Những lễ hội về cây lúa của người H’rê ở làng Vi Ô Lắc

18/06/2018 18:39

​Người H'rê ở làng Vi Ô Lắc (xã Pờ Ê, huyện Kon Plông) có truyền thống làm lúa nước nên các sinh hoạt tín ngưỡng đa phần gắn liền với chu kỳ vòng đời của cây lúa. Hằng năm, người dân làng Vi Ô Lắc thường tổ chức nhiều lễ hội liên quan đến cây lúa.

Với đồng bào H’rê ở làng Vi Ô Lắc, cây lúa nước có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống của người dân, bởi đây không chỉ là nguồn lương thực chủ yếu nuôi sống mọi người mà còn là nguồn thu nhập chính của mỗi gia đình. Vì thế, những nghi lễ liên quan đến vòng đời cây lúa luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người dân nơi đây.

Hằng năm, đồng bào H’rê ở làng Vi Ô Lắc vẫn duy trì việc tổ chức nhiều nghi lễ liên quan đến việc trồng cấy, thu hoạch lúa như: lễ đón bầu nước thiêng, gieo mạ, cấy lúa, thu hoạch lúa, đón lúa về kho...

Cồng chiêng một trong những đồ vật không thể thiếu trong các lễ hội của dân làng Vi Ô lắc. Ảnh: T.H

 

Trước đây, người H’rê ở làng Vi Ô Lắc thường chỉ trồng một vụ lúa mùa trong năm, nhưng những năm gần đây, ở một số chân ruộng, người dân cũng bắt đầu làm lúa hai vụ, song chủ yếu vẫn là sản xuất lúa một vụ. Thời gian còn lại, dân làng để cho đất được nghỉ ngơi, nhưng chừng ấy thôi cũng đã đủ cung cấp cho họ lúa ăn trong suốt năm, thậm chí hai năm.

Người H’rê canh tác lúa trên các thửa ruộng bậc thang ven suối nên những yếu tố liên quan đến cây lúa luôn được  dân làng coi trọng, gìn giữ. Trong đó, nước đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi vì cây lúa ruộng bậc thang nơi đây chỉ cần dinh dưỡng từ đất và nước là đủ phát triển không cần bón phân hay phun thuốc trừ sâu.

Vì vậy, trước khi bắt tay vào việc xuống giống gieo trồng, dân làng tổ chức một nghi lễ khá long trọng đó là lễ đón bầu nước thiêng. Nghi lễ này đánh dấu sự mở đầu cho một năm trồng cấy nhằm để tạ ơn dòng suối La Hênh (hay còn gọi là suối Hồi Môn) đã cung cấp nguồn nước tưới cho đồng ruộng và nguồn nước sinh hoạt của dân làng.

Sau nghi lễ này, dân làng sẽ bắt tay vào việc chuẩn bị đất và thực hiện những nghi lễ gieo mạ, cấy lúa...       

Già làng A Xi cho biết: Vào tháng Ba, già làng uy tín nhất trong Hội đồng già làng sẽ quyết định chọn ngày để mở cửa kho thóc và chuẩn bị cho lễ gieo mạ. Trong ngày mở cửa kho thóc, người ta sẽ đưa những bó lúa từ kho qua cột thiêng (cột để treo lễ vật cúng thần), ghè rượu, cối thiêng (cối để giã gạo làm bánh cúng thần), cửa buồng thiêng (nơi linh thiêng mà thần linh trú ngụ và kiểm soát mọi hành vi ứng xử của người H’rê trong căn nhà của họ) rồi tới cây nêu dựng ở ngoài cửa buồng thiêng. Sau nghi lễ này, thóc sẽ được mang ra ngâm ủ, lên mộng và gieo mạ. Đến khi cây mạ đủ tuổi để cấy, người H’rê lại thực hiện một nghi lễ khác là lễ cấy lúa. Tới tháng Sáu, dân làng Vi Ô Lắc còn tiến hành thêm một nghi lễ để cầu mong cho cây lúa được sinh sôi, phát triển tốt...

Đến tháng Tám, khi lúa bắt đầu chín, Hội đồng già làng sẽ họp bàn để chọn ra một ngày thực hiện nghi lễ đón lúa từ ruộng về kho thóc. Để thể hiện sự nâng niu, trân trọng đối với hạt thóc mà người dân ví như hạt ngọc trời, hàng năm, các gia đình đều tiến hành sửa sang kho thóc.

Việc sửa sang kho thóc cũng như dựng kho thóc mới được người H’rê làng Vi Ô Lắc thực hiện một cách cẩn trọng từ việc chọn ngày, giờ đến việc chọn nguyên vật liệu. Trong làng, kho thóc của các gia đình không đứng đơn độc mà luôn được dựng cùng với nhiều kho thóc khác thành cụm tách biệt giữa khu dân cư và ruộng lúa.

Già làng A Xi chia sẻ thêm: Người H’rê quan niệm, người đàn bà là chủ lúa, nên trong các gia đình, vợ chủ nhà là người quản lý lương thực, được coi là có liên hệ thần bí với hồn lúa. Thế nên, trong nghi lễ đón lúa về kho, những người phụ nữ xúng xính trong trang phục truyền thống và chiếc gùi trên lưng đi tới ruộng lúa. Họ dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ ngắt những bông lúa đẹp nhất cánh đồng, nhẹ nhàng bó chúng lại bằng một sợi dây làm từ cây rừng rồi mang về kho thóc.

Già làng A Xi giới thiệu về cột thiêng và ghè rượu để cúng thần của gia đình. Ảnh: T.H

Trong lúc bó lúa, chị em phụ nữ  cầu nguyện và bày tỏ lòng biết ơn đối với Yàng và các vị thần trú trên rừng, dưới đất, dưới suối... Khi đưa bó lúa về, họ dùng hai sợi dây trắng bắc thành những nhịp cầu đi qua các khe suối đã cung cấp nước cho ruộng lúa, cứ như vậy cho đến khi lúa về làng an toàn, không bị ướt. Dân làng đón bó lúa như đón nàng công chúa, hồi hộp và tôn kính.  

Sau đó, lễ cúng gà sống được cử hành tại cây nêu trước cửa kho thóc, cúng xong người ta giết gà và lấy tiết bôi lên cây nêu rồi mới đưa lúa lên kho. Bó lúa được đặt xuống nhẹ nhàng, tựa lưng vào mặt tường phía sau đối diện với cầu thang lên kho. Đây cũng là những bó lúa sẽ được để dành làm giống cho vụ sau.

Trong các nghi lễ cho cây lúa, các gia đình trong làng thường đốt một loại gỗ đặc biệt có mùi thơm tựa như hương trong kho thóc và trong buồng thiêng để dâng lên thần lúa. Mùi hương bay ra khắp cánh đồng mang theo thông điệp rằng người H’rê tin vào thần lúa.

Trong 2 ngày cúng lễ, các gia đình sẽ buộc một cành lá xanh vào cây nêu trước cửa chính của nhà, đây là tín hiệu ngầm chia sẻ với khách rằng tại thời khắc đó, trong gia đình đang tiến hành nghi lễ tạ ơn các vị thần phù hộ cho cây lúa và khách sẽ không bước vào nhà trong thời gian đó, bởi thần lúa cần sự tĩnh lặng và linh thiêng.

Vào tháng Mười, người dân làng Vi Ô Lắc còn tổ chức một nghi lễ cúng ruộng lúa khác nữa đó là Tết chuột.

Lễ vật quan trọng nhất trong Tết chuột là loại bánh được làm từ bột gạo nếp giã trong cối thiêng và nhân thịt chuột bắt từ đồng ruộng về. Nghi lễ này là để dân làng đánh dấu việc chấm dứt quá trình sản xuất, thu hoạch của mùa lúa cũ và bắt tay vào việc chuẩn bị đồng ruộng cho vụ mới.

Tết chuột cũng đồng nghĩa với việc kết thúc một năm theo quan niệm sản xuất nông nghiệp của người H’rê để bước sang một năm mới với mong ước năm đó lúa tốt, nhiều hạt, không bị chuột và các loài vật khác phá hoại để nhà nào cũng có lúa đầy kho, dân làng cả năm no ấm.

Những lễ hội về cây lúa nói riêng và các lễ hội nói chung của người H’rê không chỉ thể hiện tín ngưỡng thờ cúng thần linh mà còn là dịp để bà con trong làng gặp gỡ, giao lưu trao đổi với nhau về những vấn đề trong cuộc sống mà mình quan tâm, bỏ qua những hiềm khích cá nhân, xây dựng tình làng nghĩa xóm, củng cố mối gắn kết cộng đồng. Đây cũng là những dịp để thanh niên nam nữ trong làng tìm đến với nhau, trao gửi yêu thương để chuẩn bị cho hôn nhân sau này...

Thiên Hương

Chuyên mục khác