Sắc Thái ở vùng biên Ia H’Drai

15/01/2018 13:02

Không chỉ mang theo các nông cụ sản xuất, vào Ia H’Drai làm kinh tế, bà con dân tộc Thái còn mang theo những nét văn hóa truyền thống. Trên những cung đường biên, tiếng dân ca Thái, tiếng trống, chiêng cùng những bộ váy áo đầy màu sắc như mang sắc xuân về khắp mọi nhà.

Bén duyên với mảnh đất vùng biên Ia H’Drai, dù còn chật vật lo kinh tế nhưng đời sống tinh thần dân tộc Thái nơi đây luôn phong phú. Vừa hòa nhập với văn hóa nơi quê mới, bà con vừa cố gắng giữ gìn và phát huy bản sắc quê hương mình.

Trai đánh trống, gái đánh chiêng

Năm 2005, vợ chồng anh Hà Văn Trường và chị Hà Thị Lan rời Thanh Hóa, khăn gói vào Kon Tum làm kinh tế. Tay bồng, tay bế con, đồ đạc lỉnh kỉnh nhưng anh chị vẫn không quên mang theo bộ trống, chiêng của dân tộc.

“Bộ Còng dam (theo tiếng Thái là bộ trống, chiêng) quý giá lắm, là văn hóa, là đặc trưng của dân tộc mình đấy. Dù đi đâu, mình cũng không bỏ Còng dam ở lại” – anh Trường nói.

Vào mảnh đất mới, dù cuộc sống còn nhiều điều phải lo nghĩ, nhưng hễ tới lễ hội hoặc những ngày lễ lớn, vợ chồng anh Trường, chị Lan lại mang trống, chiêng ra đánh. Và bất cứ nơi đâu, khi nghe thấy tiếng trống, chiêng của dân tộc mình, trái tim mỗi người lại thổn thức, xúc động.

Giới thiệu văn hóa dân tộc Thái trong đêm liên hoan đàn, hát dân ca và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc. Ảnh: B.A

 

“Hồi đó khi nghe tiếng trống, chiêng, bà con trong thôn mừng lắm, liền ghé đến. Thế rồi phút chốc lạ thành quen, ai nấy đều kết nối, đoàn kết. Cả xã chỉ có 1 bộ trống chiêng này thôi, nhờ nó mà văn hóa Thái lại được khoe sắc nơi đại ngàn Tây Nguyên đấy”- anh Trường cười.

Giàn trống chiêng của người Thái gồm 1 trống và 4 chiêng với kích cỡ khác nhau. Không như người Ba Na, trai đánh chiêng, gái múa xoang, với dân tộc Thái, phụ nữ sẽ là người đánh chiêng và đàn ông đánh trống.

Nhanh chóng treo 4 chiêng lên giàn, chị Lan chỉnh tề trang phục, anh Trường cũng cầm trống vào vị trí rồi biểu diễn cho khách xem. Phút chốc, tiếng trống hòa với tiếng chiêng tạo thành một hợp âm trầm bổng, rộn rã vang vọng núi rừng: “bum – bùm – bum búm bùm bum – ta la búm…”.

Không chỉ đánh trong hội làng, đám cưới, thôi nôi, trống chiêng của người Thái còn đánh trong đám ma; tùy hoàn cảnh, công việc mà giai điệu, tiết tấu khác nhau. Bởi vậy, đi qua các làng người Thái, chỉ cần nghe tiếng trống chiêng, người ta liền đoán được ngay trong làng đang có chuyện vui hay buồn.

Dù gần 90% người Thái sinh sống trên địa bàn xã Ia Đal nhưng đa số đều là thanh niên vào lập nghiệp nên ít người biết đánh trống chiêng. Thấy vậy, khi có cơ hội, vợ chồng anh Trường, chị Lan lại hướng dẫn cho các bạn trẻ.

“Đánh chiêng khó lắm nên chưa có em gái nào học được. Sau vài lần hướng dẫn, bày biểu, nhiều thanh niên có thể đánh trống căn bản rồi đấy” – anh Trường nói.

Để tiếng cồng chiêng của người Thái vang xa trên mảnh đất Kon Tum đại ngàn, vợ chồng anh Trường cho biết sẽ tiếp tục hướng dẫn các bạn trẻ. “Bảo tồn văn hóa là vốn quý, nếu yêu văn hóa, mọi người sẽ học được thôi” – chị Lan nói.

Vang giai điệu dân ca

Đến với Liên hoan đàn hát dân ca và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc, anh Lữ Văn Quảng (28 tuổi), thôn 1, xã Ia Đom, huyện Ia H’Drai rất tự hào khi được đại diện cho đoàn, cho dân tộc Thái trên địa bàn huyện thể hiện khúc dân ca “Em về làm dâu núi rừng”.

Dù lần đầu tiên tham gia biểu diễn nhưng anh Quảng không hồi hộp. “Ở trong thôn, thanh niên mình cũng hát dân ca suốt thôi. Đây chỉ là đem từ “vườn” lên sân khấu nên mình cũng không lo lắng lắm” – anh Quảng chia sẻ.

Cũng như trống chiêng, dân ca là một trong những món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người Thái. Điều đáng nói, dù nhịp sống hiện đại, nhạc rock, nhạc trẻ phủ sóng khắp thôn, làng, nhưng nhiều thanh niên Thái nơi đây vẫn thích, đam mê dân ca Thái.

Đi cạo mủ cao su hay đi làm cỏ mì giữa trưa nắng cháy, dù mệt nhọc nhưng người Thái vẫn hát dân ca. Từng giai điệu văng vẳng vang lên, khi dặt dìu, khi thánh thót, xua tan mệt mỏi.

“Đi làm vất vả, hát dân ca cho vơi bớt mệt nhọc, cho thỏa tâm tư; chiều tối, thanh niên lại tập trung lúc hát nhạc trẻ, lúc dặt dìu dân ca. Bởi vậy, dù xa quê vào Kon Tum làm kinh tế nhưng hầu như ai cũng nhớ, cũng thuộc dân ca Thái” – anh Quảng nói.

Theo lời anh Quảng, dân ca Thái có rất nhiều làn điệu với đa dạng chủ đề: chào hỏi, giới thiệu, làm quen, bày tỏ tình cảm, chia tay… Dân ca được thể hiện trong nhiều hoàn cảnh, nhiều dịp, nhưng đám cưới là lúc người dân hay hát nhất. “Có rất nhiều bài dân ca: hát đưa dâu, xin dâu, đón con rể, hát bảo con gái khi ở nhà chồng… Nhiều đám cưới chỉ hát dân ca thôi, không hát nhạc trẻ đâu” – anh Quảng nói.

Những ngày hội làng, trong trang phục Thái đơn giản, duyên dáng, thanh lịch, với tiếng trống, chiêng, sáo, kèn nứa... người dân lại say mê hát dân ca, nhảy múa, ôn lại truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Kon Tum – nơi hội tụ nhiều dân tộc. Và cũng như các dân tộc khác, dân tộc Thái đã góp phần làm đa dạng, phong phú văn hóa truyền thống trên mảnh đất đại ngàn.

Bình An 

Chuyên mục khác