Vựa lúa Đoàn Kết

09/10/2017 18:00

​Nằm ven thành phố Kon Tum, xã Đoàn Kết được nhiều người biết đến là vựa lúa lớn nhất của tỉnh. Bên con sông Đăk Bla thơ mộng, những cánh đồng trĩu hạt trải mình dưới nắng, đưa xã nhỏ thành điểm cung cấp lúa, gạo sạch, an toàn.

Nằm ở phía tây nam của thành phố Kon Tum, xã Đoàn Kết được biết đến với biệt danh vựa lúa Kon Tum. Bởi từ bao đời nay, tại nơi này, lúa vẫn là loại cây chủ lực.

Vào Kon Tum 49 năm, đó cũng là khoảng thời gian gia đình ông Lê Tự Đích - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đoàn Kết gắn bó với cây lúa. “Có riêng gì tôi đâu, 70% người dân ở đây đều trồng lúa để đảm bảo lương thực cho gia đình trong cả năm” - ông Đích nói.

Với 2 mùa mưa, nắng, người dân nơi đây trồng lúa theo vụ đông xuân và vụ mùa. Vụ mùa, từ tháng 6 người dân xuống giống gieo trồng khoảng 420ha và thu hoạch vào khoảng tháng 10. Còn vụ đông xuân, vì điều kiện thời tiết khô hạn, khoảng tháng 12 người dân gieo trồng khoảng 282ha và thu hoạch vào khoảng tháng 3, 4 năm sau.

70% số hộ dân ở xã Đoàn Kết “trung thành” với cây lúa. Ảnh: B.A

 

“Hạt gạo làng ta/ những trưa tháng sáu/ nước như ai nấu/ chết cả cá cờ/ cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy…”, vừa nhẩm lời bài hát Hạt gạo làng ta, ông Đích vừa nói, để làm ra hạt gạo cũng… căng lắm, người nông dân phải chịu nhiều vất vả, gian nan, mồ hôi thấm ướt như mưa ruộng cày.

Kể từ khi cầm hạt giống gieo xuống đất cũng là lúc người nông dân bắt đầu “đánh cược với thời tiết”. Gieo hạt, trông hạt nảy mầm rồi lo phun thuốc, bón phân cho đúng vụ; lúa mọc lên người dân lại làm cỏ, trừ sâu bệnh hại… Suốt vòng đời của cây lúa, người dân cũng đổ mồ hôi, sôi nước mắt, thấp thỏm không yên.

Để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, ở xã Đoàn Kết có đến 3 đập: đập Tân Điền, đập Kà Tiên, đập Đăk Kia. Hàng năm người dân nơi đây cũng nghĩ những cách làm sáng tạo để tích nước, đảm bảo đủ tưới cho mùa khô. Ấy thế nhưng trước sự “giận dỗi” của thiên nhiên, năm 2015, người dân nơi đây như điêu đứng, nhìn cánh đồng nứt nẻ khi phải đối mặt với hạn hán.

Rồi cách đây vài năm, khi những bông lúa trĩu hạt vàng đang đợi ngày thu hoạch lại gặp những cơn mưa như trút nước vì ảnh hưởng của bão. Vậy là, những thân lúa mảnh mai dù cố gắng nhưng vẫn ngả rạp, không thể vực dậy.

“Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng nhiều năm thời tiết khắc nghiệt, công sức như đổ xuống sông xuống biển. Làm lúa bị mất trắng cũng là chuyện thường tình” - cô Nguyễn Thị Tố Nga ở thôn 5, xã Đoàn Kết tâm sự.

Có vụ cả sào chỉ thu được 1-2 tạ lúa, có vụ chỉ còn rơm cho bò nhưng người dân nơi đây vẫn bám trụ trên mảnh ruộng của mình. Để đỡ nhọc nhằn, người dân bắt đầu áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Từ chọc tỉa, cắt bằng tay, đập trên bồ lúa, nay cả xã Đoàn Kết đã có 4 máy gặt liên hợp: vừa cắt, vừa phun lúa, giảm nhân công, sức lực.

Có 3 sào ruộng nhưng năm 2009, cô Nga đã đầu tư mua 1 máy cắt liên hợp hơn 600 triệu đồng. “Tôi đầu tư để giảm bớt sức lực và đem lại hiệu quả cao hơn. Không chỉ sử dụng cho nhà, tôi còn đi cắt thuê cho người dân, cứ mỗi vụ thu về hơn 50 triệu đồng” – cô Nga nói.

Người dân áp dụng máy móc trong quá trình sản xuất lúa. Ảnh: B.A

 

Không chỉ đầu tư về máy móc, người dân còn tự tìm hiểu các giống lúa mới, chất lượng, nâng cao năng suất. Như 3 năm trở lại, người dân đã thử trồng giống lúa RVT. Nếu như giống HT1 có giá khoảng 6.500 đồng/1kg, với RVT, người dân bán ra khoảng hơn 7.000 đồng/kg.

“Khi có các hội thảo hay lớp tập huấn, bà con cũng tham gia để học hỏi, có thêm kinh nghiệm trong sản xuất. Bà con luôn cố gắng học hỏi, tiếp thu cái mới theo hướng phát triển” – ông Đích khẳng định.

Luôn học hỏi, cố gắng gieo trồng, năm nào mưa thuận gió hòa, mỗi sào ruộng thu được 6-7 tạ lúa khô; với giá bán từ 5-7 ngàn đồng/kg, mỗi gia đình chỉ thu về 3-5 triệu đồng/ sào. Mỗi năm làm 2 vụ lúa, người dân thu về chưa đến 30 triệu tiền lúa.

“Thu nhập thấp vậy sao bà con mình vẫn làm lúa?”, trước câu hỏi quá quen thuộc, người dân nơi đây chỉ cười rồi nói: “Làm lúa có mấy ai giàu đâu, nhưng chúng tôi vẫn làm để có gạo sạch, an toàn, đảm bảo lương thực cho cả gia đình”.

Không phải ngẫu nhiên cứ đến mùa, nhiều người dân ở thành phố Kon Tum, từ các huyện lại tìm đến xã Đoàn Kết để mua gạo. Bởi họ biết rằng mua gạo ở đây không sợ gạo giả. Hơn nữa, những hạt gạo ở vựa lúa của tỉnh vừa dẻo, thơm lại được phơi dưới nắng, không chất bảo quản sẽ bảo đảm an toàn cho sức khỏe. “Ngoài phần lúa để ăn trong năm, số dư chúng tôi bán hết ngay chứ không tồn đọng”- ông Đích nói.  

Dù công việc vất vả, thu nhập không cao nhưng những người làm lúa nơi đây vẫn luôn nở trên môi nụ cười hạnh phúc. Bởi lẽ, những hạt gạo kết tinh từ mồ hôi mặn chát và những giọt sương sớm ướt đầm đã giúp họ có đủ lương thực và đem lại niềm vui, niềm an tâm cho người sử dụng.

Dưới sự chăm chỉ, cần cù của những người nông dân chân chất, năm nay những hạt lúa cũng gom hết những mặn nồng của đất, bật lên chồi mạ, cho mùa vàng.

Tháng 10, cánh đồng thơm ngào ngạt mùi lúa chín. Nay mai thôi, người dân lại cắt, gánh, phơi những hạt thóc vàng và cho ra những hạt gạo trắng thơm nguyên chất…  

Bình An 

Chuyên mục khác