Trăn trở với nghề làm gốm truyền thống

16/10/2024 06:08

Không nỡ nhìn nghề gốm truyền thống của cha ông bị mai một, dù đã cao tuổi và đau bệnh triền miên, nhưng nghệ nhân ưu tú Y Ber (74 tuổi) ở làng Kon Săm Lũ (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) vẫn ra sức giữ gìn nghề gốm cho tương lai.

Làng Kon Săm Lũ là ngôi làng của người Ba Na (nhánh Jơ Lâng) từ lâu đời, sở hữu nhiều giá trị văn hóa truyền thống quý báu, trong đó có các nghề truyền thống như tạc tượng, làm nhà sàn, đan lát, làm rượu cần. Đặc biệt, ngôi làng từng là “cái nôi” của nghề làm gốm nổi tiếng một thời của người Ba Na (Jơ Lâng). Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại đã khiến cho nghề này đứng trước nguy cơ mai một, khi cả làng chẳng còn mấy ai thiết tha với việc làm gốm.

Trong một dịp đến thăm làng Kon Săm Lũ, tôi được gặp lại nghệ nhân ưu tú Y Ber, bà được xem là “cây cao bóng cả” trong nghề làm gốm tại làng. Bà Y Ber là nghệ nhân có thâm niên và nắm vững những kỹ thuật làm gốm hoàn toàn thủ công của dân tộc Ba Na (Jơ Lâng). Với sự tài hoa, sáng tạo cùng con mắt tinh tường, sự tỉ mỉ, khéo léo, nghệ nhân Y Ber đã tạo ra những sản phẩm bằng gốm bền, đẹp mắt, phục vụ cho sinh hoạt trong gia đình và trao đổi buôn bán. Trong nhiều năm, bà Y Ber còn tích cực truyền dạy nghề làm gốm truyền thống của dân tộc mình cho những người thân trong gia đình và những người yêu thích nghề làm gốm trong cộng đồng.

Phòng trưng bày các sản phẩm gốm hoàn thiện của nghệ nhân Y Ber tuy giản dị, mộc mạc nhưng rất độc đáo, thu hút du khách. Ảnh: H.T

 

Căn nhà sàn truyền thống của nghệ nhân Y Ber nằm trong khu đất rộng rãi, thoáng mát, bên cạnh là căn nhà cấp 4 được vợ chồng bà xây kiên cố để ở và làm nơi trưng bày các sản phẩm gốm hoàn thiện.

Chúng tôi đến thăm đúng lúc bà Y Ber vừa hoàn thành nặn thô nhiều sản phẩm như nồi, niêu, chén, ghè, hình các con thú vật dùng để trang trí và bày ra phơi trước hiên nhà rông. Nhiều cái còn ướt, màu đất bóng loáng, một số khác thì được phơi vài ngày nên khô cứng lại, có màu sẫm hơn. Các vật dụng gốm do bà Y Ber làm rất đơn sơ, mộc mạc,bình dị như chính cuộc sống của bà con nơi đây nhưng có sức hút đến lạ.

Theo nghệ nhân Y Ber, các sản phẩm được hong khô vài ngày trước khi vào công đoạn hơ và nung lửa. Để ra được sản phẩm hoàn thiện phải qua nhiều công đoạn, lặp đi lặp lại nhiều khâu và cần sự tỉ mỉ, chịu khó. Sau khi phơi khô, các sản phẩm sẽ được mài nhẵn, hơ lửa cho cứng lại rồi mới đem nung. Dùng nước của rễ cây rừng để quệt lên tạo màu đen bóng đặc trưng và tăng độ bền, tránh mối mọt.

Cách làm gốm truyền thống của người Ba Na ở làng Kon Săm Lũ cũng khác với người Kinh, không dùng bàn xoay nên mất nhiều thời gian, công sức hơn. Nghệ nhân sử dụng những vật dụng đơn giản như cối, tấm phên, hòn đá, vòng tre, mảnh vải ướt để chế tác. Nguyên liệu là đất sét được lấy trong tự nhiên, phơi khô và giã nát, chọn lấy thứ đất mịn để nhào nặn. Với quy trình thô sơ, nguyên thủy đã tạo ra được các sản phẩm mộc mạc, có hồn, mang đậm bản sắc người Ba Na tại làng.

Nghệ nhân Y Ber giới thiệu bộ sưu tập các sản phẩm gốm thông dụng trong đời sống. Ảnh: H.T


 

“Bắt đầu quá trình nặn đất sét, tôi dùng một tấm phên đặt trên cái cối to, đất sét được đặt cố định trên tấm phên để tạo hình. Người nặn sẽ dùng hai tay, một tay cố định đất sét, tay kia sẽ tạo hình theo nhịp bước chân đều và đi vòng tròn. Quá trình nặn dùng thêm tấm vải ướt để vuốt nhẹ lên vật nặn để tiếp nước, giữ độ dẻo, láng cho bề mặt. Quá trình lặp lại liên tục đến khi thành sản phẩm ưng ý thì dừng”-  nghệ nhân Y Ber chia sẻ.

Tham quan khu trưng bày trong nhà, chúng tôi ấn tượng bởi không gian yên tĩnh, giản dị nhưng đậm nét truyền thống với những sản phẩm gốm đen bóng, độc đáo, hầu như để trơn, không có hoa văn, một số cái có hoa văn nhưng họa tiết rất đơn giản, mộc mạc.

Các sản phẩm được đặt trên kệ gỗ, xếp ngay ngắn, đơn giản nhưng rất bắt mắt. Bà Y Ber lần lượt nhấc từng chiếc niêu nấu cơm, bình cắm hoa, bình đựng nước, chén bát đủ kích cỡ để giới thiệu với chúng tôi tên và công dụng. Tất cả đều là những vật dụng gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày, trong đó, nhiều cái gắn liền với kỷ niệm được bà Y Ber trưng bày chứ không bán.

Bà Y Ber cho biết: “Màu đen bóng đặc trưng của gốm được bà con Ba Na dùng vỏ cây T’nưng trong rừng để bôi lên trong lúc nung. Các sản phẩm tuy không có nhiều hoa văn họa tiết nhưng có màu đặc trưng, lại bền bỉ, hiệu quả nên ai từng sử dụng đều cảm thấy hài lòng. Với mỗi sản phẩm hoàn thiện tôi bán với giá từ 200 – 400 nghìn đồng tùy kích cỡ. Chi phí bán được không là bao nhưng tôi vẫn duy trì vì không muốn nghề truyền thống của cha ông bị mai một”.

Nghe những câu chuyện mà nghệ nhân Y Ber chia sẻ, chúng tôi khâm phục tâm huyết và niềm đam mê của bà, dù sức khỏe đã giảm sút nhiều do cao tuổi và đau ốm nhiều năm liền.

Nghệ nhân Y Ber đang giới thiệu các công đoạn làm gốm. Ảnh: H.T

 

Tuy nhiên, khi hỏi về những nghệ nhân làm gốm khác trong làng, giọng nghệ nhân Y Ber chùng xuống, ánh mắt đượm buồn nhìn xa xăm: “Các sản phẩm gốm hiện đại có giá vừa rẻ vừa bắt mắt nên ít ai chuộng những sản phẩm của chúng tôi làm ra. Vì vậy, nhiều nghệ nhân làm gốm giỏi trong làng vì lo mưu sinh nên không thiết tha gì với nghề nữa. Ngay cả em gái Y Pư của tôi từng là hy vọng của bà con trong làng giờ cũng bỏ nghề rồi, không chịu làm nữa. Thật buồn khi những năm cuối cuộc đời lại chứng kiến nghề của cha ông dần mai một mà không làm được gì”.

Cầm trên tay những sản phẩm gốm đơn sơ, mộc mạc của nghệ nhân Y Ber, chúng tôi mới thấy được bao tâm huyết mà bà đặt hết vào từng sản phẩm. Tuy không phải là những tác phẩm cầu kỳ, bắt mắt, tinh xảo nhưng luôn có sức hút, chạm vào trái tim người xem bởi sự giản dị, gần gũi.

Thời gian gần đây, với sự quảng bá, chia sẻ rộng rãi, nhiều người dân và du khách đã tìm đến tham quan và mua các sản phẩm gốm của nghệ nhân Y Ber để sử dụng, trưng bày, trang trí, làm quà lưu niệm. Tuy nhiên, số lượng người đến tham quan, mua hàng còn ít và không ổn định, chưa đủ để tạo động lực cho các nghệ nhân tiếp tục gắn bó với nghề.

Bên cạnh những nghề truyền thống khác đang được chính quyền địa phương và người dân giữ gìn, phát huy hiệu quả, nghề gốm truyền thống của các DTTS, trong đó có người Ba Na tại làng Kon Săm Lũ, rất cần sự quan tâm đầu tư, bảo tồn.

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác