“Thổi hồn” cho nhạc cụ truyền thống

21/08/2023 13:26

Được các già làng, nghệ nhân trao truyền, anh A Huyền sớm biết chế tác và chơi các loại nhạc cụ truyền thống. Âm thanh từ các nhạc cụ truyền thống do anh chơi có sức cuốn hút kỳ lạ người nghe, người xem.

Thanh âm trầm bổng, trong trẻo từ tiếng đàn t’rưng của A Huyền vang lên tựa như mời gọi chúng tôi vào nhà. Xung quanh khoảng sân rộng, từng bó nứa, lồ ô, tảng đá, dây mây- nguyên liệu để làm nên những nhạc cụ truyền thống của người Xơ Đăng- được sắp xếp ngay ngắn, cẩn thận. Dường như vẫn chưa nhận ra sự có mặt của chúng tôi, chàng trai người Xơ Đăng đó vẫn miệt mài “thả hồn” với những giai điệu trầm bổng.

Để không làm gián đoạn giai điệu đang ngân vang của chàng trai, anh bạn đồng hành cùng tôi thì thầm: “Đó là A Huyền, chàng thanh niên với niềm đam mê âm nhạc và chế tác nhạc cụ dân tộc mà hôm nay tôi giới thiệu”.

Anh A Huyền chơi các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc. Ảnh: T.T

 

Thả hồn hết bản nhạc, anh A Huyền mới nhận ra chúng tôi đứng đằng sau không biết từ bao giờ. Nở một nụ cười thân mật, A Huyền cất lời chào: “Mọi người đến rồi đấy à! Cứ hễ lần nào chơi nhạc là mình lại bị “cuốn”, chẳng thể để ý gì đến xung quanh!”

Sinh ra và lớn lên ở làng, “lửa” đam mê  nhạc cụ truyền thống trong anh A Huyền chẳng biết có từ bao giờ. Có lẽ do được thừa hưởng gene di truyền của người Xơ Đăng sống gần gũi với thiên nhiên, với những âm thanh của núi rừng nên ngay từ nhỏ A Huyền thích âm nhạc truyền thống. Thế rồi anh tự mày mò, học hỏi các già làng, nghệ nhân kinh nghiệm chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Được các già làng, nghệ nhân trao truyền, anh sớm biết chế tác và chơi các loại nhạc cụ truyền thống.

Sau khi tốt nghiệp ngành Quản lý văn hóa tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội tại Hà Nội, A Huyền trở về quê nhà (khối 3, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) đeo đuổi khát vọng chế tác và giữ gìn tiếng đàn từ các loại nhạc cụ truyền thống đang có nguy cơ mai một ở địa phương. Hiện tại, anh là một trong số ít người trên địa bàn có thể chế tác và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống của người Xơ Đăng.

A Huyền chế tác đàn đá. Ảnh: T.T

 

A Huyền cởi mở: “Cứ mày mò từng chút, từng chút, mưa dầm thấm lâu, mình dần có kinh nghiệm hơn trong việc chế tác nhạc cụ dân tộc. Nghề lại dạy nghề, mình cứ làm rồi lại tiếp tục học hỏi, tay nghề của mình dần được cải thiện. Kể từ chiếc đàn t’rưng đầu tiên được mình chế tác vào 8 năm trước, đến bây giờ bản thân có thể chế tác nhiều loại nhạc cụ khác nhau như đàn tre, đàn klông pút, đinh pá”.

Để chúng tôi có thể hiểu rõ hơn về quá trình chế tác nhạc cụ dân tộc, A Huyền giới thiệu cụ thể cho chúng tôi về đàn t’rưng và đàn đá. Đây là 2 loại đàn được anh chế tác với số lượng nhiều nhất trong những năm qua.

“Ngày xưa, nguyên vật liệu chế tác nhạc cụ truyền thống nhiều lắm. Bà con người Xơ Đăng chỉ cần lên rẫy, lên đồi là có thể tìm được cây tre, nứa, mây để làm đàn t’rưng. Cũng chính vì thể mà số lượng nhạc cụ ngày trước rất nhiều. Hầu như nhà nào cũng có một bộ để chơi mỗi dịp lễ hội, những ngày trọng đại của thôn làng. Tuy nhiên theo thời gian, nguyên vật liệu khan hiếm dần. Đến bây giờ, để có thể tìm được nguyên vật liệu chế tác, thì phải đi rất xa, vào tận rừng sâu.” – A Huyền tâm sự.

Đối với chế tác đàn t’rưng, người chế tác phải chọn những cây nứa già, ít nhất 3 năm tuổi. Sau đó là kiếm dây mây, dây rừng và tre gai để làm chân đàn. Khi đã gom đủ nguyên vật liệu, người chế tác sẽ chặt nứa theo từng đốt, rồi hong khô trên dàn bếp khoảng 2 - 3 năm.

Nguyên vật liệu chế tạo nhạc cụ được A Huyền sắp xếp cẩn thận. Ảnh: T.T 

 

Khi nứa khô, người chế tác cắt từng đốt nứa ra, vừa gọt, vừa gõ để chọn âm thanh phát ra chuẩn theo từng nốt nhạc. Đốt nứa càng dài thì âm thanh càng trầm, đốt nứa càng ngắn thì âm thanh càng cao. Đây cũng là quy trình khó nhất trong làm đàn t’rưng. Nó đòi hỏi người chế tác phải có sự cảm thụ âm tốt, đồng thời đôi tay phải khéo léo để tạo từng đốt nứa được đẹp, gọn gàng và hoàn thiện nhất.

“Đàn t’rưng có 2 loại, truyền thống và hiện đại. Bộ truyền thống chỉ có 1 giàn, bao gồm 12 – 16 ống tuỳ theo sở thích của người chế tác. Loại này bà con thường sử dụng trong các lễ hội truyền thống hoặc cá nhân sử dụng. Đối với bộ hiện đại, thì có đến 3 giàn và 46 ống. Bộ đàn t’rưng này được sử dụng nhiều trong các lễ hội hay mang tính chất biểu diễn, trình diễn sân khấu” – A Huyền bật mí.

Đối với chế tác đàn đá, người chế tác cũng phải vào rừng, đến các con suối để tìm những viên đá có thể phát ra âm thanh. Loại đá này có hai loại, một loại ở dưới suối có màu đen và loại còn lại trên đồi núi cao có màu đà. Ngày nay do sự biến đổi về thời tiết, nên các loại đá này cũng trở nên khan hiếm dần. Mỗi lần tìm kiếm, A Huyền mất nhiều ngày trong rừng, đi hết suối này đến suối khác gom lại từng viên, từng viên về chế tác.

Các viên đá sau khi thu thập về được xẻ ra, mài dũa thành từng thanh đá dạng hình chữ nhật. Tương tự như chế tác đàn t’rưng, quy trình khó nhất trong chế tác đàn đá là khâu mài, gọt, giũa để khi gõ vào, âm thanh phải chuẩn, đúng với các nốt nhạc.

A Huyền chia sẻ: “Việc làm đàn đá mất nhiều thời gian vì phải xẻ đá, mài đá. Chính vì thế mà tốc độ chế tác đàn đá ban đầu của mình rất chậm. Về sau, khi đã có kinh nghiệm, mình mới biết nên lấy những tảng đá, viên đá nhỏ để cắt, mài, gọt được dễ dàng hơn. Cứ như vậy, mình rút ngắn được thời gian chế tác rất nhiều. Nếu làm cả ngày lẫn đêm, mất khoảng 2 ngày để mình hoàn thiện chế tác một bộ đàn đá”.

Một bộ đàn đá thông thường có 17 – 20 thanh đá. Ngày xưa, bộ đàn đá chỉ là những thanh đá thô, mộc mạc và được sắp xếp theo cảm âm, cảm thụ tuỳ hứng của bà con. Ngày nay, những thanh đá thô được gọt giũa, mài nhẵn, đặt nằm song song nhau trên một giá đỡ ngang theo thứ tự âm.

A Huyền bật mí: “Các thang âm hay cao độ của đàn đá và t’rưng hoàn toàn có sự tương đồng với thang âm cồng chiêng Tây Nguyên. Do đó, các nhạc cụ này có thể kết hợp dễ dàng lại với nhau. Khi kết hợp sẽ tạo ra những âm thanh ở mọi cấp độ, từ trầm bổng, khoan thai, vang vọng cho đến mạnh mẽ, rộn rã, cao trào. Thể hiện được nét tinh túy trong đời sống văn hóa tinh thần của bà con Xơ Đăng”.

Sau khi giới thiệu cho chúng tôi về quá trình chế tác đàn t’rưng và đàn đá, A Huyền chia sẻ về kế hoạch sắp tới của mình: “Mình dự định sẽ thành lập nhóm thanh niên có cùng đam mê, biết chế tác và sử dụng các nhạc cụ truyền thống dân tộc. Mình muốn thông qua nhóm này để lan tỏa những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp trong thế hệ trẻ, cũng như tiếp tục gìn giữ nhạc cụ truyền thống cho thế hệ mai sau”.

Đam mê và nhiệt huyết, chàng trai dân tộc Xơ Đăng A Huyền đã coi việc chế tác nhạc cụ truyền thống như là sứ mệnh để giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống và truyền cảm hứng đến với mọi người.

Tất Thành

Chuyên mục khác