Người kể sử thi ở làng Kon Kơ Lâng

20/10/2020 06:06

Như một ngôi sao sáng trong kho tàng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, sử thi Ba Na đóng vai trò quan trọng trong đời sống, sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân. Sử thi Ba Na không những có giá trị nghệ thuật dân gian mà còn mang đậm tính nhân văn.

Chúng tôi tìm đến nhà nữ nghệ nhân kể sử thi Y Phôih (73 tuổi) ở làng Kon Kơ Lâng (thôn Đăk Ơ Nglăng, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) vào một sáng mưa bay lất phất. Ngôi nhà nhỏ thật xinh xắn, mọi đồ dùng trong nhà được bày biện ngăn nắp, sạch sẽ. Bà Y Phôih đang ở nhà, bởi mấy tháng trước đây bà bị ngã gãy xương đùi nên không đi lại được.

Ngồi trên chiếc giường, bà vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi. Sau khi biết ý định của tôi tìm hiểu về sử thi Ba Na, đôi mắt bà chợt rực sáng như gợi mở, hồi tưởng về quá khứ xa xưa, về những câu chuyện mang đậm tính nhân văn gắn với từng số phận, đời người mà tổ tiên của bà đã để lại.

Bà Y Phôih cho biết, năm nay mình 73 tuổi. Từ năm 16 tuổi bà đã biết kể sử thi do cha mẹ bà truyền dạy. Gắn bó với sử thi, cứ mỗi lần trong làng có chuyện buồn, bà đều đến kể sử thi. Những lúc như vậy, bên bếp lửa hồng cùng ghè rượu cần, bà có thể kể chuyện đến sáng mà không mệt mỏi. Người già, con nít trong làng cứ trương mắt, lắng tai ngồi nghe không biết chán. Cho dù câu chuyện sử thi này, có người nghe bà kể đến hàng trăm lần cũng vẫn thích. Bởi bà Y Phôih có một chất giọng ấm áp, truyền cảm đến lạ. Theo câu chuyện kể trong từng giai đoạn, từng hoàn cảnh khác nhau mà bà có giọng kể, âm điệu trầm, bổng, nhanh, chậm khác nhau.

Nghệ nhân ưu tú Y Phôih hát kể sử thi. Ảnh: NGHĨA HÀ

 

Sử thi bà Y Phôih kể có tên gọi là Yă Rơ Ven (người khuyết tật). Chuyện kể rằng, từ ngày xửa ngày xưa, ở một ngôi làng nọ có một người con trai tên Dyông đem lòng yêu thương một người con gái bị khuyết tật cùng làng. Mối tình của họ đã bén rễ từ rất lâu, khi hai người còn nhỏ, chàng trai thường xuyên sang chăm sóc cho người con gái bị khuyết tật.

Tình yêu của họ cứ lớn dần theo năm tháng, càng ngày càng mặn mà, làm cho những người con gái khác trong làng sinh lòng đố kỵ. Họ cho rằng, chàng trai Dyông là người tháo vát, khỏe mạnh, đẹp người, trong làng đâu có thiếu con gái đẹp, khỏe mạnh, lành lặn, mà chàng lại đem lòng yêu thương người con gái tật nguyền, như thế là không công bằng.

Vậy là, những người con gái trong làng bày mưu tính kế để hãm hại người con gái tật nguyền. Họ tổ chức kéo sang nhà người con gái tật nguyền đánh nàng và xỉ vả, chửi rủa thậm tệ… Thế nhưng, tình yêu của hai người vẫn không có gì ngăn cản được.

Một thời gian sau như có một phép màu, người con gái tật nguyền bỗng dưng “lột xác”, hóa thân thành một người lành lặn với một vẻ đẹp “chim sa, cá lặn” giống một nàng tiên giáng trần. Người già trong làng và con nít hết sức trầm trồ, ngợi khen. Và cũng từ đó, những người con gái khác trong làng hết đố kỵ, bởi họ không thể sánh với vẻ đẹp thuần khiết của người con gái từng bị tật nguyền trước kia.

Cảm động trước tấm chân tình của chàng trai Dyông, cô gái đẹp như nàng tiên không còn bị tật nguyền nữa đồng ý làm vợ chàng và hai người đã tổ chức một đám cưới giản dị nhưng vô cùng vui vẻ, trước sự chứng kiến, hân hoan của dân làng.

Thế nhưng, tai họa lại ập đến với đôi uyên ương khi tưởng chừng như hạnh phúc thực sự đã đến với hai người.

Nghe tin đồn có người con gái tật nguyền hóa thân đẹp như tiên nữ giáng thế, những người con trai ở làng bên tổ chức họp bàn để bắt cóc người con gái này về làm vợ.

Nhân lúc chàng trai Dyông vắng nhà, những thanh niên làng bên đem lực lượng sang cướp cô gái về làng mình cưỡng ép làm vợ. Nghe tin vợ mình bị bắt cóc, chàng trai Dyông xin phép già làng cho mình tổ chức những thanh niên trai tráng trong làng để đến làng bên đánh cướp lại vợ. Trận quyết chiến nhanh chóng kết thúc, chàng trai Dyông đã chiến thắng và đưa vợ mình trở về làng an toàn… Thua về nhiều mặt, đám thanh niên làng bên cũng không còn có ý định phục thù. Từ đó, hai vợ chồng họ sống với nhau hạnh phúc cả đời, sinh con đẻ cháu nối dõi đến muôn đời sau.

Sử thi Yă Rơ Ven tóm tắt lại chỉ bấy nhiêu. Nhưng cả một câu chuyện mà bà Y Phôih kể là một trường ca nhiều chương, nhiều hồi, nhiều giai đoạn dài bất tận nói về một thiên tình sử bi hùng.

Vợ chồng bà Y Phôih tại căn nhà riêng của mình. Ảnh: D.Đ.N

 

Theo bà Y Phôih, sử thi Yă Rơ Ven nói về một mối tình chung thủy vượt thời gian, bất chấp mọi hoàn cảnh éo le, ngang trái, số phận không may mắn của một đời người, trải qua nhiều sóng gió, gian lao, thử thách, bao cay đắng, cuối cùng tình yêu của một đôi trai gái cũng đâm hoa, kết trái. Họ thật sự được hạnh phúc khi biết trân quý và bảo vệ tình yêu của mình mặc cho người họ yêu ở bất cứ số phận nào, hoàn cảnh nào.

Bà Y Phôih cho biết, trước đây bà hay kể sử thi lắm. Ngoài kể ở những gia đình có chuyện buồn, bà còn hay kể tại nhà riêng hay tại các nhà rông khi làng có việc. Có nhiều người nghe rất nhiều lần rồi, nhưng không thể kể lại được như bà. Người nào cố lắm cũng chỉ nhớ một vài đoạn.

Trước sự phát triển của xã hội thông tin, bây giờ thì càng ngày càng ít người nghe bà kể sử thi. Bởi cuộc sống kinh tế - xã hội phát triển, hiện tại nhà nào cũng có ti vi, phim ảnh cùng nhiều chương trình giải trí văn hóa khác nên mọi người không có thời gian đến để nghe.

Bà Y Phôih đưa đôi mắt dõi xa xăm, giọng bà trở nên buồn: Bây giờ thi thoảng vẫn có mấy đứa cháu trong làng đến chơi thì tôi lại kể sử thi. Nhưng chúng nó nghe chỉ được một lúc rồi lại đi. Trước đây, trong làng Kon Kơ Lâng có 3 người biết kể sử thi, nhưng 2 người kia đã qua đời, giờ trong làng này chỉ còn mỗi mình tôi… Bà Y Phôih bỗng xót xa.

Qua câu chuyện kể của bà Y Phôih, có thể thấy sử thi Ba Na luôn giữ vị trí quan trọng trong sự liên kết cộng đồng của người bản địa. Qua sinh hoạt, lao động sản xuất sử thi đã trở thành cầu nối giữa cuộc sống hiện tại và thế giới tâm linh. Cũng có nghĩa là “con đường” duy nhất, ngắn nhất để kết nối giữa con người đang sống với tổ tiên; giữa quá khứ với hiện tại.

Sử thi Ba Na cũng chính là những bản trường ca nói lên khát vọng của dân tộc về một cuộc sống hạnh phúc, thịnh vượng, ngợi ca tình yêu, lòng cao thượng, trí dũng con người trước thử thách của thiên nhiên và trong đấu tranh với cái ác.

Với sự độc đáo của sử thi Ba Na, trước nguy cơ di sản văn hóa truyền khẩu này bị mai một, tháng 4/2017, sử thi Ba Na đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, để có hướng gìn giữ, bảo tồn.

Và chúng ta thật sự vui mừng vào ngày 8/3/2019, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho bà Y Phôih vì đã có những cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Sử thi Ba Na là một di sản văn hóa truyền khẩu vô vùng quý báu. Vì vậy, đòi hỏi các ngành chức năng cần có những giải pháp bảo tồn, gìn giữ, tránh để thất truyền đối với thế hệ mai sau.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác