Bám trụ mưu sinh nơi lò gạch

27/04/2019 06:22

Hiện có khoảng 70% số lao động đang làm việc ở các lò gạch trên địa bàn thành phố Kon Tum là phụ nữ. Quanh năm suốt tháng họ cần mẫn xếp gạch, bốc gạch, vào lò - những công việc nặng nhọc mà ai cũng tưởng chỉ dành cho cánh đàn ông.

Không biết duyên nợ thế nào mà tôi thường được gặp và nghe kể về công việc nặng nhọc của những người làm việc trong các lò gạch. Hình ảnh những người phụ nữ vất vả, lấm lem, nặng nhọc mưu sinh nơi lò gạch khiến tôi cứ trăn trở, xót xa. Và, vào một ngày thứ 7, tôi quyết định thử làm một công nhân ở lò gạch để trải nghiệm  công việc này.

Trong bộ đồ lao động, đầu đội nón, bịt khăn kín mít, chân mang giày bata, bao tay đầy đủ, tôi được một người quen dẫn tới khu sản xuất gạch ngói thôn 5, xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum) để xin việc làm. Chị người quen giới thiệu với tốp phụ nữ đang làm công nhân nơi đây rằng tôi từ ngoài Bắc mới vào, chưa có việc làm nên mong muốn được gia nhập “đội hình”.

Một chị tên Thùy (thôn 2, xã Hòa Bình) đưa tôi chiếc xe đẩy mà mọi người thường gọi là chiếc “cộ” bảo xếp gạch lên rồi đẩy vào khu vực lò đốt. Tôi cũng chọn những viên gạch khô trắng chất đầy lên xe, sau đó, định bụng sẽ đẩy vào lò để cho ra dáng một người lao động thực thụ. Ai ngờ, ngay việc nhấc càng xe lên đã thấy khó khăn nên đành phải nhờ sự trợ giúp. Biết tôi chưa quen việc, chị Thùy không nề hà, bỏ ngang việc ra đẩy giúp.

Công việc của những người phụ nữ làm việc nơi lò gạch khá nặng nhọc. Ảnh: TH

 

Lem luốc trong bộ quần áo bạc phếch, quệt vội giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt đỏ hây hây, chị Thùy thoăn thoắt xếp từng viên gạch mộc (gạch chưa đốt)  lên chiếc cộ của mình, rồi dùng hết sức đẩy chiếc xe chất tới hơn 200 viên vào lò.

Chị Thùy giãi bày: Thế này là sướng lắm rồi, chứ thời gian trước, chị em mình toàn phải “cõng” gạch trên lưng hoặc dùng quang gánh để gánh gạch từ chỗ phơi vào trong lò, cực lắm mà năng suất lại thấp. Sau mỗi ngày làm việc, về nhà toàn thân đau ê ẩm. Bây giờ, các chủ lò đều sắm cho những chiếc xe đẩy nên cũng đỡ hơn, chỗ nào khó, chị em còn đẩy giúp nhau được chứ “cõng” với gánh thì vất vả vô cùng.

Đẩy xong mấy xe gạch vào cửa lò, chị Thùy và một chị công nhân nữa trong nhóm lại hướng dẫn tôi cách xếp từng lớp gạch vào trong lò đốt. Công đoạn này cần phải từ 2 - 3 người vì phải có người ở ngoài chuyền gạch vào trong hoặc ở dưới thấp đưa gạch lên cao cho người xếp.

Trong cái nắng khô khốc, không khí bên trong lò đốt càng bịt bùng, nóng nực hơn, mồ hôi ướt đầm lưng áo, các chị vẫn cứ cặm cụi xếp từng lớp gạch. Dường như, điều mà các chị quan tâm hơn cả là xếp thật nhanh để rút ngắn thời gian vào lò, cũng đồng nghĩa với việc ngày công của các chị sẽ được tăng lên.

Ngó sang lò gạch bên cạnh, tôi chứng kiến một tốp phụ nữ cũng đang hối hả bốc, chuyền tay những viên gạch đỏ từ lò lên chiếc xe tải đang chờ lấy hàng.

Những viên gạch nặng trĩu được chuyền theo từng nhịp thở gấp đầy mệt nhọc và những giọt mồ hôi nhễ nhại ướt nhèm khăn đội đầu và vai áo.

Đầy thùng, chiếc xe tải quay đầu, các chị tranh thủ chút ít thời gian nghỉ ngơi, lấy lại sức, đợi xe khác tới lại tiếp tục công việc.

Lân la chuyện trò, chị Nguyễn Thị Tứ (ở thôn Kon Tu 2, xã Đăk Blà) kể: Trước đây, tôi đi làm ở các lò gạch ngay trên địa bàn xã, nhưng đợt này, bên đó các lò gạch thủ công đã nghỉ đốt theo chủ trương của thành phố Kon Tum nên mới sang đây làm. Hơn 10 năm gắn bó với công việc ở các lò gạch, đụng việc gì người ta kêu, tôi đều làm hết. Nói chung, công việc ở đây đa phần đều nặng nhọc. Tuy nhiên, mỗi phần việc có những đặc thù khác nhau, nếu như việc sản xuất, phơi gạch, vào lò làm rải ra cả ngày thì riêng việc bốc gạch lên xe phải tập trung sức để làm sao bốc được nhiều nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất. Việc này có cái sướng là làm nhanh thì mau được nghỉ, nhưng khổ nỗi là nó không cố định giờ giấc; có khi nửa đêm hay gà gáy, trưa nắng chang chang hay tối mờ mịt cứ xe tới, chủ lò kêu là mình lại phải “sấp ngửa” chạy đến làm.

Hiện nay, mỗi thiên gạch (1.000 viên) bốc từ lò xếp ra đến xe các chủ trả cho các chị là 30.000 - 35.000 đồng. Tôi không khỏi ngạc nhiên vì tính ra tiền công bốc nhặt một viên gạch từ lò gạch xếp lên xe ngay ngắn chỉ vỏn vẹn 3 - 3,5 đồng. Mỗi nhóm bốc gạch thường từ 5 - 7 người. Một ngày, các chị cố gắng lắm mỗi người cũng chỉ bốc được chừng 3 - 5 ngàn viên gạch, tính ra tiền thù lao chỉ 170.000 – 180.000 đồng là nhiều.

Cũng như bốc gạch, tất cả các công đoạn làm việc ở lò gạch, người lao động đều làm ăn lương theo sản phẩm như: công đoạn sản xuất, một nhóm từ 4 - 5 người nhận khoán 100.000 đồng/thiên; công đoạn vào lò từ 2 - 3 người với mức khoán từ 1,3  - 1,4 triệu đồng/lò 30.000 viên.

Công việc ở các lò gạch khá vất vả, khối lượng công việc lớn với nhiều công đoạn, từ lúc bắt đầu đến khi ra lò phải qua các công đoạn từ trộn đất, lên khuôn, phơi nắng rồi cho vào lò nung, bốc xếp gạch lên xe.

Dưới cái nắng chang chang của mùa khô, không khí khu làm gạch càng nóng nực hơn, tiếng máy chạy ù ù, bụi đất bay mịt mù, nhưng những người phụ nữ ở đây vẫn miệt mài với công việc để mưu sinh.

Trở lại với quyết định thử làm một công nhân ở lò gạch, chỉ sau vài xe gạch, “thân phận” của tôi đã lập tức bị “bại lộ”. Nói như các chị công nhân ở đây là: “không thấy có tý dáng dấp nào của người làm công”. 

Khi biết tôi chỉ vào vai người lao động để hiểu hơn về những người phụ nữ làm gạch, các chị đều vui vẻ chia sẻ. "Làm gạch nhìn dễ vậy thôi, nhưng không phải ai cũng đủ sức khỏe, độ dẻo dai để “chiến đấu”. Chỉ mỗi việc phơi mình dưới cái nắng như thiêu, như đốt cả ngày với hít khói bụi đã làm nhiều người phải nản mà bỏ cuộc rồi chứ chưa nói đến việc đẩy xe, bốc gạch. Chưa hết, vào mùa này, mỗi khi trời nổi dông gió lên, lúc ấy có bao nhiêu sức đều phải dồn để che mưa cho gạch, xong việc ai nấy đều thở không ra hơi” - chị Nguyễn Thị Lan (thôn 1, xã Hòa Bình) trải lòng.

Công việc cực nhọc, nhưng nhiều phụ nữ vẫn bám trụ với nghề. Vì theo các chị, với vài sào ruộng thì thu nhập từ nghề nông không đủ trang trải cuộc sống gia đình; còn nếu gia đình không có ruộng thì đa số chỉ biết trông vào công việc này.

Lao động nữ trong các lò gạch chiếm đa số. Ảnh: TH

 

Cùng ngồi dùng bữa trưa với mấy chị nhà ở xa, tôi còn nghe các chị kể biết bao chuyện nghề. Tất cả nhọc nhằn, lam lũ về nghề mà các chị đang làm tôi đã rõ. Tôi vừa thấy thương lại vừa cảm phục những người phụ nữ giàu nghị lực, chịu thương chịu khó bám trụ mưu sinh nơi lò gạch.

Thùy Hương 

Chuyên mục khác