Cẩn trọng dầu ăn “tái chế”

26/09/2016 09:04

Dẫu biết dầu ăn chiên đi chiên lại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thế nhưng, vì lợi nhuận, nhiều hàng quán trên địa bàn tỉnh vẫn “tái chế” để chế biến thức ăn bán cho khách.

Mua dầu đã sử dụng

Sáng nay, thấy thèm xôi chiên nên chị H - bạn tôi mới ra một cửa hàng ven đường để mua. Ra quán mới hay người bán từng là bệnh nhân của mình (Chị H bốc thuốc Đông y - PV).

Sau dăm câu ba sợi chào hỏi, chị H hỏi mua xôi chiên về cho gia đình. Chị chủ quán kéo chị H lại gần, thủ thỉ: Chỗ chị em nên em nói thật, chị muốn ăn thì để em đưa xôi chưa chiên về nhà rồi chị chiên ăn chứ đừng ăn ở đây. Dầu ăn đây là dầu xá (dầu mua lại đã qua sử dụng - PV), bẩn lắm!

- Là sao? – chị bạn tôi ngỡ ngàng hỏi lại.

Chị bán xôi chiên ấp a ấp úng một lúc thì nói: Em nói thật nhưng chị đừng nói với ai, chuyện này mà lộ ra ngoài, mấy miệng ăn của gia đình em không biết phải làm sao.

Khi chị bạn tôi đồng ý, chị bán xôi chiên liền kể, thực ra dầu ăn này được chị mua lại từ một nhà hàng trên địa bàn thành phố. Dầu này đã được nhà hàng chiên nấu qua nhiều lần, đến khi dầu đen lại thì nhà hàng mới “tinh luyện” bằng cách lấy cơm nguội cho vào chảo dầu đang nóng để cơm hút hết cặn đen và làm chảo dầu trong trở lại. Sau đó, nguyên một chảo dầu lớn được nhà hàng phân ra bán lại.

Chị bảo, thông thường cứ khoảng 1-2h chiều, nhiều người bán chuối chiên, bánh rán như chị, cả những người ở các quán lẩu, quán ăn thường có mặt tại cổng sau của nhà hàng để mua dầu ăn. Mỗi lần, một người lấy cũng phải 5 lít trở lên. Khi được chị bạn tôi hỏi nay mua một lít dầu bao nhiêu, chị không nói rõ giá song chỉ bảo rằng so với dầu mới thì rẻ hơn gấp nhiều lần.

Dầu chuyển sang màu nâu vẫn được sử dụng để chiên bánh. Ảnh: B.A

 

Trong vai người mua dầu, chúng tôi ghé đến một cửa hàng tạp hóa H.T ở xã Ia Chim để mua dầu lít.

Tại đây, dầu ăn được đựng trong một can 30 lít và ai đến mua sẽ được bán theo yêu cầu. Khi chúng tôi tỏ ý mua một lít, bà chủ liền rót dầu ra một ca nhựa rồi đổ vào trong một túi ni lông. 1 lít bà bán với giá 19 ngàn đồng.

“Sao dầu này rẻ vậy cô? Ở đây nhiều người mua loại dầu này không?” – chúng tôi hỏi.

Chẳng cần suy nghĩ, bà chủ liền nói: Dầu này là dầu “dổm” mà không rẻ sao được. Ở đây chủ yếu là mấy bà bán chuối chiên, bán bánh xèo, mấy quán ăn mua để chế biến đồ ăn bán cho khách thôi chứ người dân ít khi mua lắm.

Chúng tôi tỏ ý hỏi về nguồn gốc của dầu ăn, bà chủ liền lắc đầu nói rằng, bà chỉ mua lại rồi về bán thôi chứ dầu làm từ chất gì hay ở đâu bà không biết.

Các cửa hàng tạp hóa bán dầu lít không rõ về nguồn gốc. Ảnh: B.A

 

 

Đâu riêng cửa hàng tạp hóa H.T, ở các hàng tạp hóa nhỏ lẻ trong các làng đồng bào DTTS ven thành phố, cũng có rất nhiều người bán dầu ăn lít như thế này. Thậm chí, ở nhiều nơi, họ còn rót sẵn ra bì, treo trên cửa hàng cho tiện bán khi có người hỏi mua.

Chiên đi chiên lại nhiều lần

Sau khi mua dầu về, chị bán xôi liền chiên nấu trực tiếp rồi bán cho khách. Chị nói rằng, dầu của chị mua về dù là cũ nhưng… như mới. Dẫu vậy, khi bán, chị cũng giấu giếm để khách không biết. “Dùng dầu rẻ như thế mới lời chứ mua dầu mới không lời bao nhiêu đâu” – chị bán xôi nói.

Với tiêu chí càng tiết kiệm càng tốt nên số dầu mua về, sau mỗi lần chiên bánh, lượng dầu còn lại trong chảo, chị lại tiếp tục đổ vào trong can để hôm sau chiên tiếp. Đến khi nào dầu ngả đen, chị lại dùng dầu chưa chiên pha vô cho bớt màu.

Mới mở thời gian gần đây nhưng quán bán chuối chiên ở phường Nguyễn Trãi rất đông khách. Quán thường mở từ 2h chiều nhưng có hôm chưa đến 5h chiều quán đã hết bánh. Ghé vào quán, những lát khoai, lát chuối tẩm bột được cho vào chảo ngập dầu. Chỉ vài phút sau, chiếc bánh chuối to bằng bàn tay nóng hổi rất hấp dẫn, bánh khoai thơm lừng. Nhưng nhìn vào chảo dầu thì thật sự tá hỏa khi nó đã ngả sang nâu.

“Dầu ăn này mình mua theo lít hay mua dầu ăn bình thường trong can vậy chị?” – chúng tôi hỏi.

Chị chủ quán lơ đi, chỉ trả lời bâng quơ: Cô yên tâm đi! Ở đây dầu ăn chất lượng lắm(!?)

“Mỗi ngày mình chiên hết một chảo dầu như thế này luôn à chị, rồi dầu dư thì sao, đổ đi à?” - chúng tôi gặng hỏi.

Chị chủ quán nhìn chúng tôi rồi nói khá nhanh: Hôm nào nhiều khách thì phải thêm dầu chứ một chảo này không đủ. Dầu dùng xong, mình phải “tái chế” để dùng lại chứ đổ đi thì sao mà lời.

“Tái chế” theo cách của chị chủ quán là “lọc dầu”. Sau mỗi lần chiên, chị lại cho lượng dầu còn lại trong chảo vào một can, chỉ đổ đi cặn nằm sát đáy chảo. Số dầu đó, hôm sau chị lại tiếp tục chiên và cứ như thế, dầu được sử dụng chiên đi chiên lại rất nhiều lần.

Là một người từng bán bánh rán, chuối chiên ở thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, bà T cho chúng tôi biết, bà thường mua mỡ heo cho rẻ. Cũng như các quán khác, sau khi chiên rán xong, bà T liền chắt vào một can 5 lít để dành. Can này được bà cất khá kĩ để khách không nhìn thấy. Và chúng tôi không khỏi rùng mình khi nhìn thấy can dầu nhem nhuốc đầy những cặn đen đã cháy khô.

Bà T nói rằng, sau khi chiên nấu nhiều lần, bà liền cho vào chảo dầu nóng một ít gừng. “Vị gừng sẽ giúp át đi mùi hôi, khi đó khách ăn bánh chỉ thấy mùi gừng thôi” – bà T bảo vậy. Sau này, khi chuyển sang bán phở, bán bún, bà T vẫn sử dụng loại dầu ăn đó để chiên nấu.

Có riêng gì chị bán xôi chiên, bà T cũng nói rằng, dầu của bà mua rẻ hơn nhiều so với dầu mua mới. Và chỉ như thế, bà mới lời nhiều trong quá trình bán.

Biết hại vẫn ăn

Thích ăn bánh rán, chuối chiên nên hầu như tuần nào chị Thuỳ Trang ở xã Ia Chim cũng ăn món này. Nhiều hôm, bữa sáng của chị đơn giản là cái 2 cái bánh tiêu hoặc vài ba cái bánh rán. Còn vào quán bánh canh, chị phải ăn cho được vài ba cái quẩy.

Chị nói rằng, chị thừa biết các quán thường sử dụng dầu chiên đi chiên lại, thậm chí dầu ăn không rõ nguồn gốc để chiên thực phẩm lên bán nhưng vì thích nên vẫn cứ ăn.

“Chị có biết sử dụng dầu chiên đi chiên lại nguy hại đến sức khỏe như thế nào không?” – chúng tôi hỏi.

Trang đáp tỉnh queo: Hại nhiều chứ, nhưng nay có cái gì an toàn đâu, cứ nhắm mắt mà ăn thôi.

Là “tín đồ” của cá viên chiên nên mỗi lần đi ăn, chị Nở ở xã Đăk Năng phải ăn từ 3-5 xiên các loại. Chị bảo, trước đây, chị với những người bạn thường tìm đến các quán vỉa hè rồi gọi món này ra ăn. Kì thực, ai cũng biết hầu như các cửa hàng đều sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần nhưng không nhìn thấy thì ăn thôi.

Tại cổng sau của Trường THCS THSP Lý Tự Trọng, hàng bán thức ăn nhanh rất đắt khách. Nhất là những giờ tan trường, học sinh kéo đến đông nghịt.

Chúng tôi để ý, theo yêu cầu của các “thượng đế”, chị chủ quán lấy cá viên chiên, xúc xích bỏ vào chảo rán. Suốt cả buổi, không thấy chị thay dầu dù dầu đã ngả sang màu nâu.

Tuy nhiên, các em học sinh chẳng hề để ý đến chảo dầu đó mà cứ thế ăn lấy ăn để. Nhiều em còn cười tươi như hoa khen ngon. Một em chia sẻ với chúng tôi rằng: Hầu như hôm nào em cũng ăn, ăn cho đỡ đói rồi đi học thêm thôi chị chứ em không để ý gì đến dầu ăn đâu.

Không phải tất cả các cửa hàng bán đồ chiên rán đều sử dụng dầu “bẩn”, dầu chiên đi chiên lại nhưng thực tế có rất nhiều hàng quán chỉ vì lợi nhuận mà không để ý đến sức khỏe của người tiêu dùng. Chính vì vậy, mỗi người tiêu dùng cần tỉnh táo trước việc ăn uống để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình, tránh tình trạng rước bệnh vào thân.  

B.A

Chuyên mục khác