Niềm tự hào của dân làng Tăm Mơ Năng

22/01/2018 06:59

​Sinh ra và lớn lên ở làng Tăm Mơ Năng (xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà), ông A Bók tham gia hoạt động cách mạng từ nhỏ, được kết nạp Đảng rồi đi làm cán bộ huyện H16. Từ sau giải phóng, ông A Bók trải qua nhiều vị trí công tác: Phó chủ nhiệm rồi đến Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Kon Plông và thị xã Kon Tum, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Ui, Phó Bí thư rồi Bí thư Huyện ủy Đăk Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Cho đến khi nghỉ hưu trở về làng, ông A Bók tiếp tục được bầu làm già làng, người có uy tín tiêu biểu làng Tăm Mơ Năng.

Những năm tháng không thể nào quên

Trong trí nhớ của ông A Bók, những năm 1960, phong trào đấu tranh cách mạng ở xã Đăk Ui bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Được sự tuyên truyền, giác ngộ của cán bộ cách mạng hoạt động bí mật, nhân dân trong xã hăng hái tham gia đánh giặc giữ làng, kể cả thiếu niên. Đến nay, người già ở Đăk Ui, hay những người con của Đăk Ui đã trưởng thành từ những ngày tháng chiến tranh gian khổ nhưng hào hùng đều nhớ tấm gương của ông A Pêng- làng Tăm Mơ Năng. Mặc dù ông bị mù cả 2 mắt, nhưng vẫn không chịu trở thành người đứng ngoài cuộc đấu tranh, ngày ngày ông cặm cụi ngồi vót chông cho du kích bố phòng, đánh địch càn vào làng… Hay những thiếu niên “đứng chưa cao bằng cây súng”, như anh em A Nế, A Ning, A Giá, A Phát, A Chêu… nhất quyết đòi được theo du kích, đều tham gia đánh giặc giữ làng, chống dồn dân lập ấp từ rất sớm. Chính ý chí của mỗi người dân xã Đăk Ui đã tạo nên khối sức mạnh to lớn góp phần thúc đẩy sự lớn mạnh của phong trào cách mạng.

Bản thân ông A Bók cũng là một trong những người tham gia kháng chiến từ thuở thiếu niên. Vào những năm 1959-1960, A Bók đã giúp cha đi đưa cơm, rau và báo cáo tình hình địch cho cán bộ cách mạng đang hoạt động bí mật trong rừng. Hồi ấy, mỗi khi giặc càn, chúng cấm không cho người lớn ra khỏi làng, chỉ có trẻ con vào rừng đi chăn trâu, bò. Những năm tháng ấy, A Bók và các bạn cùng trang lứa ở làng học được cách đánh lạc hướng địch, đưa thông tin, liên lạc giữa cơ sở cách mạng với cán bộ nằm vùng…

Ông A Bók thăm hỏi, vận động bà con dân làng Tăm Mơ Năng phát triển kinh tế

 

Ông A Bók bắt đầu tham gia cách mạng bằng những việc làm đơn giản như vậy. Càng ngày, tội ác của Mỹ-Nguỵ gây ra cho dân làng ngày càng nhiều. Dân Đăk Ui sống trong mưa bom, bão đạn. Nhưng cũng vì thế phong trào đấu tranh cách mạng càng lớn mạnh; lòng căm thù Mỹ -Nguỵ ngày càng tăng, ai cũng muốn trực tiếp cầm súng đánh giặc. Bản thân ông A Bók khát khao được đánh giặc, trả thù cho bà con dân làng; nhưng vì còn nhỏ nên không được vào du kích, chỉ cố gắng học chữ, tham gia cắm chông bố phòng chống càn và tích cực lao động sản xuất.

A Bók kể: Hồi ấy, tôi thuộc lòng khẩu hiệu “ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ”. Tuy vậy, tôi vẫn âm thầm tự “huấn luyện” cho mình cách ngắm bắn, cách tháo, lắp súng. Không lâu sau đó, vào năm 1964, tôi được gọi vào du kích thôn. Mới đầu vẫn chưa có súng và vẫn “ruộng rẫy là chiến trường…”.

Thế rồi, vào năm 1967, một hôm, đồng chí chỉ huy du kích tìm đến rẫy và nói: “Từ ngày hôm nay, cậu là du kích xã và nhập vào đội của tôi”. Thế là được đánh giặc rồi. Qua nhiều trận đánh, tôi lại có nguyện vọng vào bộ đội để được “đánh lớn hơn” nhưng lại nhận được lệnh là phải bám trụ lại để giữ làng, giữ dân. Tôi tự an ủi: đánh giặc ở đâu cũng vậy. Mình ở lại bảo vệ làng mình, dân mình cũng tốt.

Năm 1969, A Bók được bầu vào Ban chấp hành chi đoàn và được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi đoàn. Tháng 10/1970, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng - lớp đảng viên Hồ Chí Minh. Tháng 1/1972, ông được điều về làm cán bộ Ban Tổ chức Huyện ủy H16.

 Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, ông A Bók tiếp tục nỗ lực phấn đấu, thi đua khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương  và lần lượt trải qua các vị trí công tác: Phó chủ nhiệm rồi đến Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Kon Plông, thị xã Kon Tum, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Ui, Phó Bí thư rồi Bí thư Huyện ủy Đăk Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.

Với ông A Bók, dù ở đâu, giữ cương vị gì, thì những ngày tháng chiến đấu và xây dựng xã Đăk Ui vẫn là những ngày tháng không thể nào quên. Đăk Ui không chỉ là nơi ông sinh ra, lớn lên mà hơn thế, là sự gắn bó máu thịt. Vì vậy, trong suốt những năm tháng công tác trong các cơ quan nhà nước, những lúc rãnh rỗi, ông thường về làng thăm hỏi bà con và luôn tự hào cũng như trăn trở với những việc mà Đăk Ui đã làm được hoặc làm chưa tốt…

Về làng càng phải nêu gương sáng

Năm 2010, sau khi nghỉ hưu, ông A Bók trở về làng Tăm Mơ Năng sinh sống. Ngày trở về, A Bók được bà con dân làng quý mến bầu chọn làm già làng uy tín. Gắn với trọng trách lớn lao này, ông A Bók không cho phép mình nghỉ ngơi mà tiếp tục cống hiến để góp phần dựng xây làng quê ngày càng phát triển. Phát huy vai trò già làng, người có uy tín, ông A Bók đã cùng với chi bộ, thôn trưởng, vận động bà con dân làng chuyển đổi cơ cấu cây trồng để giảm nghèo, nhất là chuyển đổi cây ngắn ngày sang trồng cà phê.

Để bà con làm theo, gia đình ông A Bók đã gương mẫu đi đầu. Tuy tuổi đã cao nhưng ông A Bók vẫn quyết tâm chuyển đổi trồng 2 ha cà phê. Cùng với trồng trọt, ông đặc biệt chú ý đến khâu chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như một mô hình làm điểm để bà con trong vùng cùng nhìn vào đó học tập và làm theo…

Ông A Bók dẫn chúng tôi đi trên con đường làng hai bên đã phủ lên mình màu xanh của bạt ngàn cà phê, của ruộng lúa, thay thế cho những rẫy mì cằn cỗi, rồi nói đầy tự hào: 8 năm qua, bà con dân làng Tăm Mơ Năng đã không ngừng nỗ lực vươn lên xây dựng làng quê ngày một phát triển. Từ chỗ chỉ có ít lúa nước không đủ ăn và cây mì là chủ yếu, đến nay, bà con dân làng đã phát triển được 40 ha cà phê, mở rộng được 20 ha lúa nước. Điều phấn khởi hơn là việc trồng trọt của bà con không còn phó thác cho tự nhiên mà đều đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để năng suất, sản lượng cây trồng.

 Anh A Ngọc ở làng Tăm Mơ Năng vui mừng cho biết: Trước đây gia đình mình chỉ biết trồng mì, ruộng lúa. Năm nào thời tiết thuận mới đủ ăn, còn lại thì thiếu trước hụt sau. Nhưng từ khi được già làng A Bók hướng dẫn, gia đình tôi đã phục hóa diện tích đất hoang, chuyển đổi diện tích đất trồng mì sang trồng được gần 1 ha cà phê, 1 sào bời lời. Kết hợp với việc sử dụng chế phẩm sinh học cho cây trồng, mỗi năm, vườn cà phê cho thu hoạch vài chục triệu đồng nên cuộc sống đỡ vất vả hơn rất nhiều.

Theo ông Trần Đình Trình - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ui, trước kia, bà con làng Tăm Mơ Năng có trồng cà phê nhưng với diện tích manh mún, nhỏ lẻ. Bắt đầu từ năm 2010, sau khi thấy ông A Bók nghỉ hưu về tiên phong trồng cà phê để phát triển kinh tế gia đình và chỉ vài năm sau là có được nguồn thu ổn định, bà con mới bắt đầu trồng nhiều hơn. Không chỉ trồng cà phê, bà con cũng học hỏi ông A Bók tận dụng quỹ đất vườn nhà trồng rau sạch để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Tấm gương của già làng A Bók đã khơi dậy phong trào phát triển kinh tế ở làng Tăm Mơ Năng. Kết quả là đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của Tăm Mơ Năng đã giảm còn 38%, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 17 triệu đồng/người/năm.

Chung sức xây dựng nông thôn mới, trong năm 2017, ông A Bók còn vận động bà con dân làng đóng góp tiền, công sức để xây dựng nhà rông văn hóa cho làng (nhà rông cũ đã xuống cấp). Sau 6 tháng triển khai và nhờ già làng A Bók trực tiếp đứng ra chỉ đạo, hướng dẫn, nhà rông làng Tăm Mơ Năng đã hoàn thành và được đánh giá là một trong những nhà rông đẹp nhất ở huyện Đăk Hà.

 Với những nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động bà con dân làng Tăm Mơ Năng thay đổi tư duy, tập quán canh tác và nâng cao nhận thức vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…, ông A Bók thật xứng đáng được chọn là một trong hai già làng uy tín tiêu biểu của tỉnh Kon Tum được tuyên dương tại Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu người dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017 (tháng 12/2017 tại Hà Nội).

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác