Ai về Phương Quý

12/11/2018 19:04

​Tôi bỏ dép, thả bộ, đặt từng bước chân trần trên mặt đường đất phủ kín rơm vàng, tận hưởng sự thư thái trong không gian ngôi làng đặc biệt, mà tên gọi như một chỉ dấu đẹp đẽ cho vùng đất ăm ắp nghĩa tình. Bao thế hệ đã an trú ở đây, tựa núi, bám sông, nghe gió ngàn reo vui hòa điệu cùng sóng nước Đăk Bla. Ấy là Phương Quý...

Những chuyện kể rì rầm

Tôi không nghĩ có ngày mình lại ở Phương Quý (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) với thời gian được coi là dài đến thế. Nghĩ đi nghĩ lại, vẫn thấy xấu hổ, Phương Quý tính là làng, nhưng chỉ cách trung tâm thành phố ít phút chạy xe, chỉ qua dăm ba khúc cua là tới, vậy mà chỉ khi nào anh bạn tha thiết mời gọi, tôi lại mới vào Phương Quý.

Nhưng mỗi lần vào, tôi đều không muốn rời chân.

Không gian xanh ở làng Phương Quý. Ảnh: T.H

 

Với mỗi người, có những vùng đất rất lạ, đầy hấp dẫn, đầy mời gọi, đầy dấu ấn, nhưng lại ít có điều kiện ở lại lâu, bởi nó không đủ xa để người ta nấn ná, và cũng không thật gần, mà nhoáng cái là có mặt, kéo ghế ngồi với nhau rồi trở về với công việc của mình.

Cứ như lời nhà thơ Tạ Văn Sỹ, hay được anh em gọi vui là "nhà Kon Tum học", thì làng Phương Quý được lập nên từ năm 1887, ban đầu là vài ba hộ dân lưu tán từ Quảng Nam lên, dần dần, người từ Bình Định lên đông hơn, trở thành cư dân chính của làng.

Những người già trong làng vẫn còn nhắc nhớ và rì rầm kể cho con cháu về những ngày khai hoang lập ấp xưa cũ, để "chúng mày biết và tự hào về cha ông mình"- các cụ nhắn nhủ.

Có một thời, Phương Quý còn được gọi là Làng Mai – cái tên rất đỗi dịu dàng, trìu mến. Vì trước đây làng có nhiều hoa mai, nhất là có rất nhiều gốc mai cổ thụ. Đến bây giờ, với nhiều lý do đáng tiếc nên Làng Mai đang dần ít hoa mai, nhưng theo chị Nguyễn Thị Như Quỳnh - con dâu của làng - thì nếu chịu khó "săn", vẫn tìm được những gốc "lão mai" gần trăm tuổi.

Các bậc tiền hiền, khi đặt tên cho làng rất cẩn trọng, cân nhắc kỹ càng nghĩa lý. Nếu như làng Phương Hòa mang ý nghĩa mong mỏi người dân sống hòa hiếu, Trung Lương là khuyên răn con cháu luôn giữ lòng trung, Trung Tín là nhắc nhở người đời sau sống có tín nghĩa..., thì tên làng Phương Quý hàm ý dân làng phải biết quý trọng nhau - những bậc cao niên trong làng lý giải.

Người cha của bạn tôi - một bậc cao niên trong làng, có câu nói làm tôi nhớ mãi: Dù cuộc sống gian nan hay sung sướng, làng Phương Quý vẫn chỉ có một, dân làng đùm bọc, chở che cho nhau.

Suốt hơn 130 năm tuổi đời của ngôi làng, họ đã và vẫn sống với nhau bằng tinh thần ấy.

Nếu cuộc sống của bạn đã mệt nhoài, rã rượi với công việc rồi, nếu ho khan với khói bụi thành phố rồi... thì về Phương Quý đi, ít phút chạy xe máy thôi, để hòa mình với thiên nhiên, để được cởi mở lòng mình ở ngôi làng trên 130 năm tuổi.

Ở đó, tôi có những người bạn sinh ra từ làng, gắn bó với làng nên chân chất, thật tình lắm.

Tình cây, tình đất

Bạn tôi - Nguyễn Thanh Phương - sinh ra từ làng. Thỉnh thoảng vui chuyện, mẹ anh lại chỉ ra cây dừa trước sân nhà kể: Cây dừa đó bằng tuổi con trai mẹ. Hôm sinh con ra, ông nội đã trồng nó làm kỷ niệm.

Lớn lên từ màu xanh ngút ngát của Phương Quý, anh chọn ở lại với quê, dù nhiều bạn bè cùng trang lứa với anh đã rời đi tứ xứ theo cuộc mưu sinh.

Một góc vườn rợp bóng mát ở làng Phương Quý. Ảnh: T.H

 

Anh nhớ mặt, rõ tên từng người trong làng, phần vì gắn bó từ nhỏ, phần vì nếp làng đã ăn sâu trong suy nghĩ, phàm là công lớn việc nhỏ, mọi người đều đến đỡ đần, san sẻ.

Anh nói, giọng đậm chất "xứ nẫu": Tình cảm xóm làng như một thứ “hương ước” đặc biệt cho mọi ứng xử, mọi nguyên tắc. Chuyện nhỏ to ở làng, đều đưa ra để bà con góp ý. Miễn là vì cái chung, vì làng xóm, bà con luôn ủng hộ.

Hôm rồi anh gọi, mời tôi về ngay mùa này, lúc đất chuyển mùa. Gió phây phẩy, gió đưa trời lộng lên cao, sông Đăk Bla - đoạn chảy qua làng đã thành lòng hồ thủy điện Ia Ly - bắt đầu nôn nả dâng nước, rồi không lâu lắm đâu, bãi bồi sẽ ngập nước. Một số gia đình trong làng đã chuẩn bị thuyền gỗ, tay lưới để đánh bắt cá. Cá theo nước lên, con nào con nấy thịt chắc, ngon, bắt lên cứ tươi roi rói.

Nghe anh nói, tôi lại thấy thèm đến cháy lòng tô canh chua nấu theo kiểu "quê kiểng" Bình Định mà mẹ anh chiêu đãi năm nào.

Cũng mùa này, người dân bắt đầu mùa gặt. Các nhánh đường làng vàng óng những cọng rơm vàng tươi, thoang thoảng mùi thơm nồng nàn, đánh thức ký ức tuổi thơ tưởng đã ngủ quên đâu đó.

Một ngày đẹp trời, tôi thảnh thơi ngồi thuyền gỗ trôi theo dòng Đăk Bla về làng, lên bờ ở ngay cái đoạn lòng sông phình ra, bắt đầu của lòng hồ thủy điện Ia Ly.

Vẫn là con đường len lỏi giữa những vườn cây trái, vẫn những con dốc dưới bóng tre rợp mát từ bến sông lên làng, nhưng trong mắt của những người say mê vùng đất dày dặn trầm tích lịch sử thì màu xanh lạ kỳ của Phương Quý dường như không bao giờ cũ.

Màu xanh của Phương Quý được nhắc đến như một niềm tự hào của dân làng, được gìn giữ bằng chính bàn tay của từng cư dân.

Tôi thích cái cách mà người dân Phương Quý cư xử với khu vườn của mình. Nó không được quy hoạch bài bản, mà chật chội, pha tạp, ngẫu hứng, như ai đó vô tình cầm một nắm hạt nhiều loại, rồi vung ra khắp khu vườn.

Đó là hình ảnh cây dừa trầm tư có thể tỏa bóng che cho khóm địa lan; dưới hàng mít là một bờ chè tàu mọc bề bộn đang đợi chủ nhân cắt tỉa; cây bưởi da xanh dựa bên gốc sầu riêng xù xì; rồi cam, chôm chôm, ổi... Mùa nào thức nấy.

Sự ngẫu hứng đó tưởng như không có gì, nhưng nếu là người hay suy ngẫm thì chúng ta có thể đặt ra câu hỏi thú vị rằng: phải chăng ở đây ẩn chứa triết lý sống gần gũi với thiên nhiên, vạn vật bổ sung cho nhau, nương tựa vào, ôm ấp che chở nhau để cùng lớn lên, tỏa hương thơm, cho quả ngọt dâng đời? Và, tất cả đã tạo nên một bức tranh đa sắc màu, một “bố cục không có bố cục”. Tôi lẩn thẩn nghĩ suy.

Ấy thế mà có cả những toan tính của gia chủ đấy!

Những khu vườn tạp kia không phải chỉ để có mặt trong những phiên chợ mà còn mang trong mình cả những câu chuyện dài về sự "lo xa" của người xưa. Này nhé, khi trồng cây trong vườn, dân làng không bao giờ "độc canh", bởi quan niệm "mùa nào thức nấy", mùa nối tiếp mùa, trái nối tiếp trái, lúc nào trong vườn cũng có thể thu hái phục vụ nhu cầu tối thiểu của đời sống- nhà thơ Tạ Văn Sỹ nói như vậy.

Và, theo như bạn tôi nói thì mỗi dáng cây trong khu vườn đều có một lịch sử gắn liền với mồ hôi của ông cha. Vượt qua thời gian, khu vườn vẫn rụng lá khi mùa đông về và nảy những chồi xanh khi gió xuân khẽ đưa.

Tôi đã từng lo, rồi đây sẽ có sự "xung đột văn hóa"- như cách nói của các nhà nghiên cứu- giữa một bên là phố chợ, sầm uất quán xá, với một bên là những nông dân không rời bỏ ruộng đồng như anh Phương đây.

Nhưng khi tôi được nhìn những đụn rơm cao lút đầu, con bò cột bên gốc dừa, và những khu vườn tạp với đủ thứ cây trái vẫn còn thì lại thấy yên lòng. Dù sức ép đô thị hóa ngày càng đè nặng lên những khu vườn, làng quê giờ thay đổi chóng mặt, nhưng Phương Quý vẫn đủ sức đề kháng với nếp sống mới theo kiểu "làng trong phố".

Chiều hôm sau, trước khi về lại "phố", bạn dẫn tôi đi dọc bờ sông Đăk Bla. Trước đây, mỗi mùa mưa lũ, con sông chảy trở nên hung dữ, sạt lở vào tận vườn, nhưng bây giờ, có bờ kè bê tông vững chãi, mùa mưa lũ vừa rồi, dù sông vẫn hung dữ, gầm gào, nhưng bị chặn lại ngoài kè, tung bọt đục ngầu bất lực.

 Chỉ con thuyền gỗ đang êm đềm qua sông, anh nhắn nhủ với tôi rằng, Phương Quý gần phố, sát phố, nhưng những ngôi nhà xưa, mảnh vườn quê vẫn tựa lưng nhau bốn phương tám hướng để làng cũ nguyên hình hài; nếp làng  vẫn còn hiện hữu…

Và sông Đăk Bla uốn quanh làng vẫn mải miết trôi. Cái kiểu trôi mà như không trôi, lững lờ, buông thả như mặc kệ, như dửng dưng mà lại hết sức níu kéo. Thế cho nên, anh bạn thi sĩ mới ngẩn ngơ mà ngâm ngợi rằng: Ai về Phương Quý mướt xanh. Cho tôi gửi lại chút tình nhớ thương.

          Trời, mới rời Phương Quý chưa được bao xa, mà đã nhớ đã thương rồi. Anh cười hiền lành: Ờ, mà ai kêu đất Phương Quý, người Phương Quý níu chân làm chi, để rồi chỉ một lần đến là gây thương gây nhớ.

Thành Hưng

Chuyên mục khác