Nhà rông ơi, tôi đứng về phía các già làng!

02/07/2018 13:04

​Ngồi trên bậc nhà rông của làng, nhìn ra mặt hồ Ya Ly mịt mờ sóng nước, lắng nghe tiếng mưa gõ đều đều trên mái tôn, già làng A Dót (làng Rắc, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy) tiếc nuối nói: Từ khi nhà rông được "bê tông hóa" là đã đánh mất đi hồn cốt của nó rồi, dân làng nhớ lắm nhà rông bằng gỗ, bằng tranh trước kia...

1. Từ bao đời, với đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, nhà rông là trung tâm hội tụ để “văn hóa làng” tồn tại và phát triển; là niềm tự hào của bà con dân làng, biểu tượng khát vọng, ý chí, sức mạnh của cộng đồng làng. Các già làng thường nói rằng, đã là làng là phải có nhà rông.

Theo phong tục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Kon Tum, khi chuẩn bị lập làng, già làng đi chọn khu đất đẹp nhất để lập dựng nhà rông và thường phải là khu đất cao ráo, thoáng mát về mùa nắng, ấm áp về mùa mưa, đặt ở trung tâm của làng, từ xa, dù ở hướng nào, cũng nhìn thấy được mái nhà rông của làng.

Nhà rông nơi tổ chức các lễ hội của làng

 

Dù nhà rông của mỗi dân tộc thiểu số tại chỗ ở Kon Tum có những nét riêng trong kiến trúc, tạo dáng, trang trí hoa văn, nhưng nhìn chung đều có chung đặc điểm mái nhọn xuôi dốc hình lưỡi búa vươn lên bầu trời với một dáng vẻ mạnh mẽ.

Nhà rông được dựng trên những cây cột gỗ to, thẳng chắc, thường là 8 cột; mái lợp bằng lá cỏ tranh phơi kỹ cho đến khi khô vàng. Nhà rông của người Ba Na, Gia Rai (thành phố Kon Tum), Xơ Đăng Tơ Đrá (huyện Đăk Hà)… phần mái đều rất cao, phổ biến từ 16-20m; còn nhà rông của các dân tộc Xơ Đăng Xơ Teng, Giẻ - Triêng, Xơ Đăng Hà Lăng, Xơ Đăng Mơ Nâm ở các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, có phần mái thấp dần, chiều cao chỉ khoảng từ 10 -14m.

Mỗi dân tộc lại có tập quán làm cửa lên nhà rông khác nhau; thường thì có từ 2 đến 4 cửa, gồm phía trước, sau và 2 bên. Cầu thang chính lên nhà rông có cột và tay vịn được trang trí theo kiểu chạm khắc gỗ tạo thành nhiều hình tượng dân gian với đường nét thô ráp, khỏe khoắn. Như người Ba Na trang trí hình rau dớn, người Gia Rai trang trí hình quả bầu đựng nước, người Xơ Đăng và Giẻ -Triêng là hình núm chiêng hay mũi thuyền…

Điểm độc đáo của nhà rông truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Kon Tum là đều được làm từ các nguyên liệu tự nhiên: gỗ, tranh, tre, nứa..., không dùng đến sắt thép. Các chỗ nối chắp đều được chặt đẽo cẩn thận rồi dùng mây, lạt tre để buộc; sàn nhà được ghép bằng những tấm đan làm bằng nguyên liệu tre nứa. Giữa nhà có một hàng lan can chạy dọc. Hàng lan can này chính là chỗ dựa của những ghè rượu khi làng tổ chức lễ hội.

Trên sàn nhà rông phải có ít nhất 1 bếp lửa, thường là có 2 bếp, có nhà rông có từ 3-4 bếp để buổi tối bà con đốt lửa tổ chức những buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hát kể sử thi, kể truyện cổ dân gian, đàn hát dân ca đối đáp…

Trong nhà rông, dù là dân tộc nào, đều có một nơi thiêng liêng để thờ các vật thiêng, có khi chỉ là một con dao, hòn đá, chiếc sừng trâu...

Ngày nay, hầu hết nhà rông ở Kon Tum đều treo ảnh, đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và cờ Tổ quốc.

 

2. Trong trí nhớ của già làng A Dót, xưa kia, dưới mái nhà rông, đêm này qua đêm khác, có khi kéo dài đến hàng chục đêm, những người già thường hát kể cho con cháu nghe những bản trường ca về những người anh hùng huyền thoại và về sự hình thành vũ trụ cùng sự sống trên trái đất này...

Dưới mái nhà rông, đêm đêm, ngay từ tấm bé, đứa trẻ đã được theo cha hay mẹ đến dự những buổi tụ hội cả làng ở nhà rông. Quanh bếp lửa, qua trò chuyện, ca hát, chơi đùa, thậm chí cả la đà bên ghè rượu, người đi trước truyền cho sau, từ đời này sang đời khác cách săn con thú trong rừng, cách trỉa lúa trên rẫy, cách xem trời nắng mưa, cách sống với rừng và với người, cách ứng xử với người già, người trẻ, người quen, người lạ, với bạn với thù, với người còn sống và người đã chết, với con người và với thần linh...

Dưới mái nhà rông, dân làng hội họp để bàn bạc, quyết định những vấn đề lớn nhỏ liên quan đến đời sống của dân làng; là nơi tiếp khách của làng; nơi già làng chủ trì thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng của cộng đồng làng…

Tiếc thay, qua thời gian, cũng như những nét văn hóa khác du nhập, nhà rông truyền thống ở nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang đối mặt với nhiều nguy cơ mai một dần giá trị và vai trò trong đời sống văn hóa, tinh thần của các tộc người.

Điều đáng nói là, trong quá trình phục hồi, bảo tồn, phát triển nhà rông, đã xuất hiện tình trạng "hiện đại hóa" hay "bê tông hóa", "tôn hóa" nhà rông, đánh mất đi đặc trưng riêng có.

Theo thống kê, trong tổng số nhà rông hiện có trên địa bàn toàn tỉnh, chỉ có 77,4% số nhà rông được xây dựng bằng vật liệu gỗ, tranh, tre, nứa, lá theo đúng nguyên mẫu truyền thống; 22,6% số nhà rông xây dựng bằng các vật liệu hiện đại, bê tông, cốt thép.

Ngồi trên bậc nhà rông của làng, nhìn ra mặt hồ Ya Ly mịt mờ sóng nước, lắng nghe tiếng mưa gõ đều đều trên mái tôn, già làng A Dót nói: Khi di dời, đền bù để xây dựng công trình thủy điện Ya Ly, bên đền bù đã "bê tông hóa" nhà rông của làng, dân làng không ưng bụng, bởi như vậy nhà rông - nơi sinh hoạt cộng đồng của dân làng thiếu đi “cái hồn”.

Dưới mái nhà rông bị bê tông hóa, tiếng cồng chiêng, điệu múa xoang xoay quanh ánh lửa bập bùng trong các lễ hội như lạc điệu. Dân làng nhớ lắm nhà rông bằng gỗ, bằng tranh thôi - già A Dót tiếc nuối.

Tôi kể với già A Dót về chuyện dân làng Xốp Dùi (xã Xốp, huyện Đăk Glei) nhất quyết không dựng nhà rông bằng bê tông, lợp mái tôn, mà chờ gom đủ vật liệu mới sửa nhà rông, vì nhà rông phải có hồn cốt của nó, phải làm từ những thứ xin từ đại ngàn, phải hòa điệu với chiêng xoang, rượu ghè, bếp lửa và những dịp "ăn tháng uống năm". Dù không phải làng mình nhưng trông nét mặt của già A Dót cũng vui hớn hở.

- Bây giờ làng Xốp Dùi ấy đã có nhà rông chưa? - ông hỏi.

- Có rồi già ơi. Sau nhiều tháng chuẩn bị vật liệu và hơn 1 tháng thi công, nhà rông của làng Xốp Dùi được hoàn thành, rất đẹp, sử dụng toàn bộ vật liệu truyền thống như gỗ, tranh, tre, nứa, mây...

- Ừ, thế mới phải - ông nói.

 Nhưng rồi, nhìn lại mái nhà rông lợp tôn đỏ thẫm của làng, ông lại thở dài: Dân làng vẫn rất nhớ ngôi nhà rông cũ, được dựng lên từ những vật liệu của núi rừng. Nay nhà rông bị bê tông hóa, người dân trong làng không còn gần gũi nhà rông như xưa...

Thời gian qua, Nhà nước đã có sự quan tâm đầu tư cho việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, trong đó có nhà rông. Nhưng điều mong muốn là, Nhà nước có chính sách hỗ trợ để dựng lại nhà rông theo kiểu truyền thống, vì muốn giữ gìn, phát huy giá trị nhà rông, trước hết phải "trả" cho nó hình hài, vóc dáng vốn có - già A Dót kiến nghị.

Và nhà rông ơi, tôi đứng về phía các già làng!

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác