Say đắm Ting ning

06/03/2017 08:23

​Không khó để tìm đến nhà ông A Huynh ở làng Kon Sà Lạt (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy), bên Quốc lộ 24. Căn nhà nhỏ nhưng gọn ghẽ, khang trang của ông A Huynh chiều nay vui hơn vì có mấy đứa cháu nhỏ về chơi, quây quần với ông bà.

Đón chúng tôi bằng nụ cười cởi mở, sau mấy câu vui vẻ hỏi han, người nghệ nhân mà ở làng ai cũng biết tiếng nhanh nhẹn mang chiếc đàn Ting ning đã cũ và chiếc Klông pút còn tươi màu nứa ra giới thiệu.

“Chiếc Ting ning này là bạn của mình rồi. Còn chiếc Klông pút thì mới làm cho mấy đứa cháu tập để chuẩn bị đi biểu diễn”- Ông cười hồn hậu.

Ông ngồi bệt xuống nền nhà, cầm chiếc Ting ning lên, chỉnh dây, gảy nhẹ. Tinh tình tình tình tinh tình tình… Những âm thanh vang lên, vừa quen vừa lạ. Rồi ông cất tiếng hát… Lời bài hát bằng tiếng Ba Na quyện với tiếng đàn nhẹ nhàng, thanh thoát…

Đó là bài “Nẹ nhơm o”, nghĩa là “ Đừng khóc em”, một bài dân ca nổi tiếng của người Ba Na mà ông đã nằm lòng từ khi còn rất nhỏ: Đừng khóc em ơi!/ Để mẹ đi rẫy/ Cha đi vào rừng săn con chim con thú/ Đừng khóc em ơi!/Cho cha lên núi , lấy bó lồ ô/ Cho mẹ xuống suối hái nắm rau về…

Lời dân ca giản dị, gần gũi. Ông A Huynh bảo, cùng một làn điệu, nhưng mỗi bài dân ca có khi lại được đặt những lời khác nhau, dân dã lắm.

Ông A Huynh sinh năm 1954 ở làng Kon Sà Lạt mà ông bà, cha mẹ ông đã gắn bó. Trước đây, ở tận vùng núi xa, sau giải phóng, bà con mới được về định cư bên quốc lộ.

Say đắm với Ting Ning. Ảnh: T.N

 

Ngày xưa, làng nghèo, cả năm chỉ quanh quẩn với rẫy lúa, đám bắp, đám mì, nhưng lại khá giàu có về văn hóa truyền thống. Chưa kể những khi có đám cưới, đám tang, nhà có em bé ra đời…, năm nào, làng cũng mở hội cầu Yàng, cúng rẫy, mừng lúa mới, sửa giọt nước… Đông vui nhất là lễ ăn trâu mừng nhà rông mới, tưng bừng cồng chiêng, múa hát.

Theo cha đi nhiều, nên mới 9 - 10 tuổi, cậu bé A Huynh nhanh nhẹn đã biết đánh cồng chiêng. Cồng chiêng với người Ba Na như cơm ăn, nước uống. Vui đã đành, buồn khi nhà có người qua đời người ta cũng mượn tiếng chiêng để gửi gắm niềm tiếc thương, lời tiễn biệt...

Không chỉ biết đánh cồng đánh chiêng, A Huynh còn mê đàn hát dân ca. Ngày trước, trong làng có bác (bok) A H’lo nổi tiếng làm đàn Ting ning, Tơ rưng. Nghe A Hlo đàn, hát thì đến “con kiến cũng bò ra, con chuột phải ngừng chạy” - Ông A Huynh nhớ lại.

Đó là những bài dân ca, dân làng thường gọi một cách dân dã là “Cheo”. Lời hát ngắn gọn, đơn giản, giai điệu nhẹ nhàng, dễ thuộc, dân ca Ba Na (nhánh Jơ Lâng) chủ yếu là những bài hát về tình yêu đôi lứa, về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào. Bình dị đến mức, cho nhau chiếc khăn, nhường nhau tấm đắp, tặng nhau chiếc vòng, lấy cục đá về chà chân… cũng đi vào những lời hát tình cảm.

Nghe nhiều, tiếng Ting ning như nhập vào hồn A Huynh tự lúc nào. 16 tuổi, khi con tim đập rộn ràng trước ánh mắt của cô bạn từ thuở nhỏ, A Huynh đã tự vào rừng lấy nứa, mây, về mày mò làm thành chiếc Ting ning. Những ngày mưa không lên rẫy, chàng trai ngồi ở nhà chồ, cầm Ting ning gảy lên những khúc nhạc lòng, gửi tới người mà mình yêu mến.

Ting ning của người Ba Na được làm đơn giản bằng ống lồ ô, trên thân ống khoét 10 lỗ nhỏ để gắn 10 cần đàn cũng bằng lồ ô hoặc cọng mây già, tương ứng với 10 đoạn dây đàn dài ngắn khác nhau.

Dây đàn ngày trước được làm bằng loại dây rừng có đặc tính dai, chắc đặc trưng, nhưng sau này, đơn giản, chỉ bằng dây kẽm, kể cả tận dụng dây điện thoại cũ, dây thắng xe đạp...

Thân đàn được gắn với một trái bầu khô, tạo dáng nhỏ xinh. Ting ning đẹp hơn khi trái bầu khô được nhuộm đen bằng cách tạo màu truyền thống.

Không như cồng chiêng, chỉ biểu diễn trong những sự kiện mang tính cộng đồng, Ting ning cũng như các loại nhạc cụ dân gian của người Tây Nguyên Tơ rưng, Klông pút, Đinh tút, Ta lun… được sử dụng cá nhân; trong nhà, ngoài rẫy, bên suối, dưới sông… ở nơi nào cũng được, tư thế nào cũng dễ dàng. Giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng hay vui tươi, rộn ràng tùy vào hoàn cảnh, tâm trạng và dĩ nhiên là nội dung khúc nhạc của người chơi đàn.

Ting ning độc tấu đắm say. Ting ning đệm cho những bài dân ca càng thêm cuốn hút. Bà Y Pa, người bạn đời của nghệ nhân bảo: Hồi đó, cả làng, ai cũng biết A Huynh. Nhưng ổng đẹp trai, mình đâu có mê, chỉ muốn nghe tiếng đàn của ổng thôi. Vui cũng có, mà buồn cũng có, nghe đàn, như ổng đang trò chuyện với mình. Nghe như quên hết mệt nhọc. Vất vả mấy, cũng thấy ưng…

Làm đàn Ting ning không khó, nhưng cũng như các nghệ nhân dân gian khác, trong suốt hơn 40 năm gắn bó với nhạc cụ truyền thống, ông A Huynh đã tìm tòi, trải nghiệm, đúc kết kinh nghiệm để tiếng đàn hay hơn, việc chế tác đàn ngày càng thuần thạo.

Gắn bó với Ting ning, với những làn điệu dân ca say đắm lòng người, sau này, ông A Huynh còn tự chế tác và sử dụng Tơ rưng và Klông pút. Ngày trước, trong giai đoạn khó khăn, mải lăn lóc với miếng cơm manh áo, có những lúc, cồng chiêng, Ting ning, Tơ rưng... đã bị quên lãng. Cùng với sự phát triển đời sống xã hội, nét đẹp văn hóa truyền thống được trân trọng, trở lại với chính giá trị của nó. Các loại hình văn nghệ dân gian được khôi phục.

Cùng với nhà rông, cồng chiêng, những làn điệu dân ca, tiếng Ting ning, Tơ rưng… cũng được hồi sinh. Sẵn nhiệt huyết và tình yêu với văn hóa dân tộc, A Huynh trở lại làm và đánh đàn. Tiếng Ting ning của A Huynh không chỉ lắng lại trong ngôi làng nhỏ, mà còn vang lên ở hầu hết sự kiện văn hóa của xã, của huyện, của tỉnh.

Với những đóng góp tích cực để gìn giữ nét đẹp truyền thống của nhạc cụ dân tộc, năm 2015, A Huynh là một trong số 43 nghệ nhân ưu tú của tỉnh Kon Tum được phong tặng.

Hơn 40 năm gắn bó với Ting ning, Tơ rưng, cồng chiêng… giờ đây, tuy không còn khỏe, nguyên liệu cũng khó tìm, nhưng thỉnh thoảng, có người nhờ làm đàn, dù phải cất công đi xa mấy, vất vả thế nào, ông A Huynh cũng cố tìm loại lồ ô, mây, tre tốt nhất để làm đàn cho âm thanh hay nhất. Đàn của ông vẫn được các cháu nhỏ và đám thanh niên tập và biểu diễn trong trường học và các hội diễn, hội thi…

A Huynh vui vì vẫn còn những người yêu thích đàn, hát dân ca. Nhưng ngẫm lại, ông không khỏi chạnh lòng khi bây giờ, những người như ông chỉ còn trên đầu ngón tay. Ông mong muốn đến cháy bỏng có người đủ say mê và yêu thích để ông truyền nghề, nhưng thật đáng tiếc, cho đến giờ, người mong mỏi vẫn bặt hơi tăm cá. Gia đình có 3 đứa con, hai trai, một gái, đều đã trưởng thành, nhưng chẳng đứa nào tự nguyện đi theo tiếng đàn như ông từ thuở xa xưa. Xem ra, cái duyên với Ting ning, Tơ rưng, Klông pút… còn chưa bén đến ai đó, nên người nghệ nhân nặng lòng với Ting ning còn phải đợi, phải chờ…

Thanh Như

 

 

Chuyên mục khác