Truyền lửa đam mê cồng chiêng cho thế hệ trẻ

25/05/2022 06:07

Gần 25 năm gắn bó với phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương, nghệ nhân A Phái (sinh năm 1965) không chỉ góp phần đưa tiếng cồng chiêng của người Ba Na ở thôn Kon Tơ Neh (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) vang xa, mà còn “truyền lửa” đam mê cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong làng và giúp bà con nơi đây thêm hiểu rõ, yêu quý giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Đến thăm thôn Kon Tơ Neh vào một buổi chiều nắng đẹp, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay tích cực từ hiệu quả của phong trào xây dựng nông thôn mới tại đây. Bên cạnh diện mạo làng quê có nhiều khởi sắc, phong trào tập luyện văn hóa văn nghệ, trong đó có cồng chiêng đang được bà con nơi đây quan tâm hơn.  Thôn Kon Tơ Neh cũng nổi tiếng là thôn đi đầu trong các hoạt động văn hóa, các tiết mục văn hóa truyền thống, cồng chiêng ở đây mỗi lần đi thi đều được giải cao.

Qua lời giới thiệu của A Kyunh (44 tuổi) - đội trưởng đội chiêng nam của làng, chúng tôi đến gặp nghệ nhân A Phái trò chuyện để hiểu hơn về văn hóa truyền thống, phong trào tập luyện cồng chiêng tại làng.

Nghệ nhân A Phái đang trình diễn kỹ thuật đánh chiêng. Ảnh: HT

 

Theo giới thiệu của A Kyunh, nghệ nhân A Phái được xem là “cố vấn đắc lực” cho các phong trào tập luyện, biểu diễn chiêng cũng như một số hoạt động nghệ thuật khác tại làng bởi kinh nghiệm lâu năm và gắn bó của ông với nghề. Trước đây, nghệ nhân A Phái từng là đội trưởng đội chiêng nam đầu tiên và trẻ nhất tại làng. Hiện tại, ông đã nhường lại vị trí và vai trò của mình cho các thế hệ sau nhưng nhiệt huyết và ngọn lửa đam mê với cồng chiêng vẫn cháy mãi trong ông. Nghệ nhân A Phái vẫn âm thầm đóng góp cho các hoạt động văn hóa, phong trào tập luyện chiêng tại làng bằng nhiều hoạt động thiết thực, góp phần  bảo tồn và phát huy di sản văn hóa độc đáo nơi này.

“Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Hà Tây (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Đến năm 1998, tôi vào sinh sống và lập gia đình tại thôn Kon Tơ Neh với vốn kiến thức, kỹ năng ít ỏi về cồng chiêng. May mắn thay, tại làng lúc bấy giờ có nhiều nghệ nhân già rất giỏi, đã tận tâm chỉ dạy, giúp tôi nâng cao tay nghề đánh chiêng, được tiếp thu và học hỏi thêm nhiều kỹ thuật hay. Năm 2001, tôi được bà con tín nhiệm làm đội trưởng đội chiêng nam trẻ nhất tại làng. Cũng từ đấy, tôi luôn tâm niệm rằng mình phải có trách nhiệm trong việc bảo quản và giữ gìn những giá trị đẹp của cồng chiêng, xứng đáng với sự tin tưởng của các nghệ nhân già khi xưa” – nghệ nhân A Phái chia sẻ.

Theo nghệ nhân A Phái, tiếng chiêng và phong cách chơi chiêng của người Ba Na ở mỗi vùng miền đều có sự khác biệt và nét độc đáo riêng, không vùng nào giống vùng nào. Khi nghe tiếng cồng chiêng ở mỗi vùng miền, chúng ta có thể cảm nhận được không khí lễ hội truyền thống của vùng miền đó qua tốc độ chơi, cách phối các âm thanh đan xen, hòa quyện vào nhau.

Nghệ nhân A Phái giới thiệu những chiếc chiêng quý trong căn phòng của mình. Ảnh: HT

 

Nghệ nhân A Phái được giao nhiệm vụ cất giữ và bảo quản các bộ chiêng quý của làng. Ông đưa chúng tôi tham quan căn phòng được ông cất giữ vài chục chiếc chiêng từ lớn đến nhỏ. Mỗi khi đưa tay lau từng chiếc chiêng, ánh mắt của ông trở nên dịu nhẹ, âu yếm nhìn từng chiếc chiêng như những đứa con của mình. Nhấc từng chiếc chiêng lên, ông vừa xoay, vừa gõ và ghé sát tai để cảm nhận âm thanh riêng biệt của từng chiếc. Theo ông, đó cũng là cách để ông tập luyện cho đôi tai mình nhạy cảm hơn mỗi ngày, và cũng là để  kiểm tra chất lượng âm thanh của chúng có bị lệch chuẩn không để mà chỉnh lại.

Theo nghệ nhân A Phái, chơi chiêng khá đơn giản nếu đã hiểu và cảm nhận được chúng. Học chơi chiêng không được vội vàng mà phải từ từ qua từng bài học nhỏ để cảm nhận âm thanh, sau đó mới đến kỹ thuật biểu diễn, kỹ thuật di chuyển phụ họa. Trong số những học trò của ông, có những em có đôi tay nhạy cảm bẩm sinh thì học rất nhanh, có khi chỉ mất vài ngày là đã đánh khá tốt. Đối với những em có tố chất bình thường, ông sẽ có cách dạy khoa học, từng bước một, tập trung vào việc nghe nhiều để rèn đôi tai trước rồi mới đến những kỹ thuật khác.

Ông A Phái thường tập hợp các em nhỏ để dạy và giảng giải về các kỹ thuật đánh chiêng. Ảnh: HT

 

Hiện tại nghệ nhân A Phái đang cùng các nghệ nhân khác tham gia giảng dạy cho đội chiêng nhí tại làng gồm 14 em. Các em trong đội đều có tố chất chơi chiêng rất tốt và đồng đều nhau, thường được chọn để đi biểu diễn các lễ hội lớn nhỏ tại địa phương.

Nghệ nhân A Phái cho biết, kể từ khi được thành lập đến nay, đội cồng chiêng nhí của thôn luôn hăng say tập luyện, tuân thủ sự hướng dẫn của các nghệ nhân trong làng. Cũng như các đội chiêng của người lớn, đội cồng chiêng nhí tại làng được chính quyền địa phương quan tâm, ghi nhận sự đóng góp trong các phong trào văn hóa tại địa phương.

Em A Doar (16 tuổi) là một trong những học trò giỏi trong đội chiêng nhí cho biết: Trước khi được học kỹ thuật, chúng em được thầy dẫn đi rất nhiều lễ hội và buổi biểu diễn để xem, học hỏi. Những lúc ấy, thầy bảo chúng em chỉ cần tập trung nghe giai điệu và ngâm nga lại để thuộc, đến buổi tập hôm sau có thể nhớ lại và tự thực hành lại một cách đơn giản để tạo kỹ năng cảm âm. Chúng em rất thích học thầy A Phái bởi thầy rất hài hước và hay tạo không khí vui vẻ khi học, giúp chúng em tiếp thu tốt hơn”.

Trưởng thôn  Kon Tơ Neh - Y Byenh cho biết: “ Nghệ nhân A Phái rất đam mê chỉ dạy cồng chiêng cho các em thiếu nhi và giảng giải về vẻ đẹp, cội nguồn của cồng chiêng cho các em nhỏ tại làng. Với sự đóng góp của ông, phong trào văn hóa tại làng, đặc biệt là cồng chiêng như được chắp thêm đôi cánh để phát triển mạnh mẽ hơn, giúp cho bà con trong làng thêm hiểu, quý trọng văn hóa truyền thống và gìn giữ các bộ cồng chiêng mà cha mẹ, ông bà để lại”.

Chúng tôi ra về khi đã xế chiều, trời bắt đầu đổ cơn mưa lất phất. Nghệ nhân A Phái tạm biệt chúng tôi bằng cái bắt tay thật chặt, hẹn gặp lại chúng tôi vào một dịp lễ hội gần nhất. Mong rằng ông luôn giữ gìn sức khỏe và sự tâm huyết, đam mê với cồng chiêng, tiếp tục vận động con, cháu của làng ra sức giữ gìn văn hóa truyền thống đặc sắc của người Ba Na.

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác