Ting ning dân dã, đắm say

27/11/2016 18:11

Người Ja Rai có câu “Ting ning jing ơi yă ching chênh”, dịch nghĩa “Ting ning là ông bà cồng chiêng”. Loại nhạc cụ này không thể thiếu vắng trong các sự kiện văn hóa, góp phần làm phong phú thêm nét đẹp của văn nghệ dân gian.

Nghệ nhân A Jưk ở làng Klâu Ngol Zố, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) xác thực, từ thuở xa xưa, khi cồng chiêng chưa có mặt trong đời sống của cộng đồng làng, thì ting ning đã ra đời. Được làm từ nứa tre dân dã, ting ning cũng như các nhạc cụ truyền thống t’rưng, klông pút, sáo, khèn… là tiếng lòng của những người sống với núi rừng.

Và, cũng như những nhạc cụ truyền thống khác, ting ning được nhiều dân tộc chế tác, sử dụng. Người Ba Na, Xê Đăng, Giẻ - Triêng, Ja Rai vùng Bắc Tây Nguyên đều có ting ning bầu bạn.

Nghệ nhân A Jưk với đàn ting ning. Ảnh: T.N

 

Bà Y Pa ở làng Kon Xà Lạt, xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) tâm sự, thời con gái, xinh xắn và đảm đang nên được nhiều chàng trai để ý, nhưng bà chỉ mê và “bắt” làm chồng chàng trai làng chơi đàn ting ning hay nhất. Đêm đêm, anh mang ting ning đến nhà rông ấm cúng, gảy lên những điệu dân ca nghe thật quyến rũ, say đắm. Ting ning thay lời mến thương đôi lứa.

Từ tiếng lòng rất riêng của mỗi người, ting ning dần trở thành nhạc cụ gần gũi, xuất hiện trong sinh hoạt hàng ngày và hội vui, đám tiệc của lũ làng; sau này, trở thành nét đẹp không thể thiếu trong những sự kiện văn hóa… Đó là cả chặng đường dài hình thành và gắn bó của cây đàn với con người, từ khi mới sinh ra đã nghe tiếng nứa tre.

Với nguyên liệu chính là tre nứa, ting ning được chế tác khá đơn giản. Thân đàn là ống nứa to bằng cổ tay, dài chừng 70-80cm, trên đó được tạo lỗ để gắn vào những thanh tre, gỗ, hoặc dây mây làm cần đàn, có tác dụng “lên dây đàn” để điều chỉnh nốt nhạc và hợp âm.

Mỗi chiếc đàn ting ning thường có từ 9 đến 13 cần đàn, tương đương với số dây đàn được nối vào.

Lên dây đàn. Ảnh: T.N

 

Nghệ nhân A Huynh ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy cho hay, nguyên thủy, dây đàn ting ning làm bằng sợi tre hay nứa, mây; được vót chuốt kỹ lưỡng, tinh tế; nhưng sau này, nghệ nhân tận dụng dây phanh xe đạp, lõi dây điện, dây kẽm, dây thiếc cũ. Thô sơ là vậy, nhưng âm thanh lại vang và hay hơn, nên được phổ biến hơn.

Ở đoạn cuối, thân đàn được gắn với một chiếc vỏ bầu, vừa có tác dụng cộng hưởng âm thanh để làm nên giai điệu; vừa tạo hình đẹp, đặc trưng của ting ning. Đó là quả bầu to, già, thường được nhuộm đen bóng bằng cách thức dân gian, cổ truyền, đẹp và bền chắc.

Cấu tạo đặc thù như thế, nên tiếng ting ning không to và ồn ã, chỉ nho nhỏ, như rót vào tai, như lời tâm tình, tự sự. Ting ning có thể được độc tấu, mang đến những giai điệu dịu êm, ngọt ngào theo từng làn điệu dân ca. Ting ning cũng có thể dùng để đệm cho bài dân ca, làm cho lời hát thêm sống động, cuốn hút.

Là loại đàn dành cho nam giới, nhỏ gọn, nên ting ning dễ sử dụng khi được cầm trên tay, kê vào đùi, hay tựa vào người… Tuy vậy, ting ning cũng đòi hỏi những kỹ năng cơ bản và sự khéo léo của người cầm đàn, vì phải đánh bằng hai tay, cần sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt.

Vui tươi, rộn rã, hay du dương, sâu lắng… tiếng ting ning tùy thuộc vào giai điệu của bài dân ca, cũng như tâm trạng của người chơi đàn.

Chế tác không khó, nhưng để tạo ra chiếc ting ning dáng đẹp, tiếng hay, dùng được lâu, còn phụ thuộc vào tài nghệ của nghệ nhân. Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, ting ning luôn được các nghệ nhân gìn giữ và trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Cùng với cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa, hiện nay, “cây đàn tình yêu” vẫn được chế tác, sử dụng trong cộng đồng, và đặc biệt là không thể thiếu vắng trong các sự kiện văn hóa, góp phần làm phong phú thêm nét đẹp của văn nghệ dân gian.

Thanh Như

Chuyên mục khác