Bản trường ca giữa đại ngàn biên giới

29/08/2017 18:00

Lọt thỏm giữa núi rừng biên giới, 12 đội sản xuất của Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15) là 12 điểm dân cư với những gia đình công nhân chịu thương, chịu khó. Họ bám trụ nơi đây như những nhân vật tiêu biểu trong bản trường ca khai hoang, phục hóa. Họ cũng chính là những chiến sĩ “không quân hiệu” đang góp phần gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc, tạo nên thế trận lòng dân nơi vùng biên giới đầy nắng gió…

Những người bám trụ

Trước mặt tôi là dòng Sa Thầy chảy xiết. Vết tích trận lũ đêm trước còn để lại những hố rãnh sâu hoắm hai bên bờ. Mùa lũ, không thể nào vượt con sông hung dữ này được, phải đi đường vòng trên 70km hoặc đi cầu treo dân sinh…

 Vào được đến đây, chúng tôi phải gò lưng trên “con ngựa sắt” “phi nước đại” ngót 100km trên chặng đường trải nhựa từ thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) qua xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai). Từ xã Ia Tơi vào trụ sở Chi nhánh 716, chúng tôi phải vật lộn với hơn 4km đường rừng dốc cao, lở lói. Mặt trời quá đỉnh đầu, chúng tôi mới đến được nơi cần đến…

Ngược dòng thời gian từ năm 2009 và các năm sau đó, Công ty 78 và Công ty 75 của Binh đoàn 15 tuyển dụng hàng trăm công nhân đưa lên đây để phục vụ yêu cầu sản xuất kinh doanh cây cao su. Hồi đó, nơi đây là những vùng đồi trọc, hoang vu, không nhà cửa, không đường giao thông, không bóng người dân địa phương cư trú…

Những cô gái, chàng trai từ nhiều tỉnh phía Bắc, miền Trung… theo nhau vào đây lập nghiệp, với ước mơ được trải nghiệm, được cống hiến và đổi đời. Vậy là những đội sản xuất được hình thành. Họ cùng nhau ăn cơm theo kẻng, cùng ở tập thể, cùng khai hoang, phục hóa trồng cây cao su…

Giữa nắng gió của biên thùy, họ đã yêu thương, đùm bọc để cùng lao động, sản xuất. Những chàng trai, cô gái cũng dần dà tìm hiểu để xây dựng hạnh phúc gia đình. Và, những gia đình công nhân lần lượt ra đời, như sự hình thành khu dân cư đầu tiên ở vùng biên giới vốn dĩ hoang sơ này cũng bắt đầu từ đó…

Đương vào khu dân cư số 6 đẹp như vùng quê thuần nông ở đồng bằng

 

Bằng "bàn tay khối óc" và chính mồ hôi, máu của mình, những người công nhân góp phần tạo nên màu xanh bạt ngàn cao su, thắp sáng khát vọng đổi đời trong một tương lai không xa.

Nhưng niềm vui của họ ngắn "chẳng tày gang tay". Khi những cánh rừng cao su xanh ngắt đang vươn mình đón ánh nắng mặt trời, cũng là lúc giá mủ cao su rớt thê thảm. Bao nhiêu kỳ vọng vào chất “vàng trắng” này đã nhường chỗ cho sự chán chường và thất vọng. Đã không ít công nhân buồn bã rời đi, trở lại quê nhà với ruộng đồng hay làm những việc khác để mưu sinh. Những người ở lại vẫn quyết tâm kiên trì bám đất. Bất chấp những khó khăn, gian khổ phải đối mặt trong cuộc đua với chặng đường phía trước, họ vẫn tin rằng, một ngày không xa, đất không phụ công người…

Cùng vượt khó       

Năm 2014, Chi nhánh 716 được thành lập trên cơ sở tiếp quản 12 đội công nhân sản xuất của 2 công ty nói trên, để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, giữ lấy thành quả lao động mà họ mới gầy dựng.

Thượng tá Hoàng Đức Tỏa - Bí thư Đảng ủy Chi nhánh 716 nói với tôi: Từ 12 đội sản xuất, chúng tôi đã xây dựng thành 12 điểm dân cư. Những công nhân ở đây được ưu tiên hỗ trợ về mọi mặt như xây dựng nhà cửa, đau ốm được đưa đi khám chữa kịp thời miễn phí tại trạm xá hoặc dùng xe đơn vị đưa đi tuyến trên. Mọi công nhân đều được hưởng những quyền lợi như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản khác… Đơn vị còn đầu tư kinh phí khai hoang ruộng nước, cấp cho công nhân trồng lúa hai vụ. Trẻ em đi học được đơn vị hỗ trợ hoàn toàn từ xe đưa đón các cháu nội trú tiểu học tại các điểm trường ở xã Ia Đal, đến việc thuê giáo viên dạy học tại 12 điểm trường mầm non ở 12 khu dân cư…

Với diện tích trên 3.165ha cao su trong thời kỳ chăm sóc và khai thác, với chu vi trải dài trên 50km, nên khoảng cách giữa các làng công nhân cách nhau khá xa. Làng này cách làng kia ngót nghét cũng hơn chục cây số. Dưới cái nóng hầm hập giữa lòng thung, chúng tôi vượt trên 30 cây số đường tuần tra biên giới để đến Điểm dân cư số 8 (Đội sản xuất số 8).

Nơi đây, từ thành quả lao động nhận khoán chăm sóc vườn cây, khai thác mủ, trồng lúa nước và các loại cây công nghiệp khác… những gia đình công nhân ở Khu dân cư số 8 có thể được xem là những “đại gia” ở chốn thâm sâu núi rừng. Đang lúi húi dặm lại lúa ở thửa ruộng bị nước mưa cuốn đêm qua, thấy chúng tôi đến, chị Trần Thị Liễu (công nhân ở Đội sản xuất số 8), rửa qua quýt đôi tay lấm lem bùn ở con mương trước mặt, bước lên bờ để tiếp chuyện.

Cán bộ của Chi nhánh 716 đang hướng dẫn chị Liễu (Đội 8) trồng cây lúa nước cho năng suất cao

Chị Liễu cho biết: Quê ở Bình Định, lên lập nghiệp từ năm 2012. Hồi mới “chân ướt chân ráo” nhiều khó khăn lắm. Nhưng nhờ bám trụ lại đây, được đơn vị hỗ trợ mọi mặt để làm nhà, hỗ trợ giống, phân bón, các chi phí sản xuất khác… nên giờ cuộc sống gia đình cũng ổn cả.

Giữa cái nắng gay gắt trên cánh đồng lúa đang thì con gái, chị Liễu say sưa kể cho tôi nghe chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện làm ăn của nhiều công nhân trong đội sản xuất, chuyện cùng cam cộng khổ giữa đơn vị với những người công nhân chân chất.

Qua câu chuyện, tôi được biết chị nhận khoán chăm sóc vườn cây, lương khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, còn lương khai thác thì cao hơn (6-7 triệu đồng/tháng). Do nhà neo người, nên chị chỉ nhận hơn 560m2 ruộng nước hai vụ do Chi nhánh 716 khai hoang từ năm 2014 và cấp cho các hộ, tùy theo nhân khẩu (các gia đình khác nhận từ 2.000 - 2.500m2), nên đủ gạo ăn cho cả năm. Ngoài ra, chị còn sở hữu 5ha cây điều đang ra bói, 6ha cao su đang bắt đầu cho mủ, nên thu nhập gia đình cũng từ 50-60 triệu đồng/năm.

Chị Liễu cho biết thêm, những gia đình gặp khó khăn như chưa đến kỳ lĩnh lương, thì Chi nhánh đứng ra “hứng nợ” tại các quán ở xã để mua lương thực, thực phẩm cùng các vật dụng sinh hoạt gia đình. Đến kỳ lương, các gia đình này sẽ thanh toán nợ, điều này góp phần giải quyết những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của công nhân…

Thượng tá Nguyễn Quang Hải - Giám đốc Chi nhánh 716 chia sẻ: Những năm qua, Chi nhánh đang trong thời thời kỳ xây dựng cơ bản, gặp phải thời kỳ mủ cao su rớt giá, nên khó khăn không ít. Tuy vậy, chúng tôi vẫn hết lòng quan tâm đến đời sống của công nhân, chia sẻ khó khăn với họ bằng tất cả những gì đơn vị có thể làm được. Các khu dân cư đã dần định hình và được quy hoạch bài bản dọc biên giới, có đầy đủ điện, đường, trường, trạm phục vụ đời sống…

Rời Điểm dân cư số 8, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Điểm dân cư số 6. Chặng đường tưởng gần, hóa ra cũng dài hơn 15km. Nơi đây, khu dân cư được bố trí bài bản. Nhà cửa được xây dựng theo một khuôn mẫu, đường giao thông liên thôn bằng bê tông thẳng tắp với hàng cây ăn trái sum suê, làm tôi liên tưởng đến một vùng quê thuần nông thu nhỏ ở vùng đồng bằng.

Những công nhân nơi đây chủ yếu là người Mường, Thái ở tỉnh Thanh Hóa vào lập nghiệp từ năm 2010. Nhưng đặc biệt hơn so với các đội sản xuất khác là từ trước đến giờ, chưa có trường hợp công nhân bỏ về. Tất cả họ đều ở lại kiên cường bám đất. Giờ họ đã có hơn 292ha cao su đang thời kỳ khai thác. Qua rồi cái thời kỳ khó khổ, những ngày mưa lũ tắc đường phải ăn cơm với muối vừng dự trữ, bệnh sốt rét hoành hành… để rồi hạnh phúc cuộc sống đang đón chờ họ ở tương lai.

Anh Vi Xuân Ngoan - công nhân Đội sản xuất số 6, tâm sự: Bám trụ ở đây lâu rồi, cùng với anh em chia ngọt sẻ bùi nơi vùng đất khó này, giờ đã có thành quả lao động, có nhà cửa đàng hoàng không muốn về quê nữa. Đây chính là quê hương thứ hai của mình rồi…

Giữa thời kỳ khó khăn khi mủ cao su rớt giá, đã không ít người nản chí ra đi. Những con người quyết tâm ở lại chinh phục vùng đất khó đã không quản ngại cái nắng gay gắt, cái lạnh đến run người, những cơn mưa rừng xối xả cùng với bệnh tật, ở lại kiên trì bám đất. Những ngôi làng công nhân đó vẫn hiên ngang đối diện với những kham khổ đời thường. Vừa lao động sản xuất, vừa tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, họ tiếp tục viết nên bản trường ca bất tận. Bản trường ca người đi khai hoang giữa đại ngàn biên giới…

Bài ảnh: Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác