin sản phẩm diễn ra bất kỳ ở thời điểm nào trong ngày và điều quan trọng hơn nữa những người tham gia “chợ thời @” này đều “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, cả ngày chỉ cần ngồi ở nhà với máy vi tính hoặc một chiếc điện thoại di động có kết nối internet là được.

“Khởi nghiệp” chỉ vài trăm ngàn

Em Nguyễn Thị Tường Vy ở đường Bắc Kạn, phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) cho biết: Cách đây 4 năm, khi em đang học lớp 10 Trường THPT Kon Tum, thấy một số bạn mua bán hàng online nên em cũng tập tành làm theo.

“Khởi nghiệp” với số vốn ban đầu chỉ vài trăm ngàn đồng, mặt hàng Vy chọn đưa lên trang Facebook cá nhân của mình chủ yếu là bán kem dưỡng da, kem trị mụn chủ yếu dành cho giới học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Kon Tum.

“Lúc đó em có làm quen với một chị ở Đà Nẵng chuyên bán các mặt hàng mỹ phẩm, nên em nhờ chụp hình và báo giá từng sản phẩm rồi gửi cho em. Sau đó em post hình và quảng cáo các mặt hàng này lên trang Facebook cá nhân của mình và các trang mạng xã hội khác. Nếu có khách đăng ký mua thì em gọi điện xuống chị ở Đà Nẵng để gửi sản phẩm về và em đi ship hàng tận nơi cho khách. Đầu tiên là bán hàng cho người quen, bạn bè trên lớp, sau đó mọi người giới thiệu, cứ thế lượng khách hàng mở rộng dần…” - Vy chia sẻ.

Tháng đầu tiên tham gia bán hàng online, Vy nhẩm tính cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng. Sau đó em “kinh doanh” thêm nhiều loại mặt hàng khác như quần áo, giày dép, nước hoa, thực phẩm chức năng… Hiện nay có tháng em thu nhập trên 10 triệu đồng cũng chính từ nhờ việc bán hàng online.

“Giờ em đã trở thành sinh viên của một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng nhờ “chợ thời @” nên em không phải xin tiền bố mẹ hàng tháng như nhiều bạn sinh viên khác...” - Vy phấn khởi cho tôi biết thêm về hành trình khởi nghiệp của mình.

Đưa đặc sản Kon Tum ra bên ngoài

Cũng như Nguyễn Thị Tường Vy, một bạn có nick name Nguyên Hanh, nhà ở thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) cho biết: Việc kinh doanh online đến với tôi rất tình cờ. Từ trước đến nay tôi làm thợ may rèm ở chợ Đăk Hà. Cách đây hơn 4 năm có một lần mẹ từ dưới quê Bình Định gửi trái say rừng lên ăn, thấy trái say ngon quá mà lại nhiều nữa, trong khi trên Kon Tum lại không có loại trái này nên tôi đưa lên trang Facebook của mình để bán thử ai ngờ lại bán được. Khi hết mùa trái say, tôi chuyển qua bán bánh chưng, bánh tét, nem, chả, bánh ít lá gai và nhận giao hàng miễn phí tận nhà nên có rất đông khách trong huyện đặt mua, vì thời điểm này ở huyện Đăk Hà hầu như chưa có dịch vụ mua bánh, trái giao hàng tận nhà miễn phí. Kể từ đó tôi tiếp tục bán thêm các loại trái cây sạch do chính người nông dân trên địa bàn huyện Đăk Hà trồng, mùa nào trái nấy để tiêu thụ giúp cho bà con. Ngoài ra, tôi còn kinh doanh thêm các mặt hàng là đặc sản của tỉnh Kon Tum như mật ong rừng, sâm dây, măng khô, gốc đinh lăng…

“Chính nhờ “chợ thời @” mà giờ đây nhiều sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu Kon Tum được khách hàng trên cả nước biết đến và ưa chuộng. Trước đây, với tôi việc bán hàng trên internet được xem là một “nghề tay trái” thì giờ đây nó đã trở thành một “nghề tay phải” vì chiếm gần hết thời gian trong ngày của tôi. Có nhiều khi phải đi giao hàng cho khách, khi về đến nhà trời đã khuya…” - trong một phút hứng khởi, bạn Nguyên Hanh tự hào khoe với tôi sự đóng góp của những phiên “chợ thời @" trong việc góp phần quảng bá những sản phẩm của quê hương Kon Tum đến với bạn bè cả nước.

Môi trường trải nghiệm

Ngày nay, việc bán hàng online đang nở rộ và đủ mọi thành phần, lứa tuổi, nhưng theo nhiều người cho biết, để thành công trong việc bán hàng online thì cũng không phải dễ dàng gì. Tuy nhiên, việc tham gia bán hàng online không chỉ đem đến nguồn thu nhập mới, tham gia thị trường kinh doanh mà còn là cơ hội để nhiều người, đặc biệt là học sinh, sinh viên tự trải nghiệm và học hỏi được nhiều điều.

Chính vì thế, hiện nay môi trường kinh doanh online là sân chơi được nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn vì không đòi hỏi nguồn vốn nhiều, đa dạng hình thức kinh doanh trong khi có thể tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Hơn nữa, nhờ bán hàng online mà nhiều sản phẩm là đặc sản mang hương vị của núi rừng Kon Tum dễ dàng được nhiều người biết đến…

Bảo Châu

Chuyên mục khác