Buồn vui nghề “bắt bệnh ông trời”

23/03/2015 07:42

Nói rằng làm khí tượng thuỷ văn là nghề “bắt bệnh ông trời” cũng chẳng ngoa, bởi tất cả các phần việc từ quan trắc tính gió, đo mưa, phân tích các xu thế thời tiết, đến đo lưu lượng mực nước, đo lũ... để cho ra một bản tin dự báo giúp mọi người chủ động phóng tránh...

Nói rằng làm khí tượng thuỷ văn là nghề “bắt bệnh ông trời” cũng chẳng ngoa, bởi tất cả các phần việc từ quan trắc tính gió, đo mưa, phân tích các xu thế thời tiết, đến đo lưu lượng mực nước, đo lũ... chỉ để cho ra kết quả là một bản tin dự báo chỉ chừng 100 chữ đăng trên mặt báo, hay vài phút phát sóng trên radio, truyền hình, giúp mọi người chủ động phóng tránh. Mỗi bản tin tuy ngắn, nhưng trách nhiệm thì rất lớn, đòi hỏi người làm nghề này không chỉ có chuyên môn vững, mà còn có trách nhiệm và cả sự hy sinh...

Bản tin nhỏ, trách nhiệm lớn

Những ngày trời yên gió lặng, mỗi ngày, Đài Khí tượng thuỷ văn Kon Tum phát 1 bản tin thời tiết để phục vụ công việc lao động, sản xuất, sinh hoạt của người dân; mùa mưa lũ, tần xuất phát bản tin dày hơn, khoảng từ  2 – 6 tiếng một lần. Bên cạnh đó, còn có các bản tin về hạn ngắn, hạn vừa, bản tin mùa vụ... Mỗi bản tin chỉ chưa đầy một trang giấy A4, nhưng trách nhiệm của người làm ra chúng thì vô cùng lớn lao.

Quan trắc viên thay giản đồ nắng. Ảnh: TH

Anh Lại Ngọc Thắng chia sẻ: Gần 10 năm làm dự báo viên, với tôi, mỗi bản tin phát ra là khi đó mình phải gánh trên vai rất nhiều áp lực, trách nhiệm. Áp lực lớn nhất là khi phát bản tin lũ, bão và thời tiết nguy hiểm, bởi chỉ cần “sai một ly” là “đi một dặm”, các ngành chức năng và người dân dựa vào bản tin để đưa ra phương án phòng chống, đối phó với thiên tai, nếu tin sai thì hậu quả sẽ khôn lường. Thế nhưng, cái khó là những cơn bão không giống như hành trình của một con tàu có thời gian xuất bến, có nơi đi và nơi đến, vậy mà nhiều khi còn trễ giờ, còn xảy ra trục trặc, những cơn bão hình thành tít ngoài khơi xa, chịu rất nhiều yếu tố tác động của thiên nhiên, cường độ và sức gió luôn thay đổi nên các số liệu quan trắc vốn là cơ sở phục vụ cho việc ra các bản tin cũng biến động, không hoàn toàn chính xác, nhưng các dự báo viên vẫn phải đưa ra những nhận định, bản tin đảm bảo độ tin cậy tối đa. Vào mùa mưa lũ, mỗi khi có thời tiết nguy hiểm là anh em phải thức trắng cả mấy đêm liền bởi tần xuất phát bản tin dày đặc, từ lúc nhận số liệu, phân tích các hình thế thời tiết, tham khảo các mô hình của nước ngoài, đến khi làm ra bản tin phải mất vài tiếng đồng hồ, cứ thế liên tục theo dõi và cập nhật số liệu để phát bản tin. Ớ các nơi khác, mật độ các trạm quan trắc dày; có nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại hỗ trợ, nhưng ở Kon Tum, số trạm quan trắc ít, đồng nghĩa với việc thiếu số liệu, máy móc thì lạc hậu, nên công việc của người dự báo viên càng vất vả và áp lực càng lớn hơn.

Phía sau những dự báo viên là những quan trắc viên làm ở các trạm thuỷ văn và trạm khí tượng, tên của họ không được đề dưới các bản tin thời tiết, thế nhưng, vai trò và trách nhiệm của họ cũng rất lớn. Số liệu quan trắc của họ là cơ sở để các dự báo viên cho ra các bản tin. Vì thế, công việc đòi hỏi họ phải tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt, phải chính xác tuyệt đối từ giờ giấc đến con số.

Gần 20 năm làm quan trắc viên ở Trạm Khí tượng Kon Tum, mỗi ca trực, ông Hồ Hoài đều làm 4 ốp (4 lẩn quan trắc) để cập nhật các thông số về mây, nắng, gió, mưa... rồi chuyển cho Đài Khí tượng thuỷ văn Kon Tum và Đài khu vực Tây Nguyên bằng các mã luật đã được quy định và để các đài khác, thậm chí là thế giới tham khảo. Mỗi ốp chỉ chừng 30 – 40 phút làm việc, nhưng đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối về thời gian vì chỉ cần chậm trễ một chút là cả hệ thống sẽ bị chậm theo và đặc biệt là các yếu tố đã bị thay đổi, làm sai lệch số liệu gây khó khăn cho công tác dự báo.

Những hy sinh lặng lẽ

Với yêu cầu nhiệm vụ đặc thù, gần như tất cả các trạm thủy văn, khí tượng đều được đặt tại những nơi có thời tiết khắc nghiệt và nhiều biến động nhất. Thế nên với những người làm nghề này, nếu chỉ có lòng yêu nghề thôi chưa đủ, mà vượt lên tất cả họ sẵn sàng hy sinh nhiều thứ. Có lẽ, nhiều người sẽ cho rằng, tôi nói quá về họ chăng, nhưng có thực sự đi vào tìm hiểu, sẻ chia với những người làm công việc này mới thấy hết được những khó khăn, thiệt thòi, những hy sinh lặng thầm mà họ phải đối mặt. Môi trường làm việc thường trực của những quan trắc viên rất lẻ loi, cô độc. Các trạm khí tượng, thủy văn đều cách xa khu dân cư, núi cao, sông nước hiểm trở nên chuyện cả ngày chỉ nghe tiếng chim, thác nước rì rào là bình thường. Trong những ngày lễ, tết, họ vẫn lặng lẽ quan sát “tâm trạng” của đất, trời, sông nước, liên tục cho ra các bản tin dự báo thời tiết…

Anh Thái Văn Huấn – Cán bộ Đài khí tượng thuỷ văn chia sẻ: gần 20 năm làm nghề, tôi đã làm việc ở rất nhiều nơi, từ Bản Đôn- Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk) rồi về Đăk Mốt (Kon Tum) và bây giờ là Đài trung tâm. Người ta nói “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, những người làm công tác thuỷ văn là đánh đu tính mạng trên miệng hà bá, mùa mưa lũ, các con sông ở Tây Nguyên thật khủng khiếp, cứ ầm ầm, ào ào cuồng nộ, nhưng chúng tôi vẫn phải cắt lũ mà ra đo nước, đo lưu lượng dòng chảy...

Đàn ông đã vậy, phụ nữ làm nghề này càng vất vả hơn. Đêm hôm, mưa gió, giông bão, bất kể trong điều kiện thời tiết nào, cứ đến giờ là họ phải thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, cái thiệt thòi lớn nhất, sự hy sinh nhiều nhất mà không phải ai cũng hiểu là trong tình cảm, cuộc sống gia đình.

Chị Nguyễn Thị Minh – cán bộ Đài Khí tượng thuỷ văn kể rằng, ngày vợ chồng chị mới lấy nhau, anh làm ở tận Bản Đôn (Đăk Lăk), chị làm ở Gia Lai, mà ngày đó, phương tiện đi lại còn khó khăn nên vợ chồng mỗi năm chỉ gặp nhau được vài lần, cứ như vợ chồng ngâu ấy. Chồng muốn về thăm vợ thì phải đổi ca, vợ muốn sang thăm chồng thì phải cắt phép. Sau này, cả anh và chị đều chuyển về Kon Tum công tác, nhưng vẫn vợ một nơi, chồng một nơi.

Trong nghề này, có không ít những hoàn cảnh như của chị Minh, có gia đình vì vợ chồng đều làm ở các trạm vùng sâu, vùng xa nên phải gửi con về quê để tiện cho việc học tập...

Mỗi ngày trôi qua, mỗi chúng ta dù làm công việc gì cũng rất cần có những bản tin thời tiết. Nhưng mấy ai biết được đằng sau mỗi thông tin thời tiết đó là một chuỗi những công việc gian nan và sự hy sinh lặng lẽ của những chuyên gia “bắt bệnh ông trời”. Vất vả là vậy, nhưng niềm vui lớn nhất trong nghề của họ là đưa ra được những bản tin chính xác, kịp thời phục vụ công việc, cuộc sống và giúp hạn chế thấp nhất những thiệt hại do “ông trời” gây ra…

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác