Thơm ngon trái cây rừng

05/09/2016 09:21

May mắn khi đến Mường Hoong, Ngọc Linh (Huyện Đăk Glei) vào trúng mùa trái cây rừng, không bỏ lỡ cơ hội, chúng tôi theo chân người dân đi đến tận gốc để nhìn thấy, tận tay hái và thưởng thức hương vị của quả rừng Tây Trường Sơn.

Gắn bó với mảnh đất Mường Hoong từ cái thời còn đi chân đất, đầu trần, đến nay 79 tuổi, ông A Dia ở làng Đăk Rế đã quen thuộc với khí hậu cũng như nắm rõ các loại quả rừng, trái cây ở nơi đây. Ông bảo rằng, mảnh đất này dù nghèo về tiền bạc, vật chất nhưng đổi lại, Mẹ rừng ưu đãi, ban tặng rất nhiều loại trái cây rừng. Và tháng 6-9 là thời gian của những loại quả rừng vào kì chín.

Một trong những loại quả mà ông Dia nói đến chính là cam rừng. Theo chân người dân nơi đây, chúng tôi leo lên một ngọn đồi xa xa, và chúng tôi đã trố mắt ngạc nhiên khi nhìn thấy phía bìa rừng, cây cam trĩu quả chín vàng.

Người dân hay hái cam rừng ăn khi đi rẫy. Ảnh: B.A

 

Cây cam rừng nhìn cũng hao hao giống cây cam nhà. Cành cây khẳng khiu, lá nhỏ, có màu xanh đậm. Còn quả cam thì rất “lạ”, nhìn hệt như một quả chanh tây (chanh vàng). Quả lớn hơn quả chanh một chút, vỏ sần sùi, màu vàng đượm. Cam mọc thành từng chùm, mỗi chùm phải đến 7-8 quả.

Hái xuống một chùm, chúng tôi cắt ra ăn tại chỗ. Thơm lừng. Chỉ mới bóc lớp vỏ phía ngoài, mùi thơm đã “thử lòng khách”. Vỏ cam khá dày nên bóc ra, những múi cam chỉ còn lại nhỏ xíu. Cô bé Y Hồng ở làng Đăk Rế cầm chiếc rựa đi rẫy, cắt đôi quả cam đã gọt vỏ ra. Không giống như cam nhà có múi màu hồng hồng pha vàng, múi cam rừng chỉ có một màu vàng đậm.

Mùi thơm của quả cam khiến chúng tôi không thể đợi lâu thêm được nữa. Lấy túi muối ớt đã được chuẩn bị sẵn, chúng tôi tách cam, chấm vào và thưởng thức. Tuyệt vời! Không ngọt lịm mà cũng chẳng quá chua, từng tép cam tứa ra vị ngọt ngọt chua chua cộng thêm vị mặn mặn cay cay làm dịu cả cơn thèm. Ăn hết một múi, chẳng thể ngừng lại ở múi thứ 2, cứ thế, chúng tôi ăn sạch quả cam khi nào chẳng hay.

“Chỉ là quả chín thôi chị ơi, quả xanh nó chua lắm, chẳng thể ăn được đâu”  - cô bé Y Hồng vừa cười, vừa bảo. Để kiểm chứng lời của cô bé, chúng tôi cắt tiếp một quả cam vỏ đang còn xanh xanh để “thử”. Đúng vậy, thơm thì rất thơm nhưng cắn một múi vào, hàm răng như ê lên, kêu ken két. Quả xanh không mọng nước như quả chín mà vị rất chua, y hệt quả chanh. “Bởi vậy, ở đây mọi người đợi đến chín vàng mới hái ăn”- Y Hồng nói.

Ở đây, khi đi làm, trong gùi của người dân lúc nào cũng có một bì muối. Cứ giờ trưa hay xế chiều, nghỉ tay, họ lại ra hái cam rừng để ăn. Như vợ chồng anh Tun ở làng Đăk Rế, ngày nào đi rẫy anh cũng hái cam rừng. Anh bảo: Những lúc mệt, khát, ăn vào thấy như khỏe ra vậy. Khi nào trái chín, mình cũng hái về cho con.

Cam rừng không mọc thành từng cụm mà mọc rải rác ở khắp các làng. Chỉ sống nhờ nước mưa với ánh nắng mặt trời, ấy vậy mà cây nào cây nấy trĩu trái. Vì là của rừng nên ai đi làm, thích thì cứ hái ăn. “Chẳng ai chặt, phá cành đâu, để cây ra trái rồi mọi người cùng ăn” – anh Tun nói.

Và có riêng gì xã Mường Hoong, tại xã Ngọc Linh, cam rừng cũng mọc rất nhiều. Đặc biệt ở làng Đăk Ia, cam nổi tiếng là ngon, là ngọt. Vào mùa, người dân hái từng bì từng bì đem về nhà. “Ở đây mọi người không biết vắt lấy nước uống nên cứ cắt ra ăn vậy thôi. Cứ mỗi tối, nhà nhà lại chụm lại, vừa ăn vừa hàn huyên tâm sự” – em Y Luân ở xã Ngọc Linh kể.

Tạm biệt những cây cam rừng thơm lừng, chúng tôi lại dong xe đi hái những quả hồng. So với Mường Hoong thì Ngọc Linh có nhiều hồng hơn. Anh A Trúc - Phó Chủ tịch UBND xã bảo rằng, trước đây, cây hồng vốn mọc tự nhiên ở trong rừng. Sau này, vì thấy hồng ăn ngon, người dân mới lấy về nhà trồng. Rồi những năm gần đây, trong những đợt cấp cây ăn quả, người dân cũng được cấp cây hồng nên số lượng hồng trong các làng cũng tương đối nhiều. Dù cũng là cây hồng như mọi chỗ, nhưng hình như khí hậu trên này thuận lợi nên quả hồng to hơn, mọng nước hơn.

Cây hồng cho rất nhiều trái. Ảnh: B.A

 

Quả đúng như lời anh Trúc nói, hồng ở đây rất sai quả dù chẳng được chăm bón gì. Từng quả hồng ngả vàng, lúc lắc trên cây theo hướng gió. Nhiều quả chín chuyển sang màu đỏ, nhìn rất đẹp. Hái một quả chín nhất, đỏ nhất, mọng nhất, anh A Bon, làng Tu Rang, xã Ngọc Linh mời chúng tôi ăn thử. Ngọt ngọt, chát chát nhưng mát lạnh ở đầu lưỡi. Khác với hồng chúng tôi hay ăn ở thành phố, hồng trên này có vị thanh hơn, dễ chịu hơn và vị ngọt vừa phải. Nói chung là rất ngon. “Quả này phải để chín mùi ăn mới hết vị chát. Ăn quả này da sẽ đẹp lắm đấy” – em Y Lợi cười bảo.

Anh A Bon nói rằng, trước đây, người dân hay hái hồng ở trong rừng. Nhưng không như cam, cây hồng mọc ít hơn và cũng thưa thớt hơn nên nhiều người thử lấy hạt ươm lên và trồng. Đến nay, trong làng của anh, hầu như nhà nào cũng có một cây hồng. “Nhà nào cũng có nên bán chẳng ai mua đâu. Thỉnh thoảng, học trò hay biếu cho các thầy cô giáo để lấy thảo thôi” – anh Bon cho biết.

Dù quả cam rất nhiều hay hồng rất ngon nhưng chẳng bao giờ bà con đem đi bán. Một phần bởi nhà nào cũng có nên không ai mua, phần khác, nếu có khách, họ sẵn sàng cho từng bì to để mang về để lấy thảo cũng như thể hiện lòng mến khách. Như tôi chẳng hạn, họ chẳng ngại ngần dẫn ra cây, vặt đến trơ trụi chỉ để khách đem về.

Ngoài cam rừng, hồng thì mảnh đất phía Tây Trường Sơn này còn có một đặc sản khác đó chính là trái sơn tra. Sơn tra mọc rất nhiều, hầu như làng nào cũng có. Và hôm chúng tôi đến, cũng chính là mùa sơn tra. Thoạt đầu không biết đến loại quả này, thấy chim chóc ăn, người dân cũng ăn thử. Thấy chua chua, ngọt ngọt, chát chát nhưng không gây chết người nên họ cứ thế ăn. Mãi sau này, có người vào làng, tìm mua loại quả này, người dân mới biết đến công dụng của sơn tra.

Sơn tra mọc khắp nơi, chẳng kể là ở bìa rừng hay trong gần nhà. Trái cũng khá nhiều, nhìn quả hao hao quả táo nhưng to hơn, da sần sùi hơn và cũng đậm màu hơn. Người dân chỉ ăn mộc, cắt ra chấm muối chứ không biết ngâm đường hay chế biến thành thức uống.

Dạo gần đây, nhiều người ghé hỏi mua sơn tra nên một số hộ gia đình cũng tranh thủ thời gian rỗi rãi, đi hái về bán. Một ki lô gam chỉ vài ba ngàn đồng nhưng mỗi ngày đi hái, kiếm vài chục ký, người dân cũng đem về gần trăm ngàn.

Chia tay Mường Hoong, Ngọc Linh, trở về với Ngọc Hồi, chúng tôi lấy những quả cam thơm lừng và những quả hồng chín mọng ra làm quà. Khi vừa ăn xong, ai nấy đều trầm trồ khen ngợi. Chị tôi bảo, một ngày nào đó, nếu có dịp, chắc chắn sẽ đến Mường Hoong, Ngọc Linh. Và tôi biết, một trong những nguyên nhân khiến chị chẳng quản ngại đường xa, ấy chính là vì những món trái cây rừng thơm lừng, thanh mát này…

B.A 

Chuyên mục khác