Tết ấm của người Tày nơi miền biên

18/01/2023 13:31

Năm 2012, hàng chục hộ người Tày đã đến xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai làm kinh tế mới. Giờ đây, đời sống của họ đã ổn định, cùng nhau đón một cái Tết ấm trên quê hương mới.

Nhớ cái Tết thiếu thốn

Tôi đến xã Ia Đal vào những ngày cuối năm, nắng vàng trải mọi nẻo đường biên giới. Trên con đường bê tông phẳng phiu dẫn vào thôn 3, nhiều ngôi nhà kiên cố hai bên đường đã lấp ló sắc hoa đón Tết.

Trong ngôi nhà vách ván ấm cúng, anh Nông Văn Bàn tạm gác lại những công việc rẫy vườn, tất bật chuẩn bị những phần việc để đón cái Tết đầy đủ, ấm áp. Miệng nói, tay làm, anh Bàn kể lại câu chuyện đón Tết của những năm đầu tiên khi vừa đặt chân đến mảnh đất này.

Người Tày gói bánh khảo, bánh chưng gù đón Tết Nguyên đán. Ảnh: V.T

 

Năm 2012, anh Bàn cũng như nhiều hộ người Tày khác từ Đăk Lăk đến huyện Ia H’Drai theo diện công nhân khai thác mủ cao su. Năm đấy, Ia Đal còn hoang vu, khó khăn vô cùng. Nhiều người phải sống trong dãy nhà tập thể, tối đến chỉ biết quây quần bên ánh đèn leo lét trước sân chạy bằng máy nổ để vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Ia Đal lúc bấy giờ vẫn chưa có điện, đường đi chủ yếu là đường rừng, nước được lấy từ suối về dùng, trường – trạm cách nơi ở của bà con người Tày nơi đây rất xa.

Ngày Tết năm đó cũng diễn ra trong cảnh thiếu thốn trăm bề. Nhiều người dân muốn về quê đón Tết, nhưng điều kiện không cho phép nên đành ở lại nơi đây đón Tết. Tưởng rằng sẽ có cái Tết buồn, ấy vậy mà được sự quan tâm của chính quyền địa phương tổ chức ngày hội bánh chưng xanh, cái Tết năm ấy lại thật ấm cúng, yên vui.

Ngày hội năm ấy là lần đầu tiên bà con được thấy rõ con đường làng về đêm, được nghe những bản nhạc xuân, những câu ca về quê hương, đất nước từ loa nhạc do chính quyền địa phương đưa đến tổ chức. Cũng tại ngày hội, những phần quà Tết được trao tận tay cho bà con  nghèo, tuy giá trị phần quà không lớn nhưng lại ý nghĩa, ấm áp vô cùng.

Xa quê hương, những người Tày nơi đây lấy tình đoàn kết để bù đắp những thiếu thốn. Họ cùng nhau sống và cần mẫn lao động từng ngày, họ tương trợ, dìu dắt nhau qua những ngày đau ốm. Để giờ đây, khi cuộc sống khởi sắc, họ lại cùng nhau đón một cái Tết đầy đủ, ấm áp nơi dải đất biên cương.

Bánh sừng trâu, bánh chưng gù, bánh khảo (theo thứ tự từ trên xuống) là những loại bánh đặc trưng đón Tết Nguyên đán của người Tày. Ảnh: V.T

 

Tết ấm nơi đất khách

Gác lại câu chuyện về cái Tết thiếu thốn năm xưa, anh Nông Văn Bàn tiếp tục kể về cái Tết đủ đầy của những năm gần đây.

Sau nhiều năm sinh sống, bà con người Tày cũng thấy được ngày Ia Đal chuyển mình. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã thể hiện qua hệ thống điện – đường – trường – trạm được đầu tư bài bản, kiên cố. Nhiều hộ dân có tiền tiết kiệm đã bắt đầu xây dựng nhà trên thửa đất được cấp. Những vườn rau xanh mướt, cùng đàn gà, đàn heo nuôi thả trong vườn. Từng hàng điều bén rễ vươn mầm trên những mẩu đất bờ lô hợp thủy. Bà con người Tày có thêm nguồn thu nhập ngoài lương của công nhân cao su.

Cuộc sống no đủ, thu nhập ổn định, nên cái Tết những năm gần đây được bà con người Tày chuẩn bị rất kỹ. Khi vườn cao su rụng hết lá cũng là lúc bà con nơi đây dọn dẹp vườn lô để chuẩn bị cho năm mới.

Cuộc sống no đủ, bà con người Tày chuẩn bị kỹ lưỡng cho dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: VT

 

Từ ngày 25, 26 tháng Chạp, không khí Tết đã rộn ràng khắp làng. Nhà nhà rủ nhau làm bánh khảo, đây là loại bánh truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của người Tày. Bánh khảo được làm từ sự kết hợp của bột gạo nếp và dầu vừng, hoà cùng vị ngọt của đường phên và sự thơm nồng của ít rượu trắng. Những chiếc bánh khảo được in vào khuôn, sau đó đóng gói cẩn thận trong các bao nhiều màu sắc, thu hút những em nhỏ trong những ngày Tết.

Sau khi làm xong bánh khảo, bà con rủ nhau “đụng heo” để gói bánh sừng trâu, bánh chưng gù dùng ăn dần trong những ngày Tết. Để có những chiếc bánh chưng gù mang nét truyền thống của người Tày đòi hỏi những người “thợ” phải lên rừng tìm hái những chiếc lá dong xanh lành lặn ưng ý. Những miếng thịt dùng để gói bánh cũng là những miếng ba chỉ chất lượng, chuẩn heo sạch, để có thể hòa mình cùng những hạt đậu xanh được chọn lọc kỹ càng, tạo thành lớp nhân hấp dẫn người thưởng thức.

Thức uống của người Tày trong ngày Tết Nguyên đán là rượu trắng. Rượu được làm từ gạo tẻ, do chính đôi tay cần mẫn của những nông dân Tày trồng trong năm chọn lựa, chắt chiu để dành. Những ghè rượu thơm nồng được cất kỹ trong góc nhà để chờ hàng xóm, người thân sang chúc Tết mới mở ra mời khách.

Những ngày Tết, con nít xúng xính trong những bộ đồ mới theo chân bố mẹ sang chúc Tết hàng xóm, người thân. Người lớn lại có cơ hội để cởi mở, trò chuyện về những gì làm được trong năm cũ và những dự định trong năm mới. Những ly rượu trao nhau rộn rã tiếng cười nói. Người Tày đang đón một cái Tết ấm no nơi miền biên đất khách.

Chị Nguyễn Thị Thuận – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Đal cho biết: Hiện tại trên địa bàn xã có 55 hộ người Tày với 204 khẩu. Nhờ sự cần cù, chịu khó, tính toán trong làm ăn, giờ đây bà con người Tày nơi đây đã có cuộc sống ổn định, các hộ đều có của ăn, của để. Và mỗi dịp Tết đến, bà con nơi đây không còn lo thiếu thốn như trước, nhà nhà đều đón một cái Tết sung túc, đủ đầy.

VĂN TÙNG

Chuyên mục khác