Chiều ở Bung Koong

17/06/2021 13:09

Dạo quanh làng, ngồi trong nhà nghe già làng A Do tâm tình, chúng tôi hiểu về nhịp sống và nét sinh hoạt của bà con. Dưới chân núi Nồi Cơm, làng Bung Koong, xã Đăk Plô (huyện Đăk Glei) vẫn hiền hòa, đầm ấm. Mặc dù có nhiều tiến bộ hơn các làng khác, thế nhưng, dưới mỗi mái nhà vẫn còn tồn tại những hủ tục khiến đời sống của người dân chưa thật sự thay đổi như mong muốn.

Những ngôi nhà ở làng Bung Koong nằm san sát nhau trên con dốc cao yên bình đón hoàng hôn. Ngoài tiếng náo nhiệt của đám trẻ con nô đùa, hầu như không có thanh âm nào khác. Bên trong từng mái nhà với kiến trúc giống nhau, trời vào tối cũng là lúc khói lam chiều cuồn cuộn bay trên mái bếp. Dưới mái nhà truyền thống, bên bếp lửa nồng đượm, nhà nhà chuẩn bị bữa cơm tối sau một ngày lao động vất vả.

Nhà già làng A Do nằm ở đầu làng, chỉ cách nhà rông vài bước. Nghe có khách đến thăm, già A Do tắm rửa, thay bộ đồ lấm lem bùn mưa sau một ngày vất vả trên đồng. Quét vội những hạt cát ở hiên nhà, pha bình trà, già vui vẻ tiếp chuyện khách đường xa như vẻ đã thân quen lâu lắm rồi. Theo những thắc mắc, những câu hỏi của phóng viên, từ lịch sử của làng, tinh thần đoàn kết cũng như những phong tục, hủ tục… kết nối thành những câu chuyện thú vị.

Làng có khoảng trăm hộ người Giẻ. Từ truyền thuyết về núi Nồi Cơm, nhiều người đùa với nhau rằng, vì nằm ở dưới chân núi Nồi Cơm – biểu tượng của sự ấm no, sung túc, nên làng luôn no đủ, thịnh vượng hơn các làng khác. Nhưng thực tế, ấm no là nhờ sức lao động, nhờ sự chăm chỉ, nỗ lực sản xuất mỗi ngày.

Làng Bung Koong nằm bình yên dưới chân núi. Ảnh: HT

 

Ấn tượng đầu tiên khi về làng là sạch sẽ. Mọi thứ đều gọn gàng, nhà cửa, sân ngõ được quét dọn mỗi ngày, sạch sẽ từ trong ra ngoài. Sẩm tối, khắp làng, không có cảnh tụ tập ăn uống, “giải mỏi” như thường thấy ở nhiều nơi khác. Lứa thanh niên mải mê đánh bóng chuyền; chị em phụ nữ túm tụm trò chuyện, rồi ai về nhà nấy, lo cơm nước trước khi mặt trời đi ngủ.

Qua việc tiếp xúc, chúng tôi bất ngờ với cách sống của người dân nơi đây. Bà con không uống rượu không rõ nguồn gốc. Khi gia đình có việc, mọi người chỉ uống một vài ly bia rồi nghỉ, hiếm có cảnh say xỉn tối ngày, không lo làm kinh tế.

Trong câu chuyện, già làng A Do luôn tự hào với tinh thần đoàn kết của bà con: “Chẳng ganh đua đố kỵ, bà con sống với nhau “thật cái bụng lắm”. Tính cộng đồng cao, mỗi người, mỗi gia đình luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ nhau khi cần”.

Người dân gìn giữ nhà rông truyền thống. Ảnh: H.T

 

Con đường bê tông thẳng tắp khiến khoảng cách từ đầu làng đến cuối làng như gần lại. Chưa đầy 10 phút đã có thể rảo bộ khắp làng.  Già làng A Do bảo rằng, đó là kết quả của sự đoàn kết cùng chung sức thực hiện. Nhà nước hỗ trợ, người dân góp công, nhà nhà góp sức, góp công, ủng hộ tinh thần, vật chất cùng thực hiện. Chỉ về phía nhà rông – mảnh hồn làng, đẹp mơ màng, già A Do cũng khẳng định, từ già đến trẻ, ai nấy đều quyết tâm giữ gìn. Ngoài việc góp công xây dựng, người dân còn chung sức bảo vệ. Nhờ đó, bao nhiêu năm nay, ngôi nhà được làm bằng tranh tre vẫn sừng sững giữa làng.

Ghé thăm các làng ở Đăk Plô, qua tìm hiểu, được biết, người dân nơi đây vẫn còn nặng các hủ tục. Trong đó, đáng chú ý: tục chết tốt, chết xấu (chết do rủi ro bà con trong làng không dám ghé đến), gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Thế nhưng, Bung Koong rất khác. Không tồn tại tục lệ đó. Dù nguyên nhân dẫn đến cái chết như thế nào, bà con trong làng cũng góp tiền, góp công đến hỗ trợ, giúp đỡ. Thậm chí, bà con còn đến các làng khác động viên, giúp đỡ gia đình gặp nạn. Già A Do bộc bạch: “Làng mình đoàn kết lắm, luôn giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh. Nhiều lúc, người dân trong làng cũng lung lay, bị dao động bởi tục lệ của những làng khác, nhưng già động viên ngay, không để bà con học theo hủ tục xấu. Lúc nào già cũng nhắc nhở, cái gì hay mình học, cái gì xấu mình bỏ. Bà con cũng nghe theo”.

Nhưng, bên cạnh những mặt được, già làng A Do cũng nhìn nhận và trăn trở với những tồn tại ở trong làng. Đó là bà con vẫn còn nặng nề trong việc cưới hỏi. Mỗi lần cưới hỏi, nhà gái bỏ công bỏ sức chặt củi, đưa tới nhà trai 100-200 bó củi. Đáp lại, nhà trai cũng phải bỏ tiền, mổ bò hoặc mổ heo để thết đãi đàng hoàng. “Phong tục thì phải giữ nhưng phải “gọn” bớt đi thôi. Thay vì mang đến 100-200 bó củi thì mình giảm lại, mang vài chục bó làm lệ thôi. Nếu cứ cái đà này, rừng sẽ bị tàn phá mà bà con cũng nghèo khó vì tục lệ” – già A Do trải lòng.

Nói đoạn, già bảo: “Nó ăn sâu vào nếp nghĩ của bà con rồi, phải quyết tâm tuyên truyền mới từ từ thay đổi được. Phải tuyên truyền mỗi ngày bằng những câu chuyện thật mới có sức lay chuyển”.

Người dân làng Bung Koong luôn đoàn kết, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Ảnh: H.T

 

Nặng nề về phong tục, và ẩn sâu trong mỗi nếp nhà vẫn còn tồn tại những hủ tục. Già A Do khẳng định rằng, nơi đây vẫn còn tục thế trâu, thế bò. Già không ngần ngại giải thích rõ về tục lệ: Nếu gia đình nào có người thân đau ốm, chữa trị tại bệnh viện không khỏi, bác sĩ trả về, gia đình người đó sẽ làm trâu, bò để cúng và kiêng trong 10 ngày. Trong 10 ngày kiêng cử, gia đình sẽ không đi làm, không mang thịt heo vào nhà, không được chặt các cây tre, cây chuối, nứa… “Để giảm bớt gánh nặng về việc mổ trâu, mổ bò, ảnh hưởng đến kinh tế, bà con thay thế bằng việc đi mua đầu trâu, đầu bò. Tuy nhiên, việc kiêng cử cũng ảnh hưởng đến việc làm, bởi, 10 ngày kiêng cử không đi làm, nếu lúa đến vụ gặt, nếu mì đến vụ trồng, không làm kịp sẽ gây thiệt hại về kinh tế” – già A Do nhìn nhận.

Nhận thấy những điều còn hạn chế ở làng, bản thân già làng A Do thêm phần quyết tâm cùng chính quyền địa phương xóa bỏ các hủ tục, dẫu biết rằng điều đó không dễ làm.

Những câu chuyện không đầu không cuối rồi cũng đưa chiều vào tối. Bung Koong chìm vào màn đêm. Già làng A Do tiễn khách xuống tận đầu dốc rồi rảo bước về nhà. Trong cái vẫy tay chào tạm biệt, già hẹn gặp lại khách ở làng vào một ngày không xa với hứa hẹn: Bung Koong sẽ tiếp tục thay đổi theo hướng văn minh, người dân sẽ đoàn kết, ấm no hơn so với bây giờ.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác