Bản sắc đô thị

09/11/2023 13:10

Xây dựng mạng lưới đô thị phát triển năng động, bền vững, liên kết tốt, có khả năng chia sẻ chức năng kinh tế - xã hội với đô thị trung tâm sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế.
Thành phố Kon Tum phát triển năng động và hiện đại. Ảnh: HL

 

1.Trong một lần trò chuyện, kiến trúc sư Đỗ Hoàng Liên Sơn- nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, từng đánh giá rằng, mạng lưới đô thị Kon Tum đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.

Bằng chứng là vào thời điểm tách tỉnh (năm 1991), tỉnh mới có 3 đô thị, gồm 1 thị xã tỉnh lỵ (thị xã Kon Tum) và 2 thị trấn (thị trấn Sa Thầy thuộc huyện Sa Thầy và thị trấn Đăk Tô thuộc huyện Đăk Tô). Hạ tầng kỹ thuật đô thị, bao gồm giao thông, điện, nước, khá nghèo nàn, lạc hậu; đời sống nhân dân còn rất khó khăn.

Sau đó, lần lượt các thị trấn huyện lỵ được thành lập, gồm Pei Kần (huyện Ngọc Hồi, tháng 10/1991); Đăk Hà (huyện Đăk Hà, tháng 2/1994); Đăk Glei (huyện Đăk Glei, tháng 11/1996); Kon Plông (huyện Kon Plông cũ, tháng 11/1996; đến tháng 2/2022 được đổi tên thành thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy); Măng Đen (huyện Kon Plông, tháng 7/2019).

Trong vòng 15 năm trở lại đây, chúng ta chứng kiến tốc độ phát triển mạnh mẽ của mạng lưới đô thị. Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, năm 2012 đạt 34,5%, cao hơn so với tốc độ trung bình của cả nước (khoảng 30%), và đến năm 2021 đạt 38,26%.

Đến nay, toàn tỉnh có 8 đô thị, trong đó thành phố Kon Tum là đô thị loại II (được công nhận tháng 1/2023); 1 đô thị loại IV (thị trấn Plei Kần); 6 đô thị loại V (gồm các thị trấn Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy, Đăk Glei, Đăk Rve, Măng Đen) và 3 trung tâm huyện lỵ đang được đầu tư xây dựng (huyện lỵ Tu Mơ Rông, huyện lỵ Kon Rẫy và huyện lỵ Ia H’Drai).

Ở các đô thị, nhiều công trình, các khu đô thị mới, khu dân cư, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, dân cư giữa đô thị và nông thôn theo tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn các giá trị văn hóa với cải tạo và xây dựng mới các đô thị. Chất lượng sống của cư dân đô thị đã và đang từng bước được nâng cao. 

Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bước đầu, các đô thị trung tâm đã phát huy vai trò “cực tăng trưởng”, thu hút và thúc đẩy kinh tế vùng lân cận và nông thôn phát triển theo.

Có thể khẳng định, sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, hệ thống đô thị tỉnh ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, là “vốn liếng” để các nhà quản lý hoạch định những bước đi dài hơi hơn, mạnh mẽ hơn cho đô thị.

2.Đặc biệt, mạng lưới đô thị Kon Tum đã hình thành được những đặc trưng riêng, khác biệt so với các địa phương khác. Trong đó, nổi bật nhất là đô thị trung tâm- thành phố Kon Tum.

Cách đây nhiều năm, tôi từng hỏi một kiến trúc sư có tiếng ở Kon Tum rằng, bản sắc đô thị Kon Tum là gì?

Anh trả lời, đó là sự đan xen, tuy có... lộn xộn nhưng lại khá đặc trưng giữa năng động và trầm tĩnh, hiện đại và truyền thống.

Ở ngay trong thành phố Kon Tum vẫn có những ngôi làng hiện diện nhẹ nhàng như hơi thở tất yếu của đời sống đô thị, điều mà không thể thấy ở Buôn Ma Thuột, hay Pleiku, vốn có sự tách biệt giữa làng và đô thị.

Chỉ cần đi ít phút là đã hết phố, lạc vào làng. Rất gần. Những Kon K’tu, Kon Tum Kơ Pâng, Kon Rờ Bàng, Plei Tơ Nghia, Plei Đôn… Ngay trong phố cũng có thể thấy thấp thoáng những ngôi làng nhỏ ẩn hiện dưới tán lá xanh tươi, với mái nhà rông cao vút.

Ở thành phố Kon Tum còn có những ngôi nhà cổ - còn được gọi là nhà vườn, được hình thành theo dòng di cư của các bậc tiên hiền từ dưới xuôi lên đây khai hoang lập làng trong những năm đầu của thế kỷ XX.

Ngôi nhà vườn ở thành phố Kon Tum được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Ảnh: HL

 

Sức hút đặc biệt của đô thị Kon Tum còn đến từ sự giao thoa kỳ diệu giữa cũ và mới, giữa bản sắc và hiện đại.

Như bao đô thị đang trên hành trình vươn mình đầy mạnh mẽ và năng động, đô thị Kon Tum đang từng bước hình thành diện mạo hiện đại, năng động của mình.

Hàng loạt công trình, dự án đã, đang và sẽ được triển khai, bao gồm các khu đô thị mới; các khu nhà ở, thương mại dịch vụ; khu thương mại dịch vụ kết hợp nhà phố; các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; khu Trung tâm hành chính mới; các khu đô thị tại khu vực phía Nam cầu Đăk Bla; khu đô thị phía Bắc phường Duy Tân.

Đô thị hiện đại không thể thiếu những điểm nhấn như thế. Không thể giữ tấm áo quá cũ cho một cơ thể bắt đầu cường tráng hơn.

Rồi trong nội thành, đã mang dáng dấp đô thị hiện đại. Các trục đường chính, khu dân cư cũ cũng được cải tạo chỉnh trang. Người đông hơn, xe nhiều hơn; không gian phố đổi thay nhiều, những ngôi nhà chật hẹp, thấp lè tè đã nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng, những biệt thự tráng lệ.

Ông Nguyễn Thanh Mân- Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết, Chương trình phát triển đô thị thành phố Kon Tum đến năm 2030 được triển khai với quan điểm chủ đạo là phát triển theo mô hình “Thành phố xanh mới - New Green city”.

Quá trình phát triển, chỉnh trang đô thị được gắn với phát triển nhà ở cho các tầng lớp nhân dân. Đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, tăng cường hoàn thiện kết cấu hạ tầng, xứng tầm với một thành phố phát triển. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái; thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

3.Tuy nhiên, nhìn tổng quan, có thể thấy hệ thống đô thị của tỉnh còn thiếu sự tương tác, mỗi đô thị còn phát triển theo hướng độc lập và ít có sự hỗ trợ lẫn nhau trong tiến trình tăng trưởng chung. 

Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đạt thấp, một số đồ án quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Việc triển khai lập, thực hiện giữa quy hoạch xây dựng với các quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu đồng bộ, thống nhất.

Nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị chưa đảm bảo. Việc lồng ghép các tiêu chí bền vững vào phát triển đô thị chưa hiệu quả, dẫn đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa hoàn thiện.

Có thể thấy rằng chất lượng hay nội lực của đô thị chưa có nhiều sự chuyển biến rõ rệt, chưa phát triển theo chiều sâu và tương xứng với tốc độ đô thị hóa diễn ra theo chiều ngang.

Bằng chứng là không khó để bắt gặp nhưng tuyến đường cấp phối hoặc đường đất, nhưungx con đường chưa có viar hè hay hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng ở bất cứ đô thị nào.  

Ngày 23/8/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI thông qua Nghị quyết số 16-NQ/TU về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu Nghị quyết 16-NQ/TU đề ra là đến năm 2025 là tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 40%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 0,77-1,0%.

Toàn tỉnh có 11 đô thị, trong đó 1 đô thị loại II (thành phố Kon Tum), 3 đô thị loại IV (huyện Ngọc Hồi, thị trấn Đăk Tô, thị trấn Đăk Hà), 7 đô thị loại V. 100% đô thị có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị. 

Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt tối thiểu 45%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt trên 1,0%. Toàn tỉnh có từ 11 đến 13 đô thị, trong đó 1 đô thị loại II (thành phố Kon Tum), 4 đô thị loại IV (tăng thêm thị trấn Sa Thầy), 6-8 đô thị loại V; dự kiến thành lập mới từ 1 - 2 đô thị loại V. 

Tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình của cả nước. Hệ thống đô thị có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường; kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh.

Việc Đảng bộ tỉnh khóa XVI ban hành Nghị quyết riêng về phát triển đô thị cho thấy sự quan tâm, tầm nhìn chiến lược, có tính thời đại đối với công tác quy hoạch, phát triển đô thị trong quá trình hội nhập.

Đồng thời khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong việc xây dựng các đô thị ở tỉnh ta tiến dần tới các tiêu chuẩn của đô thị văn minh, hiện đại.

Hạ tầng giao thông được đầu tư, tăng tính liên kết giữa các đô thị. Ảnh: HL

 

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 16-NQ/TU, xây dựng mạng lưới đô thị phát triển năng động, bền vững, liên kết tốt, có khả năng chia sẻ chức năng kinh tế - xã hội với đô thị trung tâm, tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, trước hết  cần duy trì, phát huy những thành tựu đã đạt được trong những năm qua.

Đồng thời tập trung vào liên kết hạ tầng như hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin, hạ tầng kỹ thuật, lấy đây làm cơ sở, nền tảng và điều kiện cần để phát triển các lĩnh vực khác.    

Muốn vậy, cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch. Khắc phục tình trạng trì trệ, thiếu động lực và không gian phát triển tại các đô thị hiện hữu.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, triển khai các dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh, xây dựng các trung tâm giám sát, điều hành đô thị; gắn phát triển dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống chính quyền số, xã hội số.

Và đặc biệt, cần nỗ lực giữ gìn được bản sắc đô thị hiện có!

Hồng Lam

Chuyên mục khác