Cây chè ở xã Hiếu

29/11/2021 06:01

Ai đã đến xã Hiếu (huyện Kon Plông) mà chưa tận hưởng ly nước chè xanh nấu từ lá chè mọc tự nhiên giữa núi đồi mênh mông này thì coi như chưa được tận hưởng đặc ân của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Bởi hương vị nồng nàn của lá chè non và tình người Mơ Nâm sẽ làm say đắm lòng du khách.

Chúng tôi đến xã Hiếu khi mưa giăng khắp đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Công Hội - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Chè sạch Đông Trường Sơn kể: Năm 2019, trong một chuyến công tác tại tỉnh Kon Tum, với kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành xuất khẩu chè Việt Nam, tôi nhận thấy xã Hiếu là vùng đất rất phù hợp để tạo ra một vùng chè hữu cơ có chất lượng, sản phẩm giá trị tương đương với vùng chè Lâm Đồng. Thế là, trong năm đó, tôi và cộng sự phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chè (thuộc Viện Khoa học - Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc) đi khảo sát thực tế vùng chè tại tỉnh Kon Tum và quyết định thành lập HTX. Đến nay, qua 2 năm triển khai, HTX đã trồng được trên 20ha tại thôn Vi Choong với các giống chè đặc sản như PH11, PH8, TRI5.0, LCT1, Kim Tuyên và Phúc Vân Tiên. Qua việc trồng, chế biến chè, HTX giải quyết việc làm 20 lao động/ngày.

Bà con DTTS xã Hiếu, huyện Kon Plông chăm sóc cây chè. Ảnh: T.V.P

 

“Hiện nay, 4ha chè trồng 2 năm tuổi bắt đầu thu hoạch, cho năng suất bình quân từ 2-4 tấn búp chè tươi/ha/năm, nhưng dự báo từ 3 năm tuổi trở lên năng suất sẽ tăng gấp đôi; 16ha chè mới trồng 1 năm tuổi đang phát triển tốt. HTX đang chuẩn bị trồng thêm 10ha nữa, để cuối năm nay nâng lên 30ha. Ngoài ra, HTX đã phối hợp với UBND xã Hiếu khảo sát hơn 6.000 cây chè bản địa, qua đó hướng dẫn bà con tại thôn Vi Glơng kỹ thuật tỉa cành được 400 cây. Qua 2 tháng theo dõi, cây chè bản địa đã tạo tán và sinh trưởng tốt, dự kiến HTX sẽ mua với giá 10.000 đồng/kg búp chè tươi” - ông Hội phân tích.

Anh A Duẩn trú tại thôn Tu Cần cho biết: Được HTX cung cấp giống và hướng dẫn phương pháp canh tác có khoa học-kỹ thuật, đến nay, qua gần 2 năm trồng, chăm sóc, hơn 1ha chè của gia đình phát triển tốt và bắt đầu cho thu bói. Trước đây, với diện tích đất này, mình chủ yếu trồng cây mì, nhưng do địa hình đồi dốc, rất khó khăn trong quá trình thu hoạch, nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Nhưng với giá mua chè tươi của HTX như hiện nay, thì trồng chè có kinh tế gấp từ 6-8 lần so với trồng mì.

Phụ nữ xã Hiếu, huyện Kon Plông thu hái chè. Ảnh: T.V.P

 

Anh A Ói trú tại thôn Tu Cần vui vẻ kể: Ngay từ ngày HTX trồng chè trên địa bàn, tôi đã vào làm việc với HTX. Công việc ổn định, gia đình có thu nhập khá hơn trước. Công việc hàng ngày của tôi là trồng chè, làm cỏ, bón phân, hái lá chè… cho HTX. Hiện nay, HTX đã giao cho gia đình tôi quản lý 2ha chè, nên tôi vừa chăm sóc, vừa thu hoạch để bán lại cho nhà máy của HTX, bình quân mỗi ngày thu được 200 ngàn đồng/người.

Anh A Tăng trú tại thôn 2 kể thêm: Với 2 sào chè bản địa có từ thời ông cha để lại, gia đình được HTX hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón và thu mua sản phẩm với giá 10.000 đồng/kg chè tươi. Qua chăm sóc và thu hoạch sản phẩm bán lại cho HTX, gia đình tôi có thêm thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng. Thực sự, chưa bao giờ tôi nghĩ cây chè trong vườn nhà lại có giá trị như vậy. Vì thế, gia đình tôi đã tham gia học hỏi kỹ thuật để chuyển đổi 2 ha đất trồng cây mì sang trồng cây chè có giá trị kinh tế cao.

Già làng A Đring trú tại thôn 10 rất tâm đắc với việc phát triển cây chè trên vùng đất này. Ông tâm sự: Từ khi có HTX hướng dẫn cách cải tạo cây chè bản địa, hơn 150 gốc chè quanh hàng rào vườn nhà tôi phát triển rất tốt, cho sản phẩm đều đặn để tôi bán cho HTX và thu nhập từ 1-2 triệu đồng/tháng. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để phát triển kinh tế, gia đình tôi đã đăng ký trồng khoảng 3-5 ha theo hướng dẫn của HTX. Với giá trị kinh tế từ cây chè đem lại như thế này, tôi luôn tuyên truyền, vận động bà con trong xã cùng phối hợp với HTX để trồng cây chè và coi đây là thế mạnh của địa phương.

Ông Nguyễn Công Hội còn cho biết thêm: Đầu năm nay, HTX đã xây dựng xong nhà máy sơ chế với công suất 1 tấn chè tươi/ngày để bao tiêu sản phẩm từ cây chè bản địa và cây chè thu bói của HTX. Các sản phẩm ban đầu của HTX được các chuyên gia về chè ở Viện Nghiên cứu chè Việt Nam cũng như thị trường đánh giá rất cao. Hiện nay, đề tài dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng một số giống chè mới, thâm canh và chế biến chè xanh, chè ô long tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum” được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá rất cao. Vì thế, HTX đang tiến hành các thủ tục xin tỉnh chủ trương đầu tư dự án “Trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm sạch từ cây chè theo tiêu chuẩn VietGAP và cây dược liệu’’ với quy mô 98,47ha; trong đó, trồng cây chè và cây dược liệu 95,47ha với các giống chè mới chất lượng cao và các loại cây dược liệu phục vụ chế biến trà dược liệu như hoa cúc, hoa ngâu... Dự kiến, HTX đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè xanh đặc sản, chè ô long trong năm 2021 với công suất đạt từ 5-7 tấn nguyên liệu búp tươi/ngày, tương đương khoảng 1.000 tấn nguyên liệu/năm; giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động; tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng.

Thu hái chè. Ảnh: TVP

 

Vui mừng trước sự đầu tư có hiệu quả của HTX, ông Phan Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Hiếu tâm sự: Năm 2020, tôi được HTX mời đi tham quan nhà máy và vùng nguyên liệu chè của Công ty TNHH Hợp Tín tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ và nhận thấy cây chè rất có tiềm năng phát triển ở địa phương. Vì thế, tôi hết sức ủng hộ và tin tưởng vào sự quản lý, đầu tư của HTX về việc trồng và phát triển các sản phẩm từ chè ở địa phương xã Hiếu. Đặc biệt, hiện nay trong điều kiện dịch bệnh và khó khăn chung của cả nước, nhưng HTX luôn giải quyết việc làm thường xuyên từ 30-40 lao động tại địa phương. 

Tôi rời xã Hiếu trong mưa lạnh, nhưng trong lòng thì ấm áp vô cùng. Bởi xã Hiếu trong tôi bình yên đến lạ và ly nước chè xanh của núi đồi xã Hiếu sóng sánh nghĩa tình đến mặn mà không dứt. Hy vọng, một ngày trở lại, xã Hiếu sẽ phủ xanh những đồi chè, và cuộc sống của đồng bào DTTS nơi đây sẽ tiếp tục được nâng cao hơn trước.

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác