Cầm đồ và những góc khuất

15/10/2018 13:03

​Nghe tôi tiết lộ ý định đi tìm hiểu viết bài về hoạt động cầm đồ, một chú em xã hội gạt đi: Thôi, anh dính vào cái "vũng bùn" ấy làm gì. Nhưng một người bạn có "thâm niên mở tiệm cầm đồ” thì lại cười: Ừ, cứ thử xem, biết đâu lại giải oan cho bọn tớ, vì cầm đồ cũng có mặt này mặt kia. Vậy thực hư là thế nào?

Nở rộ dịch vụ cầm đồ...

Đã từ lâu, cụm từ "tiệm cầm đồ" không còn xa lạ gì với mọi người, và có lẽ ngày càng "ăn nên làm ra" trong thời buổi nhà nhà, người người bung ra làm ăn.

Tôi không dám chắc ngành chức năng đã thống kê cụ thể trên địa bàn tỉnh hiện có bao nhiêu tiệm cầm đồ, kể cả có phép và “hoạt động chui”, nhưng có thể nói rằng dịch vụ này đang nở rộ.

Cứ nhìn các biển hiệu tiệm cầm đồ xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến phố thì có thể dễ dàng hình dung "độ phủ sóng" của hoạt động này như thế nào.

 

Hoạt động cầm đồ đang phát triển mạnh từ phố...

Hãy thử chạy một vòng trên các tuyến phố, chịu khó luồn vào các con hẻm, các khu vực dân cư hoặc chợ, bạn sẽ thấy những biển hiệu xanh đỏ hoặc đỏ vàng rực rỡ, bắt mắt mang dòng chữ to tướng: Cầm đồ. Lẽ dĩ nhiên, luôn kèm theo các "mỹ từ" đại loại "uy tín – lịch sự" hay "uy tín – lãi suất thấp", hoặc "thủ tục đơn giản"...

Không chỉ hoạt động ở đường phố, khu dân cư hay chợ trong nội thành, cầm đồ đã và đang "tấn công" vùng nông thôn. Theo những người trong giới làm ăn rỉ tai nhau, ở tất cả các xã vùng ven đều có dịch vụ cầm đồ, chủ yếu do người từ trong phố ra mở.

Trên con đường hẻm mù bụi ở thôn P.Q, thuộc xã V.Q (thành phố Kon Tum), trước một ngôi nhà khá đẹp, với hàng rào và cổng xây khá bề thế có trưng tấm biển chỉ ghi 2 chữ "cầm đồ". Tôi thắc mắc: Cầm đồ mà về nông thôn chi vậy trời? Ở phố mới làm ăn được chứ?

... đến nông thôn

 

Chú em nhìn tôi với ánh mắt "xem thường": Về nông thôn kiếm ăn mới dễ, thưa ông anh. Con cái học hành này, đau ốm này, mua con giống này..., những món tiền nhỏ thôi, nhưng không phải lúc nào trong nhà cũng có, thế là các hộ gia đình xem trong nhà mình món đồ nào có giá trị thì đem đi cầm. Đó là “giải pháp nhanh gọn” để người dân giải quyết những khó khăn trước mắt. Chưa kể đến chuyện hàng "móc" (tức hàng ăn trộm) đưa từ phố đưa về cho dễ tiêu thụ.

Ra thế - Tôi vỡ lẽ sau một hồi thuyết trình của chú em đi cùng.

Sáng nay, một tiệm cầm đồ nữa lại được khai trương trên đường Ure (thành phố Kon Tum). Rất nhiều lẵng hoa đẹp được dựng trước cửa; một số thanh niên xăm trổ, nét mặt lạnh lùng đứng đón khách. Không cần để ý, tôi cũng thấy sự e ngại trong ánh mắt của những người qua đường.

... và những góc khuất

Đây là lần đầu tiên tôi bước chân vào tiệm cầm đồ, nên cứ “ngó trước ngó sau”. “Chú em xã hội” trấn an tôi: Anh cứ bình thường thôi, đi với em. Nhưng nhớ là chỉ ngồi nhìn thôi, không hỏi, không chụp ảnh, ghi âm gì cả, chúng nó thấy là mệt lắm đó.

Và thế là buổi sáng hôm ấy, tôi bước chân vào "thế giới bí ẩn” ấy, và nhận ra rằng, đằng sau những tấm biển rực rỡ xanh đỏ, xanh trắng kia là muôn vàn góc khuất mà không dễ gì nhìn hết, nói hết được.

Trong khi chú em và mấy thanh niên trong tiệm cầm đồ đang xì xào bàn chuyện thì 2 cậu choai choai bước vào. Cầm gì? Chủ tiệm hỏi ngắn gọn. Xe máy. Nó đó. Câu trả lời cũng nhát gừng.

Nhìn thoáng qua chiếc xe Exciter 250 ngoài sân, chủ tiệm gật đầu. Mọi giao dịch diễn ra nhanh chóng, không hề thấy ai nhắc đến nguồn gốc chiếc xe máy. Sau khi cầm xe, hai cậu choai choai gọi taxi đến chở đi.

Lát sau, có một khách hàng đến cầm điện thoại, cũng nhanh như vậy, chủ tiệm báo giá, khách nhận tiền là xong.

Cứ như thế, trong một buổi sáng, có 4 khách hàng đến "giao dịch". Và như chiếc xe máy ban đầu, không ai quan tâm nguồn gốc món hàng.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, chú em nói nhỏ: Ở đây người ta cầm tuốt. Ở một số cửa hàng khác kỹ hơn, chủ sẽ "soi" giấy tờ, nếu có giấy tờ hợp lệ sẽ cầm giá khác, hàng “móc” (trộm, cướp) thì giá rất "bèo".

Lãi suất cũng là một "góc khuất" khó nắm bắt của cầm đồ. Theo quy định của pháp luật (Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015), lãi suất cho vay theo hình thức cầm đồ không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, tuy nhiên, trên thực tế, đa số tiệm cầm đồ đều đưa ra lãi suất cao chót vót, đại đa số là 8-10%/tháng, tức trên 90-120%/năm; hiếm hoi lắm mới có cửa hiệu cầm đồ với mức lãi suất là 5%.

Hãy thử tưởng tượng, với mức lãi suất là 10% cho khoản vay 10 triệu đồng, trả trong vòng 5 tháng, tương đương với chỉ sau 5 tháng, bạn đã phải trả thêm 50% số tiền vay ban đầu, là 5 triệu đồng. Rất nhiều khách hàng đã phải mất tài sản vì không có khả năng chỉ trả. Và như vậy, cầm đồ lúc này đã không còn là giải pháp tài chính hữu hiệu nữa, mà trở thành món nợ dai dẳng tiềm tàng sau này.

Cũng từ “chú em xã hội” mà tôi biết rằng, để có thể hoạt động được trong lĩnh vực cầm đồ, ngoài việc có giấy phép kinh doanh thì chủ cửa hàng còn phải có "máu mặt" hoặc ít ra cũng phải có sự "bảo trợ" của các đối tượng giang hồ.

Vì vậy, có thể nói, hoạt động cầm đồ như một “thế giới ngầm” đầy rẫy góc khuất, mánh lới tranh giành với nhau và có những luật lệ riêng, nếu không "chấp nhận" thì khó có cửa làm ăn.

Mặt khác, theo nhận định của giới làm ăn, không ít chủ tiệm cầm đồ có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", tức là cho vay “nóng”, vay trả góp với nhiều ưu đãi như “vay tiền không cần thế chấp”, “thủ tục đơn giản, nhanh chóng có tiền trong ngày"...

Vào đầu tháng 7/2018, Công an thành phố Kon Tum bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Duy Thuận, chủ cơ sở dịch vụ cầm đồ Thái Sơn (số nhà 99A, đường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) về hành vi cho vay nặng lãi, thu 31,4 triệu đồng cùng nhiều tài liệu liên quan, là một minh chứng cho những nhận định trên trong hoạt động của giới cầm đồ.

Có lẽ cũng vì luôn ẩn chứa sự phức tạp của một "thế giới ngầm” đầy manh động, sự kiểm soát chưa chặt chẽ của cơ quan chức năng, cùng với những góc khuất, biến tướng nói trên mà dịch vụ cầm đồ trở thành một “nghề xấu”.

Về bản chất, cầm đồ không xấu(?)

Tôi đã từng hỏi thẳng K - một người “có thâm niên" trong lĩnh vực cầm đồ ở thành phố Kon Tum: Cầm đồ có xấu?

Nói thật, khi hỏi, tôi đã chuẩn bị tâm lý nghe anh... chửi. Bởi lẽ đây là một "nghề" nhạy cảm và một câu hỏi cũng... nhạy cảm nốt. Chưa kể, anh là một người nóng tính.

Ai dè, vừa loay hoay xếp lại những chiếc xe máy mới có, cũ có cho gọn gàng, anh vừa cười lớn: Bậy nào, ai nói với chú là cứ mở tiệm cầm đồ là xấu đấy hả. Cầm đồ được pháp luật công nhận là hoạt động kinh doanh có điều kiện, thuộc nhóm ngành nghề "dịch vụ hỗ trợ tài chính" đấy nhé!

Và khi nghe anh giãi bày thì hóa ra, bản chất cầm đồ không phải là xấu, thậm chí, nếu hoạt động đúng tính chất và mục đích thì nó còn là một ngành kinh doanh giúp cho mọi người trong khi gặp khó khăn có một khoản tiền chi trả cho một vấn đề đột xuất nào đó mà mình gặp phải, có khi chỉ vài ba trăm nghìn đồng, một khoản tiền mà chẳng ngân hàng hay công ty tài chính nào cho vay cả.

Ấy là chưa nói, nếu chấp hành đúng quy định của pháp luật về các điều kiện kinh doanh, lãi suất..., cầm đồ còn góp phần hạn chế tín dụng đen.

Không phải ai cũng xấu cả, tớ khẳng định đấy. Như tớ đây này - anh nhấm nhẳng - Mười mấy năm làm cái nghề cho vay cầm đồ, tớ có mấy nguyên tắc bất di bất dịch: Không lấy lãi suất quá cao; không vì lợi mà nhận cầm những món đồ không có giấy tờ chính chủ, đồ trộm cắp; không dính líu gì đến "tín dụng đen"...

Cho nên, khách hàng của anh chủ yếu là bà con tiểu thương, sinh viên trong khu phố, vì kẹt tiền mà đem xe máy, laptop, điện thoại, nhẫn vàng..., nói chung là những đồ có giá trị đến cầm. Và sau khi khó khăn qua đi, họ có thể trả lãi và lấy lại được món đồ mình đã mang đi cầm.

Nhưng nói đi thì phải nói lại, tiếc là hiện nay, có được bao nhiêu tiệm cầm đồ làm ăn đàng hoàng như anh? Tôi vặn lại.

Anh im lặng khá lâu, rồi thở dài: Thực tế là như vậy. Có nhiều tiệm cầm đồ nhận tất tần tật, bất chấp các quy định của pháp luật và đạo đức kinh doanh. Hoạt động cầm đồ bây giờ không đơn thuần chỉ là việc thế chấp, cầm cố tài sản để vay tiền và trả lãi, nhiều hiệu cầm đồ có nguồn “kiếm ăn” chính lại là cho vay nặng lãi, hoặc lợi dụng cầm đồ để chiếm đoạt của khách hàng, buôn qua bán lại để thu hồi với món lời lớn. Sự biến tướng ấy đã khiến cho hoạt động cầm đồ trở thành một hình thức tệ nạn xã hội, khiến cho mọi người có cái nhìn ác cảm.

Nhưng họ làm thế nào cũng là chuyện của họ, còn tớ, ngày nào còn mở tiệm cầm đồ thì còn giữ những nguyên tắc bất di bất dịch ấy - anh nói, khi tiễn tôi ra cửa.

Nhìn tiệm cầm đồ nhỏ bé, đơn giản của anh, tôi chợt thấy lo lắng. Liệu anh còn có thể kiên trì được bao lâu trước sức ép của những góc khuất trong muôn nẻo cầm đồ?

Nhóm phóng viên

Chuyên mục khác