Bóng hồng trên trận tuyến chống dịch Covid-19

28/02/2022 06:02

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế là những người vất vả và hy sinh nhiều nhất, đặc biệt là những nữ “chiến sĩ áo trắng” xông pha trên tuyến đầu. Họ đã vượt qua mọi khó khăn, gác lại niềm riêng, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh.

Vậy là, cùng với cả nước, cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh ta đã bước sang năm thứ 3. Khó có thể nói hết những khó khăn, những hy sinh, vất vả của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế suốt quãng thời gian qua. Trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe người dân trước kẻ thù SARS-CoV-2, không thể không nhắc đến những nhọc nhằn, hy sinh, đóng góp quan trọng của những nữ cán bộ, nhân viên y tế. Họ như những bông hồng lặng thầm tỏa hương thơm trên tất cả các “mặt trận” chống dịch.

Chị Đặng Thị Trúc Nhã đang lấy mẫu bệnh phẩm cho trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Ảnh: TH

 

Chị Đặng Thị Trúc Nhã- nhân viên Trạm Y tế xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum) chia sẻ: Nhiệm vụ chính của em là thực hiện lấy mẫu cho các đối tượng nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ. Thế nên, dù nắng hay mưa, dù đêm khuya hay sáng sớm, cứ có thông tin là em và đồng đội phải lên đường. Đôi khi phải thức trắng đêm lấy mẫu bệnh phẩm để gửi lên tuyến trên chẩn đoán, công bố kết quả xét nghiệm phằm phục vụ cho việc truy vết, khoanh vùng, khống chế ổ dịch.

“Chúng em hiểu rằng, mẫu được lấy và chuyển đi càng sớm thì những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sẽ càng được nhận diện, bóc tách sớm. Từ đó, giúp cho việc khoanh vùng, truy vết, dập dịch càng nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, giảm hậu quả của dịch bệnh. Tuy nhiên, công việc không phải lúc nào cũng thuận lợi, có những trường hợp không hợp tác, gây khó dễ đủ đường khiến chúng em phải mất rất nhiều thời gian giải thích, động viên để họ phối hợp cho lấy mẫu. Có những trường hợp già yếu không thể ra điểm tập trung để lấy mẫu được, chúng em phải đến tận nhà. Chưa kể, làm việc liên tục trong nhiều giờ đồng hồ và phải mặc trên người bộ đồ bảo hộ kín mít  nhiều lúc khiến nhân viên y tế tụi em cảm thấy kiệt sức. Nhưng rồi, anh em lại động viên nhau cố gắng, quyết tâm làm sao để lấy mẫu, đóng gói, vận chuyển nhanh nhất lên tuyến trên để góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân.” - Đặng Thị Trúc Nhã cho biết.

Công việc lấy mẫu không chỉ vất vả mà còn đối mặt với nhiều rủi ro khi thường xuyên phải tiếp xúc với các nguồn lây bệnh. Có những thời điểm dịch bệnh phức tạp, số lượng người phải lấy mẫu nhiều, chị Nhã và các đồng nghiệp của mình phải gác lại tất cả những việc riêng, tạm xa gia đình để “trực chiến” ở cơ quan.

“Là phụ nữ, nhưng thường xuyên vắng nhà, 2 con nhỏ gần như “giao khoán” cho chồng, em cũng rất áy náy và thương con. Tuy nhiên, em may mắn vì có một hậu phương vững chắc, ông xã thấu hiểu, thông cảm với công việc của vợ nên có điều kiện toàn tâm, toàn ý dành cho công việc”– chị Trúc Nhã giãi bày.

Ở tuyến cơ sở, bình thường, công việc của nhân viên y tế ở trạm đã nhiều, trong mùa dịch còn vất vả hơn bao giờ hết. Cùng một lúc, họ phải thực hiện rất nhiều công việc từ truy vết F0, F1, lấy mẫu xét nghiệm, báo cáo tình hình dịch bệnh, tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19, khám chữa bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia... Ngay cả khi tỉnh ta bước sang giai đoạn “bình thường mới” thì công việc của họ không giảm còn nặng nề hơn, áp lực hơn khi phải quản lý, giám sát cách ly F0 tại nhà.

Chị Nguyễn Thị Lan Anh thăm khám cho người bệnh. Ảnh: TH

 

Chị Nguyễn Thị Lan Anh- Trạm trưởng Trạm Y tế phường Lê Lợi (thành phố Kon Tum) giãi bày: 27 năm công tác trong ngành y, chưa khi nào tôi thấy vất vả như 2 năm qua khi công việc thường xuyên ở tình trạng quá tải. Trong suốt mùa dịch, anh em hầu như đều thực hiện “3 tại chỗ” (ăn, ngủ, làm việc tại chỗ) và thường xuyên phải làm ngoài giờ hành chính, quên luôn cả khái niệm ngày nghỉ, ngày lễ. Nhiều lúc mệt mỏi, tôi cũng tặc lưỡi nói “hay là mình viết đơn xin nghỉ”, nhưng nhiều lúc nghĩ lại thấy tình cảm, sự tin tưởng mà người dân dành cho mình, tôi lại xốc tinh thần, tiếp tục với “cuộc chiến” chống lại dịch bệnh. Đặc biệt, mỗi lần thấy người cách ly sức khỏe ổn định, kết quả xét nghiệm âm tính, thông tin số ca bệnh trên địa bàn giảm, tôi càng thấy ý nghĩa lớn lao của công việc mà mình được giao và có thêm động lực để vượt qua nhọc nhằn.

Nhiều năm làm công tác y tế dự phòng chứng kiến nhiều loại dịch, nhưng chưa bao giờ chị Nguyễn Thị Ánh- Phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà) phải đối diện và “chiến đấu” với dịch bệnh nào diễn biến phức tạp và kéo dài như dịch bệnh Covid-19. Vất vả và đối diện với nguy cơ cao bị lây nhiễm, nhưng chị xác định đây là niềm tự hào, trách nhiệm của mỗi cán bộ chiến sỹ khoác lên mình tấm áo blues trắng nên chị luôn tận tâm, tận lực và sẽ làm hết sức mình để đóng góp cho cuộc chiến chống Covid-19.

Chị Nguyễn Thị Ánh chia sẻ: Xác định phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách nên khi nhận được thông tin về những người đi từ vùng dịch về dù ở đâu, vào thời điểm nào thì những người làm công tác phòng dịch chúng tôi đều lập tức lên đường “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng” để điều tra dịch tễ. Nhất là từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, người dân từ các nơi về địa phương nhiều khiến cho tình hình dịch bệnh phức tạp hơn. Đến khi có ca bệnh trong cộng đồng thì công việc của chúng tôi lại càng vất vả, nhiều lúc “quay cuồng” trong công việc. Người ta nói, phụ nữ liễu yếu đào tơ, nhưng trong “cuộc chiến” không có chỗ cho sự yếu đuối.

Trên mặt trận điều trị, cũng có nhiều “bóng hồng” luôn âm thầm, lặng lẽ, sẵn sàng đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, điều trị, hỗ trợ cho các bệnh nhân mắc Covid-19.

Bác sĩ Ksor Thu đang chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: TH

 

Là “chiến binh kỳ cựu” của Bệnh viện Dã chiến số 1 của tỉnh, bác sỹ KSor Thu trải lòng: Để tham gia vào “trận đánh” này, chúng tôi đành phải gác lại công việc riêng, gác lại mọi tâm tư tình cảm cá nhân, sẵn sàng đối mặt với nguy cơ trở thành F0 để làm tròn “sứ mệnh” bảo vệ sức khỏe, tính mạng người bệnh. Thời gian trước, tỉnh ta chưa triển khai điều trị F0 tại nhà, số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 vào viện nhiều thì thời gian chúng tôi ở viện nhiều hơn ở nhà. Dẫu vậy, anh em đều rất vui vẻ, vì ai cũng hiểu bệnh nhân cần mình và đây là “sứ mệnh” của người thầy thuốc.

Mỗi người một nhiệm vụ, nhưng ở họ tất cả đều có điểm chung là sẵn sàng gác lại niềm riêng, vượt lên trên tất cả những rào cản về thể trạng và sức khỏe, áp lực để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân trước dịch bệnh. Họ chính là những bông hoa đẹp, lặng lẽ tỏa hương mang niềm vui, hạnh phúc cho mọi người.

Thiên Hương

Chuyên mục khác