25/06/2024 06:43
Từ trung tâm UBND xã Măng Bút, con đường bê tông sạch đẹp dẫn chúng tôi vào tới tận nhà của nghệ nhân A Vùng. Vừa tới cổng, chúng tôi đã nghe tiếng búa, tiếng đe sắt vang lên đều đều, nhịp nhàng từ lò rèn vọng ra.
Lò rèn của nghệ nhân A Vùng không quá rộng, ngổn ngang các vật dụng bằng sắt, thép phục vụ cho việc rèn. Bếp lửa nung sắt được thiết kế đơn giản ngay bên cạnh máng nước để nhúng thép nóng. Phía trên được thiết kế dàn, móc treo để đặt các cây búa tạ, kìm kẹp, các loại đồ mài, làm sạch sản phẩm thô.
Dù tuổi đã cao nhưng nghệ nhân A Vùng vẫn nhanh nhẹn và chắc chắn trong từng động tác quai búa, đập sắt. Với giọng nói vang trầm, chất phác, ông say sưa kể cho chúng tôi về những kỷ niệm của nghề, cũng như tâm huyết trong việc bảo tồn, phát huy nghề truyền thống tại địa phương.
|
Nghệ nhân A Vùng sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề rèn, có ông nội là một thợ rèn giỏi có tiếng trong vùng. Từ nhỏ, bên bếp nung đỏ lửa, được chứng kiến tay rèn khéo léo, tài hoa của ông mình, A Vùng đã bị thu hút, say mê đến lạ. Sức nóng từ lò rèn và các thanh âm sắt thép va đập vào nhau luôn làm A Vùng phấn khích và thích thú.
Cũng vì nghe tiếng đe, tiếng búa hàng ngày mà trong lòng A Vùng “cháy” lên ngọn lửa với nghề từ lúc nào không hay. Vì vậy, thay vì la cà, rong chơi với các bạn cùng lứa, ông A Vùng thích theo và phụ ông nội những việc lặt vặt tại lò rèn như quét dọn, chuẩn bị than củi, mài rửa sản phẩm thô.
Những lúc rảnh rỗi, ông nội sẽ “cầm tay chỉ việc” cho A Vùng cách dùng kìm, kẹp để cố định thanh sắt, nung sắt trong lò rồi dùng búa đập, giũa các thanh sắt nóng. Với đam mê và sẵn có năng khiếu trong người, dù còn nhỏ nhưng A Vùng học nhanh và rất sáng tạo.
Khi lên 18 tuổi, ông A Vùng đã thành thạo hầu hết các kỹ thuật, bí quyết trong nghề và có thể làm nhiều vật dụng phục vụ sản xuất, đời sống hàng ngày như cuốc, rựa, dao, liềm, kiếm.
Sản phẩm ông làm ra đều bền, đẹp và được bà con khen ngợi, tìm đến mua bán, trao đổi. Được bà con tin dùng, nghệ nhân A Vùng thêm tự tin, càng có quyết tâm và đam mê để theo nghề.
|
Những năm sau giải phóng, cả xã Măng Bút và một số khu vực lân cận ai cũng biết đến nghệ nhân A Vùng và các sản phẩm rèn của ông. Lúc ấy, ông bắt đầu nhận đặt hàng của chính quyền địa phương và người dân ở Đăk Tăng, Đăk Ring. Ngoài làm để trao đổi, buôn bán, ông còn sản xuất để phục vụ nhu cầu trong gia đình, bà con dòng họ, dùng để đi rừng, rẫy, sinh hoạt hàng ngày.
Bên bếp lò rèn, ánh lửa bập bùng soi rọi làm lộ rõ thêm những vết nám, sạm trên mặt, vết chai tay, những giọt mồ hôi trên trán của nghệ nhân A Vùng. Khi lửa vừa đủ “chín”, ông bỏ thanh thép đã được cắt gọt thô sơ vào nung đến khi nóng đỏ rực, đặt lên tấm đe sắt và bắt đầu đập, dập từng nhát một dứt khoát.
Dưới sức nặng của búa, miếng thép dãn dần ra và bắt đầu thành hình theo ý người thợ, tiếp theo được nhúng vào nước lạnh để làm nguội, kết thúc một chu trình. Quá trình này lặp lại liên tục để tạo ra một sản phẩm thô và tiếp tục được cắt gọt, mài dũa thêm để hoàn thiện.
Theo nghệ nhân A Vùng, để làm ra một sản phẩm bền bỉ, đẹp, đạt độ tinh xảo thì mọi công đoạn đều phải tỉ mỉ, không được nóng vội, phải thực hiện nhiều công đoạn gia công và vận dụng sự khéo léo, kinh nghiệm, sức khỏe của mình.
“Tùy vào từng loại thép và sản phẩm tạo ra sẽ có thời gian nung và cách đập, tạo hình khác nhau. Khi công cụ được hình thành, tôi còn dùng một số vật dụng như máu con mang, sừng trâu để bôi lên phần lưỡi dao, rựa khi nóng để cho chắc chắn, thêm sắc bén và ít bị mẻ”– nghệ nhân A Vùng chia sẻ.
Hiện tại, con cháu trong nhà có một số người theo học nghề rèn của nghệ nhân A Vùng, trong đó có cháu rể A Dân (43 tuổi) được xem là có khiếu và đam mê nhất. Theo học nghề rèn từ năm 2016, đến nay A Dân cũng đã làm được một số vật dụng cơ bản như dao, rựa để sử dụng trong đời sống hàng ngày.
Ngồi cạnh phụ giúp và chăm chú theo dõi nghệ nhân A Vùng trong lúc rèn, anh A Dân chia sẻ: Hàng ngày tôi phụ giúp ông những việc nặng nhọc như đi tìm nguyên liệu sắt, thép, cắt phôi, tạo hình, mài thô sản phẩm. Những lúc ông xuống sức, tôi phụ thêm việc quai búa, đập, dập sắt. Tuy nghề vất vả nhưng cũng mang lại thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày. Nếu không yêu nghề và chịu được vất vả, nguy hiểm thì không thể học được”.
Nghệ nhân A Vùng cho biết, nếu như trước đây phải mất rất nhiều công sức, thời gian để làm ra được một sản phẩm thì hiện tại việc rèn đã dễ dàng hơn khi có các thiết bị, máy móc hỗ trợ, đặc biệt là máy thổi hơi dùng điện, không phải dùng dụng cụ quay bằng tay như trước nên đỡ mất sức hơn.
|
Do nhịp sống hiện đại thay đổi nhiều thứ nên hiện tại rất ít gia đình tại địa phương theo nghiệp rèn vì mang lại ít thu nhập. Mặt khác, nhiều sản phẩm sẵn có trên thị trường với mẫu mã đẹp, giá cả rẻ nên không còn ai, nhất là lớp trẻ mặn mà với nghề. Tuy nhiên, nghệ nhân A Vùng vẫn luôn bám trụ với nghề, với hi vọng một ngày không xa sẽ có thể vực dậy được nghề rèn tại địa phương, có nhiều lớp trẻ kế cận để ông truyền dạy lại những bí quyết, kinh nghiệm tích lũy được.
Hiện tại, để bảo tồn và phát triển nghề rèn tại địa phương, UBND xã Măng Bút đã có những hỗ trợ, động viên đối với nghệ nhân A Vùng. Bước đầu, các sản phẩm rèn của nghệ nhân A Vùng đã được chính quyền địa phương đặt hàng và bày bán, quảng bá tại các sự kiện, lễ hội lớn nhỏ tại địa phương.
Đặc biệt, xã Măng Bút đang kêu gọi nguồn lực, dự kiến xây dựng một gian trưng bày các sản phẩm rèn của nghệ nhân A Vùng tại nhà riêng, qua đó, góp phần kích cầu, quảng bá du lịch, phát triển nghề rèn truyền thống.
Ông Huỳnh Xuân Hậu - Chủ tịch UBND xã Măng Bút cho biết: Nghệ nhân A Vùng là một người có uy tín, giỏi nghề rèn tại địa phương. Tuy tuổi đã cao, công việc bên lò rèn nặng nhọc, đầy khó khăn nhưng nghệ nhân A Vùng luôn thể hiện sự nhiệt huyết, đam mê. Chúng tôi đang tích cực hỗ trợ ông phát triển và vực dậy nghề, đem các sản phẩm rèn của ông quảng bá rộng rãi để góp phần bảo tồn nghề truyền thống, mang lại thu nhập, phát triển du lịch tại địa phương.
Hoàng Thanh