Bình minh trên đỉnh Ngọc Yêu

17/02/2018 07:20

​Trước đây, xã Ngọc Yêu (huyện Tu Mơ Rông) là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội vô cùng khó khăn, đời sống nhân dân khốn khó trăm bề, ánh sáng văn minh hầu như chưa đến với người dân nơi đây. Hôm nay trở lại “vùng đất khó” Ngọc Yêu, tôi vui mừng khi nhận ra nơi đây đang trỗi dậy sức sống mãnh liệt, sự đói nghèo từng bước bị đẩy lùi…

Ký ức Ngọc Yêu

Cuối năm 1998, tôi về Ngọc Yêu với đam mê được khám phá, được trải nghiệm, tìm hiểu và viết về đời sống văn hóa của người dân nơi vùng quê hẻo lánh, xa ngái ở mãi miền cực bắc Tây Nguyên này.

Ngày ấy, huyện Tu Mơ Rông chưa được chia tách, Ngọc Yêu lúc bấy giờ - nói không ngoa điều kiện kinh tế - xã hội thuộc vào hàng khó khăn nhất nhì trong cả nước.

Chủ tịch UBND xã Ngọc yêu giới thiệu cây cà phê xứ lạnh được trồng đại trà nơi đây. Ảnh: Đ.N

 

Từ trung tâm huyện lỵ Đăk Tô vào đến Ngọc Yêu phải vượt qua chặng đường ngót 80km mà con đường đi không phải bằng phẳng như bây giờ. Tôi còn nhớ như in cái cảm giác “nổi da gà” khi vượt dòng Đăk Psi trong mùa nước lớn. Chúng tôi phải nhờ 4 người dân địa phương, khiêng chiếc xe máy lội sông sang bên kia bờ…

Chưa hết, chúng tôi còn phải vượt qua những chặng đường rừng lở lói, ngập ngụa bùn đất, trơn trượt với những con dốc cao hơn đầu người, mới đến được làng Tam Rin - trung tâm xã…

Đêm đầu tiên ở lại làng Tam Rin với cái lạnh run người trên ngôi nhà rông trống trải, tôi nghe rõ mồn một tiếng con mang đâu đây tác gọi bầy… Một cảm giác hoang sơ đến nao lòng.

Sáng hôm sau, tôi được già A Miêng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã đưa đi thăm các làng Long Lái 2, Long Lái 3 và làng Ngọc Đo - ngôi làng chỉ có 3 hộ gia đình sinh sống. Để đến được các làng này, già A Miêng dẫn tôi leo hết đỉnh núi này đến núi khác, ròng rã hết một ngày đường. Không trở ra kịp, chúng tôi phải ngủ lại làng Ngọc Đo…

Đêm đó, già A Miêng kể tôi nghe nhiều chuyện về cuộc sống của bà con nơi đây. Từ chuyện người dân chỉ biết trông chờ vào một mùa rẫy, làm quen với cây bắp, cây mì… nên với nhiều gia đình ở Ngọc Yêu cái đói trở nên triền miên, kể cả chưa tới mùa giáp hạt. Đường sá thì trắc trở, bà con ở các làng bên này muốn đến trung tâm xã mua một bịch muối, cũng phải ngủ lại qua đêm, sáng sớm mai mới trở về nhà, cả đi và về mất hơn ngày đường… Lúc bấy giờ, ao ước lớn nhất của bà con nơi đây là có một con đường giao thông để đi lại thuận tiện, giao thương với nhau…

Khi chia tay với tôi già A Miêng nói: Là nhà báo, cháu nên viết về những trăn trở của bà con nơi đây, những ước muốn của người dân về một định hướng thoát nghèo, để bà con nơi đây bớt khổ…

Đem những trăn trở của già A Miêng về phố thị, tôi không quên thực hiện lời hứa với người dân nơi đây trong bài viết “Giữa hai vùng tối, sáng”, đăng tải trên Báo Kon Tum, như khát vọng đổi đời của người dân trông chờ vào những quyết sách đúng đắn…

Đổi thay

Trở lại Ngọc Yêu sau gần hai mươi năm xa cách, tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự thay đổi diệu kỳ ở vùng quê vốn bao đời khốn khó này.

Đã không còn cảnh lội ngầm, vượt sông Đăk Psi như trước, thay vào đó là chiếc cầu bê tông kiên cố. Hệ thống giao thông được bê tông, nhựa hóa đến tận trung tâm xã, mùa mưa lũ không còn cảnh tắc đường, không còn cảnh người dân vật lộn với những con dốc trơn tuột, lở lói bùn đất. Hệ thống điện thắp sáng, trường học, trạm xá, sóng truyền hình… được đầu tư, xây dựng bài bản, hiện đại, về đến từng thôn, làng xa nhất.

Tuyến đường Ngọc Hoàng- Măng Bút được xây dựng, mở toang sự giao thương với các vùng lân cận. Ảnh: Đ.N

 

Đặc biệt, tuyến đường Ngọc Hoàng – Măng Bút hoàn thành đưa vào sử dụng đã nối thông, rút ngắn khoảng cách từ xã Ngọc Yêu tới thôn đầu tiên của xã Măng Bút (huyện Kon Plông) chỉ còn 15km.

Cũng chính tuyến đường huyết mạch này, đã mở toang cánh cửa thông thương giữa xã Ngọc Yêu với các xã lân cận giữa đại ngàn Đông Trường Sơn hùng vĩ; hai làng Long Lái 2 và Long Lái 3 với các thôn lân cận và trung tâm xã Ngọc Yêu như được nối lại gần hơn - nơi mà trước đây tôi phải mất nửa ngày đường leo núi.

Chủ tịch UBND xã Ngọc Yêu - Lê Văn Hoàng phấn khởi nói: Nhờ tuyến đường này mà bà con có điều kiện vận chuyển, trao đổi hàng hóa, nông sản với các nơi khác. Tuyến đường này góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp nhân dân có điều kiện thoát nghèo bền vững…

Toàn xã Ngọc Yêu có 406 hộ, hiện tại vẫn còn 313 hộ chưa thật sự thoát nghèo. Đây cũng chính là điều trăn trở lớn nhất của Đảng bộ, chính quyền xã, trong việc tìm giải pháp tối ưu để định hướng, chuyển đổi phương thức sản xuất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng; giúp bà con có việc làm ổn định, tăng thu nhập, tiến tới thoát nghèo bền vững.

Những năm qua, cùng với các chương trình 135, 30a, 102, xây dựng nông thôn mới… Đảng bộ và chính quyền xã Ngọc Yêu mạnh dạn đưa đề án cây cà phê xứ lạnh vào trồng đại trà ở địa phương. Nhưng làm thế nào để người dân thay đổi nhận thức trong canh tác là một chuyện không mấy dễ dàng.

Qua vận động, tuyên truyền cùng hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông với những mô hình thí điểm, dần dà cây cà phê xứ lạnh đã được người dân đón nhận như một xu thế tất yếu phát triển kinh tế gia đình và của toàn xã Ngọc Yêu.

Chủ tịch UBND xã Ngọc Yêu - Lê Văn Hoàng cho biết thêm: Cây cà phê xứ lạnh mới được đưa vào trồng đại trà từ năm 2014, nhưng người dân đã xác định được đây chính là cây trồng chủ lực để xóa đói, giảm nghèo. Chính quyền xã có ý định vận động nhân dân chuyển diện tích cây bời lời trồng manh mún, sang trồng đại trà trong tương lai, vì cây bời lời không có hiệu quả kinh tế đối với thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây. Hiện toàn xã có trên 200ha cây cà phê xứ lạnh và đã có khoảng 100ha cho năng suất bình quân 8 tấn/ha, đến năm 2018, sẽ trồng mới trên 50ha nữa…

Tôi được Chủ tịch UBND xã Lê Văn Hoàng đưa đi thăm những vườn cà phê tươi tốt tại các thôn Long Lái 2, Long Lái 3. Chiếc xe ô tô chạy bon bon trên con đường nhựa phẳng lì Ngọc Hoàng - Măng Bút, nơi những vườn cà phê trải dài hai bên ngút ngàn.

Dừng chân tại một vườn cà phê bên đường, Chủ tịch UBND xã Lê Văn Hoàng dẫn tôi lội vào giữa vườn cây rậm rạp. Bà con vừa thu hoạch cà phê xong, giờ đang chuẩn bị giai đoạn tỉa cành, chăm sóc. Anh chỉ tay vào những luống cà tươi tốt và trầm trồ: Anh thấy chưa, cây cà phê xứ lạnh đưa vào trồng ở đây rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nên rất tốt…

Thời gian ở lại xã Ngọc Yêu, tôi còn được biết thôn Ngọc Đo xưa kia giờ  được chuyển về sát trung tâm xã, không chỉ là 3 hộ dân như ngày trước, mà giờ đây Ngọc Đo đã đông đúc hơn xưa.

Trên đường trở về thành phố Kon Tum, tôi ghé lại ngôi làng Tam Rin, nơi già A Miêng - người cựu chiến binh 55 tuổi Đảng, sinh sống. Gặp lại ông sau ngần ấy năm xa cách, tôi không ngờ rằng ông vẫn hoạt bát và tráng kiện như xưa. Vẫn bộ áo giản dị với con dao rừng thắt ngang lưng, ông vẫn đủ sức khỏe để leo núi, để chăm sóc rẫy cà phê gia đình.

Bằng bàn tay chai sần, thô ráp, ông siết chặt tay tôi. Giọng ông run run không giấu nổi sự vui mừng: “Cháu quay lại rồi đấy à. Mới đó mà đã hai mươi năm rồi.” Một lúc ông nói tiếp: Bây giờ Ngọc Yêu đổi thay lắm rồi…

Chỉ một lời ngắn gọn nhưng đầy cảm xúc của già A Miêng đã nói lên bao cảm nhận của người dân về một Ngọc Yêu đang dần khởi sắc.

Hơn ai hết, người dân ở đây vẫn hiểu rằng, Ngọc Yêu không phải là miền đất khô khan, cằn cỗi. Ngược lại, nơi đây được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật như sâm đương quy, mật ong rừng… nhưng người dân vẫn chưa thoát nghèo, bởi bấy lâu chưa có một hướng đi phù hợp với phương thức canh tác mới.

Tôi tin rằng với những định hướng đúng đắn của tỉnh, huyện, của Đảng bộ và chính quyền xã và nỗ lực của người dân nơi đây, tương lai không xa, Ngọc Yêu sẽ phát huy thế mạnh của mình, biến vùng đất hoang sơ thành một vùng dân cư trù phú, giàu mạnh…

Chia tay Ngọc Yêu trong cái se lạnh chiều cuối đông, bất giác tôi quay lại nhìn về đỉnh Ngọc Yêu, nơi ấy ngày mai sẽ là nơi mặt trời mọc - Một ánh bình minh rạng rỡ xua tan giá lạnh, đói nghèo…

 Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác