Nhạc sĩ A Đuh và những trăn trở về cây đàn nước

12/02/2018 07:00

Nhạc sĩ A Đuh hiện đã nghỉ hưu. Trong cuộc đời sáng tác của mình, anh để lại dấu ấn bằng những ca khúc như: Hãy đợi anh, Hát gọi đêm trăng, Mưa nắng gió quê em, Mùa xuân về… Trong số đó, anh thích nhất bài Đàn Ting gling phổ thơ của nhà thơ Tạ Văn Sỹ. Ca khúc này được Đoàn Nghệ thuật Dân tộc Kon Tum dàn dựng, tham gia và giành Huy chương Vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2012.

Tôi tìm đến nhà nhạc sĩ A Đuh ở thôn Kon Trang M’Nây, xã Đăk La, huyện Đăk Hà vào một buổi sáng cuối năm. Sau mùa sai trái, giờ đây các vườn cà phê của xã Đăk La lại khoác trên mình chiếc áo trắng mới. Mùa cà phê nở hoa không chỉ đẹp, thơm mà còn ẩn chứa một tiềm lực kinh tế.

Nhà vườn của nhạc sĩ A Đuh cũng nức hương thơm hoa cà phê trong không gian tĩnh lặng mang lại cho tôi một cảm giác thật bình yên. 

Nhạc sĩ A Đuh đang ký âm cho những bài công chiêng

 

Nhạc sĩ A Đuh cho biết: Ký ức tuổi thơ của mình không phải hoa cà phê mà là nương bắp, nương lúa và sông suối. Thưở còn bé, mình hay theo cha mình đi rẫy, làm nương. Rẫy thường gần suối, cha mình đặt giàn đàn nước để xua đuổi chim muông. Bởi vậy, khi đọc những vần thơ của Tạ Văn Sỹ mình cảm nhận như có tiết tấu vang trong đầu mình và bắt tay vào sáng tác ca khúc này: Anh vào rừng sâu tìm những ống lồ ô/Anh chọn ống to căng no gió núi/Anh lựa ống nhỏ chứa tròn tiếng suối/Về làm đàn Ting gling/Anh treo thành gìàn trên rẫy/Anh giăng thành dãy trên nương/Nước suối kéo cần đung đưa ống đàn/Cho những âm thanh vui rừng ấm núi...

Anh chia sẻ về cây đàn nước: Ở Kon Tum, đàn nước phổ biến nhất ở hai dân tộc Ba Na và Xơ Đăng. Người Ba Na gọi đàn nước là Ting gling; người Xơ Đăng gọi là tơ rưng nước. Nó gồm 3 bộ phận hoạt động theo dây chuyền. Bộ phận thứ nhất gồm nhiều ống nứa kích cỡ khác nhau, được treo thẳng đứng, phân bổ theo thứ tự âm thanh phát ra từ trầm đến vừa và thanh cao. Bộ phận thứ hai gồm nhiều thanh gỗ, bố trí gắn với hệ thống truyền chuyển động, sao cho dây chuyền hoạt động, các thanh gỗ này chuyển động nhịp nhàng qua lại và gõ vào ống nứa phát ra âm thanh. Bộ phận thứ ba là máng hứng nước từ nguồn nước tự nhiên. Nước xối vào máng đến khi đầy, máng sẽ tự động trĩu xuống, kéo theo cả hệ thống thanh gõ hoạt động, lần lượt gõ vào các ống nứa làm các ống này phát ra âm thanh. Khi máng trĩu xuống, nước trong máng bị đổ hết ra ngoài, máng chuyển động trở về vị trí ban đầu, cũng lại làm cho hệ thống thanh gõ hoạt động gõ vào các ống nứa. Cứ thế, máng nước trĩu xuống, nâng lên, làm cho hệ thống thanh gõ chuyển động qua lại liên tục gõ vào ống nứa suốt ngày đêm và đàn nước cứ thế liên tục phát ra âm thanh theo chu kỳ chuyển động như trên.

Tuỳ theo nguồn nước, lớn hay nhỏ mà người ta làm đàn nước lớn hay bé. Âm thanh đàn nước hàng ngày vừa đuổi chim thú, vừa là phương tiện để giúp vui cho bà con khi cả ngày làm lụng trên nương rẫy. Chỉ với những ống nứa, những đoạn gỗ, vậy mà đàn nước có đầy đủ các âm thanh trầm, bổng như các nốt nhạc. Sự độc đáo của đàn nước là nó được tạo ra có âm thanh, tiết tấu gần giống như một dàn cồng chiêng của đồng bào DTTS. Người Ba Na và người Xơ Đăng ở Kon Tum đều có truyện cổ dân gian khá hay về nguồn gốc của loại đàn nước này…

Đàn nước rất gần gũi với bà con dân tộc Tây Nguyên. Trên địa bàn Kon Tum, đâu đó ta cũng dễ bắt gặp những giàn đàn nước ở các huyện Đăk Glei, Đăk Tô, Tu Mơ Rông hay Kon Rẫy. Đặc biệt hơn, đàn nước không cần nhạc công hay người biểu diễn. Chính vì thế mà tiếng đàn nước là tiếng đàn vô tận, không có giới hạn về thời gian, như lời thơ của Tạ Văn Sỹ: Đàn Ting gling theo anh về đến nhà/theo em vào tận bếp/Len vào cả giấc mơ khuya/Ơ tiếng đàn không ngủ.

Đã trên 25 năm gắn bó với Đoàn Nghệ thuật Dân tộc Kon Tum, đầu năm 2016, nhạc sĩ A Đuh nghỉ hưu. Trong anh vẫn canh cánh một nỗi niềm làm cây đàn nước trên suối Đăk La, để giới thiệu với bạn bè và hơn hết là để âm thanh của đàn nước chính là tiếng giục giã người Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Gia Rai… lên nương lên rẫy; cũng là tiếng gọi ấm áp, thân thương của nước, của núi rừng gọi cộng đồng dân làng về đoàn tụ mỗi dịp cúng Yàng, lễ hội… Nhưng ý định đó đến nay vẫn chưa thực hiện được, vì Đăk La là vùng trũng, nước suối không chảy xiết. Trăn trở về cây đàn nước, anh hứa sẽ tìm lại về suối nguồn, làm cây đàn nước cho riêng mình.

Tôi chia tay nhạc sĩ A Đủh vào cuối ngày. Kon Tum đang bước vào xuân với nhịp điệu rộn ràng và náo nức. Đây đó tiếng cồng chiêng, tiếng klông put, tiếng đing tút thánh thót âm vang. Hy vọng một ngày nào đó, tiếng đàn nước của nhạc sĩ A Đuh sẽ hòa nhịp cùng các tiếng đàn trong thời khắc giao hòa, đất trời, sông suối bước sang xuân.

                                                                         Bài, ảnh: Dương Lê

Chuyên mục khác