“Chơ rao” không mỏi

30/04/2021 13:30

Tham gia cách mạng từ khá sớm và gắn bó đời mình với sự nghiệp của cách mạng, A Hiền - “chim chơ rao” của núi rừng năm xưa và “đầu tàu” hôm nay, là một câu chuyện đẹp ở làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy.

Nói đi với làm

Ông A Hiền là người Hà Lăng (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng). 81 tuổi, nhưng trông ông còn khá phương phi. Ông đi xe máy, đón tôi ở cổng trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã Rờ Kơi, giọng sang sảng: “Chào nhà báo. Nhìn là chú biết nhà báo liền”. Sau cái bắt tay thật chặt, ông thân tình mời tôi về nhà.

Nhà ông ở làng Rờ Kơi. Ngôi nhà xây, chia làm 3 gian. Trong gian ông ở, đồ dùng bày biện giản đơn, thoáng và sạch sẽ. Mở đầu câu chuyện, ông tự hào bảo, người dân làng Rờ Kơi có truyền thống cách mạng. Được cán bộ giác ngộ, năm 1960 ông tham gia cách mạng. Thấy ông nhanh nhẹn và chất phác, tổ chức giao cho ông làm công vụ cho đồng chí Nguyễn Văn Tiềm – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum trong những năm đất nước còn trong lửa đạn. Đất nước thống nhất, ông công tác ở nhiều cơ quan khác nhau, trước khi về hưu là cán bộ của Công ty Cao su Kon Tum (nay là Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum).

Trong quá trình công tác, dù thực hiện nhiệm vụ nào, ông cũng hết lòng với công việc được giao. Tuy nhiên, điều được ông tâm đắc nhất là khi tỉnh ta đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây cao su, cà phê vào từng bước thay thế lúa rẫy, bắp, mì để giúp người dân giảm nghèo, ổn định và nâng cao đời sống.  Được đào tạo bài bản về kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác cao su và với vai trò, nhiệm vụ được giao, ông có nhiều nỗ lực trong việc vận động đồng bào các DTTS phối hợp với Công ty Cao su Kon Tum phát triển cây cao su. Đồng thời, ông cũng có nhiều đóng góp trong việc vận động người dân phát triển cây cao su theo Chương trình 327 và gần đây nhất là phát triển cây cao su tiểu điền.

A Hiền tự hào về nhà rông làng Rờ Kơi giữ được kiến trúc truyền thống. Ảnh: V.N

 

Cây cao su tiểu điền ở xã Rờ Kơi trong những năm qua có sự phát triển mạnh, góp phần nâng cao thu nhập, đem lại cơm no, áo ấm cho người dân có phần không nhỏ từ những cán bộ hưu trí “đầu tàu” như ông. “Khi mới thực hiện chủ trương phát triển cây cao su tiểu điền, có nhiều ý kiến trái chiều. Ngay cả một số cán bộ chủ chốt của xã cũng có người quan ngại, sợ người dân quen với ruộng rẫy (lúa, bắp, mì), không thể trồng, chăm sóc và khai thác cây công nghiệp dài ngày như cây cao su. Tuy nhiên, là người có tầm nhìn và thấy được giá trị kinh tế của cây cao su, A Hiền ủng hộ chủ trương và vận động người dân đẩy mạnh phát triển cây cao su!” – A Im, Bí thư chi bộ làng Rờ Kơi nhớ lại.

Để người dân, cán bộ xã tin và làm theo, A Hiền bán tất 6 con bò của gia đình và vay thêm vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư trồng 4 ha cao su tiểu điền. Để có nguồn cây giống tốt, đảm bảo chất lượng, ông về tỉnh gặp những cán bộ kỹ thuật từ Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum  mua cây giống và thuê xe chở về trồng. “Thấy A Hiền mạnh dạn đầu tư phát triển cao su, nhiều người dân làng Rờ Kơi cùng các làng lân cận và cán bộ xã cũng mạnh dạn đầu tư phát triển cao su”- Bí thư chi bộ làng Rờ Kơi nhớ lại.

 Thực tế đã khẳng định, cao su là cây trồng chiến lược giúp người dân giảm nghèo và làm giàu. “Mấy năm trở lại đây, cây cao su của gia đình tôi đưa vào khai thác, cuộc sống của gia đình ngày càng ổn định và phát triển hơn. Bình quân mỗi ha cao su cho gia đình thu nhập từ 700 – 800 nghìn đồng/lần cạo” – A Hiền bộc bạch. Vườn cao su của gia đình ông được khai thác mủ theo chế độ D3 (một ngày cạo mủ, 2 ngày nghỉ, rồi lại cạo mủ lại), chia làm 3 khoảnh. Tính ra, bình quân mỗi ngày ông thu từ 1 – 1,3 triệu đồng từ bán mủ cao su. Ngoài cao su, ông còn đầu tư thâm canh 1ha mì trên những thửa đất nhỏ liền kề với cao su. Bình quân mỗi năm, cây mì cho ông thu khoảng 30 triệu đồng (đã trừ chi phí) từ bán củ mì. 

Trong quá trình nghỉ hưu và tham gia lao động sản xuất ở địa phương, qua đầu tư đẩy mạnh phát triển cao su, tuy không còn đất mở rộng phát triển cà phê, nhưng A Hiền là người ủng hộ chủ trương và vận động người dân đẩy mạnh phát triển cây cà phê ở những nơi phù hợp. Và thực tế, cà phê cũng là cây trồng giúp người dân có thu nhập khá cao.

“Qua chuyển đổi cây trồng, đến nay, làng Rờ Kơi nói riêng và xã Rờ Kơi nói chung có trên 90% số hộ phát triển cao su và cà phê. Từ đói nghèo, lạc hậu, với việc đẩy mạnh phát triển cây cao su và cây cà phê, người dân ở làng Rờ Kơi nói riêng, xã Rờ Kơi nói chung có cuộc sống ổn định và khá giả. Và làng Rờ Kơi đang phấn đấu đến cuối năm nay đạt nông thôn mới.” – Bí thư chi bộ A Rim khẳng định.   

Khôi phục giá trị văn hóa

Không chỉ là “đầu tàu” trong phát triển kinh tế, A Hiền còn là người quan tâm đến các giá trị văn hóa của dân tộc. Qua câu chuyện với ông A Hiền, A Im, A Gin và một số vị cao niên ở làng Rờ Kơi, tôi thấy các cụ đều đau đáu với các giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Dõi mắt vào một khoảng không tĩnh lặng, A Hiền trầm ngâm một hồi rồi bày tỏ: Người Hà Lăng có nhiều phong tục, tập quán và giàu bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, đối với những phong tục, tập quán không còn phù hợp cuộc sống như mê tín, cúng bái nhiều ngày, chúng tôi vận động dân làng loại bỏ. Đối với những giá trị văn hóa như cồng chiêng, múa xoang, múa chiêu, hát dân ca, đàn ting ning, t’rưng, k’lông pút, sáo ting giang... vận động dân làng giữ gìn và phát triển.

“Đảng và nhà nước nói văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, không giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, người Hà Lăng sẽ mất đi nền tảng của dân tộc mình”- A Hiền giãi bày. Nhận thức đúng và đau đáu với những giá trị văn hóa của dân tộc, A Hiền tranh thủ già làng, người có uy tín, các nghệ nhân, cán bộ xã phối hợp với Trường THCS xã Rờ Kơi mở nhiều lớp dạy cồng chiêng, đàn ting ning, k’lông pút, múa xoang, múa chiêu, hát dân ca cho các em học sinh Hà Lăng trong xã. 

A Hiền (giữa) cùng những người lớn tuổi trong làng bàn về nhạc cụ truyền thống. Ảnh: VN

 

Nhìn lại việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, A Thôn – cán bộ văn hóa – thông tin xã Rờ Kơi phấn khởi: Trong những năm qua, đội cồng chiêng, múa xoang người lớn và đội cồng chiêng thiếu niên của làng Rờ Kơi đại diện cho xã tham gia Liên hoan cồng chiêng và múa xoang, Liên hoan chào mừng đại hội các DTTS trên địa bàn huyện... luôn giành những giải cao, đem vinh quang về cho người Hà Lăng ở Rờ Kơi.

Không quên công lao, khi đánh giá về ông, Bí thư Đảng ủy xã A Đinh luôn thể hiện sự tôn kính và dành những mỹ từ: Cụ Hiền là người gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc và vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở địa phương. Bộ mặt xã Rờ Kơi có nhiều thay đổi, kinh tế - xã hội có nhiều bước phát triển có công đóng góp không nhỏ từ những cán bộ lão thành cách mạng, “đầu tàu”, có uy tín như cụ A Hiền. 

“Tri ân về sự đóng góp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là dẫn dắt dân làng vượt khó, đoàn kết cùng nhau vươn lên xây dựng cuộc sống mới, Huyện ủy Sa Thầy tuyên dương A Hiền trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”- Bí thư A Đinh bộc bạch.

Ít nói về mình, trước khi chia tay tôi, ông A Hiền chỉ thủ thỉ: “Có Đảng soi đường, mình còn sức còn nói và làm theo lời Đảng, lời Bác”.    

VĂN NHIÊN

Chuyên mục khác