Tu Mơ Rông - Mảnh đất giàu truyền thống văn hóa

21/07/2020 06:03

Dân tộc Xơ Đăng là một tộc người sinh sống lâu đời trên mảnh đất Kon Tum, trong đó tập trung nhiều trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Trải qua biết bao biến thiên của lịch sử, người dân nơi đây đã sáng tạo và hình thành nên nét văn hóa cho riêng mình được thể hiện rõ thông qua ngôn ngữ giao tiếp, quan niệm về tín ngưỡng tôn giáo, ẩm thực, nghệ thuật tạo hình, văn hóa nghệ thuật dân gian… Những nét đẹp văn hóa ấy giờ đây đồng bào dân tộc Xơ Đăng vẫn luôn chú trọng bảo tồn và phát huy.

Gìn giữ bản sắc

Nằm ngay dưới chân núi Ngọc Linh hùng vĩ, mảnh đất Tu Mơ Rông là nơi quần tụ của hơn 30.000 người, trong đó, chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng, chiếm trên 95%. Người Xơ Đăng đã sống trên mảnh đất này từ bao đời nay và có nhiều nét văn hóa đặc sắc, đa dạng và phong phú mang nét riêng…Văn hóa của người Xơ Đăng nổi bật là nghệ thuật tạo hình dân gian với lối kiến trúc nhà rông tiêu biểu và các loại nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, tơ rưng, ting ning, klông Put…các làn điệu dân ca, dân vũ. Hiện nay, người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông gìn giữ được hệ thống lễ hội diễn ra quanh năm, từ nghi lễ vòng đời người, nghi lễ nông nghiệp cho đến những lễ hội liên quan đến sự tồn tại và phát triển của cộng đồng. Ngoài ra, còn có cả một kho tàng về tri thức văn học nghệ thuật dân gian như hát kể sử thi, điệu múa xoang, nhịp cồng chiêng uyển chuyển mê hoặc lòng người…được đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông gìn giữ.

Nhằm chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng, những năm qua, huyện Tu Mơ Rông đã chủ động sưu tầm, quản lý và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc nhằm góp phần thực hiện tốt các mục tiêu lớn về văn hóa đã được xác định trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Vì vậy, hiện nay, đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông còn lưu giữ khoảng 108 bộ cồng chiêng và nhiều loại nhạc cụ dân tộc như klông put, klong tap, ting ning... Đồng bào dân tộc Xơ Đăng nơi đây hiện cũng gìn giữ được 12 lễ hội tiêu biểu mang nét đặc sắc riêng của người Xơ Đăng như lễ hội mừng lúa mới, lễ trỉa lúa, mừng năm mới... Toàn huyện cũng lưu giữ phát triển được 71 nhà rông văn hóa, 15 nhà sinh hoạt cộng đồng ở 91 thôn, làng. Các làn điệu dân ca, dân vũ Xơ Đăng đã được khôi phục... Đến nay, Tu Mơ Rông có trên 50 người được công nhận là nghệ nhân cồng chiêng.

Sinh hoạt văn hóa, đánh cồng chiêng, múa xoang là hoạt động thường thấy của đồng bào Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông. Ảnh: P.N

 

Để gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Xơ Đăng, huyện Tu Mơ Rông tổ chức được 3 lớp truyền dạy cồng chiêng tại xã Đăk Sao, Măng Ri và  Đăk Na; một lớp truyền dạy nghệ thuật về dệt ở làng Pu Tá, xã Măng Ri và một lớp đàn hát dân ca dân vũ ở làng Ti Tu, xã Đăk Hà cho hàng trăm lượt thanh thiếu niên. Hằng năm, Tu Mơ Rông đều tổ chức ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, trình diễn nhạc cụ dân tộc và dân ca dân vũ với mục đích bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tận tâm lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc

Trước xu thế phát triển, nhiều nét văn hóa bản sắc của dân tộc Xơ Đăng ở mảnh đất Tu Mơ Rông dần mai một. Và để gìn giữ những truyền thống ấy một số người con của dân tộc Xơ Đăng đã luôn tận tâm tìm cách lưu giữ truyền thống cho thế hệ sau. Trong đó, phải kể đến những người con điển hình, tận tâm là chị Y Hlạng (50 tuổi, dân tộc Xơ Đăng và hiện là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Măng Ri) và anh A Đoàn (50 tuổi, trú tại thôn Kon Bia, xã Đăk Hà). Mỗi người có cách làm khác nhau nhưng tựu chung là họ nặng lòng, tâm huyết nhằm lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc cho muôn đời sau.

Cùng với việc truyền dạy thế hệ trẻ các đánh cồng, đánh chiêng, chị Y Hlạng chọn việc phục dựng, lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc là một cách để gìn giữ bản sắc của dân tộc. Vì vậy, chị đã trực tiếp đứng ra thành lập tổ dệt thổ cẩm ở làng Pu Tá, vận động được 27 chị em phụ nữ trong thôn tham gia.

Theo chị Y Hlạng, trước đây, đồng bào dân tộc có nhiều truyền thống độc đáo mang bản sắc riêng. Ngoài những nhạc cụ truyền thống vẫn được gìn giữ và phát huy hiệu quả trong đời sống tinh thần của đồng bào thì nhiều nét văn hóa như nghề dệt vải, đan lát truyền thống mất dần. Không những vậy, trang phục sinh hoạt truyền thống của dân tộc được dệt từ những khung dệt truyền thống cũng dần bị lai tạp. Trước thực trạng ấy, khiến chị Y Hlạng luôn đau đáu trong lòng, suy nghĩ tìm giải pháp để bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa ấy. Thế rồi, sau nhiều ngày suy nghĩ, chị tìm già làng, thôn trưởng bàn bạc phối hợp tìm cách vận động lớp trẻ truyền dạy cồng chiêng, giáo dục giúp nêu cao ý thức gìn giữ truyền thống của dân tộc. Cùng với đó, chị tích cực vận động chị em và quyết định thành lập tổ dệt thổ cẩm nhằm khôi phục nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Và Tổ dệt thổ cẩm làng Pu Tá bắt đầu được hình thành từ năm 2010.

Tổ dệt thổ cẩm làng Pu Tá của chị Y Hlạng góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng. Ảnh: PN

 

Đến nay, sau 10 năm thành lập, tổ dệt thổ cẩm của chị Y Hlạng đã dệt hàng trăm sản phẩm như áo, tấm vải, tấm võng, khố thổ cẩm mang đậm nét văn hóa của đồng bào Xơ Đăng cung cấp ra thị trường và bán cho bà con trong làng, xã và huyện.

Ông Nguyễn Văn Đang - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao, du lịch và truyền thông huyện Tu Mơ Rông đánh giá: Chị Y Hlạng là người rất có tâm, hết lòng với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc của đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Nhờ chị, hiện nay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Tu Mơ Rông được gìn giữ. Làng Pu Tá duy trì được đội múa xoang, cồng chiêng phục vụ khách du lịch và sinh hoạt lễ hội truyền thống cũng có sự đóng góp tích cực của chị Y Hlạng.

Khác với Y Hlạng, A Đoàn (50 tuổi, ở thôn Kon Bia, xã Đăk Hà) lại có cách thể hiện sự tâm huyết của mình để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc bằng việc hàng ngày, anh tự tạc những bức tượng gỗ. Cho đến nay, A Đoàn không nhớ được mình đã tạc bao nhiêu bức tượng, với đa dạng các nét văn hóa, đời sống của đồng bào Xơ Đăng. “Tôi luôn cảm giác sợ nhiều nét đẹp của dân tộc mình đang phôi phai. Vì vậy, thông qua các bức tượng tôi muốn lưu giữ hình ảnh tình yêu, gia đình, về sinh hoạt của người dân tái tạo lại trong những bức tượng” - A Đoàn bộc bạch

Và cứ vậy, A Đoàn mải miết đi tìm cảm hứng sáng tác tạc tượng ngay chính trong đời sống của đồng bào dân tộc mình. Anh tạc những bức tượng phỏng theo đời sống hàng ngày của người dân. Lúc thì tạc tượng thể hiện tình cảm buồn vui, khi thì lại tạc tượng mô tả cảnh làm rẫy, hay sinh hoạt cộng đồng, uống rượu ghè, đánh chiêng, đánh cồng…Với A Đoàn, tạc tượng không chỉ để thỏa niềm đam mê mà qua đó muốn lưu giữ những nét truyền thống của đồng bào Xơ Đăng cho muôn đời sau.

Với niềm đam mê tạc tượng và mong muốn gìn giữ lại cho thế hệ sau, ở thôn Kon Bia, A Đoàn cũng tích cực truyền dạy cho lớp thanh niên trong làng kỹ thuật tạc tượng. Hiện nay, A Đoàn đã chọn được 3 thanh niên trong làng ham học hỏi và tích cực truyền lửa đam mê, cũng như các kỹ thuật tạc tượng cho những thanh niên này. Những việc làm của nghệ nhân A Đoàn đã và đang đóng góp tích cực vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Xơ Đăng trên mảnh đất Tu Mơ Rông.

Với những giải pháp cụ thể của ngành chức năng, cũng như sự tận tâm của những người tâm huyết như chị Y Hlạng, A Đoàn…chúng ta tin tưởng rằng bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Xơ Đăng trên mảnh đất Tu Mơ Rông sẽ sống mãi theo thời gian.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác