Người Hrê giữ gìn nghề đan lát

25/05/2021 06:06

Từ khi di cư ở vùng đất Quảng Ngãi lên Kon Tum sinh sống cho đến nay, người Hrê ở làng Vi Ô Lăk (xã Pờ Ê, huyện Kon Plông) vẫn gìn giữ nghề đan lát truyền thống của dân tộc. Đến nay, mặc dù xã hội phát triển, đời sống người dân cũng được nâng cao nhưng hầu hết hộ gia đình Hrê trong làng Vi Ô Lăk vẫn sử dụng các vật dụng được làm từ đan lát như giỏ, gùi, rổ, nia hay chiếu trong đời sống, sinh hoạt và lao động sản xuất. Đây cũng là cách để người dân gìn giữ nghề truyền thống.

Ngồi trầm ngâm một lúc, bà Y Lam (sinh năm 1968) ở làng Vi Ô Lăk mới nhớ lại quãng thời gian còn sống chung nhà với bố mẹ và các anh chị của mình. Bà kể, khi ấy cuộc sống khó khăn, kinh tế gia đình phụ thuộc vào mấy mảnh ruộng. Dù vất vả nhưng bố mẹ của bà đều tranh thủ mỗi lần đi làm ruộng về, ngồi bên bếp củi để đan lát các vật dụng truyền thống của người Hrê.

Những vật dụng thường được sử dụng là giỏ đeo sau lưng có đáy hẹp để đựng cơm cùng nước uống khi đi rẫy; giỏ xách tay có đáy rộng để đựng sản vật tìm được sau mỗi lần đi rừng về; giỏ đeo bên hông để đựng cá, ếch, cua bắt được khi lội suối, lội ruộng. Hay những cái gùi dùng để cõng nông sản thu hoạch được (như mì, bắp, lúa), những cái rổ hở đáy để rửa rau hoặc thịt trước khi chế biến, rổ kín đáy giống như cái mâm để đựng thức ăn trong mỗi bữa cơm hoặc những cái nia, cái nong dùng để sàng lúa, phơi lúa và những tấm chiếu dùng để ngủ, để ngồi tiếp khách…

Bà Y Lam ở thôn Vi Ô Lăk (xã Pờ Ê, huyện Kon Plông) dùng lá dứa rừng để đan giỏ. Ảnh: Đ.T

 

Bà Y Lam cho hay, những cái giỏ và tấm chiếu được làm từ lá dứa rừng. Lá dứa rừng sau khi mang về nhà sẽ được cắt từng đoạn dài khoảng 2m, sau đó phơi ngoài trời nắng 1 ngày rồi mới đem đi đan. Còn những cái gùi, rổ, nia, nong được làm từ cây tre và dây mây. Cây tre và dây mây sau khi mang về sẽ được chẻ, cắt từng đoạn nhỏ dài từ 60cm trở lên, phơi trên gác bếp vài ngày để dẻo và dai, đồng thời, để nhuộm màu đen của khói trước khi đem sử dụng.

Thông thường, việc đan giỏ, rổ mất khoảng 1 ngày là hoàn thành. Còn những vật dụng còn lại mất khoảng vài ngày, có khi cả tuần mới xong, đặc biệt là chiếc gùi, vật dụng có nhiều bộ phận kết thành và cần sự tỉ mỉ cao. Bên cạnh đó, những vật dụng được làm từ cây tre và dây mây sau khi đan xong sẽ tiếp tục được treo lên gác bếp để tăng độ bền và thời gian sử dụng lâu.

Trong văn hóa đan lát của người Hrê, công đoạn tìm kiếm vật liệu được phân chia rõ ràng. Người đàn ông có nhiệm vụ đi tìm cây tre và dây mây, còn người phụ nữ có nhiệm vụ đi tìm lá dứa rừng. Khi đan lát có thể đan riêng nhưng những cặp vợ chồng hay đan cùng để hỗ trợ và giúp đỡ nhau.

Giỏ đựng cá là 1 trong 2 vật dụng người Hrê hay đem tặng nhất. Ảnh: Đ.T

 

Ngoài đan lát các vật dụng để gia đình sử dụng, người Hrê cũng hay đan lát để tặng người thân, bạn bè và khách ở xa tới thăm nhà. Trong đó, 2 vật dụng mà người Hrê hay đem tặng nhất đó là cái giỏ dùng để bỏ cá, ếch, cua bắt được khi lội suối, lội ruộng và tấm chiếu. Theo quan niệm của người Hrê, tặng những vật dụng ấy mang nhiều ý nghĩa, mong muốn người nhận sẽ luôn có những bữa cơm đầy thức ăn và có những giấc ngủ ngon.

Bà Y Lam vẫn còn nhớ lúc còn nhỏ bà được mẹ và chị gái lớn dạy đan lát. Vật dụng đầu tiên bà đan thành công là tấm chiếu, lúc đó bà mới 12 tuổi. Vì thích đan lát nên bà học hỏi rất nhanh, một thời gian sau bà cũng biết đan thuần thục những cái giỏ, cái rổ, cái nia, cái nong và cái gùi.

Từ lúc ấy cho đến lúc lập gia đình ra ở riêng, sinh con và hiện nay đã có cháu nội, cháu ngoại, bà Y Lam và chồng vẫn giữ gìn việc đan lát. Đôi lúc, người con gái thứ 2 cũng qua nhà phụ đan giúp vợ chồng bà.

“Các vật dụng được làm từ đan lát có thời gian sử dụng trung bình 5 năm, sau thời gian này, chúng tôi phải đan lại để gia đình có vật dụng mới phục vụ cho sinh hoạt đời sống và lao động sản xuất mỗi ngày”, bà Y Lam chia sẻ.

Làng Vi Ô Lăk có 85 hộ dân với hơn 300 khẩu. Dù cuộc sống đã thay đổi nhưng hầu hết các hộ dân ở đây vẫn giữ thói quen sử dụng các vật dụng đan lát truyền thống của dân tộc. Làng có khoảng 15 hộ dân còn gìn giữ việc đan lát và làm tốt công tác truyền dạy cho thế hệ con cháu giữ nghề truyền thống, điển hình như hộ gia đình ông A Màng – Y Tuyết, gia đình A Eo – Y Lối, gia đình A Tiêu – Y Thân và gia đình A Liệt – Y Mút…

Hiện nay, để giữ nghề truyền thống đan lát của người Hrê, chính quyền xã Pờ Ê đã chủ động kết nối với một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê tại thị trấn Măng Đen để trưng bày và bán các sản phẩm đan lát của các hộ dân làng Vi Ô Lăk. Đây là việc làm nhằm thúc đẩy xây dựng làng Vi Ô Lăk trở thành làng văn hóa - du lịch cộng đồng trong thời gian tới.

Bà Y Lam cho biết, bà rất vui mừng vì xã cùng các doanh nghiệp đã hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm đan lát cho người dân trong làng. Việc làm này không chỉ giúp các hộ dân có thêm thu nhập mà còn giữ gìn và phát huy tốt nghề truyền thống của dân tộc Hrê.

ĐỨC THÀNH

Chuyên mục khác