Xin cho mái nhà rông của làng được cao mãi

08/05/2017 17:58

“Ơ Giàng, xin phù hộ cho mái nhà rông của làng được cao mãi, dân làng làm được nhiều lúa gạo, không xảy ra dịch bệnh, ốm đau...” - Lời khấn của già làng A Thiếu vọng về trong tiếng cồng chiêng, báo hiệu bắt đầu lễ mừng nhà rông mới của làng Kon Gu II, hấp dẫn nhóm du khách đang mải mê chụp ảnh...

Giữa tháng 4/2017, dân làng Kon Gu II (xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà) tưng bừng tổ chức mừng nhà rông mới. Phụ nữ đem những bộ váy áo mới nhất, đẹp nhất ra mặc, đàn ông đem cồng chiêng ra đánh những bài hay nhất để mừng nhà rông mới, mừng thần linh có nơi trú ngụ đẹp đẽ, dân làng có nơi để sinh hoạt cộng đồng đúng bản sắc.

Cũng như bất cứ làng Xê Đăng Tơ Đrá nào khác, lễ hội mừng nhà rông mới được dân làng tổ chức gần như nguyên vẹn bản sắc văn hóa và đầy tính độc đáo. “Ấy cũng là nhờ được Đảng và Nhà nước quan tâm, bà con nỗ lực nên đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, bà con có điều kiện phục dựng lại các lễ hội truyền thống, không để mai một rồi mất hẳn”- thôn trưởng A Kép phấn khởi cho biết.

Nhà rông uy nghi đứng trên vuông đất bằng phẳng nơi trung tâm làng, dài 12m, rộng 8m, cao 15m; được dựng hoàn toàn bằng gỗ, tranh, tre, nứa với những hoa văn, họa tiết công phu và tỉ mỉ sau 4 tháng ròng rã, với 1.525 ngày công của các hộ dân trong thôn.  

Dân làng múa xoang đón khách, mừng nhà rông mới. Ảnh: T.H

 

Lễ mừng nhà rông mới bắt đầu bằng nghi thức khấn thông báo cho thần linh biết, chỉ có già làng và người già tham gia. Để thực hiện nghi thức, già làng chuẩn bị một con gà, một dàn cúng nhỏ đặt tại cầu thang phía đông nhà rông (cầu thang phụ). Ông khấn to mong Giàng “phù hộ cho dân làng tổ chức lễ hội được may mắn, người đi chặt cây nêu không bị thương, không bị ngã, không trúng dao, trúng rựa. Xin cho mái nhà rông của làng được cao mãi, dân làng làm được nhiều lúa gạo, không xảy ra dịch bệnh, ốm đau…”.

Ngày thứ hai, từ sáng sớm, già làng ra nhà rông khấn xin, chọn ra người chủ lễ, nghĩa là người thầy cúng, người nấu cơm cúng, người chặt củi, người đánh cồng, người đốt lửa và người cõng ghè cúng... Từ lúc này, việc chuẩn bị cho lễ hội được gấp rút hoàn tất. Trong khi dân làng vẫn đi ruộng, đi rẫy bình thường thì những người được chọn phân công nhau làm việc, trai tráng vào rừng chặt le, lấy dây mây; phụ nữ gùi củi, lấy nước, hái rau mang đến nhà rông.

Việc quan trọng nhất là vào rừng tìm chọn cây để dựng cây nêu, được giao cho chủ lễ, già làng và một người phụ nữ uy tín trong làng đảm nhận. Cây nêu vừa là chỗ cột trâu, vừa là bàn tế, vừa là nơi để thần linh về trú ngụ, là cầu nối giữa con người với thần linh, được những bàn tay khéo léo trang trí các tua đan bằng tre nứa, sặc sỡ sắc màu, làm tăng thêm không khí linh thiêng. Theo quan niệm của người Xê Đăng Tơ Đrá, cây nêu càng cao, càng đẹp thì thần linh càng hài lòng và mùa màng năm đó sẽ bội thu, cuộc sống sẽ ấm no...

Khi hai cây nêu đã được dựng chắc chắn, các lễ vật đã đầy đủ, người ta đưa hai con vật hiến sinh là dê và heo cột vào cây nêu nhỏ trước. Trước khi đưa trâu vào cột, dân làng lần lượt bước qua dây cột trâu. Đêm đó, diễn ra nghi lễ “khóc trâu”. Một người phụ nữ được chọn vừa hát vừa kể lể, vừa vỗ về, bày tỏ sự tiếc thương, biết ơn đối với con trâu đã vì việc hệ trọng của làng mà chịu làm vật hiến sinh: “Lâu nay trâu làm bạn với người trong nhà như anh em. Nay vì làng làm phong tục, xin dâng trâu lên các thần linh. Mong trâu vì dân làng mà vui lòng…”.

Quá trình làm nhà rông mới kéo dài ròng rã 4 tháng với 1.525 ngày công lao động của dân làng. Ảnh: T.H

 

Ngày chính lễ mới là ngày dân làng tập trung đông đủ. Từ sáng sớm, già làng, chủ lễ trong trang phục truyền thống cùng dân làng chuẩn bị làm lễ hiến sinh. Già làng cùng chủ lễ nắm chặt con dao cúng, dân làng theo thứ tự đến chạm tay vào con dao. Nghi thức nhằm thông báo cho Giàng biết đồng thời xin Giàng chấp nhận con dao làng dùng đâm trâu.

Việc đâm trâu được thực hiện nhanh chóng, chủ lễ lấy những vật phẩm hiến sinh đặt lên dàn cúng trên thân cây nêu. Cùng với nghi thức đâm trâu, chiêng trống nổi lên. Theo nhịp trống, tiếng cồng chiêng, các cô gái nối tay nhau thành vòng xoang. Chủ lễ đặt đầu, đuôi trâu lên dàn thiêng để cúng mời thần linh. Thịt được xẻ nhỏ, một phần chia đều cho các hộ trong làng, một phần chế biến tại nhà rông để dân làng cùng ăn uống chung vui tại nhà rông.

Trong lúc này, nhóm phụ nữ được phân công chuẩn bị lễ vật cúng thần linh (gan nướng, thịt nướng, cơm lam…) cũng đã xong việc. Già làng, chủ lễ cùng đội cúng tập trung tại vị trí hai cây nêu trước sân nhà rông cùng khấn mời giàng về dự hội cùng con cháu.

Sau nghi thức khấn mời Giàng, già làng uống cang rượu đầu tiên làm phép, cả làng quây quần bên nhau cùng ăn uống, cũng là để cùng nhau chung hưởng sự ban thưởng của thần linh. Tiếng cồng chiêng lại nổi lên, các chàng trai, cô gái tay trong tay vào vòng xoang rộn rã. Trong ngày này, mọi mâu thuẫn, hiềm khích cá nhân được gỡ bỏ, dưới sự che chở của thần nhà rông, chỉ còn lại niềm tin, niềm vui, sự say sưa cộng cảm của cộng đồng làng.

Phần cuối lễ hội, dân làng thực hiện nghi thức hạ đầu các con vật hiến sinh đem vào nhà rông. Già làng lấy một ít ruột chuối đặt lên đầu, các hộ trong làng theo đó cũng lấy chuối bỏ lên đầu nhau để cầu mong sự may mắn. Tiếp đến, già làng khấn: “Ơi Giàng! Xin cho dân làng hạ đầu trâu, đầu dê, heo mang cất vào nhà rông, mong thần nhà rông ghi nhận lễ vật của dân làng”.

Tiếng cồng chiêng tạm dừng, điệu xoang tạm nghỉ. Mọi người tập trung tại phía cửa phụ nhà rông để cùng làm nghi thức hỏi ý kiến thần linh xem đã ghi nhận và hài lòng với lễ vật mà dân làng dâng cúng chưa, và xin phép đem đầu các con vật này vào nhà rông.

Già làng ngồi bên ghè rượu cúng đọc lời cầu khấn: “Ơ Giàng, làng đã làm xong lễ ăn trâu mừng nhà rông mới, mời Giàng về ăn và uống rượu cùng dân làng, xin phù hộ cho làng được sức khỏe, con chim, con chuột không phá nương, phá rẫy”.

 Sau đó, dân làng tập trung dưới mái nhà rông cùng nhau ăn uống, chúc sức khỏe cho nhau, chung vui mừng cho sự thành công của lễ hội trong bầu không khí vui tươi, hồ hởi, đoàn kết.

Trước khi kết thúc lễ hội, dân làng tiến hành nghi thức cuối cùng: gác xương đầu trâu, dê lên trước cửa chính nhà rông. Sau khi hoàn tất nghi thức trên cũng là lúc chủ lễ kết thúc nhiệm vụ quan trọng mà Giàng cùng dân làng đã tin tưởng giao phó trong những ngày diễn ra lễ hội.

Và già làng cũng không quên trao cho chủ lễ một con heo nhỏ, như một hình thức trả ơn, một phần thưởng của làng dành cho người được Giàng tin tưởng lựa chọn và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ...

Thành Hưng

Chuyên mục khác