Về những “cây di sản” ở Kon Tum

05/11/2014 08:51

Ở Kon Tum, tại khu vực khách sạn Đăk Bla, nhà hàng Ngọc Linh và khách sạn Đông Dương nhìn ra sông Đăk Bla, đang đứng sừng sững 5 cây vông đồng cổ thụ sum suê. Chưa ai biết rõ những cây vông này đã bao nhiêu tuổi. Nhưng lần mò vào những trang sử liệu ít ỏi hiện có, theo phép so chiếu, có thể nói rằng chúng đã trên trăm tuổi.
Một trong những "cây di sản" ở Kon Tum. Ảnh: Văn Phương

 

Ở Kon Tum, tại khu vực khách sạn Đăk Bla, nhà hàng Ngọc Linh và khách sạn Đông Dương nhìn ra sông Đăk Bla, đang đứng sừng sững 5 cây vông đồng cổ thụ sum suê (riêng trong khuôn viên khách sạn Đông Dương có ba cây vông đồng đứng chen với một cây đa và một cây me tạo thế liên hoàn mát rượi, rất đẹp). Chưa ai biết rõ những cây vông này đã bao nhiêu tuổi. Nhưng lần mò vào những trang sử liệu ít ỏi hiện có, theo phép so chiếu, có thể nói rằng chúng đã trên trăm tuổi.

Hiện nay chỉ có thế (thêm một cây vông to nữa đứng tách biệt tại sân Trường Trung học cơ sở thực hành sư phạm Lý Tự Trọng gần đó), nhưng trước đây, bắt đầu từ đầu Bắc cầu Đak Bla, dọc rộng theo hai bên đường 14 (thời Pháp là La rue de Quảng Nam – đường Quảng Nam – nay là Phan Đình Phùng) đến tận khu vực đình làng Trung Lương là cả một vườn vông rợp tán. Sau này, do quy hoạch đô thị, mở rộng đường phố, rất nhiều cây đã bị phá bỏ, chỉ còn lại con số trên.

Bài viết “Lược khảo về tỉnh Kontum” của tác giả T.D.N in trên Nam Phong tạp chí số 74 phát hành tháng 8-1923 có đoạn viết: “Từ An-khê sắp lên, chỉ đi quanh-queo mãi trong rừng, hai bên đường không hàng-quán, cửa-nhà, ruộng-nương gì cả … Nhưng đi quanh-queo mãi rồi cũng phải đến Kontum. Còn đường xa, lộ-khách đã trông thấy mấy cái nóc nhà quan. Gần lại, đôi ba dẫy cây-vông hiện ra làm cho lộ-khách tưởng sắp đến một nơi đô-hội lớn. Lộ-khách qua khỏi đò sông Bla, thế là đến Kontum vậy”.

Đoạn văn cho thấy: Năm 1923 đã có vườn vông ấy. Tưởng tượng, lúc bấy giờ bờ sông hãy còn bị che chắn bởi cây cối, lau lách rậm rạp hoang sơ, mà từ xa xa bên kia bờ đã thấy tán cây nhô lên, chứng tỏ chúng đã được trồng trước đó nhiều năm. Vông vừa nhiều vừa cao tỏa bóng sum suê, đến nỗi khiến cho “lộ khách tưởng sắp đến một nơi đô-hội lớn” (Dĩ nhiên đô thị Kon Tum lúc bấy giờ hãy còn sơ sài, nhưng chỉ vì những hàng vông to cao xanh tốt mà thiên hạ nhầm tưởng đã là nơi tụ cư lâu đời, phát triển phồn thịnh lắm).

Một bức ảnh hiếm hoi còn lưu ở Văn khố của Hội Thừa sai Hải ngoại Pa-ri (in lại trong sách “Người Ba-na ở Kon Tum”) chụp toà nhà Công sứ Kon Tum vào những năm đầu thế kỷ XX (nhà Công sứ ngày xưa ở vị trí khuôn viên khách sạn Đăk Bla ngày nay). Bao quanh ngôi nhà là những tán vông tỏa bóng xùm xòa. Hình ảnh này minh chứng cho câu tả cảnh “mấy nóc nhà quan” ở bên “đôi ba dẫy cây vông” mà tác giả T.D.N đã nói, và bức ảnh cũng đã gián tiếp nói lên “tuổi tác” của những gốc vông.

Trước hai dẫn chứng trên, sách “Rừng người Thượng” của Henri Maitre, xuất bản từ năm 1912, có đoạn: “Cách Kontum 9 kilômét, chúng tôi đi theo con đường cái được mở tới đây … cuối cùng đến cây số 2, đột nhiên chúng tôi nhìn thấy một cánh đồng bằng phẳng rộng lớn … một rặng tre cao xanh ngắt cắt ngang … sau rặng tre, những mái nhà tranh và mái ngói nổi lên trên nền cây xanh: đấy là khu dân cư Kontum, rải rác bên kia sông Bla … Chúng tôi qua sông bằng phà…”.

Căn cứ theo đó, có thể nói đến ngày Kon Tum kỷ niệm 100 năm thành lập (2013) thì những “cư dân thực vật” này đã chừng trăm năm tuổi, không ngoa!

Ngày nay, thành phố Kon Tum được quy hoạch mở rộng sang phía bờ nam, nên sông Đăk Bla trở thành điểm trung tâm, chứ tính đến những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI thì chỗ bờ sông phía bắc với mấy dãy vông ấy hãy còn được coi như là “cửa ngõ” ra vào thành phố.

Mà kể từ thời “khai sơn phá thạch” lập nên đô thị Kon Tum, nơi đây đã là “trung tâm” thật. Các cơ quan “đầu não” của Kon Tum lúc bấy giờ đều được đặt tại đây. Từ nhà Công sứ, nhà Phó sứ, nhà Quản đạo, nhà Giám binh, nhà Dây thép, nhà Y tế, đồn lính Khố xanh, nhà Cảnh sát… đến cả nhà tù (Ngục Kon Tum) cũng đều tập trung loanh quanh khu vực vườn vông này.

Thuở ấy qua đò – đến khi có cầu thì qua cầu – là gặp ngay bóng vông tỏa mát ôm trùm, khiến ai cũng có cảm giác mình đã về đến nhà, ấm áp và an tâm vô cùng!  Đến những năm 70 thế kỷ trước, những bóng vông đồng này còn là nguồn cảm hứng sáng tác của các văn nghệ sĩ khi viết về Kon Tum. Tóm lại, rất nhiều sự kiện lịch sử – văn hoá của xã hội Kon Tum đều diễn ra quanh khu vườn vông này trước khi đô thị được mở rộng và có nhiều sắp xếp, quy hoạch mới như ngày nay.

Cây cỏ có hồn. Con người phả hồn mình vào cây cỏ. Hồn cây cỏ đã gắn bó với người Việt ta từ tận xa xưa. Hình ảnh những “cây đa đầu làng”, “rặng duối cuối thôn”… luôn ở trong tiềm thức của bao người. Đó là biểu tượng quê nhà – quê hương, là tâm linh, tâm thức của hồn dân tộc. Nó luôn sáng đẹp lung linh trong ca dao, dân ca, trong sáng tác thơ văn nhạc họa cổ kim…

Theo Định nghĩa và Tiêu chí của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam để tiến đến cắm “Bia di sản” công nhận và vinh danh cho những cây có từ 100 năm tuổi trở lên, thì, ĐỊNH NGHĨA: “Cây di sản (Heritage Trees) là cây gỗ hay cây thân gỗ, đơn lẻ hoặc quần thể, mọc tự nhiên hoặc được trồng, sống trên 100 tuổi, có giá trị đặc biệt về cảnh quan, môi trường, văn hoá – lịch sử, khoa học,…”. TIÊU CHÍ B: “Cây trồng: 1- Cây bản địa sống trên 100 tuổi. 2- Có hình dáng hùng vĩ. Cao trên 30m, chu vi (tán) 3,5m đối với cây gỗ thân đơn. Chu vi cây đơn thân đo ngang ngực 1,3m.  3- Đặc biệt ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hoá – lịch sử và tâm linh”. TIÊU C: “Các cây không đạt tiêu chí trên nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học, văn hoá – lịch sử, tâm linh… được các nhà khoa học và địa phương đề xuất”.

Xét theo đó, mấy gốc vông may mắn còn sót lại ở thành phố Kon Tum hiện nay rất xứng đáng được vinh danh cây Di sản, vì đó là chứng tích lịch sử – văn hóa, là cảnh quan, môi trường (kể cả tâm linh nữa) của Kon Tum – một đô thị được thiết lập sớm nhất trên toàn cõi Tây Nguyên!

Tạ Văn Sỹ 

Chuyên mục khác