Người khơi nguồn văn hóa Ba Na

30/01/2020 06:03

“Hữu xạ tự nhiên hương”, từ quá trình nghiên cứu, khơi nguồn văn hóa dân tộc, A Thút cùng đoàn cồng chiêng làng Đăk Wơk, xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) được nhiều nước mời biểu diễn cồng chiêng, hát kể sử thi... ở các sự kiện văn hóa lớn.

Nuôi dưỡng từ mạch nguồn văn hóa

Không cần phải suy nghĩ, khi trao đổi về người có những đóng góp lớn trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa  truyền thống của dân tộc Ba Na ở xã Hơ Moong, ông Nguyễn Văn Niệm – nguyên Bí thư Đảng ủy xã và Mai Nhữ Nam – Chủ tịch UBND xã đều giới thiệu ngay A Thút (dân tộc Ba Na) ở làng Đăk Wơk. Cũng đúng thôi, với những đóng góp của ông trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Ba Na, từ lâu tên tuổi A Thút, đội cồng chiêng làng Đăk Wơk... đã vượt ra khỏi ranh giới làng, được nhiều người trong và ngoài nước biết đến.

Tự nghĩ mình thiếu sót, nếu như không viết gì về A Thút, mới đây, tôi tìm đến làng Đăk Wơk, nhưng không may, lúc đến thăm, ông đang bận việc trên rẫy. Dù vậy, khi nghe cán bộ xã gọi điện thoại có nhà báo đến thăm, tìm hiểu về văn hóa Ba Na, ông vui vẻ bỏ dở công việc về nhà tiếp khách.

Nghệ nhân A Thút cùng đoàn cồng chiêng làng Đăk Wơk, xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) thực hiện nghi thức lễ hội cầu an. Ảnh: QĐ

 

Sau tay bắt, mặt mừng, ông cùng tôi khề khà bao chuyện. Theo lời ông kể, ngày xưa ông yêu thích organ, trống..., không biết gì nhiều về văn hóa truyền thống. Kể từ năm 1998, khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII), ông mới nhận thức rõ hơn về vai trò của văn hóa. 

“Nghị quyết Trung ương 5 làm cho mình “sáng mắt, thính tai” thêm, bởi văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần thì dân tộc khó phát triển bền vững. Từ đó mình mới từng bước đi sâu tìm hiểu văn hóa của người Ba Na”- A Thút bộc bạch.

Đó là ông khiêm tốn vậy, chứ từ khi sinh ra A Thút đã đẫm mình trong văn hóa truyền thống Ba Na nhiều tầng, nhiều lớp và được nuôi dưỡng từ mạch nguồn của núi rừng, của sông nước Pô Kô.

Ngay cả thời điểm khó khăn nhất, ấy là khoảng giữa thập niên tám mươi của thế kỷ trước, ông bàn với vợ bán gần như cả gia tài là 3 con bò để mua bộ cồng chiêng quý của cha vợ đem về cất giữ trong nhà trước sự tiếc nuối của giới chơi đồ cổ. Điều đó để nói rằng, không yêu văn hóa, không được tưới tắm, nuôi dưỡng từ mạch nguồn văn hóa ở một gia đình có bề dày truyền thống với bố, ông nội đều là những già làng có uy tín, am hiểu cồng chiêng, giỏi hát kể hơ mon (sử thi) Ba Na... thì khó làm được điều này. Chính vì được nuôi dưỡng từ mạch nguồn này, cùng với nhận thức từ Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), hun đúc cho A Thút nhiệt huyết, sự đam mê khám phá văn hóa Ba Na. 

Làm say đắm lòng người

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) như thổi bùng “lửa” văn hóa truyền thống trong A Thút. Sẵn có vốn tri thức văn hóa Ba Na, kể từ đó A Thút bắt đầu tham gia nghiên cứu, biên dịch sử thi, sưu tầm các điệu cồng chiêng, dân ca Ba Na. Ông trở thành nghệ nhân cồng chiêng, hát kể sử thi lúc nào không rõ và ngày càng tinh tường văn hóa Ba Na.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, từ quá trình nghiên cứu, khơi nguồn văn hóa dân tộc, A Thút cùng đoàn cồng chiêng làng Đăk Wơk được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nhiều nước mời biểu diễn cồng chiêng, hát kể sử thi. 

“Mang chuông đi đánh xứ người”, tiếng cồng chiêng, hát kể sử thi Ba Na làng Đăk Wơk - đại diện cho Tây Nguyên ngân vang ở nhiều sự kiện văn hóa tại Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Malaysia... và đều khiến khách mê mẩn. 

Tôi cũng từng được xem đội cồng chiêng của làng Đăk Wớt biểu diễn trong không gian văn hóa ở các sự kiện lễ hội. Tiếng cồng chiêng khi trầm hùng như trên chiến trận, khi như gió hú đuổi nhau trên sườn đồi, khi như nước chảy, thác đổ, chim ngân đưa con người về với thiên nhiên... Kẻ dốt đặc về âm nhạc như tôi còn mê, huống hồ là dân sành sỏi.

Các em nhỏ học đánh cồng chiêng. Ảnh: VN

 

Giữ gìn và truyền lửa

Không để vốn văn hóa của dân tộc mai một, A Thút luôn miệt mài nghiên cứu, sáng tác các điệu chiêng, bài hát... trên nền dân ca cũ, ghi lại thành bài để lưu truyền.

Nói về bài chiêng, ông có bài “Vì rượu mất người yêu” hay các bài chiêng, điệu chiêng không lời được đặt tên “Con chim lợn”, “Cô gái đi xách nước giọt”, “Cùng em đi đến tận chân trời”... để dễ nhớ.

Về hát kể sử thi, A Thút ghi lại và có thể hát kể “Giông bán nồi”, “Giông ngủ trên mái nhà rông”, “Bà Trai Trăng tạo dựng đất trời”, “bà Kẻ Kol tạo ra mặt trăng, mặt trời”...

Về truyện cổ, ông ghi lại các truyện: “Ông Tang ăn mật ong”, “Ngăn chia thịt”, “Rít giả dạng”...

Về dân ca, A Thút vừa sưu tầm, vừa sáng tác dựa trên làn điệu dân ca của dân tộc mình một số bài như: “Rủ nhau đi hái rau rừng”, “Em vui giã gạo”, “Lời ru em”...

Về điệu xoang, A Thút vừa sưu tầm, vừa sáng tác một số điệu: “Lễ hội ăn trâu”, “Cô gái đi xách nước giọt”, “Con chim lợn”...

Càng bỏ công nghiên cứu, ghi lại và sáng tác mới, A Thút  càng tự hào về dân tộc mình. Càng khơi “lửa”, ông lại thấy mình phải có trách nhiệm truyền “lửa” cho dân làng và lớp con cháu biết quý trọng văn hóa dân tộc mình.

Ý nguyện của ông được cấp ủy, chính quyền địa phương hoan nghênh và hỗ trợ. “Mình mở được 5 lớp dạy cồng chiêng, múa xoang cho dân làng Đăk Wơk, Kơ Tol ở xã Hơ Moong. Các làng bây giờ đều có các đội cồng chiêng lớn tuổi và đội cồng chiêng thiếu nhi” – A Thút chia sẻ.

Những đóng góp của ông được dân làng ghi nhận. “Bác Thút am hiểu văn hóa dân tộc Ba Na. Ngày trước, em cũng như nhiều bạn cùng lứa không biết đánh cồng chiêng. Nhờ bác truyền dạy mà em được tham gia đội cồng chiêng của làng Đăk Wơk; được đi thủ đô Hà Nội biểu diễn cồng chiêng. Thích lắm!”- A Kháo, làng Đăk Wơk ngưỡng mộ bày tỏ.

Từ các chuyến đưa đội cồng chiêng, múa xoang đi biểu diễn ở các nước, ông được nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa ở nước ngoài chú ý đến. “Mới đây, gia đình Thút vinh hạnh tiếp Giáo sư Nakisama nghiên cứu về văn hóa, Atisu nghiên cứu về trống (người Nhật Bản) đến nhà và nghỉ lại đêm ở làng Đăk Wơk. Khi xem dân làng biểu diễn cồng chiêng, khách rất thích thú!”- ông kể. 

Không làm say đắm lòng người từ tiếng cồng chiêng, hát kể sử thi, vòng xoang uyển chuyển..., thì chắc chắn các nhà nghiên cứu và du khách sẽ không biết đến A Thút và đội cồng chiêng làng Đăk Wơk nơi miền cao Hơ Moong. Thế mới thấy sức hút “lửa” thiêng mà A Thút góp sức không nhỏ để khơi nguồn.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác