Thương nhớ một cây cầu

04/01/2017 09:09

Mỗi chuyến đi công tác xa, cô bạn tôi thường “chít chát” về mà than rằng: Hôm nay, đi qua cầu của “người ta” mà nhớ quá chừng, thương quá chừng cầu Đăk Bla “của mình”. Tôi cười toáng lên: Thương gì không thương, nhớ gì không nhớ, lại đi thương nhớ một cây cầu? Nói vậy, nhưng lại nghĩ: Không phải mình cũng thế ư? Mà đâu chỉ riêng ai, có biết bao nhiêu người đã thương nhớ một cây cầu mỗi khi xa nhà...

Thăng trầm đời cầu

Nhà tôi ở phía bắc thành phố, cầu Đăk Bla lại ở cửa ngõ phía nam, nhưng không biết tự khi nào tôi có thói quen hay tản bộ ra cầu, nhất là vào sáng sớm. Giữa mờ sương, cầu nằm yên bình, giấu kín bao thăng trầm đã qua.

Có người nói: Đăk Bla như một chiếc cầu “định mệnh” của Kon Tum vậy, từ khi xuất hiện, cầu Đăk Bla đã mang trên mình những thăng trầm theo thế sự của vùng đất nơi cực bắc Tây Nguyên này.

Phải chăng vì thế, đến Kon Tum mà chưa đứng trên cầu, ngắm dòng Đăk Bla là chưa vô tới Kon Tum, mới chỉ tạt qua Kon Tum mà thôi.

Có một lần tôi được nhà thơ Tạ Văn Sỹ chỉ cho thấy nơi xưa kia có chiếc cầu gỗ hình vòng cung thấp lè tè, chỉ cần một cơn lũ nhỏ cũng đủ chia cách đôi bờ. Rồi Hòn Bi nước xoáy “nổi danh” bởi chuyện Hà bá bắt người, là dấu tích của chân cầu đúc đầu tiên thời Pháp thuộc đã bị nước lũ cuốn trôi sau khánh thành ít tháng.

Hướng chỉ của anh mông lung lắm, và cây cầu gỗ đó không còn để lại dấu vết nào, nhưng tôi vẫn hình dung ra được và ước ao mình là một nhà nghiên cứu hay khảo cổ gì đó, để có thể dựng lại một bộ phim đầy đủ nhất và những thăng trầm của cây cầu “biểu tượng” này.

Trong tài liệu nghiên cứu của thạc sĩ Hồ Thành Tâm (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) với tựa đề “Phác thảo diện mạo thành phố Kon Tum 100 năm trước” thì phải đến tháng 7/1932 mới có cây cầu đầu tiên bắc qua sông Đăk Bla. Tuy nhiên, anh Lê Minh Sơn - người sinh ra và lớn lên bên dòng Đăk Bla, hiện đang ở nhà số 50, đường Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum lại tin rằng, cây cầu đầu tiên vượt sông Đăk Bla được làm từ năm 1880.

Anh cho biết: Qua nhiều ngày lục tìm tư liệu còn lưu giữ tại Chủng viện Kon Tum, tôi tìm được cuốn sách “Mở đạo Kon Tum” của linh mục Ban và linh mục Thiệt, Nhà in Quy Nhơn xuất bản vào tháng 5/1953. Trong đó có ghi lại từ cuối thế kỷ 19, đã có một cầu gỗ bắc qua sông Đăk Bla, xe bò kéo lúa cũng qua được. Năm 1880, có vị giám mục ở Quy Nhơn lên thăm vùng đất cao nguyên khen cầu gỗ đẹp và chắc chắn.

Cầu Đăk Bla năm 1972. Ảnh: TL

 

Sau khi ý định bắt tù chính trị giam giữ tại nhà ngục Kon Tum làm cầu vượt sông Đăk Bla vào năm 1931 bất thành (ngày nay, mố cầu dang dở này đã được công nhận là một phần của cụm di tích lịch sử cách mạng Ngục Kon Tum), tháng 7/1932, chiếc cầu thứ 2 được xây dựng nhưng bị lũ cuốn trôi sau ít tháng. Phải đến năm 1935, cây cầu thứ 3 bằng gỗ mới được làm xong và đặt tên là cầu Molini- tên của người kỹ sư thiết kế xây dựng cây cầu. Cầu Molini được xây dựng theo hình vòng cung, được chia làm 2 đoạn bởi cồn cát giữa sông. Tuy nhiên, cơn đại hồng thủy năm 1952 cũng nhấn chìm cầu Molini.

Sau năm 1952, việc đi lại trên sông Đăk Bla chỉ được thực hiện bằng đò ngang và phà trong suốt một thời gian dài. Mãi đến cuối thập niên 50 của thế kỉ 20, chiếc cầu làm bằng sắt kiên cố đầu tiên mới được xây dựng vượt sông Đăk Bla để phục vụ cho việc đi lại và hoạt động quân sự của chế độ Mỹ - Ngụy, người dân thường gọi là cầu sắt. Cây cầu này gắn bó với đất và người Kon Tum cho đến ngày Kon Tum được tái thành lập (tháng 8/1991).

Cầu Đăk Bla năm 1992. Ảnh: T.H

 

Cây cầu thứ 5- cây cầu quan trọng nhất đối với tỉnh Kon Tum, nằm vào vị trí cửa ngõ của thành phố- dài 174,45m, rộng hai làn xe chạy được khởi công xây dựng ngày 2/11/1991 và hoàn thành vào ngày 2/9/1992. Dọc lan can cầu được trang trí hình ảnh cồng chiêng, gợi lên sắc thái Tây Nguyên, như lúc nào cũng sẵn sàng tấu lên một điệu nhạc rộn rã thay cho lời chào mừng khách phương xa đến với thành phố trẻ.

Tháng 9/2009, thêm một nhịp cầu nối bờ vui: cầu Đăk Bla mới được xây dựng song song với cầu Đăk Bla cũ. Có tổng vốn đầu tư trên 41 tỷ đồng, cầu mới dài 214m, rộng 12,5m được xây dựng theo kết cấu bê tông cốt thép vĩnh cửu gồm 5 nhịp, mặt cầu thảm bê tông nhựa và rộng hơn 2 m so với cầu cũ. Kết hợp với hệ thống bờ kè trên sông Đăk Bla và đường Hồ Chí Minh, bộ đôi cầu Đăk Bla trở thành điểm nhấn cảnh quan cho thành phố Kon Tum.

Chợt nhớ đã từng đọc bài báo của một “tiền bối” viết trong ngày thông xe cầu Đăk Bla, trong đó có đoạn (đại ý thôi) rằng cây cầu như một nét bút đầu tiên mở đường cho những dự định, những khát vọng đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu.

          Mối tình sông nước

Nói về cầu, không thể không nhắc một chút về sông. Bởi theo bao du khách, sông Đăk Bla- cầu Đăk Bla, như một cặp tình nhân, hàng trăm năm nay vẫn bền chặt một mối tình chung thủy, keo sơn. Nhìn trên bản đồ đất nước, Đăk Bla mảnh như sợi chỉ, lại nằm ở vùng cao hẻo lánh nên ít được người để ý, sách vở cũng hầu như không nhắc đến. Nhưng trong lòng mỗi người người dân Kon Tum, lại là dòng sông tuyệt vời, bởi vì không có sông Đăk Bla thì không có Kon Tum, xét về mặt lịch sử cũng như địa lý, ngay cả cái tên Kon Tum cũng không thể có nếu không có dòng Đăk Bla uốn khúc.

Qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, dòng Đăk Bla vẫn tình tứ uốn khúc, ôm trọn thành phố trong lòng. Không chỉ vỗ về, tưới tắm cho những bãi bồi quanh năm tươi tốt, Đăk Bla còn là nguồn nước và cũng là nguồn sống của hàng chục ngàn hộ dân sinh sống 2 bên bờ.

Với người Kon Tum, cầu Đăk Bla không còn là một vật thể kiến trúc với bê tông, sắt thép mà có tâm hồn, tình cảm, có vui, có buồn theo lòng người. Khi vui, đi qua cầu, gió mơn man làm lòng ta bay bổng, khi buồn gió như chải vuốt tan biến đi những âu lo. Họ yêu cây cầu bằng một tình yêu không phô trương, không ồn ào, có thể hàng ngày họ vẫn vội vã vượt cầu qua sông mà không hề để ý đến nó, nhưng chỉ cần đi xa là thương nhớ, khi trở lại, chỉ cần nhìn thấy cây cầu là như đã về đến nhà.

Viết đến đây, tôi nhớ lại hình ảnh cụ ông bên phường Lê Lợi nhất quyết bắt con cháu đưa ra nhìn cây cầu sau khi cơn lũ lịch sử năm 2009 rút, “để xem nó có bị hư hỏng, thiệt hại gì không”.

Và không chỉ người Kon Tum, biết bao du khách đã dạo bước trên cầu vào sáng sớm, hít căng lồng ngực ngọn gió trong lành mang theo hương vị núi rừng; đã thả bộ trên cầu vào ban đêm, dưới sương khuya lành lạnh, nghe sóng nước rì rầm chảy; đã chen chân ngắm pháo hoa đêm giao thừa; đã hò reo cổ vũ đến khàn cả tiếng trong ngày hội đua thuyền độc mộc. Để rồi, khi chuẩn bị chia tay, chụp mấy tấm hình đứng bên cầu và nói lời hẹn gặp lại.  

Sáng nay, tôi vẫn tiếp tục hành trình quen thuộc của mình, lững thững bước trên cầu Đăk Bla. Dòng sông trễ nải chảy trong màn sương. Bên đầu cầu, Khu đô thị Nam Đăk Bla đã nên hình hài. Tôi biết, UBND tỉnh Kon Tum đã quyết định xây dựng thêm 3 cây cầu bắc qua dòng sông Đăk Bla với tổng vốn dự án lên đến gần 300 tỷ đồng.

Cầu mới Đăk Bla nhìn từ bờ kè phía tây. Ảnh: T.H

 

Những cây cầu hoành tráng này sẽ góp phần hoàn chỉnh hạ tầng giao thông đô thị, mở rộng không gian đô thị của thành phố Kon Tum theo quy hoạch, khai thác tiềm năng quỹ đất để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, góp phần phát triển các khu đô thị cũng như phát triển kinh tế xã hội của thành phố, tạo điều kiện cho thành phố đạt tiêu chuẩn là đô thị loại II vào năm 2020...

Nếu so sánh cầu Đăk Bla cũ như một nét bút mở đường cho những dự định vượt qua đói nghèo, lạc hậu, thì mai đây, trên dòng Đăk Bla sẽ có thêm những “nét vẽ” mở đường cho hành trình vươn lên mạnh mẽ...

Thành Hưng

Chuyên mục khác