Người kể chuyện trên thổ cẩm

01/03/2022 06:03

Ngồi bên trong nhà sàn, dưới ánh mặt trời hắt qua ô cửa nhỏ, bà Y Yin (69 tuổi) cặm cụi dệt cho xong tấm thổ cẩm để kịp gửi khách du lịch ở nơi xa đặt mua. Ở làng, bà nổi tiếng là người dệt thổ cẩm giỏi với những họa tiết, hoa văn truyền thống của người Ba Na thật đẹp đẽ. Dưới bàn tay khéo léo của mình, bà đã “kể” bao câu chuyện về cuộc sống thường nhật của dân làng lên thổ cẩm mà ai một lần nhìn thấy cũng mê mẩn.

Đón ánh bình minh cùng làn sương sớm sau trận mưa trái mùa kéo dài cả đêm, khung cảnh làng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) quyến rũ đến lạ thường. Không khí se lạnh hòa cùng ánh nắng buổi sáng sớm khiến ngôi làng thật trong lành, mát mẻ. Những bụi hoa trồng dọc đường làng đua nhau khoe sắc. Trên mái của những ngôi nhà tranh bên cạnh giếng nước, nơi các hộ dân trong làng dùng làm gian bếp nấu đã bốc khói nghi ngút từ bao giờ. Ngày mới bắt đầu, sau khi chuẩn bị phần cơm cho người chồng mang theo để lên rẫy, nhiều phụ nữ địu con trên lưng tranh thủ quét dọn lại khuôn viên nhà ở của mình. Còn lũ trẻ trong làng, chúng vừa đi bộ vừa nô đùa, cùng nhau cắp sách đến trường.

Bà Y Yin dệt thổ cẩm bên trong ngôi nhà sàn. Ảnh: ĐT

 

Mặc cho âm thanh ồn ào phát ra từ lũ trẻ, ngồi bên trong ngôi nhà sàn, bà Y Yin vẫn tập trung dệt cho xong chiếc khăn choàng bằng thổ cẩm mà khách du lịch đến từ Nhật Bản đặt mua. Trong lần ghé thăm làng cổ Kon K’tu cách đây không lâu, họ được gặp gỡ và đặc biệt ấn tượng bởi tài nghệ dệt thổ cẩm của bà Y Yin. Họ thích thú với những tấm thổ cẩm do bà Y Yin dệt nên thông qua người hướng dẫn viên du lịch, họ đặt bà Y Yin dệt cho họ 2 chiếc khăn choàng thổ cẩm. Mỗi chiếc khăn có bề rộng 30cm và dài 2m. Ngoài những hoa văn truyền thống của dân tộc Ba Na, trên mỗi chiếc khăn còn có những hoa văn hình người phụ nữ Ba Na đang giã gạo, những người đàn ông chèo thuyền vượt sông Đăk Bla, hình ngôi nhà rông-linh hồn của dân làng.

Với hầu hết người phụ nữ Ba Na ở làng cổ Kon K’tu, tấm thổ cẩm với nhiều hoa văn không chỉ là tác phẩm được làm bằng tay kì công, mà còn là sự sáng tạo và nơi gửi gắm những tình cảm, tâm tư của họ. Bà Y Yin cũng vậy, mỗi lần dệt thổ cẩm, cầm nắm bộ khung cửi cũ kĩ mà ngày xưa mẹ ruột của bà hay sử dụng, bà như hoài niệm với thời gian tuổi thơ của mình. Khung cảnh ngôi làng Kon K’tu khi đó, đời sống sinh hoạt của người dân trong làng và cuộc sống của gia đình như hiện rõ trong tâm trí của bà.

Lúc còn nhỏ, bà Y Yin rất thích vẽ. Mỗi lần đi chăn bò trên rẫy, ngồi dưới bóng mát của tán cây xanh, bà hay cầm cành cây vẽ xuống đất những hình mình yêu thích, như hình con người, hình con vật, hình nhà rông. Còn lúc ở nhà, mỗi khi cho đàn gà nuôi ở phía sau vườn nhà ăn, bà cũng hay cầm cục than rồi vẽ lên nền đất.

Tấm thổ cẩm có hoa văn truyền thống lẫn hình vẽ về cuộc sống của dân làng Kon K’tu được bà Y Yin dệt. Ảnh: ĐT

 

Niềm yêu thích với vẽ cứ thế lớn dần trong bà Y Yin. Đến năm 12 tuổi, bà Y Yin bắt đầu kết hợp những kỹ năng dệt thổ cẩm được mẹ ruột truyền dạy cùng với sự sáng tạo, khả năng vẽ của mình để dệt nên những tấm thổ cẩm vừa có họa tiết, hoa văn truyền thống của dân tộc Ba Na, vừa có những bức hình miêu tả đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân ở làng Kon K’tu.

Từ đó đến nay, bà Y Yin không nhớ rõ mình đã đan rồi dệt biết bao tấm thổ cẩm. Nhưng bà nhớ rất rõ những tấm thổ cẩm mà bà mất nhiều thời gian và công sức để dệt, đó là câu chuyện cổ của làng Kon K’tu về phú ông Hrơ giàu có cùng anh Hrít nghèo khổ, những câu chuyện về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hay những bức hình về cuộc sống đời thường của người dân ở các làng lân cận.

Với bà Y Yin, thiếu nữ muốn dệt thổ cẩm giỏi phải có niềm đam mê và trải qua thời gian học và luyện tập rất lâu. Từ học dệt tấm thổ cẩm trơn, sau đó học dệt những đường hoa văn cơ bản. Sau khi dệt thành thạo các bước trên mới đến bước học dệt những hoa văn phức tạp hơn và cuối cùng là dệt những hoa văn theo sự sáng tạo của mình.   

Vì không có tính đối xứng nên để dệt được những hoa văn hay hình vẽ theo sự sáng tạo của mình lên tấm thổ cẩm, người dệt cần phải có trí nhớ thật tốt, tỉ mỉ và khéo tay, bà Y Yin tâm sự.

Bà Y Yin cũng chia sẻ, thời gian hoàn thành việc dệt 1 tấm thổ cẩm ngoài phụ thuộc vào sử dụng để làm váy, khố, khăn hay chăn đắp, còn phụ thuộc vào chi tiết hoa văn nhiều hay ít và sức khỏe của người dệt.

Trước đây, khi còn khỏe mạnh, bà Y Yin thường dệt thổ cẩm trong những ngày mưa kéo dài hay sau bữa cơm tối mỗi ngày. Nay tuổi đã già, hay ốm đau nên bà chỉ dệt thổ cẩm lúc khỏe mạnh và rảnh rỗi.

Bà Y Yin yêu nghề dệt nên đều truyền dạy lại cho các con của mình. Dẫu vậy, để đạt được kỹ thuật vừa dệt những hoa văn truyền thống của dân tộc, vừa dệt những bức hình về con người, cảnh vật, nhà cửa, cây cối, chưa kể để tấm vải thổ cẩm có tính thẩm mỹ, tức mặt trên của tấm thổ  cẩm có hoa văn và mặt dưới không có hoa văn, thật sự rất khó, nhất là đối với người phụ nữ trẻ, nên hiện giờ chỉ có người con dâu của bà đang theo học và làm được kỹ thuật này.

Bà Y Yin dệt nên những tấm thổ cẩm có tính thẩm mỹ cao, thu hút được nhiều khách du lịch đặt mua. Ảnh: ĐT

 

Giống như những phụ nữ dệt thổ cẩm giỏi khác sinh sống ở làng cổ Kon K’tu, bà Y Yin thỉnh thoảng nhận được đơn hàng dệt những tấm thổ cẩm từ khách du lịch. Ngoài dệt theo đơn đặt hàng từ trước, bà và mọi người còn dệt để trưng bày và bán tại nhà để có thêm nguồn thu nhập.

Nhờ giữ nghề truyền thống và phát huy sự độc đáo, sáng tạo trong kỹ thuật dệt thổ cẩm của dân tộc, bà Y Yin ngày càng được nhiều du khách biết đến, qua đó góp phần thúc đẩy và quảng bá du lịch cho làng cổ Kon K’tu.

Đức Thành

Chuyên mục khác