Phụ nữ Ya Tăng giữ nghề dệt thổ cẩm

11/04/2023 13:01

Bảo tồn nghề truyền thống chính là giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa. Với tâm niệm đó, nhiều phụ nữ Gia Rai ở xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy) vẫn từng ngày miệt mài bên khung dệt, cố gắng làm sống dậy sắc màu thổ cẩm của dân tộc mình.

Theo anh A Bin - Cán bộ phụ trách Văn hóa - thông tin xã Ya Tăng, chúng tôi đến nhà bà Y Rỗi (73 tuổi, làng Lút, xã Ya Tăng). Trong ngôi nhà nhỏ của bà là ngổn ngang những khung cửi, chỉ màu, cùng những sản phẩm thổ cẩm do chính tay bà tạo ra.

Ngồi tiếp chuyện chúng tôi nhưng tay bà vẫn thoăn thoắt dệt cửi, thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng vì có hàng xóm chạy lại hỏi về kỹ thuật dệt một vài chi tiết khó. Bà Y Rỗi chia sẻ: Từ khi 10 tuổi, bà đã mê mẩn những chiếc thổ cẩm sặc sỡ hoa văn của các mẹ, các bà trong làng. Các hoa văn trên các sản phẩm thổ cẩm trang trí rất đẹp khiến bà rất thích thú. Mỗi khi nghe tiếng của khung dệt là bà chạy đến xem hàng giờ đồng hồ. Thấy cô bé Y Rỗi ham học và thông minh nên người già trong làng tận tình chỉ dạy cách dệt, cách phối màu cho hài hòa, đẹp mắt. Lúc đầu, bà tập dệt những vật dụng đơn giản như khăn, khố. Theo từng mùa rẫy, bàn tay ngày càng khéo léo, kinh nghiệm được tích lũy, bà đã biết làm tất cả các công đoạn từ lên rừng hái quả, vỏ cây để nhuộm phối màu đến dệt những bộ trang phục truyền thống của dân tộc Gia Rai.

Bà Y Rỗi vớt sợi chỉ thành từng vòng. Ảnh: NS

 

“Từ nhỏ, chị em mình đã được mẹ và các bà trong làng dạy dệt thổ cẩm. Mẹ bảo đã là phụ nữ ít nhiều cũng phải biết ngồi vào khung, se chỉ, dệt vải. Ngày ấy, con gái Gia Rai mình ai cũng biết dệt thổ cẩm. Sau những giờ lên rẫy, con gái tụ tập lại ở sân làng cùng nhau dệt thổ cẩm và hát hò rất vui” - bà Y Rỗi cho biết. 

Theo bà Y Rỗi, những năm gần đây, bà con ở làng có đời sống hiện đại, nên người dân dần thay những sản phẩm thổ cẩm truyền thống bằng những chiếc quần jean, áo sơ mi... hoặc đặt mua thổ cẩm từ nơi khác, khiến cho nghề dệt thổ cẩm ở làng đứng trước nguy cơ mai một. Nhìn những khung cửi bị vứt chỏng chơ vào một xó, còn phụ nữ Gia Rai không còn mặn mà với khung cửi nữa, bà Y Rỗi rất buồn và lo lắng, đến một ngày nào đó, phụ nữ Gia Rai sẽ không còn biết dệt thổ cẩm và những sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người dân tộc mình sẽ bị mai một.

Quyết tâm không để nghề dệt bị mai một, trong một thời gian dài, bà đã đến từng nhà để động viên phụ nữ trong làng trở lại với khung cửi, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Sau nhiều ngày kiên trì vận động, thuyết phục, một vài phụ nữ đã đồng ý bắt đầu quay lại với khung cửi.

Bà Y Rỗi đang cần mẫn khâu những sợi chỉ để hoàn thành tấm vải thổ cẩm. Ảnh: N.S

 

Bà Y Tel (49 tuổi, làng Lút, xã Ya Tăng)- một trong những người được bà Y Rỗi động viên để quay lại nghề dệt nói: Nhiều năm trước, tôi cũng đã từng gắn bó với nghề dệt, do không có thời gian nên rồi cũng bỏ. Sau này, khi được được bà Y Rỗi đến nhà nói chuyện, tuyên truyền, vận động và khuyên nhủ, tôi bắt đầu quay lại với nghề dệt thổ cẩm. Do lâu không tiếp xúc với sợi chỉ, khung cửi nên nhiều công đoạn bị quên. Nhờ được bà Y Rỗi hướng dẫn nên đến nay, tôi đã thành thạo những đường chỉ, hoa văn trên tấm thổ cẩm.

Cũng theo bà Y Rỗi, để có được tấm vải thổ cẩm hoàn thiện phải tốn nhiều thời gian. Để có sợi vải dệt đủ sắc màu cũng là một quá trình và kỳ công. Muốn có nước nhuộm sợi vải, người phụ nữ thường dùng các nguyên liệu tự nhiên. Với màu xanh, đen là pha màu lá cây hlamo (cây chàm) với bột tro than con ốc, tro chuối đã đốt để nhuộm. Các màu vàng, màu đỏ của sợi bông được nhuộm bằng nước màu từ củ nghệ, vỏ cây, rễ cây rừng. Sau khi đã nhuộm màu cần thêm một công đoạn là nấu gạo, cắt củ Kpé trộn chung, tạo thành dung dịch dạng hồ rồi đổ lên các sợi vải, phơi nắng 1 ngày. Cách này làm cứng sợi chỉ giúp sợi bền, không bị đứt.

Tuy nhiên, hiện nay cách làm đó đã không còn vì nguyên liệu tự nhiên khan hiếm nên các chị em trong làng đều mua sợi vải đã nhuộm sẵn để làm nhanh chóng.

Khác với bà Y Rỗi, các sản phẩm thổ cẩm của bà Y Blúi (59 tuổi, ở làng Trấp) không đơn thuần làm ra phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình mà những tấm vải dệt công phu được nhiều người yêu thích và đặt mua. Điều này đã phần nào tạo động lực cho bà vì có thêm thu nhập. Bên cạnh đó, bà Blúi cũng tích cực truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ để gìn giữ nghề truyền thống.

Bà Y Blúi chăm chú dệt thổ cẩm. Ảnh: N.S

 

“Mấy năm trước, tôi chỉ dệt thổ cẩm để dành khi có những sự kiện đặc biệt như lễ cưới xin cho con cái. Nhưng 2 năm nay, tôi thấy rất nhiều người trong làng có nhu cầu mua đồ thổ cẩm nên tôi đã bắt tay dệt để bán. Một tấm thổ cẩm, tôi hoàn thành trong 2 tháng, có giá bán từ 1 triệu đồng/tấm. Trong năm 2022, tôi đã dệt 13 tấm thổ cẩm để bán cho người dân trong làng, từ đó, có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”- bà Y Blúi bộc bạch.

Cũng theo bà Y Blúi, bà rất muốn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm Gia Rai qua hình thức mẹ truyền - con nối nhưng bà đã từng thất vọng khi các con không mấy mặn mà với nghề này.

Sau nhiều nỗ lực vận động, tuyên truyền con gái và con dâu của bà cũng đã làm quen với khung cửi, thành thạo những bước cơ bản trong dệt thổ cẩm.

Bà Y Blúi cho hay: Hy vọng, nghề dệt thổ cẩm sẽ được gìn giữ như một tài sản quý báu của người Gia Rai nói chung, gia đình mình nói riêng. Để các con thay đổi suy nghĩ, trong các ngày hội do địa phương tổ chức, mình đều dẫn các con tham gia và chỉ rõ từng chi tiết quy trình dệt để các con hiểu. Đó cũng là cách mà mình thu hút các con yêu thích và học nghề dệt.

Ông Trần Văn Tiên- Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Sa Thầy cho biết, nghề dệt thổ cẩm là nét đẹp văn hóa đặc trưng trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Gia Rai. Tại xã Ya Tăng, nghề dệt thổ cẩm được chị em phụ nữ gìn giữ và phát triển. Để gìn giữ và phát huy nghề tại địa phương, cấp ủy và chính quyền đã tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ, nhất là các con cháu trong gia đình. Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, Phòng cũng đã tổ chức mở 2 lớp dạy dệt thổ cẩm, có 14 nghệ nhân và 56 hội viên phụ nữ ở xã Ya Tăng tham gia.  

Nay Săt

Chuyên mục khác