Nhịp chiêng Vi Choong

17/11/2020 13:06

Dưới mái nhà rông vang lên những giai điệu trầm bổng của chiêng, cồng. Dân làng Vi Choong (xã Hiếu, huyện Kon Plông) hân hoan múa xoang, uống rượu ghè mừng ngày hội chung của làng. Với họ, cồng chiêng là tiếng nói, là tâm hồn, là một phần thiết yếu không thể thiếu trong cuộc sống. Bởi vậy, dù đời sống còn nhiều gian nan, khó khăn, song tiếng cồng chiêng vẫn luôn rộn rã, thể hiện tinh thần lạc quan, hiền hòa, nỗ lực vượt gian khó vươn lên của bà con ở vùng Đông Trường Sơn.

Vi Choong vào chiều, lạnh tê tái. Tại nhà rông, bà Y Bin (50 tuổi) – Đội trưởng Đội cồng chiêng của làng vẫn toát mồ hôi vì chạy ngược chạy xuôi chuẩn bị cho phần hội trong Ngày hội Đại đoàn kết. “Bình thường, bà con hay đánh cồng chiêng nên đã quen rồi, nhưng trước ngày hội lớn của làng, mình cứ tập duyệt cho cẩn thận. Bà con mình phải chuẩn bị chu đáo từ trang phục đến cách thể hiện để giới thiệu văn hóa truyền thống của người Mơ Nâm cho đại biểu về xem” – bà Y Bin cười hiền chia sẻ.

Vì đã thuộc làu các bài chiêng nên dù có phần hồi hộp, cả đội vẫn nhanh chóng vào vị trí, sẵn sàng. Chỉnh đốn đội hình thật đẹp, ông A Gling mở nhịp cồng. Những nhịp chiêng nhanh chóng hòa cùng tiếng cồng, ngân xa vào núi, cao lên tận trời như xua tan giá lạnh sau những ngày mưa bão. Trong tiếng chiêng cồng rộn ràng, bà con hân hoan cùng múa xoang nhịp nhàng bắt đầu ngày hội.

Tiếng cồng chiêng giúp ngày hội thêm vui tươi, rộn ràng. Ảnh: H.T

 

Quả là món quà đặc biệt dành cho chúng tôi – những vị khách lần đầu đến làng Vi Choong. Từ nhà sàn, những thanh âm cồng chiêng tấu lên những bản nhạc ngàn đời trầm bổng, dồn dập, trong trẻo và vang xa. Có lẽ vì yêu, vì mê, vì đã quen với việc đánh cồng chiêng nên việc diễn tấu của cả đội rất tự nhiên, nhẹ nhàng. Trong không khí hân hoan, cả đội tạo nên không gian cồng chiêng “đích thực” với giai điệu đầy lôi cuốn, mê hoặc lòng người.

Không như những nơi khác, ở làng Vi Choong, đội cồng chiêng có sự kết hợp của cả nam và nữ. Cả đội có 7 thành viên, 3 thành viên nam đánh cồng và 4 thành viên nữ đánh chiêng. Thấy khách ngạc nhiên, bà Y Bin nói rằng, từ xa xưa người Mơ Nâm ở làng Vi Choong đã duy trì việc đánh cồng chiêng như vậy. Cồng nặng hơn nên đàn ông sẽ đánh; chiêng nhẹ hơn nên phụ nữ cầm đánh, dễ dàng di chuyển. “Cả đội, ai cũng đánh được cồng, chiêng. Những lúc đàn ông bận việc, phụ nữ vẫn có thể đánh cồng hoặc ngược lại” – bà Y Bin giới thiệu đầy tự hào.

Nam đánh cồng, nữ đánh chiêng, đội cồng chiêng của làng Vi Choong có mặt trong hầu hết các lễ hội của làng. Ảnh: HT

 

Từ khi biết chọc đất trỉa lúa, bà Y Xăn (50 tuổi) đã được bố mẹ dạy cách đánh chiêng. Và hơn 20 năm nay, khi đội cồng chiêng của làng được thành lập, bà cũng trở thành thành viên “gạo cội” của đội. “Cồng chiêng không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con dân làng mình. Tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng khắp làng, mang lại niềm vui, niềm phấn khởi cho nhà nhà” – bà Y Xăn vui vẻ nói.

Là thành viên nam trong đội, ông A Gling cũng rất tự hào vì đội cồng chiêng trong làng đã giới thiệu cho khách nét văn hóa độc đáo của làng nói riêng và của người Mơ Nâm nói chung. “Cồng chiêng là tiếng nói, là tâm hồn của bà con dân làng mình. Bởi vậy, bà con mình luôn cố gắng giữ gìn” – ông Gling góp lời.

Được xem là hồn cốt của dân tộc, cồng chiêng luôn có mặt trong nhiều hoạt động, sinh hoạt của bà con ở Vi Choong. Sau những ngày bận rộn gieo trồng vụ lúa mới, bà con trở về, tụ họp, cùng vang tiếng cồng chiêng rộn ràng với hy vọng có mùa màng bội thu. Trong lễ hội mừng lúa mới, bà con cũng đánh cồng chiêng, báo với Yàng đã kết thúc vụ mùa và cảm ơn Yàng đã cho mưa thuận, gió hòa. Trong ngày làm chuồng trâu, bà con cũng nổi nhịp chiêng. Đám cưới, đám hỏi cũng không thể thiếu tiếng chiêng, tiếng cồng. Rồi khi mừng những ngày lễ lớn, bà con làng Vi Choong cũng đánh chiêng cồng, thể hiện niềm vui, hân hoan, phấn khởi.

Cồng chiêng như là máu thịt và là niềm cảm hứng của cộng đồng. Ảnh: HT

 

Cồng chiêng như là máu thịt và là niềm cảm hứng của cộng đồng, tự hào nói về đội cồng chiêng của làng, nhưng bà Y Bin cũng đượm buồn vì ở làng, lứa thanh niên, chẳng mấy ai mặn mà với cồng chiêng. “Mình sợ sau này, khi chúng mình già yếu, mất đi, làng sẽ vắng tiếng cồng chiêng. Mình cũng suy nghĩ nhiều lắm, phải có cách gì đó để truyền dạy, nối nhịp chiêng”- bà Y Bin bộc bạch.

Trời về đêm, sương giá buốt. Bên bếp lửa bập bùng, đội cồng chiêng vẫn “cháy” hết mình trong từng giai điệu. Theo nhịp chiêng ngân vang, người dân trong thôn, ai nấy đều di chuyển, múa xoang rộn ràng. Kết thúc ngày hội, tiếng chiêng như thôi thúc bà con chuẩn bị thu hoạch vụ mùa, chăm chỉ làm ăn, quyết tâm thoát nghèo, xây dựng đời sống gia đình ấm no, hạnh phúc.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác